Về một chủ nghĩa tư bản mới
TCCS - Lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản gắn với các chu trình kinh doanh hết thịnh đến suy trải dài hàng mấy trăm năm. Chỉ tính riêng thời kỳ 1970 - 2007, đã có ít nhất 124 cuộc khủng hoảng ngân hàng, 208 cuộc khủng hoảng tỷ giá hối đoái và 63 cuộc khủng hoảng nợ nhà nước hay còn gọi là nợ quốc chủ. Mặc dù đa số các cuộc khủng hoảng đó diễn ra ở các nước ngoại vi, nhưng dẫu sao đó cũng là những hiện tượng có ý nghĩa báo động (1) .
Những con số đó cho thấy quan điểm để cho “thị trường tự hàn gắn” không đứng vững được. Tuy nhiên, vẫn có một thực tế khác là dù đã bao lần “thừa sống thiếu chết” mà chủ nghĩa tư bản vẫn thoát hiểm, vẫn gượng dậy được để phát triển, chứng tỏ chủ nghĩa tư bản vẫn còn khả năng thích nghi và “sức đàn hồi” mạnh mẽ với kinh nghiệm thống trị cộng với nhiều “van” an toàn. Từ cuối năm 2007, một lần nữa, chủ nghĩa tư bản lại đang vượt qua khủng hoảng, nhưng lần này không chỉ các nước lớn tư bản chủ nghĩa thực thụ, mà cả các nước lớn khác hoặc đang phát triển chủ nghĩa tư bản, đang tiệm cận chủ nghĩa tư bản, hoặc đang hội nhập các thị trường tư bản chủ nghĩa. Biểu hiện tập trung nhất là những nước trong nhóm G20, được thành lập năm 1999 thay cho nhóm G7 của các nước lớn phương Tây giàu có nhất.
1 - G20 là một tổ chức quy tụ những nước lớn để bàn thảo các vấn đề quốc tế. Bao gồm 19 quốc gia công nghiệp hùng mạnh nhất và các nước mới nổi lớn nhất cộng với Liên minh châu Âu coi là một thành viên, chiếm 90% GDP và 80% mậu dịch quốc tế (bao gồm thương mại nội khối EU) và hai phần ba dân số thế giới. So với nhóm G7 và G8 khuynh hướng Đại Tây Dương, G20 đại diện rộng rãi hơn nhiều cho một thế giới tư bản chủ nghĩa đang ngụp lặn trong cuộc khủng hoảng kinh tế được đánh giá trầm trọng không kém cuộc Đại suy thoái 1929 - 1939.
G20 ra đời năm 1999 để đáp lại cuộc khủng hoảng tài chính châu Á bộc phát năm 1997 và sâu xa hơn, “như một sự thừa nhận ngày càng rộng rãi hơn các nước kinh tế thị trường mới nổi chưa được bao gồm thỏa đáng vào các cuộc thảo luận và cai quản nền kinh tế toàn cầu” (theo tư liệu G20). Chẳng qua đó là một cách nói về các nước mới nổi, các nước xã hội chủ nghĩa trước đây chưa hội nhập một cách đầy đủ vào hệ thống tư bản chủ nghĩa.
2 - Vào những năm 70 thế kỷ XX, một nhóm bảy nước công nghiệp lớn gọi là G7 tổ chức các cuộc trao đổi ở cấp bộ trưởng tài chính và thủ tướng để thảo luận về những vấn đề kinh tế. Đến năm 1997, tại Hội nghị Na-plơ (Naples), G7 lôi kéo Nga tham gia. Nhưng chỉ đến cuối năm 1998, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 mà Nga cũng bị ảnh hưởng, Nga mới chính thức làm thành viên của G7 nay trở thành G8 tại Hội nghị Bớc-kinh-ham (Burkingham).
Để đối phó với những bất trắc của kinh tế thế giới cuối những năm 90, Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn và các lãnh đạo APEC công bố sự ra đời của G22 mang tính chất lâm thời, với sự tham gia của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng của 22 nước bao gồm G7 và 15 quốc gia (và vùng lãnh thổ) khác là Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a, Bra-xin, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Ba Lan, Nga, Xin-ga-po, Nam Phi và Thái Lan.
Tiếp đó là G33 thay cho G22 nhưng cũng chỉ mang tính chất lâm thời để cho các nước lớn đánh giá quốc gia nào thực sự đáng được đưa vào ngôi thứ lãnh đạo nền kinh tế thế giới và để gạt bỏ những nước không đủ tiêu chuẩn. G33 bao gồm các nước G22 cộng thêm 11 nước khác là Bỉ, Chi-lê, Cốt Đi-voa (Bờ biển Ngà), Ai Cập, Hà Lan, A-rập Xê-út, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ma-rốc.
Các nước lớn G7 sớm nhận ra một số nước trong G33 và G22 không đủ tiêu chuẩn nên đã sàng lọc lại lập nên G20, được coi như một tổ chức kinh tế quốc tế mang tính chất thường trực hơn thay thế cho G7, bao gồm cả đại diện của các nước mới nổi. Các thành viên còn lại sau hai lần sàng lọc là Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a, Bra-xin, Anh, Ca-na-đa, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, I-ta-li-a, Nhật Bản, Mê-hi-cô, Nga, A-rập Xê-út, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ. Liên minh châu Âu cũng là một thành viên được đại diện theo chế độ chủ tịch luân lưu EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu. Thành viên của G20 không thay đổi kể từ khi thành lập. Tổ chức này tuyên bố “không có tiêu chí chính thức cho chế độ thành viên G20”. Trừ ba nước Ác-hen-ti-na, A-rập Xê-út và Nam Phi, tất cả các thành viên còn lại nằm trong danh sách 20 quốc gia có GDP cao nhất thế giới (theo bảng xếp hạng năm 2007 của CIA, IMF và WB).
Thông thường, những hội nghị hằng năm có sự tham dự của các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng cùng với lãnh đạo của IMF và WB. Tháng 11-2008, các lãnh đạo chính phủ cũng tham dự phiên họp khẩn cấp của G20 ở Oa-sinh-tơn để bàn thảo đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đang lan rộng thành một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Hội nghị Oa-sinh-tơn được nhiều nhà nghiên cứu coi như màn dạo đầu của một kiểu Brét-tơn út II (Bretton Woods)(2), mang ý nghĩa một sự kiện đánh dấu sự bắt đầu của một khung khổ tài chính quốc tế mới thay cho hệ thống Brét-tơn út I sụp đổ vào những năm 70. Hội nghị thượng đỉnh được triệu tập ở thành phố gang thép cũ Pi-xbớc (Pittsburgh) ngày 24-9-2009, năm tháng sau cuộc họp ở Luân-đôn bàn về giải cứu các nước đang phát triển, vực dậy thương mại thế giới và điều tiết tài chính chặt chẽ hơn.
Tại Pi-xbớc, các lãnh đạo thế giới đồng ý thay câu lạc bộ những nước công nghiệp giàu được biết dưới tên G7 bằng G20, một diễn đàn toàn cầu thường trực về chính sách kinh tế bao gồm cả các nước lớn đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Bra-xin, Ấn Độ và một số nước đang phát triển mới nổi khác. Các nước này, đặc biệt là Trung Quốc, cũng “tương kế, tựu kế” gia nhập G20 để có tiếng nói, để không bị chủ nghĩa tư bản chi phối. Như vậy, phải chăng chủ nghĩa tư bản trong khủng hoảng đã tìm lối thoát bằng toàn cầu hóa?
3 - Điều đáng chú ý là Mỹ và G7 không muốn một G20 thuần túy kinh tế mà muốn nó thay chức năng của G7 trong cai quản thế giới. Trong ngày thứ hai của Hội nghị Pít-bớc, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma và các nguyên thủ đến từ Anh, Pháp nhất tề buộc tội I-ran xây dựng nhà máy ngầm sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Họ muốn lôi kéo các nước G20 vào những vấn đề chiến lược khác không liên quan gì đến cuộc chiến chống khủng hoảng toàn cầu.
Thực tế, G20 là một G7 mở rộng, một kiểu liên minh phát triển chủ nghĩa tư bản với cấp độ khác nhau, một kiểu liên minh địa chính trị - địa chiến lược có trung tâm và ngoại vi, có ngôi thứ, có thống trị và bị trị dưới nhiều hình thức, một kiểu Phòng Xanh ở WTO (3), buộc ta phải xem lại định nghĩa về thời đại, về giai cấp trung tâm và các mâu thuẫn lớn của chủ nghĩa tư bản. Nhưng về một phía khác, cũng cần suy nghĩ về ý kiến của J. V. Xta-lin năm 1952 khi ông cho rằng các nước Đức và Nhật Bản không thể cam chịu mãi thân phận kẻ chiến bại. Thủ tướng Y. Ha-tô-y-a-ma đã từng nói bóng gió về một vai trò bình đẳng hơn với Mỹ và mở rộng quan hệ với Đại Đông Á. Còn ở Đức, các chính đảng nối tiếp nhau cầm quyền, nhưng tất cả đều kiên trì con đường “thị trường xã hội” và mục tiêu giữ vị trí số một về xuất khẩu trên thế giới đang bị Trung Quốc thách thức.
4 - G20 ra đời, nhưng mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản vẫn còn đó và sẽ ngày càng gay gắt hơn trong một thế giới môi trường xuống cấp, tài nguyên cạn kiệt, khí hậu biến đổi và cả nguy cơ “nhân mãn”. Có thêm nhiều thành viên cũng có nghĩa là có thêm sức mạnh nhưng cũng phát sinh thêm nhiều mâu thuẫn. Những thành viên nhóm G7 cũ có bao giờ từ bỏ tham vọng siêu cường duy nhất hoặc tam đầu chế? Nhưng chủ nghĩa dân tộc dễ gì chịu khuất lấp bởi chủ nghĩa tư bản. Một liên minh, dù là nước lớn, cũng khó lòng vượt qua được sự cố kết của dân tộc, sự quật cường của giai cấp, của khối đoàn kết Nam - Nam và của phương Nam toàn cầu.
Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội vẫn có sức sống mãnh liệt, vẫn không ngừng phát triển. Cả Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di, Thủ tướng Đức A. Méc-ken, cựu Thủ tướng Anh T. Ble và đương nhiên cả Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đều đặt niềm tin vào chủ nghĩa tư bản mới trong một thế giới mới. Nhưng mỗi người đều có cách tiếp cận riêng. N. Xác-cô-di muốn tìm lại những giá trị tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Ông cho rằng “đây không phải là cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản”, nhưng lại thừa nhận đây là cuộc khủng hoảng của một hệ thống trôi dạt ra khỏi những giá trị căn bản nhất của chủ nghĩa tư bản(4). Tờ Washington Times cũng cho biết ngày 7-4-2010, Tổng thống Pháp đã ca ngợi chương trình y tế vừa được hai viện Hoa Kỳ thông qua, hứa sẽ cùng Tổng thống Hoa Kỳ “tiến xa hơn trong điều tiết chủ nghĩa tư bản thế giới". Đại diện Pháp, Bộ trưởng Tài chính Crít-xtin La-gác-đê, sẽ nhân cơ hội đảm nhận chức chủ tịch G20 của Pháp để cùng với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Gây-nơ thúc đẩy một chế độ điều tiết kinh tế mới. Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng khẳng định “sẽ cùng Tổng thống N. Xác-cô-di và những nhà lãnh đạo khác của thế giới phối hợp các nỗ lực bởi chúng tôi muốn bất cứ biện pháp nào được đưa ra cũng phải là của cả hai bờ Đại Tây Dương”. Chủ nghĩa tư bản mới, trên ý nghĩa đó, là chủ nghĩa tư bản của Mỹ và đa số các đồng minh G20.
5 - Trong bối cảnh này, tương lai của chủ nghĩa xã hội sẽ thế nào? Trong nhiều văn kiện, Đảng ta luôn xác định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng cũng nói rõ nền kinh tế Việt Nam nay chịu tác động của cả quy luật kinh tế tư bản chủ nghĩa và quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa. Cũng có thể hiểu nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế hỗn hợp. Thực vậy, chúng ta đang ở thời kỳ quá độ cải biến cách mạng, cái cũ song song tồn tại với cái mới, đấu tranh và hợp tác giữa cũ và mới quyết định tương lai của xã hội. Chúng ta là thành viên của ba thiết chế tư bản chủ nghĩa IMF, WB và WTO, là thành viên của ASEAN, APEC chủ yếu gồm các nước tư bản chủ nghĩa. Chúng ta đang bị chi phối bởi các quy luật thị trường tư bản chủ nghĩa, từ quy luật giá trị đến các luật lệ thương mại của WTO. Chúng ta có thị trường chứng khoán, thị trường lao động, thị trường tiền tệ (neo đồng USD). Chúng ta yêu cầu và cũng có hàng chục nước thừa nhận ta có “nền kinh tế thị trường”. Chúng ta nhận đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng chủ yếu đó là những đầu tư vào lĩnh vực du lịch, khách sạn, giải trí, sân gôn, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp còn ít và chỉ là những công nghiệp tốn nhiều nhân công, gây nhiều ô nhiễm, những công nghiệp của thế kỷ trước. Đã đến lúc phải cân nhắc từng hạng mục đầu tư, coi trọng “tấc đất tấc vàng”, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đồng thời với xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, nông thôn theo kịp thành thị, nông dân sát cánh với công nhân.
Kiên định con đường xã hội chủ nghĩa nhưng cần có đầu óc thực tế. Chúng ta phải qua một thời kỳ quá độ với kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế tư nhân cũng phát triển như các thành phần kinh tế khác. Để tiếp tục định hướng xã hội chủ nghĩa tất yếu phải coi trọng nhà nước hơn thị trường; công nghiệp và dịch vụ công hơn tư; có chính sách xã hội vì người nghèo chứ không vì người giàu như chủ nghĩa tự do mới; lấy công bằng làm trọng chứ không phải cạnh tranh bất bình đẳng của chủ nghĩa tư bản trong hình thái tự do mới. Thông báo Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) tiếp tục khẳng định: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Chủ nghĩa tư bản thời G. M. Kên cũng cho chúng ta nhiều bài học về vai trò của nhà nước phúc lợi, nhà nước can thiệp vào kinh tế, về toàn dụng lao động, chính sách tài khóa, thuế lũy tiến v.v.. Một nền kinh tế hỗn hợp (kinh tế nhiều thành phần) thực tế đã hình thành. Chống tư nhân hóa dịch vụ công chứ không chống sự tham gia của thành phần tư nhân trong lĩnh vực này, tăng sức mạnh công hữu nhưng vẫn tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tư hữu có vị trí thích đáng trong xã hội. Nền kinh tế hỗn hợp phải biết phát huy những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm của mỗi thành phần kinh tế. Nhà nước chứ không phải thị trường quyết định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nếu để cho thị trường quyết định thì đã có bài học nhãn tiền của chủ nghĩa tự do mới, làm giàu cho số ít, làm nghèo toàn xã hội.
Các cuộc khủng hoảng ngày một trầm trọng hơn, chiến tranh nóng và lạnh, môi trường xuống cấp, khí hậu biến đổi, chủ nghĩa tư bản không còn đóng vai trò tiến bộ trong sự phát triển lịch sử nhân loại. Nếu nói như Ph. Phu-ku-y-a-ma, lịch sử tận cùng với chủ nghĩa tư bản thì nên sửa lại chủ nghĩa tư bản tự đặt một dấu chấm hết trong lịch sử phát triển của nhân loại. Trong lời kêu gọi ngày 11-3-2009, tờ báo Mỹ Bảo vệ chủ nghĩa Mác cho rằng “Chủ nghĩa tư bản đã phục vụ những mục đích mang ý nghĩa lịch sử: xây dựng những nền tảng vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Chúng ta sẽ xây dựng một xã hội mới trên công nghệ và hiệu suất lao động tạo nên bởi nhân loại dưới chủ nghĩa tư bản, không có bóc lột và dựa trên quyền lợi chung của giai cấp lao động chiếm đại đa số. Tuy nhiên, giai cấp tư sản không chịu từ bỏ quyền lực và đặc quyền của nó mà không chiến đấu. Một nhóm cá nhân đó sẽ quyết tâm thống trị và bóc lột hàng tỉ người trên thế giới. Hệ thống của chúng ngày càng tỏ rõ không tương thích với sự tiếp tục tồn tại của nhân loại. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo lời của Oa-ren Bu-fít, một siêu tỉ phú, là một cuộc chiến tranh giai cấp toàn cầu. Năm 2006, ông ta nói “những gì đang diễn tiến là một hình thái chiến tranh giai cấp” và rằng đó là giai cấp của tôi, giai cấp giàu đang tiến hành chiến tranh, và chúng ta đang chiến thắng” (5) .
Chủ nghĩa tư bản có thể được thay thế bằng chủ nghĩa xã hội trên quy mô thế giới, hoặc toàn bộ “thử nghiệm” của văn minh nhân loại có thể sẽ bị vứt bỏ và đảo ngược bằng bạo lực tàn khốc, như lời Rô-da Lúc-xăm-bua. Tổng thống Giôn Ken-nơ-đy từng khẳng định: “Những ai làm cho cách mạng hòa bình không thể thực hiện được sẽ làm cho cách mạng bạo lực không tránh khỏi”(6) . Một người có quan điểm như vậy khó mà tồn tại trong xã hội tư bản!
Chủ nghĩa xã hội vẫn được nhân dân các nước kể cả các nước tư bản chủ nghĩa giàu mạnh nhất tán thành. Tại Mỹ, ngày 6 và 7-4-2009, Rasmussen Reports công bố một thăm dò 1.000 người trưởng thành có sai số 3 phần trăm về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Kết qua tổng hợp cho thấy, những người từ 40 tuổi trở lên tán thành chủ nghĩa tư bản hơn, những người 30 tuổi trở xuống có đánh giá ngang bằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
Ngay cả đối với những người dân chủ, nếu 39% tán thành chủ nghĩa tư bản, thì 30% ủng hộ chủ nghĩa xã hội.
(1) André Orléan (The Motor of Capitalism) là Giám đốc CNRS (Trung tâm quốc gia nghiên cứu xã hội), thành viên của nhiều tổ chức khoa học kinh tế và tác giả của nhiều cuốn sách như Sức mạnh của tài chính, Odile Jacob, 1999
(2) Hệ thống Bretton Woods đề cập một hệ thống tiền tệ quốc tế được chuẩn bị năm 1944 ở Bretton Woods, New Hampshire, thành lập IMF, WB và đặt cơ sở cho sự ra đời của GATT/WTO...
(3) Tại hội nghị WTO, các nước tư bản lớn lập ra Phòng Xanh với sự tham gia của các nước đang phát triển được lựa chọn để bàn trước những vấn đề thương mại đang đàm phán, sau đó nhất trí đưa ra hội nghị toàn thể để thông qua. Phòng Xanh thường gồm các nước G7 và các nước đang phát triển có kim ngạch thương mại lớn
(4) Nicolas Sarkozy: “Tạo dựng một chủ nghĩa tư bản mới”, New York Times, 2-4-2009
(5) Ben Stein: “Thử đoán xem ai thắng trong chiến tranh giai cấp”, New York Times, 26-11-2006
(6) Trích Andrew Gavin Marshall: Chiến tranh, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và Đế chế của nghèo khổ, Phần I, 31-3-2010
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển