Đột phá thể chế để phát triển doanh nghiệp
TCCSĐT - Đột phá về thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, mang tính quyết định thành công trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2011 - 2020 được khẳng định tại Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, nhiều định hướng lớn, quan trọng về tiếp tục hoàn thiện thể chế đã được cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn trong các văn kiện của Đảng tại 9 kỳ Hội nghị Trung ương khóa XI.
Nhận diện sự bất cập thể chế về doanh nghiệp
Theo cách hiểu mở, thể chế gồm những giá trị nhận thức, luật định và cơ chế, chế tài thực thi, cũng như con người, tổ chức gắn với hành vi của chúng. Mỗi quốc gia và đối tượng quản lý nhà nước cần có thể chế phù hợp với đặc điểm, trình độ và mục tiêu phát triển của mình. Một thể chế nhà nước về doanh nghiệp phù hợp, hiệu quả khi làm giảm chi phí giao dịch và hạn chế được xung đột, lợi ích nhóm, tham nhũng và tạo sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan quyền lực, cũng như phối hợp chặt chẽ với các thể chế khác (như thị trường) và các nhóm xã hội (như tư nhân, cộng đồng,..) trong quá trình xây dựng, điều chỉnh và thực hiện các chiến lược, chính sách vì mục tiêu phát triển lựa chọn. Ngược lại, một thể chế nhà nước về doanh nghiệp được coi là thất bại khi làm ngưng trệ, sử dụng sai lệch hoặc lãng phí các nguồn lực doanh nghiệp xã hội, tạo ra những thực thể doanh nghiệp yếu ớt, cô lập, rời rạc và thiếu sức cạnh tranh, trì trệ trước các biến động thị trường, với hàng loạt hệ lụy tiêu cực kèm theo khác.
Quá trình thay đổi thể chế thường diễn ra theo 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Bao gồm những bước tiến nhỏ, tích tụ và tiệm tiến về lượng những thay đổi thể chế bộ phận thích hợp, từ đơn giản đến phức tạp dần, từ bề rộng sang bề sâu, từ hình thức tới thực chất hơn, từ đơn lẻ tới hệ thống…
- Giai đoạn 2: Vào thời điểm ở cuối giai đoạn các tích tụ điều chỉnh trên đạt tới ngưỡng và đủ xung lực tạo bùng nổ thể chế về chất, hoặc trong bối cảnh lịch sử đặc biệt, được thúc đẩy nhanh hơn bởi cộng hưởng các sức ép từ điều kiện khách quan và ý chí mãnh liệt chủ quan, tạo ra những cải cách mang tính cấp tiến, đột phá, bước ngoặt, cách mạng. Những thể chế mới tạo ra, nếu phù hợp có thể đem lại cả sự lo ngại rủi ro, cũng như sự kỳ vọng lớn lao vào những lợi ích tiềm năng có được của chu kỳ phát triển mới.
Hành trình gần 30 năm đổi mới Việt Nam đã có nhiều thay đổi cơ bản về thể chế, như thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, mở “room” ngày càng rộng hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài, tuân thủ ngày càng đầy đủ hơn các cam kết hội nhập quốc tế và nhiều thể chế kinh tế mới ngày càng mang tính thị trường hơn, đã góp phần cải thiện môi trưòng kinh doanh và tạo động lực và nền tảng ban đầu quan trọng cho sự phát triển doanh nghiệp nói riêng, kinh tế Việt Nam nói chung với nhiều thành tựu đáng ghi nhận và được đánh giá khá cao, cả trong và ngoài nước...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự bất cập về phân định thành phần kinh tế đã gây ra nhiều định kiến xã hội dai dẳng và sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cả trong nhận thức, chính sách, tâm lí và hành động; thậm chí, gây tâm lý e ngại, làm chậm quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, giải thể, phá sản các doanh nghiệp nhà nước hoặc các hợp tác xã thua lỗ, bất lợi cho sự đồng thuận xã hội và phát huy hiệu quả nội lực đất nước. Việc cải cách doanh nghiệp nhà nước chậm có một nguyên nhân quan trọng khác là Nhà nước vẫn duy trì những chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước. Nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước và yêu cầu sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước còn khác nhau. Nỗi ám ảnh về “thành phần” làm cho doanh nghiệp và cả những người thực thi công vụ cũng e dè, ngần ngại mỗi khi phải giải quyết những vấn đề liên quan đến lợi ích của khu vực tư nhân. Một bộ phận doanh nhân “vừa làm, vừa lo”, làm ăn kiểu “chụp giật” hoặc “lách luật”, che giấu vốn, doanh thu, lợi nhuận. Ngược lại, một số doanh nghiệp tư nhân thì tự “thổi phồng”, khai vống vốn điều lệ và năng lực, kinh nghiệm để đánh bóng với hy vọng đủ tiêu chuẩn dự thầu và có lợi thế trong cạnh tranh, thắng thầu với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn FDI. Đa số doanh nghiệp tư nhân tập trung nhiều vào những ngành nghề đòi hỏi vốn ít, thời gian thu hồi vốn nhanh; tính liên kết cộng đồng còn yếu, kém bền vững. Các quan hệ hợp tác, liên kết, hỗ trợ nhau mới chủ yếu “khép kín” trong từng thành phần kinh tế... Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân còn gặp những khó khăn hơn so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác về tiếp cận những điều kiện đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh. Nhiều địa phương còn tình trạng thiếu đất cho các doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung còn thấp.
Hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp còn yếu, chưa thu hút được nhiều hội viên, do thiếu kinh nghiệm, điều kiện hoạt động còn hạn chế, và thiếu sự quan tâm đồng bộ của các cấp, ngành liên quan.
Công tác quản lý nhà nước về phát triển đồng bộ các thị trường và trợ giúp các thể chế thị trường còn lúng túng, hạn chế, đặc biệt, về cung cấp thông tin, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Định kiến và nhiều thủ tục chưa hợp lý đã gây khó khăn và tăng chi phí trong việc tiếp cận nguồn tín dụng chính thức. Khung pháp lý cho việc hình thành thị trường lao động vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa tạo được cân bằng quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nhiều quy định pháp lý về bản quyền, về phát minh và chuyển giao công nghệ vẫn chưa đi vào cuộc sống, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh. Chưa có những quy định pháp lý tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho nghiên cứu và triển khai. Thiếu những quy định và chế tài hiệu quả bảo vệ cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng trong xã hội. Thiếu những quy định và chính sách cần thiết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân xâm nhập và mở rộng thị trường quốc tế, làm giảm lợi thế kinh doanh, gây thiệt thòi cho cả bản thân doanh nghiệp và cộng đồng, khiến nền kinh tế phát triển dưới mức tiềm năng.
Những vấn đề tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do tư tưởng, quan điểm về sự phân biệt giữa các thành phần và định kiến với khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa được đổi mới một cách cơ bản; chức năng và tổ chức của bộ máy nhà nước, nhất là trình độ và trách nhiệm của đội ngũ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu mới, cũng như những đòi hỏi chính đáng của doanh nghiệp. Cả ở cấp độ trung ương và địa phương, một số chủ trương chưa đi liền với kế hoạch, cơ chế, trách nhiệm triển khai cụ thể, kịp thời, thậm chí được thực hiện một cách hình thức, tắc trách, nửa vời. Chưa xử lý hài hòa và hiệu quả một số vấn đề về nội dung, phương thức, mức độ quản lý nhà nước đối với các thành phần kinh tế...
Một số yêu cầu và đột phá thể chế để phát triển các doanh nghiệp
Thứ nhất, ưu tiên đột phá về chuẩn giá trị (vĩ mô và vi mô); đột phá về cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia (lãnh thổ, tài nguyên, môi trường, kinh tế, con người, lòng tin và truyền thống tốt đẹp…) và đột phá về công tác cán bộ
Bối cảnh chuyển đổi, phát triển và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới đòi hỏi phải quan tâm và đẩy nhanh hơn việc xây dựng và hoàn thiện các chuẩn giá trị chuẩn quốc gia cần thiết cả về lý luận, chính trị, luật pháp và đạo đức xã hội tạo định hướng phát triển, đo lường đúng-sai và tạo đồng thuận cao cả trong và ngoài nước, giảm thiểu những lệch lạc, tiêu cực cả vĩ mô và vi mô. Đột phá về cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và cơ chế cán bộ đòi hỏi tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cấu trúc thể chế, hệ thống chính trị, bộ máy quản lý, đặc biệt là tiêu chuẩn và quy trình công tác cán bộ, khắc phục tình trạng bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình, nhưng không bảo đảm chất lượng với những hệ luỵ tiêu cực to lớn và lâu dài cho xã hội; nâng cao tính thượng tôn pháp luật, trách nhiệm giải trình, năng lực, hiệu lực và chất lượng quản lý nhà nước, phát triển các thể chế thị trường tiên tiến và hiệu năng cao, tăng cường giám sát xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn kinh tế - tài chính và kiểm soát tham nhũng, hạn chế lối hành xử gắn với lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ, thực hiện tốt các đề án tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và phát triển đồng bộ các thể chế thị trường, góp phần giải phóng động lực, củng cố lòng tin, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh phát triển bền vững…
Thứ hai, xóa bỏ những thể chế kìm hãm doanh nghiệp, điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực doanh nghiệp, đồng thời lấp đầy những “khoảng trống thể chế” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả
Phân biệt rõ các khái niệm sở hữu, khu vực kinh tế và loại hình doanh nghiệp, trong đó thay cụm từ “thành phần kinh tế” bằng cụm từ “khu vực kinh tế” hoặc “loại hình kinh tế” và giảm sự phân loại từ 5 thành phần xuống còn 3 khu vực, gồm kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tương ứng với thống kê nhà nước các cấp hiện nay. Điều này là cần thiết để loại bỏ những thành phần kinh tế “rỗng”, không có nội hàm, tiêu chí, không được đưa vào thống kê nhà nước và cũng không được điều chỉnh bởi các quy định pháp lý có liên quan.
Đặc biệt, cần khắc phục định kiến về kinh tế tư nhân, cũng như những định kiến về kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, hiểu đúng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước. Coi trọng cả hạn chế độc quyền nhà nước (nhất là trong lĩnh vực kinh doanh vì lợi nhuận), cũng như kiểm soát độc quyền tư nhân (đang biểu hiện khá rõ trong kinh doanh các sản phẩm sữa, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, nước uống có ga và nhiều sản phẩm, dịch vụ khác), nhằm ổn định và cạnh tranh lành mạnh, đúng quy trình và yêu cầu của kinh tế thị trường có điều tiết vĩ mô nhà nước. Tạo lập và duy trì ổn định các điều kiện thể chế và những yếu tố khách quan có liên quan để bảo đảm sự phát triển và quản lý phát triển các thành phần kinh tế trên cơ sở ngày càng tự do hóa, bình đẳng hóa và phù hợp với cơ chế thị trường, cũng như các cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới, tăng cường sự hợp tác, gắn kết giữa các doanh nghiệp và thành phần kinh tế, cũng như tạo sự đồng thuận xã hội cao.
Thứ ba, đột phá về năng lực xây dựng và chất luợng văn bản pháp lý quản lý doanh nghiệp
Trong quá trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục soạn thảo, thông qua và chỉnh lý các văn bản tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, phù hợp với các nguyên tắc thị trường, yêu cầu và cam kết hội nhập, không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và từng bước xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng các mục tiêu quản lý và phát triển đất nước trong tình hình mới... Các cơ quan chức năng ở các cấp quản lý nhà nước, các bộ, ngành và địa phương có liên quan đã có nhiều cố gắng bảo đảm chất lượng văn bản pháp lý do mình soạn thảo, ban hành; quá trình kiểm tra, xử lý các văn bản trái pháp luật cũng ngày càng đi vào nề nếp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta, được dư luận ghi nhận, hoan nghênh.
Tuy nhiên, theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, chỉ trong 10 năm (2003 - 2013), các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước đã tiếp nhận, kiểm tra trên 1,7 triệu văn bản, phát hiện trên 50 nghìn văn bản sai trái (tức khoảng 3%) và đã xử lý ở các mức độ khác nhau. Trong đó, Cục Kiểm tra văn bản đã tiếp nhận, kiểm tra trên 27 nghìn văn bản, phát hiện trên 4,8 nghìn văn bản sai trái (tức khoảng 18%) và đã xử lý ở các mức độ khác nhau. Rõ ràng, đây là con số có sức cảnh báo cao về chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước. Qua kiểm tra và cả trên thực tế cũng cho thấy, còn nhiều hiện tượng bất cập trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước. Trước hết, đó là sự vi phạm quyền hạn, quy trình soạn thảo, thông qua văn bản pháp lý, dẫn đến ban hành một số quy định có nội dung không phù hợp thực tế, khó khả thi hoặc thậm chí gây phản cảm. Ngoài ra, còn hiện tượng các văn bản hướng dẫn dưới luật có những nội dung không rõ ràng, thiếu cụ thể, hoặc gây hiểu theo nhiều cách khác nhau, tạo khó khăn hoặc kẽ hở trục lợi trong áp dụng; thậm chí, gây tình trạng “trên lỏng - dưới chặt”, luật và chủ trương trung ương thì thông thoáng, văn bản hướng dẫn dưới luật và vận dụng ở địa phương thì xiết chặt hơn… Ngược lại, ở một số địa phương còn có một số quy định về ưu đãi khuyến khích đầu tư vượt thẩm quyền và trái các quy định của trung ương, tạo bất bình đẳng về đầu tư, thất thu ngân sách nhà nước, mất kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước thống nhất.
Những bất cập trên đây, trực tiếp hay gián tiếp, ít nhiều đều tạo hệ luỵ tiêu cực, giảm hiệu lực, hiệu quả của chính văn bản quy định đó, đồng thời làm giảm hiệu lực, hiệu quả, uy tín trong quản lý nhà nước, giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư cả nước hoặc địa phương, vi phạm quyền lợi nhà đầu tư, doanh nghiệp và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân - đối tượng quản lý nhà nước…
Thứ tư, đột phá về triển khai và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực tế các luật định liên quan về doanh nghiệp
Xúc tiến nhanh hơn, triệt để hơn việc tách chức năng quản lý nhà nước về kinh tế với chức năng quản lý sản xuất kinh doanh, chức năng hành chính với chức năng dịch vụ công, hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận với các hoạt động công ích, phi lợi nhuận; xây dựng một nền hành chính hiệu quả và minh bạch, phân định và làm rõ các quy chế pháp lý khác nhau đối với các loại cơ quan, phân rõ quyền hạn và trách nhiệm của sở, ban, ngành, phối hợp với các bộ liên quan, tránh tình trạng quản lý chồng chéo, đùn đẩy công việc và trách nhiệm, “tranh công - đổ lỗi” giữa các đơn vị, cá nhân cán bộ, công nhân, viên chức; giảm bớt quyền của cơ quan và công chức nhà nước từ trung ương đến địa phương, nhất là quyền “thẩm định”, “phê duyệt”, “chấp thuận”, quyền cho phép và cấp phép kinh doanh để chuyển mạnh sang hướng dẫn, kiểm tra, xử lý việc thực thi pháp luật, đánh giá và hoàn thiện chính sách. Nâng cao năng lực đi đôi với phải làm rõ được trách nhiệm của công chức trong thi hành công vụ. Đối với công chức và cơ quan nhà nước, pháp luật phải quy định không chỉ họ được “làm gì”, “làm ở đâu”, mà cả làm “như thế nào”; đồng thời, có thể chế thường xuyên giám sát và đánh giá công việc của họ.
Bên cạnh đó, cần khắc phục tính bình đẳng hình thức và thiếu căn cứ kinh tế trong tổ chức hợp tác xã; cần hài hòa lợi ích giữa các thành viên, cũng như giữa kinh tế với an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ cộng đồng; thực hiện đồng bộ giải pháp, phát huy sự năng động của mỗi đơn vị, thành viên, gắn quá trình phát triển hợp tác xã với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quá trình xây dựng nông thôn mới, tránh thành lập hợp tác xã chạy theo hình thức, phong trào, quản lý theo kiểu hành chính - bao cấp hoặc để mặc hợp tác xã chìm nổi theo thị trường. Hỗ trợ các hợp tác xã, liên hợp hợp tác xã trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu - xuất xứ hàng hóa, thành lập cổng thông tin điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử và các trung tâm trưng bày, bán sản phẩm; tạo điều kiện để hợp tác xã được tham gia các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là các dịch vụ mà thành viên đang có nhu cầu, nhưng không biến hợp tác xã trở thành mô hình tự cung tự cấp; nâng cao kiến thức về thị trường, thông tin, xây dựng thương hiệu, hội nhập kinh tế quốc tế và kỹ năng quản lý hợp tác xã theo các tiêu chuẩn mới; triển khai chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ hợp tác xã lâu năm; tổ chức, giới thiệu, phổ biến các phong trào thi đua và các điển hình tiên tiến; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính - tín dụng, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, về giao đất, cho thuê đất, vốn, giống và sản xuất - chế biến hàng xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao cho nông hộ, hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực đã được phê duyệt, tập trung vào khâu tiêu thụ các sản phẩm như lúa, cà phê, cao su, tôm, cá, cây ăn quả và các sản phẩm khác ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn khó khăn…
Đặt khu vực kinh tế nhà nước ngày càng bình đẳng với các khu vực kinh tế ngoài nhà nước về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp trong sự cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật và nguyên tắc thị trường; xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực kinh tế tư nhân, chuyển từ mục đích “quản chặt doanh nghiệp” sang “hỗ trợ doanh nghiệp” bằng định hướng chính sách khuyến khích, thông tin và phát triển ổn định thị trường tiêu thụ theo ngành, sản phẩm, địa bàn chứ không theo từng doanh nghiệp, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu.
Đặc biệt, phát triển và tăng cường vai trò các hiệp hội ngành nghề trong xây dựng, ban hành các quy định và hỗ trợ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Phát triển hệ thống thông tin doanh nghiệp và hệ thống tiêu thức, tổ chức dịch vụ đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế; tăng cường năng lực phản ứng chính sách thích nghi nhanh chóng, hiệu quả với các biến động thị trường và bối cảnh chung trong nước và quốc tế, lấy sự phát triển nhanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hiệu quả kinh tế - xã hội chung, sự cải thiện chất lượng sống mọi mặt của nhân dân và phát triển bền vững một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm tiêu chuẩn đánh giá tính đúng đắn của những đột phá thể chế được lựa chọn.../.
Việt Nam-Nhật Bản hợp tác phát triển nguồn lực chất lượng cao  (01/12/2014)
Cần Thơ: Tôn vinh tập thể, cá nhân đóng góp cho an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới  (01/12/2014)
Cần Thơ: Tôn vinh tập thể, cá nhân đóng góp cho an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới  (01/12/2014)
Sẽ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm Ngày thống nhất đất nước  (01/12/2014)
Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng chúc thọ Đại tướng Lê Đức Anh  (01/12/2014)
Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng chúc thọ Đại tướng Lê Đức Anh  (01/12/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên