Diễn biến giá cả thị trường năm 2010 các nhiệm vụ, giải pháp điều hành giá năm 2011
TÌNH HÌNH GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG NĂM 2010
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng đầu năm tăng 9,58% so với tháng 12/2009 (và tăng 11,09% so với cùng kỳ năm 2009; bình quân 11 tháng 2010 so với bình quân 11 tháng 2009 tăng 8,96%). Nếu tháng 12 thực tế chỉ số giá tiêu dùng tăng như dự báo 1,5% thì chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2010 so với cùng kỳ năm 2009 tăng khoảng 11%.
Chỉ số giá tiêu dùng 12 tháng qua có đặc điểm sau:
- Tăng cao trong 3 tháng đầu năm (tháng 1: 1,36%, tháng 2: 1,96%, tháng 3: 0,76%). Giảm tốc độ tăng trong 5 tháng tiếp sau đó (tháng 4 tăng 0,14%, tháng 5 tăng 0,27%, tháng 6 tăng 0,22%, tháng 7 tăng 0,06%, tháng 8 tăng 0,23%), nhưng tăng cao trở lại trong tháng 9, tháng 10, tháng 11 và tháng 12 (tháng 9 tăng 1,31%, tháng 10 tăng 1,05%, tháng 11 tăng 1,86%, tháng 12 dự báo tăng 1,5%).
- Có 5 nhóm hàng có chỉ số tăng cao, trong đó: Trong 11 tháng hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 12,46% (lương thực tăng 12,7%, thực phẩm tăng 12,99%); đồ uống và thuốc lá tăng 8,16%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 12,69%, giáo dục tăng 19,30%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 10,65%. Tính chung 5 nhóm hàng này đóng góp vào mức tăng chỉ số giá 11 tháng là 8,05%; riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đóng góp 4,98%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đóng góp 1,25%, nhóm giáo dục đóng góp 1,1%.
Các nhóm còn lại có chỉ số giá 11 tháng tăng từ 3,28% (nhóm giao thông) đến 6,45% (nhóm may mặc, mũ nón, giày dép); bưu chính viễn thông giảm 5,89%.
Nguyên nhân
Nguyên nhân sâu xa:
Đó là những yếu kém bất cập của nền kinh tế về cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư nhưng kém hiệu quả, sức cạnh tranh chưa cao (tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố so sánh tĩnh, trong đó yếu tố vốn chiếm khoảng 52%-53%). Đẩy mạnh tăng trưởng dựa vào đầu tư, nhưng vì đầu tư kém hiệu quả nên phải đầu tư nhiều, kéo theo chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ phải đáp ứng theo… Cộng thêm những bất cập khác kéo dài nhiều năm dồn tích lại đã dẫn đến hệ quả lạm phát.
Nguyên nhân trực tiếp:
Nguyên nhân khách quan
- Giá thế giới tăng trong điều kiện nhập siêu vẫn ở mức cao (16,58%) đã tác động mạnh đến giá thị trường trong nước. Cụ thể, giá nhập khẩu xăng dầu tăng: 29,77%, khí hóa lỏng: 33,88%, thép thành phẩm: 27,68%, giấy: 21,88%, chất dẻo: 23,48%, bông xơ: 44,14%... Giá xuất khẩu gạo tăng: 4,78%, cao su: 81,13%, nhân điều: 21,24%...
- Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình hình hạn hán, bão lụt; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm gây thiệt hại nặng nề về người và của ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ, đẩy chi phí sản xuất và giá cả tăng.
Những nguyên nhân nội tại:
- Nhu cầu và sức mua có khả năng thanh toán tăng (nhất là thời gian trước, trong và sau tết nguyên đán đẩy chỉ số giá tiêu dùng 3 tháng đầu năm tăng: 4,12%; thời gian diễn ra Đại lễ nghìn năm Thăng Long đẩy chỉ số giá tiêu dùng của riêng thành phố Hà Nội tháng 10 tăng 1,22%, tháng 11 tăng 1,93%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ xã hội 11 tháng đạt 1.425.170 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2009, nếu trừ yếu tố tăng giá vẫn tăng 14,6%.
- Thị trường tiền tệ có biến động:
Hai lần điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng khoảng 5,46% (ngày 11-2-2010 tăng 3,36%, ngày 18-8-2010: 2,1%), tuy có tác dụng góp phần hạn chế nhập siêu, hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế tâm lý đầu cơ… nhưng cũng đã có tác động làm tăng giá nhập khẩu hàng hóa. Đáng chú ý là giá vàng biến động mạnh (so với tháng 12/2009 tăng 23,31%, so với cùng kỳ năm 2009 tăng 36,24%) tác động trực tiếp làm tăng giá những tài sản có giá trị lớn, lâu bền (nhà, đất...), gây tác động tâm lý tăng giá đối với hàng hóa khác, nhất là mặt hàng tiêu dùng.
Tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng tăng chậm trong những tháng đầu năm và tăng nhanh vào những tháng cuối năm: 7 tháng đầu năm tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 12,96%, dư nợ tín dụng: 12,97%, nhưng tiếp 4 tháng sau và tính chung trong 11 tháng đã tăng tương ứng là : 22,54% và 26,31%.
Việc dừng hỗ trợ lãi suất 4% đối với khoản vay ngắn hạn của “gói kích cầu” năm 2009 từ 1-1-2010 thay bằng chính sách cho vay với lãi suất thị trường cộng với việc các Ngân hàng thương mại thu phí của khách hàng vay vốn làm cho lãi suất vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh cao tới 15% - 16%/năm trong nhiều tháng, đẩy chi phí vốn của doanh nghiệp tăng.
- Chính sách tài khóa cũng có những thay đổi: Chủ trương áp dụng trở lại mức thuế suất giá trị gia tăng 10% thay cho mức 5% của “gói kích cầu” năm 2009 đối với một số mặt hàng; Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ ngày 1-5-2010 đối với các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, từ 1-1-2010 đối với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… tuy có tác dụng tích cực góp phần cải thiện đời sống nhưng cũng là những yếu tố tác động làm tăng giá thành hoặc tác động tâm lý gây áp lực tăng giá trong năm.
- Nhà nước, các doanh nghiệp thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hoá dịch vụ như: điều chỉnh tăng giá điện từ 1-3-2010; khoảng 10 Ủy ban nhân dân các tỉnh điều chỉnh tăng giá nước sạch sinh hoạt. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện 3 lần điều chỉnh giá tăng, 2 lần điều chỉnh giảm giá. Đáng chú ý là từ tháng 9, nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập cho năm học mới cùng với việc thực hiện lộ trình xã hội hoá về học phí, đa số Ủy ban nhân dân các tỉnh đã điều chỉnh tăng học phí lên mức khá cao dẫn đến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng mang tính đột biến (tháng 9, các tỉnh vùng duyên hải miền Trung tăng 34,36%, các tỉnh vùng Tây Bắc tăng 30,9%...); tính chung cả nước thì tháng 9 tăng 12%, tháng 10 tăng 3,9%; 11 tháng tăng 19,30% là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất trong 11 tháng và đóng góp vào mức tăng chỉ số giá chung 11 tháng năm 2010 (9,58%) là 1,10%.
Những nguyên nhân nêu trên đã trực tiếp đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như tình trạng nhập siêu, hiệu quả sử dụng vốn, tình trạng thiếu điện cho sản xuất, tác động theo độ trễ của việc tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng ở mức cao của năm 2009… cũng tác động đến thị trường giá cả.
Để thực hiện chủ trương kiểm soát ngăn ngừa tái lạm phát cao, giữ chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 8% so với tháng 12/2009; ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2010, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát cao trở lại và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010 (Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15-1-2010 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010). Trên cơ sở đó, các Bộ, các ngành, các địa phương đã cụ thể hóa thành các kế hoạch, biện pháp triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, nên đã đạt được những kết quả quan trọng: tăng trưởng GDP cả năm 2010 tăng khoảng 6,7%; kinh tế vĩ mô có bước cải thiện, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm (tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009; bội chi giảm dưới 6%; dư nợ chính phủ, dư nợ nước ngoài của quốc gia và dư nợ công nằm trong giới hạn an toàn…); Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 19,1%, nhập siêu dưới 20% so với kim ngạch xuất khẩu; cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ được bảo đảm… Giá cả thị trường không có những “cơn sốt” đột biến xảy ra. Tuy nhiên giá cả thị trường đã tăng ở mức cao, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, tác động không thuận đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Sở dĩ như vậy là vì việc quản lý, điều hành giá cả còn có những bất cập sau:
a) Sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, Ngành, địa phương chưa đồng bộ nên công tác bình ổn giá đạt hiệu quả chưa cao. Nhiều cơ quan, tổ chức chưa thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bình ổn giá đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị, Công điện bình ổn giá năm 2010. Chẳng hạn, việc điều hành cung - cầu một số hàng hoá, dịch vụ chưa tốt như điện, đường ăn, vàng, ngoại tệ…, nhiều loại hàng hoá thiết yếu ở các vùng lũ lụt, dịch bệnh… đã tác động mạnh đến giá thị trường.
b) Hệ thống cung ứng hàng hóa dịch vụ chưa được sắp xếp hợp lý, còn có hiện tượng độc quyền (sữa); chồng chéo, vòng vèo, tầng nấc đẩy chi phí lưu thông tăng cao khó kiểm soát như: phân bón, thuốc phòng chữa bệnh, xi măng, sắt thép…. đẩy chi phí lưu thông tăng cao, khó kiểm soát.
c) Còn để cơ chế bao cấp qua giá điện, giá than kéo dài không khuyến khích tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và sinh hoạt, đồng thời hạn chế việc huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển nguồn và lưới điện. Quản lý giá một số mặt hàng còn lúng túng, bị động, hiệu quả chưa cao nhất là: sữa, thuốc phòng, chữa bệnh. Xử lý cụ thể giá một số hàng hoá, dịch vụ công chưa bảo đảm lộ trình thích hợp như: nước sạch sinh hoạt, học phí giáo dục… đã tác động làm tăng cao mặt bằng giá.
NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH GIÁ GÓP PHẦN KIỂM SOÁT LẠM PHÁT QUÝ I VÀ CẢ NĂM 2011.
Dự báo những nhân tố tác động đến mặt bằng giá năm 2011.
Những nhân tố khách quan:
- Theo nhiều dự báo, năm 2011 kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng tốc độ tăng chậm hơn tốc độ tăng của năm 2010, phổ biến ở mức 3,3%-4,5% (IMF dự báo tháng 10/2010: 4,2% so với 4,8% của năm 2010; WB dự báo tháng 6/2010: 3,3% so với 3,5% năm 2010; OECD dự báo tháng 11/2010: 4,2% so với 4,6% năm 2010…). Các nền kinh tế lớn và là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam cũng vẫn tăng trưởng nhưng thấp hơn tốc độ tăng của năm trước: Hoa Kỳ: 2,3% so với 2,6%, khu vực đồng EURO: 1,5% so với 1,7%; Nhật 1,5% so với 1,7%; Trung Quốc: 9,6% so với 10,5%... Kinh tế tăng trưởng, nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất vẫn tăng dẫn đến giá cả sẽ nhích lên.
- Do khủng hoảng nợ công của khu vực đồng EURO, hầu hết các nước đều cắt giảm chi tiêu công và giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm 2011… từ đó có thể gây biến động về tỷ giá, lãi suất làm cho tính bất định và rủi ro tăng lên, tác động mạnh đến xuất nhập khẩu, đầu tư, chính sách tài khoá và tiền tệ của các quốc gia và sẽ tác động đến nền kinh tế nước ta.
- Thương mại toàn cầu tiếp tục tăng trưởng khoảng 7% (nhưng vẫn thấp so với mức tăng 11,4% của năm 2010). Vì vậy giá cả thị trường vẫn tăng tuy tốc độ tăng có thấp hơn tốc độ tăng của năm 2010.
- Thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu đến nền kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.
Những nhân tố trong nước:
- Nền kinh tế phục hồi khá nhanh và lấy lại đà tăng trưởng sau ảnh hưởng của khủng hoảng (mục tiêu: tổng sản phẩm trong nước tăng 7-7,5% so với năm 2010. Các tổ chức kinh tế thế giới dự báo GDP tăng khoảng từ 6,8%-7,2%)(1). Như vậy, nhu cầu nguyên nhiên vật liệu để phục vụ tăng trưởng sẽ tăng gây áp lực đẩy giá tăng.
- Những yếu kém vốn có của nền kinh tế chưa khắc phục được triệt để ngay như cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sử dụng vốn, kết cấu hạ tầng… tiềm ẩn những yếu tố gây lạm phát cao và bất ổn kinh tế vĩ mô.
- Nhu cầu có khả năng thanh toán, lượng tiền được “bơm” ra lưu thông nhiều hơn trong dịp Tết.
- Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hoá dịch vụ mà Nhà nước còn định giá.
Mục tiêu và giải pháp:
Mục tiêu:
Nghị quyết của Quốc hội khoá XII kỳ họp thứ 8 ngày 8-11-2010 đã khẳng định mục tiêu tổng quát: Tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng caơ hơn năm 2010, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; thì mục tiêu cụ thể phải kiểm soát là chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.
Giải pháp:
Để thực hiện mục tiêu trên ngoài việc phải tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế vĩ mô như thực hiện ngay các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế: Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, áp dụng tỷ giá, lãi suất phù hợp theo nguyên tắc thị trường. Kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng ở mức hợp lý. Giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống mức 5,5% GDP. Kiểm soát nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch xuất khẩu… thì các giải pháp trực tiếp về chính sách tài khóa, về quản lý, điều hành giá cụ thể như sau:
Về chính sách tài khóa:
Thực hiện rà soát, bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí bất hợp lý, trái pháp luật (trước mắt hoãn thu phí giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm đến hết quý I/2011). Sử dụng linh hoạt các công cụ phí, thuế, quỹ Bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu và một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Tiếp tục kiểm soát chi từ ngân sách nhà nước, loại trừ các khoản chi không đúng chế độ, không đúng định mứcvà không đúng tiêu chuẩn, chi lương, chi thưởng cuối năm không đúng quy định. Tạm ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực (như chi tổng kết, liên hoan, hội nghị, đoàn vào, đoàn ra, chi mua sắm tài sản…). Hỗ trợ kinh phí để đẩy mạnh sản xuất rau, củ quả ở những vùng vừa qua bị bão lũ. Tiếp tục sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ vốn không lãi suất cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu dự trữ hàng hóa, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu; hỗ trợ xây dựng các cơ sở bảo quản dự trữ nông sản để điều hòa cung cầu, bình ổn giá.
Về quản lý, điều tiết giá cả:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường, tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, thông qua việc xây dựng luật giá thay cho pháp lệnh giá; sửa đổi, bổ sung các Nghị định của Chính phủ về thẩm định giá; xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá, cơ chế xác định giá trong các lĩnh vực cụ thể…
Thứ hai, chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước. Triển khai và thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Pháp lệnh giá, Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9-6-2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, các Bộ, Ngành có liên quan.
Thứ ba, chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế giá thị trường vào thời điểm thích hợp trong năm đối với giá cả một số hàng hoá, dịch vụ Nhà nước còn định giá, trước mắt trong dịp Tết Tân Mão và Quý I/2011 giữ bình ổn giá: điện, than bán cho các hộ tiêu dùng lớn, khí, nước sạch, cước vận tải hành khách bằng đường sắt, đường hàng không… các dịch vụ công quan trọng như y tế, giáo dục. Giãn thời gian điều chỉnh giá các hàng hoá, dịch vụ Nhà nước định giá. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá…
Thực hiện lộ trình giá thị trường phải được gắn kết chặt chẽ với hoàn thiện hệ thống cung ứng hàng hoá, dịch vụ; phấn đấu giảm chi phí sản xuất và giá thành, phải được đi đôi với các chính sách, cơ chế trợ giúp hợp lý đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, các đối tượng chính sách như: từng bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế phù hợp, chuyển dần hình thức bao cấp cho cơ sở y tế sang hỗ trợ trực tiếp cho người bệnh thông qua bảo hiểm y tế; có chính sách hỗ trợ về giá điện sinh hoạt, giá nước sạch cho sinh hoạt đối với người nghèo, người có thu nhập thấp… bảo đảm để những đối tượng này được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu về học hành, khám chữa bệnh, nhà ở, điện nước, đi lại…
Thứ tư, tăng cường quản lý giá thông qua các biện pháp kiểm soát các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá; Kiên quyết ngừng việc đăng ký giá có mức tăng giá không hợp lý. Kiểm soát đối với một số hàng hoá, dịch vụ độc quyền, ngăn chặn và kiên quyết xử lý hành vi liên kết và lạm dụng vị thế thị trường để tăng giá bất hợp lý, nhất là các nguyên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Thực hiện kiểm soát chặt chẽ các kênh chi tiêu từ ngân sách nhà nước thanh toán cho các mức giá hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, hàng dự trữ nhà nước, hàng hoá, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá… Chuyển mạnh hơn sang cơ chế đấu thầu, đấu giá, thoả thuận giá đối với các loại hàng hoá, dịch vụ này.
(1) Tăng trưởng 2011: IMF: 6,82%; ADB: 7%; Standard Chartered Bank: 7,2%.
Cử tri giám sát Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp  (17/05/2011)
Lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam  (17/05/2011)
Cẩn trọng với sự đồng hành của lạm phát và thiểu phát  (17/05/2011)
Tạp chí Nghiên cứu  (17/05/2011)
Điểm dừng  (17/05/2011)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay