TCCSĐT - Ngày 10-3-2016, Hội nghị lần thứ 33 của Tổ chức Lương thực và nông Liên hợp quốc (FAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã diễn ra tại Malaysia nhằm tăng cường an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững.

Tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ dẫn đến sự tiến bộ của xã hội

 

Ảnh minh họa. Ảnh: jis.gov.jm

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (08-3), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết, ông đã tranh đấu cho việc tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ trong thời gian 9 năm trong cương vị người đứng đầu tổ chức quốc tế này; đồng thời bày tỏ lạc quan về người dân ở khắp mọi nơi hành động dựa trên sự hiểu biết vững chắc rằng tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ dẫn đến sự tiến bộ của xã hội. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết theo đuổi một thế giới, trong đó mỗi người phụ nữ và trẻ em gái được hưởng đầy đủ những quyền và quyền tự do mà họ vốn có lúc chào đời. Trước việc một số phụ nữ bị cưỡng hiếp đã đồng ý làm nhân chứng trên các chương trình phát thanh, Tổng thống Pháp François Hollande đã kêu gọi nước Pháp phải nhìn thẳng vào với tình trạng bạo hành đối với phụ nữ, đang ngày càng gia tăng tại Pháp. Hằng năm tại Pháp, có hơn 86.000 phụ nữ là nạn nhân của các vụ cưỡng hiếp hoặc mưu toan cưỡng hiếp. Tuy nhiên, chỉ có 13% trong tổng số các nạn nhân đó thưa kiện và chỉ có 1% trong số các vụ kiện đó bị đưa ra xét xử.

Cùng ngày, Nhật Bản đã bác bỏ đánh giá của Ủy ban Liên hợp quốc về xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ (UNCEDAW), cho rằng kết luận của UNCEDAW “không phản ánh đầy đủ giải thích của Chính phủ Nhật Bản và đây là điều đáng tiếc”. Trước đó, ngày 07-3, UNCEDAW nhận xét rằng thỏa thuận Nhật Bản - Hàn Quốc về vấn đề “phụ nữ mua vui” không áp dụng đầy đủ cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm để giải quyết vấn đề. Ủy ban trên cũng bày tỏ “lấy làm tiếc” về việc Nhật Bản không thực hiện những khuyến nghị trước đó của Liên hợp quốc trong đó có việc bồi thường cho các nạn nhân cũng như khởi tố những đối tượng tấn công nạn nhân.

Tăng cường an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững

 

Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nêu ra ba biện pháp để bảo đảm an ninh lương thực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Themalaysianinsider

Ngày 10-3-2016, Hội nghị lần thứ 33 của Tổ chức Lương thực và nông Liên hợp quốc (FAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Putrajaya của Malaysia nhằm tăng cường an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững. Tham dự Hội nghị có các bộ trưởng, quan chức cao cấp và hàng trăm đại biểu, chuyên gia đến từ 46 quốc gia. Trong hai ngày, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề liên quan an ninh lương thực, dinh dưỡng, thu nhập của người nông dân, chuỗi giá trị nông nghiệp, biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững. Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm trong xóa đói, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới nông nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nhấn mạnh an ninh lương thực cũng quan trọng như an ninh quốc gia, đồng thời nêu ra ba biện pháp để bảo đảm an ninh lương thực trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm kích thích đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu với phát triển nông nghiệp bền vững, và xóa đói, giảm nghèo bằng cách sử dụng đa dạng sinh học. Tổng Giám đốc FAO José Graziano da Silva cho biết, mặc dù khu vực châu Á - Thái Bình Dương thành công trong việc giảm tỷ lệ đói nghèo và suy dinh dưỡng, nhưng còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết các vấn đề này, như số người trong nhóm đói nghèo tầng đáy còn cao, tỷ lệ thừa cân và tiểu đường cũng ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, khu vực cũng phải giải quyết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với an ninh lương thực bởi châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai.

IEA: Giá dầu đã thoát đáy

 

Giá dầu đã phục hồi mạnh mẽ, hiện khoảng 40USD/thùng. ảnh: CNN

Ngày 11-3-2016, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định giá dầu mỏ trên thế giới cuối cùng đã “thoát đáy” và đang có sự “phục hồi rõ rệt” trong những tuần gần đây. Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ, IEA cho biết giá dầu đã phục hồi mạnh mẽ, từ mức 28,5 USD/thùng giữa tháng 01 lên khoảng 40USD/thùng hiện tại. Dù cho rằng xu hướng tăng giá dầu này không có nghĩa thời kỳ đen tối của dầu mỏ đã kết thúc, song IEA khẳng định đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy giá dầu đang đi lên.

IEA cho rằng một trong các yếu tố nhằm thúc đẩy giá dầu tăng là việc các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới như Saudi Arabia, Venezuela, Qatar và Nga cùng nhất trí “đóng băng” sản lượng khai thác để hạn chế nguồn cung trên thị trường. Đây được coi là hành động phối hợp đầu tiên của các nhà sản xuất dầu chủ chốt với mục tiêu đầy “giá vàng đen” lên 50USD/thùng. Tuy nhiên, IEA nhận định thỏa thuận trên sẽ không tác động nhiều đến giá dầu trong những tháng tới, do không làm vơi nguồn cung đang dư thừa trên toàn cầu khi mà Iran đã bắt đầu quay trở lại thị trường dầu mỏ thế giới sau khi phương Tây chính thức dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia này vào tháng 01 vừa qua. Giá dầu giảm đã trở thành thách thức lớn với đối với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô. Trong tháng 01 vừa qua, đã có lúc giá dầu thế giới giảm xuống dưới 30 USD/thùng - mức giá mà các nhà sản xuất cho rằng không đủ để bù chi phí khai thác.

Cuba và Liên minh châu Âu ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ

 

Ông Bruno Rodríguez (phải) và bà Federica Mogherini (trái) trong cuộc họp báo chung sau lễ ký tại La Habana ngày 11-3-2016. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 11-3-2016 tại Thủ đô La Habana, đại diện Chính phủ Cuba và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Thỏa thuận về Đối thoại chính trị và Hợp tác, khung pháp lý mới để hai bên phát triển quan hệ trong tương lai và thường được nhận định là hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau lễ ký, Đại diện cấp cao của EU về Đối ngoại và An ninh Federica Mogherini tuyên bố thỏa thuận mới sẽ mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa La Habana và Brussels, thời kỳ của đối thoại và hợp tác đúng như tên của văn bản khung này, đồng thời nhấn mạnh quan hệ lịch sử mật thiết và sâu rộng gắn liền Cuba và châu Âu. Cũng nhân dịp này, bà F. Mogherini bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của Cuba chống lại cuộc bao vây cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại của Mỹ và khẳng định rằng chính sách thù địch này đã lỗi thời và phản tác dụng, khi thế giới đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Về phần mình, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez nhấn mạnh trong các cuộc đàm phán vừa qua và với việc ký kết này, La Habana đã chứng minh luôn sẵn sàng đối thoại cởi mở về mọi đề tài, trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và tự do lựa chọn của mỗi dân tộc. Ông B. Rodríguez cũng khẳng định văn bản mới ký kết có tính chất bao trùm hơn và vượt qua “Lập trường chung châu Âu”, một chính sách có tính chất can thiệp nội bộ mà EU áp dụng từ năm 1999 theo xu thế thắt chặt cấm vận mà Mỹ thúc đẩy từ năm 1996 và từng được coi là cản trở chính trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.

Châu Á: Cần các chính sách tiền tệ và tài chính thân thiện hơn với tăng trưởng

 

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley (trái), Thủ tướng Narendra Modi (giữa) và Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde (phải) tại Hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong hai ngày 12 và 13-3-2016, Hội nghị “Châu Á tiến lên: Đầu tư cho tương lai” do Chính phủ Ấn Độ và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức đã diễn ra tại Thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Đây là diễn đàn cho các nhà lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương thảo luận về những bài học thành công liên quan kinh tế trong những thập niên qua. Ngoài ra, Hội nghị cũng thăm dò khả năng của khu vực này có thể đối phó như thế nào đối với những thách thức về tăng trưởng thông qua những khoản đầu tư cho tương lai.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde hối thúc các nước châu Á đưa ra các chính sách tiền tệ và tài chính thân thiện hơn với tăng trưởng để đối phó với những thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mong manh. Tổng Giám đốc IMF nhận định châu Á hiện là khu vực năng động nhất thế giới và chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu song đang phải đối mặt với một số thách thức, như các thị trường và luồng vốn dễ biến động, việc siết chặt giao dịch kinh tế và tài chính ở nhiều nước, việc giá hàng hóa giảm mạnh, trong đó có dầu mỏ, và căng thẳng địa chính trị leo thang. Bà C. Lagarde đánh giá cao tiến trình cải tổ đang diễn ra ở Ấn Độ khi khẳng định New Delhi là “ngôi sao đang tỏa sáng” trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức. Về phần mình, Thủ tướng Narendra Modi cho rằng việc cải tổ các thế chế toàn cầu phải là quá trình diễn ra liên tục và phải phản ánh được những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu. Ông khẳng định châu Á là niềm hy vọng cho phục hồi kinh tế toàn cầu và thế kỷ thứ XXI là thế kỷ châu Á./.