Chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về kinh tế thị trường, loài người đã đi được một quãng đường khá dài, nên hướng phát triển và những ưu điểm, khuyết điểm, thành công và thất bại của nó đã tương đối rõ, nhưng về định hướng xã hội chủ nghĩa thì vấn đề không chỉ dừng lại ở mục tiêu lý tưởng mà phải có những hướng phát triển, bước đi thật cụ thể. Bởi vậy, trong khuôn khổ của bài viết, tôi xin bàn về góc độ giá trị công bằng và tương trợ của chủ nghĩa xã hội.

Trong lịch sử thế giới đã có nhiều phong trào muốn thực hiện hoài bão của loài người là xây dựng một xã hội công bằng và tương trợ. Trong vấn đề này thực tế đã chỉ rõ, không những mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô thất bại, mà mô hình nhà nước phúc lợi của các nước do các đảng xã hội dân chủ lãnh đạo cũng không mấy thành công. Nhiều nhóm nước trên thế giới đang đi tìm các mô hình chủ nghĩa xã hội mới. Đáng chú ý là từ năm 2001 đến nay, hằng năm đều có các diễn đàn xã hội thế giới để thảo luận về vấn đề toàn cầu hóa theo kiểu khác (Alter-globalisation). Diễn đàn này đã có tác dụng thúc đẩy các phong trào cách mạng tiến bộ ở nhiều nước châu Mỹ La-tinh.

Qua nghiên cứu các xu thế tiến bộ trên thế giới, tôi thấy việc Đảng ta lựa chọn con đường phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn. Tuy vậy, cũng cần tham khảo kinh nghiệm và các ý tưởng mới trên thế giới để từ đó có thể giúp ta suy nghĩ về các biện pháp thực hiện thành công định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường. Bước đầu tôi xin mạnh dạn nêu lên một số nội dung sau:

Một là, chống chủ nghĩa tự do mới. Chủ nghĩa tự do mới là một xu hướng triết học - chính trị - kinh tế nhằm loại bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế. Thuyết này chủ trương dùng các phương pháp tự do hóa thị trường, hạn chế kinh doanh ít nhất và xác định quyền sở hữu cá nhân. Về mặt chính trị - đối ngoại, họ chủ trương dùng áp lực kinh tế để mở cửa thị trường, can thiệp cả về ngoại giao và quân sự. Năm 1989 các tổ chức tài chính quốc tế cùng với Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã đề ra thỏa thuận gọi là "Đồng thuận Oa-sinh-tơn" (Washington Consensus) muốn hướng nền kinh tế thế giới về tự do hóa thị trường và xóa bỏ tất cả các biện pháp điều tiết do Nhà nước đặt ra. Các tổ chức này đưa ra một chương trình cải cách kinh tế trọn gói, kêu gọi sẽ cho các nước vay tiền nếu chấp nhận mô hình chủ nghĩa tự do mới với mở cửa thị trường và tư nhân hóa. Thế nhưng, đối với những mặt hàng mà họ đang bị yếu thế, các nước đang phát triển đang có lợi thế thì lại được bảo hộ dưới nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Đó là chưa nói đến các thủ thuật chuyển lượng phế thải công nghiệp và công nghệ thải loại sang các nước khác núp dưới các hình thức đầu tư ra nước ngoài.

Tuy vậy, hiện nay xu hướng này đang ảnh hưởng rất mạnh đến cán bộ và doanh nhân nước ta, nhất là trong việc chỉ thấy tính tất yếu của hội nhập, mà không thấy rõ những thách thức của quá trình đó. Đây là nguy cơ lớn nhất đối với việc thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, phải làm cho cán bộ có ý thức cảnh giác cao độ với khuynh hướng quá đề cao vai trò của thị trường và hội nhập như là những bài thuốc vạn năng có thể chữa bách bệnh.

Đối với nước ta trong việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dù hội nhập kinh tế quốc tế là một xu thế tất yếu, thì cũng giống như thị trường, nó chỉ là phương tiện và tuyệt nhiên không lẫn lộn giữa phương tiện với mục tiêu. Về mặt tư tưởng, chúng ta phải chống lại các xu hướng phản phát triển và chủ nghĩa thực dân kinh tế mới dưới mọi hình thức, trong đó có chủ nghĩa tự do mới, phải vạch rõ các khía cạnh tiêu cực của nó để bảo vệ định hướng xã hội chủ nghĩa và độc lập, chủ quyền của dân tộc.

Hai là, xây dựng một nền kinh tế mang tính xã hội và tương trợ nhiều hơn. Trong việc chống lại chủ nghĩa tự do mới, ngay tại các nước tư bản chủ nghĩa cũng đang có nhiều hành động thực tiễn và cả các phong trào đấu tranh cho việc xây dựng một nền kinh tế mang tính xã hội và tương trợ. Kinh tế mang tính xã hội dùng để chỉ các nhóm người (chứ không phải là vốn) giữ một vai trò kinh tế: các hợp tác xã, các hội tương trợ, hội quản lý, hiệp hội, hội từ thiện, tổ chức phi chính phủ... Các tổ chức này mang tính tự nguyện, phi lợi nhuận và hợp tác, độc lập đối với nhà nước. Đạo đức của kinh tế mang tính xã hội là: nhằm cung cấp dịch vụ cho hội viên hay tập thể chứ không vì lợi nhuận; tự chủ trong quản lý; quá trình quyết định mang tính dân chủ; coi trọng con người và công việc hơn là vốn trong việc phân phối thu nhập.

Kinh tế mang tính xã hội và tương trợ khác kinh tế thị trường ở chỗ nó lấy mục tiêu phi lợi nhuận và phương tiện thực hiện là hợp tác và tương trợ. Phát triển mạnh nền kinh tế này sẽ hạn chế các khuyết tật và khía cạnh tiêu cực của kinh tế thị trường.

Về hợp tác xã, hiện nay đang có sự lẫn lộn giữa hợp tác xã và công ty cổ phần. Không thể có hợp tác xã cổ phần. Các hợp tác xã cổ phần hiện nay là các công ty tư nhân trá hình, hay là tổ chức kinh tế của các nông dân giàu để làm dịch vụ thu lãi. Hợp tác xã thuộc về kinh tế mang tính xã hội, còn công ty cổ phần thuộc về kinh tế thị trường. Tuy rằng, trong hợp tác xã, các xã viên cũng phải đóng một phần vốn. Ở các nước, để tránh sự lẫn lộn này người ta không gọi số tiền do xã viên đóng góp để thực hiện dịch vụ là cổ phần, mà gọi là phần vốn xã hội. Khác nhau giữa vốn xã hội và cổ phần là vốn xã hội không được chia lãi, vì hợp tác xã không có lãi, mà chỉ có dịch vụ phí thừa ra. Số dịch vụ phí thừa ra này lại không chia theo cổ phần, mà chia theo khối lượng dịch vụ. Mỗi xã viên thường chỉ đóng một phần vốn xã hội, và các xã viên chỉ được quyền bỏ mỗi người một phiếu chứ không phải bỏ phiếu theo số cổ phần như trong công ty cổ phần. Một số hợp tác xã kiểu mới ở nước ta đã được xây dựng ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương và nó đang được nông dân tự phát triển rất nhanh.

Nông dân nước ta trong việc tiêu thụ các sản phẩm do mình sản xuất ra thường phải bán giá rất thấp. Ở các nước có tổ chức phong trào "Thương mại công bằng" (fair trade) là một biện pháp để điều tiết buôn bán quốc tế. Trong buôn bán quốc tế người sản xuất và người tiêu dùng thường bị "cắt đứt" nhau, thường thiếu các tiêu chuẩn hàng hóa, nên đã sinh ra các hình thức bóc lột, mà người sản xuất ở các nước đang phát triển là nạn nhân. Hiện nay nhiều xí nghiệp muốn thay thế sự điều tiết bằng sự quan tâm. Không đặt lại vấn đề về sự phân phối nguồn lợi không công bằng trên thế giới, người ta chú ý hơn đến "đạo đức" kết hợp trong các dịch vụ buôn bán. Có nghĩa là dùng văn hóa tiêu dùng để hạn chế các khuyết tật của thị trường và bảo đảm tính bền vững của phát triển.

Hơn thế nữa, thương mại công bằng còn là một phong trào chống lại sự bành trướng và bất công trong buôn bán của các công ty đa quốc gia. Ở các nước đang phát triển, phong trào này hỗ trợ người sản xuất bằng cách xác định một giá công bằng cho sản phẩm của họ, tổ chức các nhóm để nâng cao năng lực sản xuất và xúc tiến thị trường. Ở các nước đã phát triển phong trào này tổ chức việc tiêu thụ các sản phẩm theo kiểu thương mại công bằng. Lúc đầu thì kêu gọi người tiêu dùng mua với một giá cao hơn để giúp người sản xuất ở các nước đang phát triển, sau đấy tìm biện pháp để cải tiến chất lượng và người tiêu dùng trả giá đúng với chất lượng của hàng hóa. Thường thì các tổ chức phi chính phủ giúp nông dân thực hiện các công việc này.

Ba là, xã hội hóa các hoạt động xã hội. Một xu hướng nữa của định hướng xã hội chủ nghĩa là xã hội hóa công tác xã hội. Xu hướng xã hội hóa này là do việc giải quyết các vấn đề xã hội bằng nhà nước phúc lợi hay ban ơn (the Welfare State) của các nước do các đảng xã hội dân chủ lãnh đạo không có hiệu quả. Thực chất ngân sách nhà nước đầu tư cho các hoạt động xã hội cũng là tiền của nhân dân đóng góp, nhưng nếu giao tiền ấy cho các tổ chức xã hội thực hiện thì sẽ tránh được tham nhũng và đem lại hiệu quả cao hơn. Muốn thực hiện được rộng rãi các hoạt động xã hội phải huy động quần chúng tham gia. Việc này đang được thực hiện trong giáo dục, y tế, khuyến nông...

Khái niệm xã hội hóa đầu tiên được hiểu là hòa hợp với cộng đồng, với xã hội, là những hành động gặp nhau vì những mục đích xã hội, là tham gia vào các hoạt động xã hội. Sau đó khái niệm này được dùng để chỉ các hoạt động quốc hữu hóa hay tập thể hóa các tài sản tư nhân của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Hiện nay ở nước ta nhiều người đang lẫn lộn xã hội hóa với tư nhân hóa, thương nghiệp hóa (thí dụ trong văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục...). Cách hiểu đúng về xã hội hóa là phải giao các hoạt động xã hội cho cộng đồng, cho các tổ chức quần chúng.

Về việc này, chúng tôi đã giúp nông dân một số tỉnh xây dựng các tổ chức nông dân để thực hiện các dịch vụ nông nghiệp (quản lý thủy nông, nhân giống, chăn nuôi, thú y, tín dụng, tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu...). Các hình thức tổ chức này đang từng bước tiến lên thành lập các hợp tác xã kiểu mới.

Bốn là, phát triển cộng đồng. Trong quá trình phát triển đất nước, nhiều công việc nhà nước không thể làm hết, nhưng cũng không thể giao phó cho thị trường, chẳng hạn như phát triển nông thôn... Bởi vậy, muốn có hiệu quả thực sự trong quá trình phát triển nông thôn phải giao cho các cộng đồng nông thôn thực hiện. Nhà nước và các tổ chức xã hội phải bồi dưỡng và hỗ trợ cho các cộng đồng để họ có đủ điều kiện tự đứng ra thực hiện công việc này.

Công tác phát triển nông thôn là hoạt động tổng hợp, phải có sự tham gia của nông dân vào quá trình ra quyết định. Phải tạo quyền lực cho các cộng đồng làm việc với Chính phủ và khu vực tư nhân. Phát triển nông thôn trên cơ sở cộng đồng là một cách tiếp cận giảm nghèo khá hiệu quả bằng cách tạo hành động tập thể của cộng đồng và cho họ kiểm tra các sự can thiệp, lấy các tổ chức cộng đồng làm động lực phát triển.

Tổ chức cộng đồng là một tổ chức gồm những người có cùng một lợi ích chung, như các tổ chức người sản xuất, các nhóm cùng nguồn lợi, các ban phát triển của làng, thôn... Sự phát triển dựa trên khái niệm về vốn thì nhấn mạnh các nguồn vốn khác nhau của cộng đồng: thuế, con người và xã hội, môi trường tự nhiên, kết cấu hạ tầng... Các nguyên tắc của phát triển nông thôn cộng đồng là: tạo môi trường thể chế cơ bản về luật lệ, quy ước, hỗ trợ của Nhà nước; củng cố các tổ chức cộng đồng; tăng cường năng lực các tác nhân; khuyến khích sáng tạo bằng các biện pháp mềm dẻo.

Năm là, phải chú ý đến sự phát triển nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, trong quá trình công nghiệp hóa ở các nước, nông thôn là khu vực chịu nhiều thiệt thòi nhất. Do trong các bước đi không tính toán đến lợi ích của nông thôn, nên rút cuộc lại phải tốn nhiều công của để sửa chữa sai lầm, cụ thể là bằng trợ cấp cho nông nghiệp, mà hiện nay các nước phát triển đang áp dụng. Đây cũng là lĩnh vực đang bị các nước đang phát triển phản đối kịch liệt trong các vòng đàm phán thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ở Trung Quốc, sau gần 30 năm cải cách tập trung vào công nghiệp hóa, hiện nay đang phải thực hiện việc xây dựng "nông thôn mới xã hội chủ nghĩa".

Ở nước ta, nông thôn chiếm gần 80% dân số, nếu chỉ tập trung công nghiệp hóa ở đô thị, thì khó có thể bảo đảm công bằng xã hội. Hơn nữa cần quan niệm nông thôn như là một nguồn lực quan trọng, và chính nông thôn là thị trường chủ yếu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa chứ không phải là thị trường nước ngoài; là thị trường bền vững cho cả nền kinh tế, khi đời sống của bộ phận dân cư nông thôn không ngừng được cải thiện và hơn nữa không bị chênh lệch quá mức so với thành thị.

Trong 15 năm tới, để trở thành một nước công nghiệp, mục tiêu chiến lược đã đặt ra là phải làm thế nào để giảm đi một nửa số lao động nông nghiệp. Muốn vậy, một mặt phải tìm cách để tăng nhanh năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập của nông dân. Mặt khác, phải chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế để tạo nhiều việc làm trong khu vực dịch vụ và công nghiệp. Chuyển 50% lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhường lại đất cho các hộ có đủ năng lực tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn. Chuyển các hộ trung nông lên thành các trang trại gia đình sản xuất hàng hóa. Đây là con đường phát triển của kinh tế hộ nông dân như ở đa số các nước tiên tiến. Chuyển đổi các hộ phi nông nghiệp sang các xí nghiệp vừa và nhỏ để xây dựng một khu vực phi nông nghiệp và thị trường nông thôn. Bảo vệ đất nông nghiệp và thành quả của cải cách ruộng đất trong quá trình phát triển thị trường ruộng đất để bảo đảm an ninh thực phẩm. Xây dựng các tổ chức nghề nghiệp của nông dân để bảo vệ quyền lợi của họ trong nền kinh tế thị trường. Cần lưu ý rằng, xây dựng hợp tác xã và các quan hệ kinh tế hợp tác đúng với tính chất của nó là một thể chế tổ chức nông dân chủ yếu dựa trên sự tương trợ, thuộc về kinh tế mang tính xã hội và tương trợ chứ không phải nhằm mục đích thu lợi nhuận.

Sáu là, phải đề cao trách nhiệm trong kinh doanh. Ngoài trách nhiệm về kinh tế, doanh nghiệp phải có cả trách nhiệm về xã hội. Doanh nhân phải phối hợp đạo đức với phát triển kinh tế. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là: tạo nên sự giàu có và bảo đảm tính bền vững của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải phân phối sự giàu có tạo ra cho khách hàng và cho các tác nhân cùng tham gia kinh doanh; tôn trọng con người, trong kinh doanh phải có trách nhiệm với tập thể các con người (công dân, người làm công, cổ đông, khách hàng, người cung cấp đầu vào, người cạnh tranh); bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt các nguồn lợi chỉ vì lợi ích trước mắt, ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai.

Chúng ta đặt ra luật pháp để trừng phạt những người vi phạm luật kinh doanh, nhưng không chú ý đúng mức đến việc giáo dục. Hiện nay trên thế giới người ta thảo luận nhiều đến đạo đức trong kinh doanh. Vấn đề mà chúng ta đang quan tâm là trong kinh doanh có bóc lột không, nếu có thì ở mức độ nào là vừa phải? Nhưng còn một khía cạnh nữa là khía cạnh đạo đức. Nếu trong một xã hội mà mọi người đều chạy theo tiền, lấy mục tiêu làm giàu - "kiếm tiền" là chính thì tính định hướng của chủ nghĩa xã hội, nghĩa là tính tương trợ, giúp đỡ sẽ yếu đi; khó tránh khỏi tình trạng cá lớn nuốt cá bé, chạy đua, tranh dành lợi ích, tạo ra một xã hội với những con người ích kỷ, thực dụng... Nếu vậy sẽ không thể bảo đảm cho một tương lai phát triển bền vững. Trong các vấn đề chống tham nhũng, chống tội phạm, chống tệ nạn xã hội cũng vậy, không thể, và không phải chỉ có các biện pháp pháp luật là giải quyết được, mà còn phải đề cao khía cạnh đạo đức và giáo dục.

Đạo đức kinh doanh là một bộ phận quan trọng của đạo đức xã hội bàn đến các quy tắc và nguyên tắc trong việc kinh doanh, chẳng hạn: cạnh tranh đối lập với hợp tác, gian dối trong kế toán, trốn lậu thuế, đưa và nhận hối lộ, gian dối trong giao dịch, đầu cơ, buôn lậu, vi phạm luật lao động, gian dối trong quảng cáo, vi phạm bản quyền, thương hiệu, làm kém chất lượng, làm hàng giả...

Trên đây là một số nhận thức trong quá trình nghiên cứu và hoạt động thực tiễn về nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa. Những xu hướng này chúng tôi đang áp dụng trong công tác phát triển nông thôn ở các vùng khác nhau của đất nước ta và đang đưa lại khá nhiều hứa hẹn.


* GS, Viện sĩ, Trung tâm Phát triển Nông thôn PHANO