Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 19-10 đến ngày 25-10-2015)
Khai mạc trọng thể Kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIII
Sáng 20-10-2015, tại Hà Nội, Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 10 - Kỳ họp cuối năm 2015 với trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật triển khai thi hành Hiến pháp 2013; giám sát, đánh giá, quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước.
Kỳ họp thứ 10 dự kiến làm việc trong 31 ngày với khối lượng lớn các dự án xây dựng pháp luật nhằm triển khai thi hành Hiến pháp. Phiên khai mạc được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để đông đảo cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối năm, kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Đây là thời điểm cả nước đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015, triển khai Đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào năm 2016.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật, nhiều Nghị quyết; cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Quốc hội sẽ xem xét các Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016 - 2020 và ban hành nghị quyết của Quốc hội về các nội dung này.
Đồng thời, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011 - 2015, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016 - 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020.
Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp 2016-2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và phê chuẩn Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bầu Tổng Thư ký Quốc hội.
Cử tri gửi Quốc hội nhiều kiến nghị giải quyết các vấn đề hệ trọng
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, sáng 20-10-2015, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Theo đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 4.492 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Cử tri và nhân dân đánh giá cao hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII. Hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều đổi mới. Các chương trình giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với các bộ, ngành thực hiện trên một số lĩnh vực bước đầu có những kết quả thiết thực.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân vẫn còn nhiều lo lắng trước tình hình kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra. Chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động chưa cao. Giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm. Ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết tốt. An toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo. Tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn ra phức tạp. Tình hình cháy, nổ xảy ra ở nhiều nơi gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thiên tai, nước biển dâng, mưa lũ gây ngập lụt ở nhiều địa phương.
Cử tri và nhân dân bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái luật pháp quốc tế các công trình tại các đảo chìm, bãi đá thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn những người được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền có đủ đức, đủ tài để xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đồng thời cần kiên quyết loại trừ những trường hợp thoái hóa, biến chất, có biểu hiện tham nhũng, lợi ích nhóm, tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp.
Cử tri và nhân dân chưa hài lòng về việc một số văn bản pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và hướng dẫn thi hành luật mới ban hành còn chậm. Cử tri và nhân dân mong muốn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đề cao trách nhiệm giám sát, yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc việc giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành trong việc thực hiện trách nhiệm này.
Đa số ý kiến của cử tri tập trung quan tâm đến các vấn đề: Phát triển nông nghiệp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm vi phạm, bảo vệ sức khỏe nhân dân; rút kinh nghiệm việc tổ chức Kỳ thi chung quốc gia; tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường; đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn, miền núi; giữ vững ổn định xã hội.
Cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII
Tối 21-10-2015, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tham dự hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, Trung ương Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong cả nước tổ chức được 12 hội nghị lấy ý kiến các khối đối tượng thanh niên, gồm: thanh niên công chức, viên chức; giáo viên, giảng viên trẻ; thanh niên dân tộc, tôn giáo; doanh nhân trẻ, thanh niên nông thôn, nhà báo trẻ, trí thức trẻ, thanh niên công nhân… Việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng là nhiệm vụ quan trọng giúp cho đoàn viên, thanh niên thấy được trách nhiệm đối với Đảng, đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Tại Hội nghị, các cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên cơ bản nhất trí cao với Dự thảo Văn kiện, đồng thời đưa ra các ý kiến đóng góp tâm huyết về những nội dung cơ bản của Dự thảo Văn kiện: về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, an ninh - quốc phòng, về chiến lược phát triển nguồn nhân lực…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trân trọng những ý kiến đóng góp của các cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng; đồng thời khẳng định, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp thu tổng hợp các ý kiến đóng góp của các tổ chức thành viên để báo cáo Ban soạn thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Đồng chí cũng đề nghị trong thời gian tới, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có kiến nghị về một chương trình khởi nghiệp quốc gia, có các mô hình và phương án hỗ trợ thế hệ trẻ khởi nghiệp, góp phần vào việc hình thành thị trường lao động hiệu quả cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn cần sớm sơ kết Đề án 600 trí thức trẻ để tiếp tục triển khai sau Đại hội XII của Đảng.
Xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng gây thất thoát gần 1.000 tỷ đồng
Sáng 22-10, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tham nhũng gây thiệt hại hơn 966 tỷ đồng tại Công ty Dệt kim Đông Phương và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh 6 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là một trong 8 vụ án trọng điểm mà Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng yêu cầu đưa ra xét xử trước thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, 11 bị can bị truy tố về 3 tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc di dời những nhà máy, xí nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố về các khu công nghiệp, Công ty Dệt kim Đông Phương đã ký hợp đồng với Công ty Phương Nam để hợp tác xây dựng Trung tâm thương mại tại số 10 Âu Cơ.
Sau đó, Công ty Phương Nam thông báo cho Công ty Dệt kim Đông Phương biết đã chuyển 80% cổ phần thực hiện dự án cho Công ty Bình Phát.
Lợi dụng việc thực hiện dự án, từ tháng 10-2010, nhóm các doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng Agribank Chi nhánh 6 đã có hàng loạt việc làm vi phạm pháp luật, gây thất thoát cho Nhà nước tổng số tiền lên tới hơn 966 tỉ đồng (tính đến thời điểm khởi tố vụ án vào 9-2012).
Dự kiến phiên tòa diễn ra đến ngày 30-10.
Việt Nam có thể trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới
Tại Hà Nội, ngày 24-10-2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần phải làm rõ có tiền đề gì, nhu cầu chuyển dịch trung tâm thế giới thế nào và Việt Nam có điều kiện để tiếp nhận cơ hội hay không. Việt Nam có lợi thế chi phí lao động thấp. Và một trong những xu hướng chuyển dịch của các trung tâm chế biến, chế tạo là từ nơi có chi phí lao động cao sang nơi có chi phí lao động thấp. Nhưng liệu Việt Nam sẽ có lợi thế chi phí lao động thấp trong bao lâu nữa. GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam cũng như sự phát triển của ngành chế biến, chế tạo phải dựa vào sự phát triển công nghệ và tay nghề lao động cao, sau đó là sự tăng trưởng của xuất khẩu, du lịch...
Trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, nhiều quốc gia đã vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn hàng đầu khu vực nhờ phát triển thành công những trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đông Á và Thái Bình Dương, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam còn khá thấp. Điều này cho thấy sự liên kết chuỗi giá trị toàn cầu với các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, và chứng minh cho sự yếu kém của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Vì vậy, cần phải có chiến lược đồng bộ để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến chế tạo hơn nữa, như đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng, logistic, chất lượng nhân lực và đặc biệt là đầu tư vào thể chế thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này hơn nữa, để đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến chế tạo của thế giới.
Ông Yoshihisa Nishimuro, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho hay, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm, Chính phủ ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính thì cần áp dụng các chính sách thu hút đầu tư như bãi bỏ thuế suất, hỗ trợ hơn về vốn cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, sản xuất; cùng với đó là tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao, nới lỏng hơn nữa việc tiếp nhận nguồn nhân lực có công nghệ, kỹ năng từ nước ngoài để chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm cho Việt Nam...
Gặp mặt các nhà quản lý tiêu biểu
Chiều 24-10-2015, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã gặp mặt Đoàn đại biểu đại diện cho các nhà quản lý tiêu biểu tham dự Hội nghị các nhà quản lý có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện và đánh giá cao những đóng góp của các nhà khoa học, doanh nhân, doanh nghiệp trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Các đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân... đến từ nhiều lĩnh vực ở các địa phương, tuy mỗi người ở một vị trí khác nhau, nhưng có điểm chung là có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo và tham gia xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng. Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương các nhà khoa học đã có sự liên kết chặt chẽ với các nhà hoạt động thực tiễn, doanh nghiệp, doanh nhân để phát triển sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, trong công cuộc đổi mới và phát triển, đất nước đang đứng trước điểm ngoặt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của đất nước; hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra những thời cơ và thách thức mới, đặc biệt khi cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương có hiệu lực.... Trước những thời cơ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội mong rằng các đại biểu có mặt tại buổi gặp mặt này có những đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, góp phần đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông”
Trong không khí sôi nổi của tuổi trẻ cả nước thi đua lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, ngày 25-10-2015, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Bộ Công an phối hợp với Ban Thường vụ Đoàn khối các Cơ quan Trung ương tổ chức Ngày hội “Thanh niên với Văn hóa giao thông”.
Tham dự ngày hội có đại diện Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Khối các cơ quan Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Thành Đoàn Hà Nội, đại diện Quận ủy, Ủy ban nhân dân Quận Nam Từ Liêm. Ngày hội cũng thu hút sự tham gia của hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên, học viên, sinh viên các học viện, trường công an nhân dân, các đơn vị Khối cơ quan Trung ương, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố.
Phát biểu tại chương trình, Thiếu tướng Nguyễn Quang Chữ - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Chính trị Công an nhân dân cho biết, năm 2015, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn cả nước có sự chuyển biến tích cực. Ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, các quốc lộ trọng điểm tiếp tục giảm, vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng trên đường bộ giảm mạnh. Số vụ, số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông giảm, đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế.
Tuy nhiên, theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tình hình tai nạn giao thông 9 tháng đầu năm xảy ra 16.459 vụ, làm chết 6.518 người, làm bị thương 14.929 người, trong đó tai nạn đường bộ chiếm 98,4% số vụ, 96,7% số người chết và 99,6% số người bị thương. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên được xác định là do hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Đồng chí Nguyễn Quang Chữ đề nghị, trong thời gian tới, tuổi trẻ Đoàn viên Bộ Công an và Khối các cơ quan Trung ương cần bám sát chủ đề Năm An toàn giao thông 2016 là ‘‘Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ’’, để thực hiện hiệu quả một số nội dung:
Một là, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn và đoàn viên, thanh niên trong việc đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, các quy định về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, sử dụng phương tiện bảo đảm khi tham gia giao thông để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, giảm tổn thất về tính mạng và tài sản.
Hai là, nghiêm chỉnh, tự giác chấp hành các quy định và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện pháp luật về an toàn giao thông... Các cấp bộ Đoàn tích cực, chủ động triển khai các hoạt động ngoại khóa thích hợp để giáo dục pháp luật an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, tạo chuyển biến tích cực trong giới trẻ về việc chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông, trở thành tuyên truyền viên tích cực vận động người tham gia giao thông và bạn bè thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông.
Ba là, đẩy mạnh tổ chức các công trình, phần việc thanh niên tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông lồng ghép với việc tổ chức các hoạt động tình nguyện xã hội, như: xây dựng cung đường thanh niên bảo đảm an toàn giao thông, hỗ trợ xây dựng các cổng trường, bến đò ngang an toàn, điểm giao cắt đường bộ - đường sắt an toàn...
Trọng tâm của Ngày hội phải kể đến hoạt động tặng mũ bảo hiểm cho đoàn viên, thanh niên và một số người dân làm nghề chở khách bằng xe máy khu vực lân cận; hoạt động diễu hành tuyên truyền cổ động với đội hình Đoàn viên thanh niên lực lượng công an nhân dân và đoàn viên thanh niên các đơn vị phố hợp; tập huấn kỹ năng lái xe an toàn, kỹ năng dự đoán và xử lý các tình huống khi diễn ra sự cố trong quá trình lưu thông, thực hành lái xe an toàn, thi lái xe giỏi; thi thuyết trình về văn hóa giao thông./.
Tăng cường giám sát và phản biện xã hội để phát huy dân chủ  (26/10/2015)
Việt Nam và Na Uy ký kết hợp tác đào tạo cán bộ công đoàn  (26/10/2015)
“Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường là tất yếu”  (26/10/2015)
Hơn 300.000 người Việt tại Pháp luôn hướng về quê hương  (26/10/2015)
Tỉnh Saitama mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam  (26/10/2015)
Thủ tướng chỉ đạo giải quyết việc lao động bị hành hung tại Algeria  (26/10/2015)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên