Khủng hoảng nợ công châu Âu và bài học cho Việt Nam
Nhìn lại cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước châu Âu
Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bắt đầu từ nửa sau năm 2009 với sự gia tăng mức nợ công của nhóm PIIGS (Bồ Đào Nha, Ai-len, I-ta-li-a, Hy Lạp và Tây Ban Nha). Hy Lạp là quốc gia đầu tiên bước vào vòng xoáy này, với mức thâm hụt ngân sách đạt tới 13,6% GDP. Nợ công Hy Lạp cũng lên tới 236 tỷ Ơ-rô, bằng khoảng 115% GDP của Hy Lạp vào năm 2009. Vào tháng 11-2010, Ai-len chính thức trở thành nạn nhân thứ hai của cơn bão khủng hoảng nợ công khi phải cầu viện Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Bước sang năm 2011, Bồ Đào Nha tiếp tục là quốc gia thứ ba rơi vào khủng hoảng khi tuyên bố mức thâm hụt ngân sách đã lên tới 8,5% GDP, cùng với đó, nợ công cũng đã vượt quá 90% GDP. I-ta-li-a và Tây Ban Nha mặc dù chưa thực sự rơi vào khủng hoảng, nhưng cũng ở trong vòng nguy hiểm. Thâm hụt ngân sách của I-ta-li-a vào năm 2011 mới chỉ ở mức 5% GDP, nhưng nợ công đã xấp xỉ 120% GDP. Tây Ban Nha nợ công ở mức 72% GDP, trong khi thâm hụt ngân sách lại rất cao, gần 9% GDP.
Cộng đồng chung châu Âu (EC) dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone sẽ tăng lên mức kỷ lục 12% trong năm 2013 và 11% trên toàn EU, trong đó Tây Ban Nha là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp ở mức báo động (- 27%) trong khi tỷ lệ này tại Áo chỉ là 4,7%. Ngoài dự báo ảm đạm về tình hình kinh tế Eurozone, EC cho biết năm 2013, kinh tế Pháp và Cộng hòa Síp đều rơi vào suy thoái, trong đó Pháp sẽ tăng trưởng âm 0,1% trong năm 2013 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 10,6% trong năm nay lên mức 10,9% trong năm 2014. Thâm hụt ngân sách của nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực Eurozone này cũng được dự báo sẽ tăng từ 3,9% GDP trong năm nay lên 4,2% GDP trong năm 2014. Cộng hoà Síp cũng rơi vào suy thoái trầm trọng khi GDP được dự đoán giảm 12,6% trong vòng 2 năm tới (8,7% trong năm nay và 3,9% trong năm 2014). Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng được dự báo chưa thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng do bong bóng nhà đất kéo dài suốt một thập kỷ tại nước này gây ra. EC dự đoán kinh tế nước này sẽ giảm 1,5% trong năm 2013 trước khi có thể đạt mức tăng trưởng 1,4% trong năm 2014. Tuy nhiên, theo báo cáo trên, Hy Lạp sẽ lần đầu tiên đạt tăng trưởng sau 6 năm suy thoái liên tiếp. EC dự báo có thể quốc gia thành viên Eurozone này sẽ đạt mức tăng trưởng 0,6% trong năm 2014 sau khi tăng trưởng âm 4,2% trong năm nay.
Theo báo cáo trên, 5 quốc gia trong khối có mức nợ công cao nhất là Hy Lạp, Tây Ban Nha, I-ta-li-a, Bồ Đào Nha và Síp. Trong đó, đáng chú ý, nợ công của Hy Lạp là 150,3%, tương đương 300,8 tỷ Ơ-rô, giảm từ mức 158,8% GDP, tương đương 340,9 tỷ Ơ-rô, cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong quý I, nợ công của Hy Lạp đã giảm xuống còn 280,4 tỷ Ơ-rô, tương đương 136,9% GDP, nhờ kế hoạch tái cấu trúc các khoản nợ do lĩnh vực tư nhân nắm giữ. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ phá sản, Hy Lạp tiếp tục vay thêm tiền trong quý II và khiến nợ công leo thang trở lại. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể đã lại rơi vào tình trạng suy thoái trong quý III năm 2013. Hiện thị trường đang đón chờ các số liệu chính thức sẽ được công bố trong tháng tới.
Nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu là do chính sách tài khóa thiếu bền vững và sự mất cân đối trong việc vay nợ của các quốc gia. Điển hình là Hy Lạp, kể từ khi gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào năm 2001 cho đến khủng hoảng tài chính năm 2008, mức thâm hụt ngân sách được công bố trung bình vào khoảng 5% mỗi năm, trong khi con số này của cả khối Eurozone chỉ là khoảng 2% (IMF, 2009). Chính vì thế, Hy Lạp đã không thể duy trì được những chỉ số theo chuẩn của Ủy ban Kinh tế và Tiền tệ của EU (EMU), với mức trần thâm hụt ngân sách là 3% và nợ nước ngoài là 60% GDP. Tuy nhiên, Hy Lạp không phải là quốc gia duy nhất, bởi có đến 25/27 thành viên EU không đạt được cam kết này.
Hy Lạp còn được báo chí nhắc đến rất nhiều về nạn trốn thuế, khi tăng trưởng GDP danh nghĩa trong giai đoạn 2000 - 2007 đạt mức trung bình 8,25%, thì mức tăng về thu thuế chỉ là 7%. Ngoài mức chi tiêu công thông thường, Hy Lạp còn phải trả cho khoản đầu tư công khổng lồ cho Ô-lim-píc 2004. Để bù đắp cho khoản thâm hụt kép này, Hy Lạp đã đi vay trên thị trường vốn quốc tế và trong suốt một thập kỷ, trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nước này đã trở thành “con nợ”, với tổng số nợ nước ngoài lên tới 115% GDP (năm 2009). Đến năm 2010, báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, nợ công của Hy Lạp đã lên tới con số 330 tỷ Ơ-rô, tương đương với 147,8% GDP.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu là sự hạn chế trong cơ chế phối hợp điều hành trong khu vực sử dụng đồng tiền chung (Eurozone), nhất là giữa tiền tệ và tài khóa. Các quốc gia trong khu vực chủ yếu hợp tác trong các chính sách tiền tệ, nhằm bảo đảm duy trì giá trị đồng Ơ-rô, trong khi các chính sách tài khóa lại chưa có được một sự đồng thuận và hài hòa tương ứng. Rõ ràng, mặc dù đã có những quy định cụ thể về mức thâm hụt ngân sách cũng như nợ công, nhưng lại không có một cơ chế giám sát và quản lý hiệu quả đối với từng quốc gia thành viên. Chính vì vậy, sự kiện vỡ nợ tại một quốc gia là Hy Lạp đã kéo theo khủng hoảng niềm tin lan sang các quốc gia có chính sách tài khóa lỏng lẻo khác.
Bên cạnh đó, nguyên nhân khác khiến cuộc khủng hoảng lan rộng và có nguy cơ trầm trọng hơn chính là việc thiếu cơ chế phối hợp ứng phó giữa các quốc gia trong khu vực. Hầu hết các quốc gia đều cố gắng thực hiện những chính sách của riêng mình và khi không thể giải cứu được nền kinh tế mới nhờ đến sự viện trợ của EU và IMF, mà không hề có những cảnh báo sớm với một chiến lược xử lý về dài hạn được đưa ra.
Một số bài học rút ra cho Việt Nam
Từ năm 2001 đến nay, tỷ lệ nợ công của Việt Nam có xu hướng tăng qua các năm từ 31,6% GDP (năm 2001) hiện tại đã vượt qua 50%(1). Mức nợ công của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ đứng sau 3 nước: Lào, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po. Khủng hoảng nợ công ở EU đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của các nước, đồng thời bộc lộ những khuyết tật trong mô hình liên kết cũng như của từng nền kinh tế, khiến cả EU phải đối mặt với vòng luẩn quẩn của tỷ lệ tăng trưởng thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao. Những bài học kinh nghiệm qua đó có thể thấy là:
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp
Nước ta hiện nay đang phải giải quyết rất nhiều vấn đề về tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững: hệ số ICOR cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu lao động trong một số ngành kỹ năng cao, nhưng lại thừa lao động kỹ năng thấp, tăng trưởng dựa quá nhiều vào tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Trong chiến lược phát triển đất nước tới năm 2020, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm tăng trưởng nhanh, bền vững về cả môi trường và xã hội. Về cơ bản, các mục tiêu đặt ra cũng gần giống với các nước Đông Âu. Tuy không áp dụng một cách máy móc bài học của các nước chuyển đổi Đông Âu, nhưng những thành tựu, hạn chế trong hơn 20 năm chuyển đổi và hội nhập cũng như những cố gắng vượt qua khủng hoảng, đổi mới mô hình tăng trưởng của Ba Lan và Hung-ga-ri là những gợi mở tốt cho Việt Nam trong việc thực hiện chiến lược phát triển tới năm 2020.
Qua kinh nghiệm liên kết thị trường ở EU cho thấy thị trường càng tự do thì luật pháp càng phải chặt chẽ. Những cơ chế và hệ thống thị trường được hình thành và hoàn thiện ở các nước EU bằng con đường tự nhiên và trong suốt hàng trăm năm, còn luật lệ hay những thành quả của cộng đồng cũng được hoàn thiện trong suốt nửa thế kỷ qua.
Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đáp ứng các yêu cầu hội nhập của Tổ chức Thương mại thế giới, hướng tới Cộng đồng ASEAN, các Hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA song phương với EU, FTA ASEAN - Trung Quốc. Việc hoàn thiện luật pháp, thể chế theo hướng quốc tế hóa của một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập hiệu quả với khu vực và thế giới trong thời gian không dài trước mắt là một thách thức to lớn. Hơn nữa, không chỉ xây dựng luật pháp mà đòi hỏi luật pháp được vận hành, bảo đảm hiệu lực.
Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng
Cạnh tranh và hội nhập luôn song hành, đây là 2 mặt của 1 vấn đề. Muốn hội nhập, chúng ta phải cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh mới có thể hội nhập một cách sâu rộng, hiệu quả. Những kinh nghiệm bảo đảm khả năng cạnh tranh của các nước Đông Âu trong điều kiện hội nhập với các nền kinh tế phát triển đòi hỏi vai trò định hướng quan trọng của Nhà nước trong việc tập trung nguồn lực thực hiện các mục tiêu ưu tiên, như: Tăng đầu tư cho khoa học, công nghệ, giáo dục và đào đạo; nâng cao nguồn lực con người; xây dựng các hạ tầng hiện đại như giao thông, viễn thông, năng lượng; ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng đồng bộ các chính sách kinh tế, bảo đảm các doanh nghiệp có thể quyết định những chiến lược dài hạn cho mình; cải tổ các doanh nghiệp nhà nước, chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp...
Về đầu tư công, vai trò của Nhà nước trong đầu tư cần tập trung tạo động lực cho phát triển kinh tế thị trường, xây dựng thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng. Tuy nhiên, trong phát triển hạ tầng, xu thế của các nước là rút dần các doanh nghiệp công hữu trong các lĩnh vực độc quyền tự nhiên như giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, năng lượng... mà hướng đầu tư công sang phát triển khoa học công nghệ, giáo dục, tạo đòn bẩy để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng tri thức, xanh, sạch, bền vững về môi trường và xã hội.
Kinh nghiệm quốc tế và các nước Đông Âu cho thấy cần phải xác lập tính độc lập của ngân hàng trung ương trong vận hành chính sách tiền tệ. Việc điều tiết tỷ giá, lãi suất, lạm phát là những công cụ vĩ mô quan trọng cần ổn định và dự báo được. Đồng thời, ngân hàng trung ương cần tăng cường các biện pháp, chế tài nhằm kiểm soát, cảnh báo rủi ro của hệ thống ngân hàng, hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình hội nhập với khu vực và thế giới. Chính sách tài khóa và ngân sách, ngoài việc tăng cường hiệu quả thu chi, bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, cũng cần minh bạch, dự báo được để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về chính sách nợ công, cần nêu rõ cơ quan quyết định chính sách, nội dung cơ bản của chính sách là gì và chính sách đó được xây dựng dựa trên những cơ sở khoa học nào. Cần bổ sung quy định để định nghĩa chiến lược nợ theo những khuyến nghị của các chuyên gia WB và IMF, phù hợp với điều kiện của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đồng thời, phải quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch các khoản nợ của các ngân hàng thương mại, nhằm không chỉ khai thông tín dụng mà còn tránh rủi ro làm gia tăng nợ công như những diễn biến hiện nay ở EU.
Thực hiện tốt một số giải pháp nhằm kiềm chế nợ công
Việt Nam là một nước đang phát triển, nên có tỷ lệ đầu tư cao, thường xấp xỉ 40% GDP trong khi chỉ có 27% - 30% GDP là nguồn vốn tiết kiệm trong nước, còn lại hơn 10% nguồn vốn bên ngoài (FDI, ODA, những khoản vay khác). Đây là một tỷ lệ rất cao so với trung bình các nước trong khu vực và trên thế giới. Mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư bên ngoài sẽ dễ bị tổn thương nếu kinh tế thế giới ngưng trệ. Do đó, giảm lượng vốn đầu tư từ bên ngoài trong cấu trúc vốn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài và thúc đẩy phát triển dựa trên đầu tư có hiệu quả là cần thiết trong mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Một bài học từ nguyên nhân chủ yếu gây ra cuộc khủng hoảng tại các quốc gia Mỹ La-tinh cũng như các quốc gia châu Âu (điển hình là Hy Lạp) là thâm hụt ngân sách. Do vậy, việc cần làm là Việt Nam nên thắt chặt công khố, thực hành tiết kiệm và chi tiêu công hợp lý, thận trọng trong những dự án đầu tư quy mô lớn tiêu tốn một lượng lớn vốn từ những khoản nợ nước ngoài. Điều này cần được quan tâm thực hiện, bởi hiện nay, Việt Nam đang có quá nhiều dự án quy mô lớn, như mở rộng đô thị, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc - Nam…
Nhằm quản lý tốt thâm hụt ngân sách cũng như nợ công, điều quan trọng đầu tiên cho mỗi quốc gia chính là việc thực hiện công khai, minh bạch trong các chính sách. Đặc biệt, Chính phủ cũng cần đưa ra một khuôn khổ pháp luật rõ ràng và giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính. Cơ quan này với vai trò lựa chọn các công cụ và hình thức vay nợ cần thiết, xây dựng chiến lược và lộ trình vay nợ hợp lý, nghiên cứu về các chiến lược quản lý nợ công bền vững thông qua các chỉ số về giới hạn nợ và các thông số về rủi ro mà nợ công mang lại. Song hành với nó là kiểm tra, giám sát nhằm đưa ra được những con số thống kê cập nhật rõ ràng và xác thực. Đồng thời, các điều khoản vay nợ đi kèm cũng cần được minh bạch và cập nhật đầy đủ. Theo IMF, việc thực hiện kiểm toán các hoạt động vay nợ hằng năm của Chính phủ được giao cho một cơ quan độc lập nhằm nâng cao tính khách quan và minh bạch về những thông tin này.
Mối quan hệ giữa khu vực hành chính và khu vực sự nghiệp công cũng cần được minh bạch rõ ràng. Đặc biệt, cần có sự rõ ràng trong việc làm thế nào lợi nhuận thu được từ các tổ chức sự nghiệp có thể đóng góp cho Chính phủ. Những báo cáo tài chính hằng năm của các tổ chức này cần phải công khai về lợi nhuận và phần sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước, thông tin này cũng cần được ghi lại trong báo cáo hằng năm về ngân sách nhà nước. Tương tự, các nguồn chi tiêu của Chính phủ nhằm phục vụ lợi ích của các tổ chức công cần phải được công khai trong báo cáo về ngân sách nhà nước, cũng như báo cáo tài chính hằng năm./.
-----------------------------------------------
(1) http://www.ou.edu.vn/dacbiet/Pages/Khung-hoang-no-cong-chau-Au-%E2%80%93-Mot-su-xem-xet-lai.aspx
Ô-xtrây-li-a: người dân cảm thấy hạnh phúc nhất  (19/07/2013)
Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi - góp phần phát triển nông thôn bền vững ở An Giang  (19/07/2013)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định bổ nhiệm chức danh tư pháp  (18/07/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn đại biểu Lào  (18/07/2013)
Phó Chủ tịch nước thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị  (18/07/2013)
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm việc tại Thanh Hóa  (18/07/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay