Một số quan niệm có tính phê phán nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và sự phản bác lại những quan niệm đó
Nhìn lại lịch sử phát triển của xã hội loài người đã trải qua nhiều mô hình kinh tế khác nhau, như: kinh tế tự nhiên; kinh tế hàng hoá: kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ, kinh tế sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa (TBCN) mà giai đoạn phát triển cao là kinh tế thị trường TBCN. Kinh tế thị trường ra đời, phát triển qua các giai đoạn và đến nay là kinh tế thị trường hiện đại. Sự phát triển theo các mô hình kinh tế đó đã chứng minh: phát triển kinh tế thị trường là con đường phát triển kinh tế có hiệu quả, không những là tất yếu khách quan mà còn rất cần thiết và quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với những nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Thực tiễn ngày nay hầu hết các nước trên thế giới đều chuyển sang thực hiện mô hình kinh tế hỗn hợp, nghĩa là kết hợp kinh tế thị trường tự do cạnh tranh với sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Điều khác nhau ở đây là tuỳ thuộc vào bản chất của các nhà nước. Nhà nước tư sản hay là Nhà nước xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân lao động.
Đối với nước ta, sự chuyển biến từ nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp sang phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa được bắt đầu từ Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 và đến Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011 đã trải qua 25 năm, thể hiện rõ sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về kinh tế thị trường.
Đại hội IX của Đảng (năm 2001) đánh dấu sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về kinh tế thị trường. Đại hội chỉ rõ: “… thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”(1).
Đại hội X của Đảng (năm 2006) tiếp tục làm sáng rõ hơn những vấn đề lý luận liên quan đến xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với 4 nội dung cơ bản là:
- Nắm vững định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.
- Nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước.
- Phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành của các loại thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh.
- Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức kinh doanh.
Đến Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Các yếu tố thị trường được tạo lập đồng bộ, các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Phân định rõ quyền của người sở hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất và quyền quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, bảo đảm mọi tư liệu sản xuất đều có người làm chủ, mọi đơn vị kinh tế đều tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình… Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên, môi trường... Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế”(2).
Như vậy, trải qua các kỳ Đại hội, từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng ta luôn khẳng định con đường mà chúng ta lựa chọn đó là chủ nghĩa xã hội, mô hình mà chúng ta đang thực hiện đó là: nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là mô hình hoàn toàn đúng đắn và hợp quy luật. Quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã có những đóng góp rất lớn vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, kinh tế thị trường tự nó vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém trong tiến trình thực hiện. Do vậy, cần có sự nhận thức đúng đắn về mô hình kinh tế này cả về lý luận và thực tiễn.
Trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng, có một số quan niệm có tính phê phán nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, như sau:
- Một số quan điểm cho rằng, không thể kết hợp kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo họ, kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản cho nên kinh tế thị trường không thể định hướng xã hội chủ nghĩa được, phải từ bỏ hệ tư tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Nghĩa là họ đã đem đối lập hoàn toàn giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Theo Ph. Ăng-ghen: đó là lối tư duy siêu hình phủ định tính biện chứng nằm ngoài những mâu thuẫn vốn có, không dám chấp nhận mâu thuẫn để giải quyết mâu thuẫn. VI. Lê-nin đã từng yêu cầu phải “Tự giác kết hợp các mặt đối lập, một sự kết hợp tưởng chừng như không thể nào kết hợp được, như giữa đất với trời chẳng hạn, giữa người buôn sỉ với người cộng sản, giữa chuyên gia tư sản với người cộng sản” nếu không sẽ là con đường tự sát và dại dột mà chính VI. Lê-nin cũng đã từng chỉ ra. Đó cũng chính là cơ sở phương pháp luận để Đảng ta xử lý các mối quan hệ trong tiến trình thực hiện công cuộc đổi mới.
- Có ý kiến cho rằng, không thể có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; rằng chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường không thể dung hợp với nhau, nếu đem “ghép” định hướng xã hội chủ nghĩa vào kinh tế thị trường thì chẳng khác nào “trộn dầu vào nước”, tạo ra một cơ thể “đầu ngô mình sở”. Đây là những ý kiến không đúng, không hiểu rõ được sự phát triển với những quy luật vốn có của nó, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan; những ý kiến này hoặc vẫn còn ở lối tư duy cũ, đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, cho rằng kinh tế thị trường là cái riêng có của chủ nghĩa tư bản, từ đó “dị ứng” với kinh tế thị trường, không thấy hết những yếu tố, xu thế mới của kinh tế thị trường trong điều kiện mới của thời đại - đó là quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
- Và cũng có ý kiến nhấn mạnh một chiều đặc trưng chung của kinh tế thị trường, chưa thấy hết hoặc còn phân vân, nghi ngờ về những đặc trưng đặc thù của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó chưa tin tưởng vào mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Thậm chí có ý kiến cho rằng kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa như “nước với lửa” làm sao có thể kết hợp được với nhau? Như chúng ta thấy, kinh tế thị trường không phải là cái riêng có của chủ nghĩa tư bản mà là thành quả chung của văn minh nhân loại, tồn tại trong nhiều phương thức sản xuất khác nhau. Nó vừa có tác động tích cực, vừa có tác động tiêu cực trong các phương thức sản xuất, tuỳ thuộc vào lợi ích kinh tế của giai cấp cầm quyền, giai cấp thống trị.
Cần khẳng định rằng, kinh tế thị trường sẽ còn tồn tại lâu dài ở nước ta là một tất yếu khách quan, là sự cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bởi lẽ, sự tồn tại hay không tồn tại của kinh tế thị trường là do những điều kiện kinh tế, xã hội khách quan sinh ra nó quy định; người ta không thể áp đặt ý muốn chủ quan một cách tuỳ tiện cho điều này. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, những điều kiện làm nẩy sinh sản xuất hàng hoá: phân công lao động xã hội, các hình thức khác nhau của quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất không hề mất đi thì việc sản xuất và phân phối sản phẩm vẫn phải được thực hiện thông qua thị trường với những quan hệ giá trị, tiền tệ. Mặc dù C.Mác đã từng dự báo về sự mất đi của kinh tế hàng hoá trong xã hội tương lai, nhưng khi các điều kiện kinh tế, xã hội chưa chín muồi, Ông vẫn khẳng định: Sau khi đã xoá bỏ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nhưng vẫn còn đang duy trì nền sản xuất xã hội, thì sự quy định giá trị vẫn có tác dụng chi phối, theo ý nghĩa là việc điều tiết thời gian lao động xã hội giữa những nhóm sản xuất khác nhau, và cuối cùng việc ghi chép tất cả những khoản đó vào sổ kế toán sẽ trở thành quan trọng hơn bao giờ hết.
Mặt khác, nước ta thực hiện bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là quá trình phát triển “rút ngắn” của lịch sử, đây không thể là sự “đốt cháy” giai đoạn. Phát triển kinh tế thị trường ở nước ta là sự lựa chọn cách đi tới mục tiêu của chủ nghĩa xã hội một cách có hiệu quả và thuận lợi hơn. Đã có quan điểm đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản và cho rằng, phát triển kinh tế thị trường là đi theo chủ nghĩa tư bản, là xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Lôgíc và lịch sử của kinh tế hàng hoá cho thấy, kinh tế thị trường với tính chất là kinh tế hàng hoá phát triển hơn từ kinh tế hàng hoá giản đơn đã từng xuất hiện rất sớm, từ trước khi có chủ nghĩa tư bản. Ở các giai đoạn tiền tư bản đã xuất hiện sự sản xuất để trao đổi, để cho người khác dùng và sản phẩm chỉ được thực hiện trên thị trường; đã nẩy sinh các quan hệ cung - cầu, giá trị và giá cả. Sự ra đời của chủ nghĩa tư bản chỉ đánh dấu một giai đoạn mà kinh tế thị trường đã trở thành phổ biến, bao trùm toàn xã hội và phát triển tới đỉnh cao. Trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chúng đã gắn bó chặt chẽ với nhau đến mức làm cho người ta tưởng như là một. Về thực chất, kinh tế tư bản chủ nghĩa là một thực thể kinh tế khác với kinh tế thị trường, chúng sản xuất vì giá trị thặng dư, vì lợi nhuận. Do vậy, kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản là hai thực thể, hai động lực kinh tế hoàn toàn khác nhau, không hề đồng nhất với nhau và càng không thể coi kinh tế thị trường là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là sự lựa chọn về định hướng phát triển hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển khách quan và xu thế tất yếu của thời đại.
Kinh tế thị trường là một phạm trù kinh tế riêng, có tính độc lập tương đối, phát triển theo những quy luật riêng vốn có của nó dù nó tồn tại ở đâu và bất kể thời điểm nào của lịch sử. Song, trong sự tồn tại hiện thực sẽ không thể có một nền kinh tế thị trường trừu tượng, chung chung cho mọi giai đoạn phát triển, mà là những nền kinh tế hàng hoá, kinh tế thị trường cụ thể gắn với mỗi giai đoạn phát triển nhất định của xã hội. Trong lịch sử đã có kinh tế hàng hoá giản đơn kiểu chiếm hữu nô lệ và phong kiến hay kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Kinh tế hàng hoá, kinh tế thị trường tồn tại trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội cụ thể, đương nhiên nó phải gắn bó hữu cơ và chịu sự chi phối của các quan hệ sản xuất thống trị trong xã hội đó. Ngay như trong cùng một chế độ kinh tế - xã hội, nhưng sự phát triển của kinh tế thị trường ở mỗi dân tộc khác nhau cũng sẽ mang màu sắc, đặc tính không giống nhau. Ví như, cũng là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa nhưng lại có sự khác nhau giữa kinh tế thị trường tiêu dùng của Mỹ với kinh tế thị trường xã hội của Cộng hoà liên bang Đức, với kinh tế thị trường cộng đồng của Nhật Bản… Nền kinh tế thị trường ở mỗi nước trên, ngoài những tính quy luật chung về kinh tế thị trường, về quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa thống trị, chúng còn in đậm dấu ấn riêng về trình độ phát triển kinh tế, kết cấu kinh tế - xã hội, phong tục tập quán mà chúng tồn tại trong đó. Chúng ta hiểu được các mô hình kinh tế thị trường TBCN hiện đại để có thể hiểu được trong thực tế nền kinh tế thị trường vận hành như thế nào ở mỗi nước cụ thể như:
Mô hình kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ: với đặc điểm là sự đề cao vai trò của thị trường trong việc điều tiết nền kinh tế và phân phối thu nhập so với vai trò của Chính phủ. Mô hình này có đặc trưng chiếm ưu thế của sở hữu tư nhân, cơ chế thị trường cạnh tranh và sự năng động của kinh doanh, sự can thiệp thấp của Chính phủ và do đó, chấp nhận sự phân hoá xã hội ở mức độ cao.
Mô hình kinh tế thị trường cộng đồng Nhật Bản: mô hình kinh tế Nhật Bản được hình thành trong giai đoạn sau chiến tranh và được mô tả như là “hệ thống mẫu mực của phát triển đuổi kịp” - nổi bật trước hết bởi hiệu quả cao của việc Nhà nước can thiệp vào kinh tế cả ở tầm vi mô và vĩ mô. Có thể nói đây là mô hình thật sự tối ưu trong giai đoạn xã hội công nghiệp. Ở Nhật Bản, nền kinh tế phát triển mang sắc thái triết lý phương Đông với cơ chế nhiều tầng bảo vệ. Người Nhật Bản cho rằng hệ thống kinh tế của họ là một sự cân bằng giữa tự do kinh tế và sự can thiệp của Nhà nước, hay gọi là hệ thống kiểu phát triển đuổi kịp. Với hệ thống này, chúng ta thấy rõ sự can thiệp sâu vào kinh tế của Nhà nước và có hình thức tổ chức hoạt động kinh tế rất đặc thù. Thể chế kinh tế này đã mang lại nhiều thành công, đưa tới sự thần kỳ Nhật Bản những thập kỷ qua. Đặc trưng của mô hình này là coi trọng sự hiệp đồng, phối hợp hài hoà các quan hệ kinh tế - xã hội, đặc biệt là các quan hệ giữa nhà nước - các doanh nghiệp - người tiêu dùng, quan hệ giữa giới quản lý với người lao động, tạo nên sự nỗ lực chung, mang tính cộng đồng từ thấp đến cao. Dưới tiền đề phát huy tác dụng của thị trường, nỗ lực giải quyết các vấn đề có sự phối hợp, ràng buộc nhau vào thể chế kinh tế tổng thể, phát huy tác dụng chỉ đạo của các chính sách phát triển sản xuất.
Mô hình kinh tế thị trường xã hội của CHLB Đức: Có đặc trưng phối hợp sức mạnh của cơ chế thị trường tự do với sự can thiệp của Nhà nước để đạt được các mục tiêu xã hội đề ra; giả định mở rộng các nguyên tắc cạnh tranh gắn với tạo lập một hạ tầng xã hội mạnh nhằm làm giảm nhẹ các khiếm khuyết của thị trường; hình thành một cơ cấu thể chế phức tạp, nhiều tầng lớp của hệ thống an sinh xã hội. Đây là nền kinh tế dựa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa nguyên tắc tự do và nguyên tắc công bằng xã hội, trên cơ sở nền kinh tế thị trường và hướng vào mục tiêu khuyến khích, động viên mọi sáng kiến của cá nhân để bảo đảm lợi ích chung của xã hội; đồng thời loại bỏ lạm phát, thất nghiệp và nghèo đói. Nền kinh tế đó phải đạt 6 tiêu chuẩn cụ thể là: Quyền tự do cá nhân, công bằng xã hội, khắc phục các chu kỳ kinh doanh, chính sách tăng trưởng kinh tế, chính sách cơ cấu, bảo đảm tính tương hợp của thị trường.
Trong nền kinh tế thị trường xã hội cạnh tranh, có hiệu quả là yếu tố trung tâm. Tuy nhiên, ở đây cũng luôn tồn tại nguy cơ đe dọa cạnh tranh có hiệu quả, đó là nguy cơ do Nhà nước gây ra; sự hoạt động kinh tế của các tổ chức tư nhân đã tạo ra những hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc và chiều ngang; sự hợp nhất và thâu tóm lẫn nhau giữa các đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ sẽ dẫn đến loại trừ cạnh tranh giữa họ. Trong nền kinh tế thị trường xã hội, Nhà nước chỉ can thiệp vào những nơi quá trình kinh tế không có hiệu quả và có chức năng duy trì, bảo vệ, định hướng cho các hoạt động cạnh tranh đạt hiệu quả tối ưu. Sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế phải tuân theo 2 nguyên tắc: nguyên tắc hỗ trợ và nguyên tắc tạo ra sự hài hoà. Ngoài nhân tố thị trường là cơ bản, những yếu tố xã hội có vai trò quan trọng, được thể hiện trên các mặt cụ thể: Nâng cao mức sống của nhóm dân cư có thu nhập thấp trong xã hội; bảo vệ và giúp đỡ tất cả các thành viên trong xã hội chống lại những khó khăn về kinh tế, những đau khổ và rủi ro của cuộc sống gây nên.
Mô hình kinh tế thị trường Nhà nước phúc lợi Thuỵ Điển: có đặc trưng Chính phủ luôn tác động vào đời sống kinh tế - xã hội để bảo đảm sự phát triển hài hoà các mặt kinh tế và xã hội, “khéo léo kết hợp nền kinh tế thị trường tư nhân với mở rộng phúc lợi xã hội”. Mô hình kinh tế Thuỵ Điển trong suốt một thời kỳ dài vừa bảo đảm tăng trưởng thông qua hoạt động hiệu quả của thị trường, vừa thực hiện được công bằng nhờ tiến hành phân phối lại thu nhập một cách phổ biến, sự bảo đảm xã hội rất cao và phát triển mạnh các hiệp hội - tổ chức xã hội tự do, đó là nét đặc thù của Nhà nước phúc lợi. Vai trò nhà nước tác động tới phân phối được đánh giá cao.
Mô hình kinh tế thị trường XHCN của Trung Quốc: lấy chế độ công hữu là chủ thể, kinh tế nhiều loại hình sở hữu cùng phát triển. Thị trường đóng vai trò cơ sở rõ rệt trong việc phân bổ tài nguyên. Vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước và cơ chế thị trường luôn gắn bó nhau, thúc đẩy nhau. Lấy chế độ phân phối theo lao động làm chủ thể cùng với nhiều hình thức phân phối khác cùng tồn tại. Hệ thống bảo đảm xã hội của Trung Quốc gồm: bảo hiểm xã hội, cứu tế xã hội, phúc lợi xã hội, ưu đãi, chăm sóc người có công, tương trợ xã hội… Mở cửa với bên ngoài là một quốc sách lâu dài, cơ bản của Trung Quốc.
Như vậy, nghiên cứu các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới cho chúng ta thấy rõ mỗi quốc gia đều có con đường đi riêng của mình, với những biện pháp đặc thù, sẽ không có mô hình nào là vạn năng cả, mà chúng ta phải biết vận dụng có chọn lọc vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình. Song, cũng cần phải nhấn mạnh rằng một xu hướng chung tất yếu trong sự phát triển kinh tế thị trường là: nhấn mạnh các mục tiêu xã hội và phát triển con người; thừa nhận vai trò định hướng, tổ chức và điều tiết của Nhà nuớc. Thực tiễn lịch sử chưa có một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; song, theo tiến trình phát triển khách quan của xã hội tất yếu sẽ có một nền kinh tế thị trường tồn tại và bị chi phối bởi hệ thống quan hệ sản xuất mới - quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn cho thấy, mặc dù kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đã đạt tới giai đoạn phát triển khá cao và phồn thịnh trong các nước tư bản phát triển, nhưng với những mâu thuẫn vốn có không thể nào khắc phục được trong lòng xã hội tư bản; nền kinh tế thị trường đó đang ngày càng có xu hướng tự phủ định và tự tiến hoá để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn hậu công nghiệp, theo xu hướng xã hội hoá. Do vậy, nhân loại muốn tiến lên, xã hội muốn phát triển thì dứt khoát không thể dừng lại ở kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Với ý nghĩa đó, sự lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay là hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại và đặc điểm phát triển của dân tộc ta, sự lựa chọn đó không hề gây nên mâu thuẫn cho tiến trình tiến lên của đất nước. Đi theo định hướng XHCN nghĩa là nền kinh tế nước ta đang thực hiện bước quá độ tới mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Ở đây, kinh tế thị trường được sử dụng như một công cụ, phương tiện hay con đường để đi tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Đây thực sự là bước đi, cách làm mới mẻ hiện nay mà các dân tộc, quốc gia đang trên con đường hướng tới xã hội xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, V.I. Lê-nin với NEP (Chính sách kinh tế mới) được thực hiện trong thời kỳ (1921-1924) ở nước Nga - Xô viết đã để lại những bài học vô cùng quý giá trong việc sử dụng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cần được nghiên cứu và vận dụng sáng tạo.
Kinh tế thị trường là một kiểu tổ chức kinh tế - xã hội. Kinh tế thị trường thuộc về quan hệ sản xuất, song không phải là yếu tố quyết định chế độ kinh tế - xã hội. Vì vậy mà nó luôn phải có tính từ kèm theo để định danh cho nền kinh tế đó như kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Điều này phù hợp với nhận định của C.Mác: “Lưu thông hàng hóa và sản xuất hàng hóa là những hiện tượng thuộc nhiều phương thức sản xuất hết sức khác nhau, tuy nhiên với mức độ và phạm vi không giống nhau”(3).
Thực tiễn lịch sử cho thấy cơ sở kinh tế khách quan của sự hình thành và phát triển kinh tế thị trường cũng là cơ sở kinh tế khách quan của sự hình thành và phát triển kinh tế hàng hóa. Đó là sự phân công lao động xã hội và sự tách biệt về kinh tế giữa những người sản xuất hàng hóa quy định. Có nghĩa là kinh tế thị trường tồn tại cả trong chủ nghĩa xã hội cũng như trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Điều khẳng định này bác bỏ luận điểm cho rằng kinh tế thị trường là “hiện tượng thuộc về quá khứ đối với chủ nghĩa xã hội” hay “kinh tế thị trường không cộng sinh với chủ nghĩa xã hội”(4).
Do vậy trong chủ nghĩa tư bản và trong chủ nghĩa xã hội đều tồn tại kinh tế thị trường, nhưng có những đặc trưng khác nhau. Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa nên là nền kinh tế thị trường phục vụ lợi ích thu lợi nhuận của giai cấp tư sản. Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa dựa trên chế độ công hữu do Đảng Cộng sản lãnh đạo, mục đích của nền kinh tế thị trường là phục vụ lợi ích của nhân dân lao động, xóa bỏ chế độ bóc lột, giải phóng và phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất.
Sự lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không phải là sự gán ghép chủ quan giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, mà là sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay; là sự tiếp thu có chọn lọc thành tựu văn minh nhân loại, nhằm phát huy vai trò tích cực của kinh tế thị trường trong việc phát triển sức sản xuất, xã hội hóa lao động, cải tiến kỹ thuật - công nghệ, nâng cao đời sống nhân dân… Đồng thời, hạn chế những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường như chạy theo lợi nhuận đơn thuần, cạnh tranh không hoàn hảo, bóc lột và phân hóa giàu nghèo quá đáng…
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế trong thời ký quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường là cái chung còn định hướng xã hội chủ nghĩa là cái đặc thù của Việt Nam, phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của Việt Nam. Trong đó lấy cái đặc thù làm chủ đạo. Nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nghĩa là nền kinh tế nước ta không phải là nền kinh tế bao cấp, quản lý theo kiểu tập trung quan liêu; cũng không phải là kinh tế thị trường tự do theo kiểu tư bản chủ nghĩa; và cũng chưa hoàn toàn là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, bởi vì Việt Nam đang trong thời kỳ quá đội lên chủ nghĩa xã hội, vừa có, vừa chưa có đầy đủ các yếu tố của chủ nghĩa xã hội, còn có sự đan xen và đấu tranh giữa cái cũ và cái mới. Cần hiểu rõ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa mang tính chất chung của nền kinh tế thị trường và vừa có tính chất đặc thù, dựa trên nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Định hướng xã hội chủ nghĩa là một tất yếu, là sự lựa chọn phù hợp với nội dung của thời đại - Thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX đã nhận định: “Chủ nghĩa xã hội trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như từ khát vọng và sự thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử loài người nhất định tiến lên chủ nghĩa xã hội”(5). Định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ là một tất yếu về chính trị và nguyện vọng mong muốn của nhân dân ta, mà còn là một tất yếu kinh tế, văn hoá, xã hội. Định hướng xã hội chủ nghĩa là sản phẩm tất yếu của quá trình tác động của quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và sự nhận thức của những người lao động đối với sự vận động của các hình thái kinh tế xã hội loài người.
Nói định hướng xã hội chủ nghĩa có nghĩa là chúng ta chưa thể có ngay chủ nghĩa xã hội theo đúng nghĩa của nó, mà đó là một quá trình, là mục tiêu mà chúng ta phải đạt tới. Trong quá trình đó, phải từng bước xác lập chủ nghĩa xã hội; phải tạo ra những điều kiện, những tiền đề để phát triển theo đúng quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội tránh nguy cơ chệch hướng. Trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế thị trường, tính định hướng XHCN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội phải là: quá trình thực hiện dân giàu, nước mạnh, tiến lên hiện đại trong một xã hội do nhân dân làm chủ, nhân ái, có văn hoá, có kỷ cương, xoá bỏ áp bức và bất công, tạo điều kiện cho mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; “ dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đảng ta dần dần làm sáng tỏ thêm một bước nội dung cơ bản của định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta với 4 tiêu chí cơ bản sau:
Một là, về mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là nhằm: thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước khá giả hơn.
Hai là, về phương hướng phát triển, phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Ba là, về định hướng xã hội và phân phối: phải thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế phải gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với phát triển xã hội, văn hoá, giáo dục và đào tạo… giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội.
Bốn là, định hướng XHCN trong lĩnh vực quản lý: phát huy quyền làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết kinh tế của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam./.
--------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.86
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.73-75
(3) C.Mác, Ph. Ăngghen, toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, t.23, tr.175
(4) Thời báo Kinh tế Việt Nam, số ra ngày13-4-1994, tr.2
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.14
Ðảng bộ Quảng Nam thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Ðảng gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (31/10/2013)
Trà Vinh: Tạo bước phát triển mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn  (31/10/2013)
Đồng chí Tô Huy Rứa tiếp nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yu-ki-ô Ha-tô-ya-ma  (31/10/2013)
Chủ tịch nước tiếp Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Ăng-gô-la  (31/10/2013)
Kỳ họp thứ VI Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Ăng-gô-la  (31/10/2013)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên