Xuất - nhập khẩu 7 tháng đầu năm và triển vọng 5 tháng cuối năm 2016
TCCSĐT - Năm 2015, Việt Nam là quốc gia duy nhất có giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng (với mức tăng là 7,9%, lên 162 tỷ USD) và cũng là quốc gia duy nhất trong số 30 quốc gia nhập khẩu hàng đầu có giá trị nhập khẩu tăng (mức tăng 12,3% và lên 166 tỷ USD). Bảy tháng đầu năm 2016, tình hình xuất - nhập khẩu vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực và có nhiều triển vọng trong năm tháng cuối năm 2016.
Duy trì đà tăng trưởng tích cực
Bước sang năm 2016, Việt Nam vẫn duy trì được xu hướng thương mại tích cực này, với mức tăng tổng cả thương mại trong nước và nước ngoài, dù thấp hơn một chút so với năm trước, cụ thể: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước tính đạt 295,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng ước đạt 2016,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%, thấp hơn mức tăng 8% của cùng kỳ năm 2015).
Điểm khác biệt với nhập siêu năm ngoái, Việt Nam nhập siêu riêng chỉ tháng 5, còn xuất siêu chung 7 tháng đầu năm 2016.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng Sáu đạt 14.725 triệu USD, thấp hơn 75 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Bảy ước tính đạt 14,70 tỷ USD, giảm 0,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,27 tỷ USD, giảm 0,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tương đương với tháng trước, ở mức 10,43 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Bảy tăng 2,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,1%. Tính chung 7 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 96,83 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,5%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27,93 tỷ USD, tăng 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 68,90 tỷ USD, tăng 6,5%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước: Dầu thô đạt 1,4 tỷ USD, giảm 44,5% (lượng giảm 21,8%); sắt thép đạt 988 triệu USD, giảm 3% (lượng tăng 25,5%); cao su đạt 679 triệu USD, giảm 10,4% (lượng tăng 4,9%); sắn và sản phẩm của sắn đạt 614 triệu USD, giảm 28,5% (lượng giảm 17,7%).
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng qua, với 21,3 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,2%; Trung Quốc đạt 10,7 tỷ USD, tăng 13,7%; Hàn Quốc đạt 6 tỷ USD, tăng 37%. Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 9,5 tỷ USD, giảm 12,6%; Nhật Bản đạt 7,9 tỷ USD, giảm 0,9%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng Sáu đạt 14.742 triệu USD, thấp hơn 158 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Bảy ước tính đạt 14,60 tỷ USD, giảm 1% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,30 tỷ USD, giảm 1,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,30 tỷ USD, giảm 0,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Bảy giảm 1,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,5%.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 95,03 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,63 tỷ USD, tăng 1,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55,40 tỷ USD, giảm 2,4%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng nguyên phụ liệu đầu vào và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất giảm… Đáng chú ý là kim ngạch nhập khẩu 7 tháng qua từ một số thị trường chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 27,4 tỷ USD, giảm 3,1%; ASEAN đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,1%; Nhật Bản đạt 8,2 tỷ USD, giảm 4,1%; EU đạt 5,9 tỷ USD, giảm 1,3%. Riêng nhập khẩu từ Hàn Quốc 7 tháng đạt 17,4 tỷ USD, tăng 6,5%; Hoa Kỳ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 0,2%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Sáu nhập siêu 17 triệu USD. Tháng Bảy ước tính suất siêu 100 triệu USD, tính chung 7 tháng xuất siêu 1,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,5 tỷ USD.
Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016 không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ năm trước: Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 37,4 tỷ USD, tăng 6,3% và chiếm 45,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 0,2 điểm phần trăm). Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 33,5 tỷ USD, tăng 5,1% và chiếm 40,7% (giảm 0,3 điểm phần trăm). Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 8,3 tỷ USD, tăng 7,8% và chiếm 10,1% (tăng 0,2 điểm phần trăm). Hàng thủy sản ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 4,4% và chiếm 3,7% (giảm 0,1 điểm phần trăm).
Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2016 có sự điều chỉnh giảm nhập tư liệu sản xuất và tăng nhập hàng tiêu dùng, cụ thể: Kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 73,7 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 91,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (giảm 0,1 điểm phần trăm), trong đó nhóm máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng đạt 33,1 tỷ USD, giảm 0,6% và chiếm 41%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 40,6 tỷ USD, giảm 0,6% và chiếm 50,3%. Nhóm hàng tiêu dùng 6 tháng ước tính đạt 7,1 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8,7% kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (tăng 0,1 điểm phần trăm).
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý II năm nay tăng 0,90% so với quý I và giảm 2,88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm giảm 1,72% và giảm 6,44%; nhóm nhiên liệu tăng 13,38% và giảm 26,58%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 0,45% và tăng 1,28%. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa giảm 3,85% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý II tăng 0,26% so với quý I và giảm 6,66% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nhập khẩu của nhóm nông sản, thực phẩm giảm 3,03% và giảm 8,03%; nhóm nhiên liệu tăng 9,27% và giảm 29,42%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 0,12% và giảm 4,46%. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 7,77% so với cùng kỳ năm trước.
Nông nghiệp gặp khó trong sản xuất, nhưng nhiều nỗ lực xuất khẩu
Nông nghiệp vẫn là ngành gặp khó khăn và chịu hệ lụy nặng nề nhất trong sản xuất do thời tiết nắng nóng bị xâm nhập mặn nặng và bùng nổ ô nhiễm môi trường biển ven bờ, cùng với sự cạnh tranh gay gắt về thị trường tiêu thụ và áp lực nâng cao chất lượng hàng nông sản chế biến, cải thiện vệ sinh, an toàn sản phẩm, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Về tổng thể, nhiều mặt hàng nông sản trên cả nước ghi nhận mức giảm sản lượng so với cùng kỳ năm trước: Sản lượng lúa đông xuân phía Bắc giảm 53,4 nghìn tấn, đồng bằng sông Cửu Long giảm 1,1 triệu tấn. Cả nước chậm về tiến độ gieo cấy lúa mùa (chỉ bằng khoảng 90% cùng kỳ); vượt tiến độ về tiến độ vụ hè thu (100,1%) và lúa thu đông (110,4% cùng kỳ), còn năng suất lúa mùa và hè thu đều giảm so với năm 2015. Gieo trồng rau màu nhìn chung đạt thấp. Chăn nuôi gia súc, gia cầm không biến động nhiều. Diện tích rừng trồng tập trung tăng 1,7%, chậm 6 lần so với tốc đô tăng sản lượng gỗ khai thác (tăng 11,8%); Diện tích rừng bị thiệt hại tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước. Nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn do sức mua và giá mua đều giảm, còn chi phí thức ăn tăng cao. Việc đánh bắt và nuôi trồng hải sản ven bờ và vùng lộng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đang bị tạm dừng Sản lượng thủy sản khai thác tháng Bảy so với cùng kỳ năm trước của Hà Tĩnh giảm 40,6%; Quảng Bình giảm 43,4%; Quảng Trị giảm 48,7% và Thừa Thiên - Huế giảm 13,2%.Tính chung 7 tháng, sản lượng thủy sản cả nước ước chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, đã có nhiều dấu hiệu tốt trong nông nghiệp, nhất là việc mở rộng áp dụng công nghệ sản xuất sạch và công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến, giúp hàng nông sản, nhất là hoa quả ngày càng có mặt rộng rãi trên thế giới, với lượng cầu và giá cả cao hơn, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất (xuất khẩu rau quả trong 5 tháng qua đạt 1 tỷ USD, tăng 53,7% so cùng kỳ năm trước). Cuối tháng Năm, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn đối với cá da trơn Việt Nam, giúp nâng sức cạnh tranh hàng Việt trên vào Mỹ và các thị trường khác. Xu hướng tăng giá đường và gạo trên thế giới do nguồn cung giảm, tổng cầu tăng cũng giúp cải thiện giá cả có lợi cho người sản xuất.
Trong quý I-2016, dù một số mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng trở lại so với năm 2015, nhưng giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực có sự suy giảm. Trong đó, xuất khẩu gạo, cà phê giảm trên các thị trường lớn và truyền thống; cao su và thủy sản cũng tương tự. Một số sản phẩm khác có tăng trưởng xuất khẩu (gỗ, hồ tiêu, hạt điều, rau quả) nhưng cũng không bù đắp được suy giảm trên.
Điểm cần nhấn mạnh là, trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2015, dù còn nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp xuất siêu gần 3,5 tỷ USD, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 12,18 tỷ USD, tăng 4,9%. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 6,05 tỷ USD, tăng 6,6%; thủy sản ước đạt 2,43 tỷ USD, tăng 1,1%; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 2,69 tỷ USD, giảm 1,8%.
Xuất khẩu gạo ước đạt 2,69 triệu tấn với 1,21 tỷ USD, giảm 9,8% về khối lượng và giảm 5,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất và chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Các thị trường khác có giá trị tăng mạnh là Ga-na (12,87%), Đài Loan (64,29%), Bờ Biển Ngà (65,83%) và Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (10,59%). Các thị trường có giá trị giảm mạnh là Phi-lip-pin (46,6%), Ma-lai-xi-a (36,57%) và Xin-ga-po (31,12%).
Xuất khẩu cà phê đạt 797.000 tấn và 1,36 tỷ USD, tăng 33,9% về khối lượng và tăng 10,7% về giá trị do giá cà phê xuất khẩu giảm (bình quân 4 tháng đầu năm 2016 đạt 1.698 USD/tấn, giảm 17,89% so với cùng kỳ năm 2015). Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, với thị phần lần lượt là khoảng 16% và 13%. Cao su ước xuất đạt 391.000 tấn và 561 triệu USD, tăng 20,5% về khối lượng và tăng 19,7% về giá trị. Giá cao su xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2016 đạt 1.193 USD/tấn, giảm 16,67% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam. Thủy sản có giá trị xuất khẩu đạt 2,43 tỷ USD, tăng 1,1%. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm hơn 52% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh từ 12% - 40% là Hoa Kỳ, Thái Lan và Anh và Trung Quốc.
Giá trị nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong nửa đầu năm 2016 đạt trên 9 tỷ USD, giảm khoảng 7,6% so với năm cùng kỳ năm 2015, với mức giảm chủ yếu là phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc và nguyên liệu.
Triển vọng 5 tháng cuối năm
Triển vọng thị trường 5 tháng cuối năm 2016 có nhiều màu sắc khác nhau; trong đó, xuất khẩu dầu mỏ sẽ khởi sáng hơn do xu hướng tăng trở lại giá dầu thô trên thế giới, tuy nhiên, xuất khẩu dầu thô không còn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Thị trường nông sản không nhiều triển vọng, giá xuất khẩu nông sản sẽ tương đối ổn định, không có cú sốc nào về giá, chỉ tăng ở một số mặt hàng cá biệt; nhưng sản lượng một số mặt hàng nông sản chính giảm, nhất là gạo và cao su… Bên cạnh đó, giá hồ tiêu có xu hướng đi xuống và lượng tồn kho hồ tiêu lớn, do diện tích sản xuất hồ tiêu những năm gần đây tăng ồ ạt, gây dư cung, giảm giá. Hơn nữa, nhiều nước châu Âu đã cảnh báo về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu Việt Nam có thể khiến họ chuyển sang mua tiêu của Bra-xin. Do đó, Việt Nam nên tập trung vào nâng cao chất lượng, chế biến theo chiều sâu, chú trọng phát triển thị trường tiềm năng là rau, quả…
Đặc biệt, trái với kỳ vọng gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Việt Nam vào ASEAN đều giảm trong nửa đầu năm và có lẽ sẽ duy trì xu hướng này trong cả năm 2016. Mặc dầu vậy, các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn lâu năm như dệt may, da giày, điện thoại, nhóm hàng nông sản chủ lực vẫn đang rất tốt.
Ngành gỗ trong nửa đầu năm nay dù đạt kim ngạch xuất khẩu gần 7 tỷ USD, nhưng nhập nguyên liệu mất 6,9 tỷ USD, nghĩa là giá trị gia tăng rất thấp và nguồn nguyên liệu đang phụ thuộc nặng vào nhập khẩu.
Trước những khó khăn do thép nhập khẩu giá thấp gây ra (khiến sản xuất phôi thép năm 2015 chỉ đạt 50% công suất, tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng nội địa chỉ bằng 1/4 so với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ cả nước...), Bộ Công Thương đã ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời, không quá 200 ngày (từ 22-3-2016) đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Mức thuế nhập khẩu mới cho phôi thép và thép dài lần lượt là 23,3% và 14,2%, so với mức 10% và 0% - 5% trước đó. Việc áp thuế tự vệ tạm thời sẽ tác động tích cực lên các doanh nghiệp thép của Việt Nam. Nhưng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn và chỉ có lợi cho các doanh nghiệp vừa luyện phôi vừa sản xuất thép, còn các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thép sẽ phải tìm kiếm cơ hội tăng trưởng và cải thiện biên lợi nhuận gộp từ nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh và nguyên liệu giá thấp còn tồn kho. Thực tế, giá quặng sắt thế giới đã tăng gần 34% từ đầu năm 2016 đến nay.
Nhằm cải thiện tình hình xuất - nhập khẩu 5 tháng cuối năm, cần khuyến khích tăng cung gạo và tái canh cà phê; giảm thuế đối với doanh nghiệp cao su; tăng kiểm soát cung, giám sát chất lượng hồ tiêu; tăng cường năng lực khai thác hải sản và kiểm soát chất lượng thịt nhập khẩu, dịch bệnh; nỗ lực khơi thông và mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả chất lượng cao.
Việt Nam cũng cần chú ý nâng cao tiêu chuẩn chất lượng lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, bò sữa; tăng kết nối, phản hồi thông tin thị trường, giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí; tích cực đấu tranh pháp lý trong thương mại quốc tế; chuyển đổi sản xuất ứng phó với biến động thời tiết - môi trường; đa dạng hóa mô hình sản xuất để tăng hiệu quả thực tiễn và giảm áp lực với ngành nông nghiệp. Đồng thời, cần tiếp tục phát triển kinh doanh với các đối tác truyền thống có nhu cầu tăng trở lại, như: lúa gạo (Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a); cao su, rau quả, hạt điều (Trung Quốc); hồ tiêu, hạt điều (EU, Mỹ); Gỗ và sản phẩm từ gỗ (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU); thủy sản (Mỹ). Ngoài ra, cần mở rộng kinh doanh tại các thị trường tiềm năng: lúa gạo (thị trường châu Phi và EU); cà phê (Anh, Ba Lan, Séc, Hà Lan, Phần Lan, Bun-ga-ri).
Nhìn chung, cả xuất và nhập khẩu đều tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2016 dù tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Xuất khẩu vẫn chủ yếu dựa vào tăng trưởng về lượng chứ chưa phải chất, các sản phẩm ở dạng thô là chính chứ chưa được chế biến sâu, giá trị gia tăng còn thấp. Xu hướng xuất siêu có thể được duy trì, nhưng thành tích vẫn thuộc về các khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và với những sản phẩm gia công. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu các mặt hàng điện tử, máy tính, điện thoại gần như đã đạt ngưỡng xuất khẩu cao, khó có khả năng tăng trưởng mạnh, còn xuất khẩu hàng nông - thủy sản vẫn chưa được cải thiện và như vậy, tăng trưởng xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Về lâu dài, vấn đề nhập siêu vẫn cần được quan tâm.
Việt Nam đang ngày càng xây dựng được vị trí và chỗ đứng trên thị trường. Một số doanh nghiệp đã có đơn hàng nửa cuối năm hứa hẹn những con số xuất khẩu cao.
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng của cả nước với mức tăng trưởng cả năm dự báo sẽ đạt 15% so với năm 2015. Đặc biệt mặt hàng rau, quả là ngành hàng có triển vọng tích cực trong năm 2016, đóng góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước khoảng trên 2 tỷ USD.
Để cải thiện xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp cần tăng liên kết mạnh tạo thành các liên kết chuỗi; bảo đảm giao hàng đúng tiến độ, với chất lượng ngày càng nâng cao, giữ gìn và nâng cao uy tín, khả năng thích ứng trước các biến đổi thị trường, nhất là vượt qua các rào cản thương mại. Bên cạnh các đơn hàng đã ký, cần tăng cường nâng cao thị phần xuất khẩu bằng cách tìm kiếm, đàm phán và mở rộng thị trường mới; căn cứ vào nhu cầu của thị trường để có những thỏa thuận, ký kết tham gia đáp ứng không gia thị trường ngày càng mở cùng với độ mở của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới (các kết quả mô phỏng cho thấy trong vòng 20 năm tới, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đóng góp thêm 8% GDP của Việt Nam, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất); củng cố các thị trường truyền thống, chủ động đa dạng hóa thị trường; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; đẩy mạnh tổ chức lại, hiện đại hóa công nghệ để hạ chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và đa dạng hóa thị trường…
Động thái xuất nhập khẩu trên có ảnh hưởng trực tiếp tới giảm thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh giảm thuế theo cam kết hội nhập. Thuế thu nhập doanh nghiệp, từ 25% xuống còn 22% vào tháng 01-2014 và về mức 20% vào đầu năm 2016, chưa kể một số vùng kinh tế đặc biệt hay một số lĩnh vực ưu tiên nên được miễn, giảm thuế. Theo cam kết trong AEC và TPP, đến năm 2018, Việt Nam sẽ phải cắt giảm các mức thuế suất xuống 0% cho đối tác thương mại khu vực ASEAN ở hầu hết dòng thuế và gỡ bỏ hầu hết hàng rào thuế quan và tiến tới xóa dần thuế trong vòng mười năm tới, nếu TPP được tất cả thành viên thông qua.../.
Thông cáo Báo chí: Hội thảo khoa học “Giảm nghèo đa chiều bền vững: Thực tiễn và định hướng, giải pháp cho các tỉnh Tây Bắc”  (16/08/2016)
Vai trò của đồng chí Trường Chinh trong Cách mạng Tháng Tám  (16/08/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 8 đến ngày 14-8-2016)  (16/08/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 8 đến ngày 14-8-2016)  (16/08/2016)
“Chấm điểm” lãnh đạo địa phương qua phát triển doanh nghiệp  (15/08/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên