Không còn phải bàn cãi hay do dự, các nhà kinh tế đều tin rằng năm 2010 chỉ số giá tiêu dùng CPI (được coi là lạm phát) sẽ đạt hai con số. Đây là chỉ tiêu không đạt được kế hoạch đề ra. Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sáng 7 - 12 - 2010, đại biểu Ngân hàng Thế giới đã dự đoán lạm phát của Việt Nam trong năm 2010 ở mức 10,5%. Còn Ngân hàng HSBC, trong bản báo cáo mới nhất về châu Á dự báo, Việt Nam sẽ có thay đổi về biên độ tỷ giá vào quý I năm 2011 và áp lực mất giá lên tiền đồng đang tăng lên.

Những thông tin trên các trang báo, websites gần đây đã tạo ra nhiều lo ngại với mức độ khác nhau về ổn định quản lý vĩ mô nền kinh tế. Những ngày đầu tháng 12 – 2010 cả nước lại sục sôi với những tin tức về cuộc chạy đua lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại, tương tự như năm 2008. Có bình luận cho rằng, cuộc đua lãi suất bước vào giai đoạn mới, công khai hơn và quyết liệt hơn, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông điệp mới. Ngân hàng lớn thứ ba, Techcombank vào một buổi sáng cuối tuần đầu tháng 12 đã công khai huy động với mức 17%, nếu tính cả thưởng sẽ lên tới 17,6%. Cá biệt, Ngân hàng Đông Á công khai mức lãi suất 18%, nhưng ngày hôm sau thì giảm xuống còn 14%.

Những phản ứng của nền kinh tế.

Trước chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao đột biến, NHNN buộc phải thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, rút bớt tiền “thừa” từ lưu thông để kìm chế giá tăng. Đây là việc làm cần thiết, nhưng phần nhiều mang tính chất tình thế. Chúng ta nhớ lại năm 2008 với quyết định rút 20.300 tỷ đồng từ lưu thông bằng tín phiếu bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, thì những ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12 – 2010 lại xuất hiện trạng huống tương tự. Sự chạy đua lãi suất huy động đã diễn ra dưới nhiều hình thức. Nhưng biện pháp này có chống được lạm phát hay không vẫn đang chờ kết quả. Trước mắt, các ngân hàng thương mại đang rơi vào tình thế thiếu thanh khoản tạm thời, và nâng lãi suất quá cao, đây chẳng khác nào hiện tượng “vay nóng” để khắc phục tình trạng thanh khoản.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang quá lo lắng với mức lãi suất của ngân hàng hiện nay. Giá hàng hóa tăng là do cung cầu mất cân bằng theo hướng thiếu cung. Đáng lý ra đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp vay vốn, đầu tư đẩy mạnh sản xuất để tăng cung hàng hóa cho nền kinh tế, thì với mức lãi suất cao như hiện nay điều này đang bị tắc nghẽn. Và đây chính là biểu hiện của tình trạng thiếu tiền trong lưu thông, có nhiều nội hàm của tình trạng thiểu phát. Và như vậy thì nền kinh tế đang song hành với cả thiểu phát và lạm phát, cả hai hiện tượng này đều có tác dụng tiêu cực, nguy hiểm cho tăng trưởng trung và dài hạn. Các yếu tố đầu vào, nhất là vốn, đang quá đắt sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền về lạm phát chi phí đẩy.

Chống lạm phát, nhưng gây ra thiểu phát cục bộ, đánh vào khối các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ, làm thiết giảm cung hàng hóa. Nền kinh tế vì thế không những khó tạo ra cân đối hàng - tiền, mà có khi còn tạo ra lạm phát trong thời kỳ tiếp theo. Lý giải cho hiện tượng trên có lẽ nên bắt đầu từ mô hình tăng trưởng của nền kinh tế nước ta trong thời gian dài chứ không thể căn cứ vào lượng cung tiền vào lưu thông trong một thời gian ngắn.

Nhìn từ mô hình tăng trưởng

Bài toán kinh điển của kinh tế học thị trường về sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát thì đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quốc gia đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn duy trì tỷ lệ lạm phát tương đối hợp lý. Đối với nền kinh tế Việt Nam, tăng trưởng là nhu cầu không thể thiếu. Việt Nam là quốc gia luôn có tốc độ tăng trưởng khá cao trong khu vực và trên thế giới. Đạt tốc độ tăng trưởng cao là mục tiêu dễ thuyết phục xuất phát từ chỗ: muốn chống tụt hậu xa hơn về kinh tế thì tăng trưởng nhanh là việc đầu tiên cần phải làm; áp lực việc làm với con số mỗi năm trên 1 triệu lao động đến độ tuổi bổ sung vào lượng cầu lao động vốn đã rất căng thẳng nhiều năm nay; xóa đói giảm nghèo cũng là một áp lực lên nhu cầu tăng trưởng cao.

Chính vì vậy, cỗ máy chính sách khuyến khích đầu tư, nhất là thu hút các dòng vốn cả từ bên trong và bên ngoài đang hoạt động “hết công suất”. Ngân sách nhà nước cũng huy động cho đầu tư phát triển một cách tối đa. Những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Vốn đầu tư trong nước cũng được huy động ở mức rất cao. Có tài liệu cho rằng, tỷ lệ đầu tư ở Việt Nam hiện nay vào loại cao nhất thế giới, từ 33% GDP năm 2006 lên trên 42% năm 2010. Tỷ lệ đầu tư trong toàn bộ nền kinh tế trong 9 tháng năm 2010 đã đạt 44,19% GDP, và có thể vẫn tiếp tục ở mức cao trên 40% vào năm 2011 nếu mục tiêu vẫn duy trì đà tăng trưởng 7 - 8% năm.

Đi qua khủng hoảng, Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, trên dưới 6,5 %. Thế nhưng kéo theo đó, bội chi ngân sách đã không ngừng tăng lên. Năm 2010, thiếu hụt ngân sách được quyết định giữ ở mức 6,2% GDP. Nợ công cũng bắt đầu tăng nhanh, năm 2009 tăng 9% so cùng kỳ, năm 2010 tăng 12%, do đó cuối năm 2010 tỷ lệ nợ công trên GDP đã nhanh chóng vượt qua con số 50% GDP, có tài liệu còn đưa ra con số 57%.

Thế nhưng, xét về tỷ trọng đầu tư trong nền kinh tế, thì điều khá đặc thù của Việt Nam là đầu tư nhà nước vẫn chiếm vị trí cao nhất và duy trì liên tục trong nhiều năm. Ngoài ra, trong cơ cấu đầu tư đang có một lượng vốn lớn đổ vào các công trình mang tính dài hạn và trung hạn nên chưa thể đem lại cho thị trường hàng hóa tương ứng.
 

 
Sơ đồ: Vốn đầu tư phân theo khu vực kinh tế qua các năm 1995 – 2009
[Nguồn: http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=392&idmid=3&ItemID=9930]

Khu vực kinh tế nhà nước chiếm một lượng vốn lớn nhất của nền kinh tế lại có năng suất thấp, hiệu suất sử dụng vốn không cao; hệ số ICOR tăng lên liên tục... Hệ số ICOR của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm lên tới 7,19 lần, thì riêng khu vực kinh tế nhà nước cao hơn, cả năm dự báo sẽ là 8,4 lần, trong khi năm 2009 hơn 8 lần. Hiệu quả sử dụng các nguồn vốn này đang đặt ra nhiều vấn đề, nhất là hiện tượng chậm tiến độ, dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát lớn… chính là gánh nặng đối nền kinh tế gây hậu quả tiêu cực lên chỉ số lạm phát. Và hệ quả tất yếu là cung tiền vượt quá sức cung cấp trở lại về hàng hóa của “cỗ máy sản xuất”, và đó chính là nguyên nhân được tích tụ lâu ngày cho đợt lạm phát năm 2008 lên gần 23%, cao nhất trong 16 năm trước đó, và chỉ tạm lắng xuống do khủng hoảng tài chính – kinh tế thế giới nổ ra, nay lạm phát lại bắt đầu trỗi dậy.

Trong bối cảnh đó, những hiệu ứng dây chuyền đang hiện hữu là muốn tăng trưởng nhanh - cần thu hút nhiều đầu tư - càng cần nhiều vốn và tín dụng.

Lạm phát còn có nguyên nhân từ nhập khẩu, khi giá đồng tiền trong nước giảm so với ngoại tệ, trong khi đó bản thân cơ cấu nền kinh tế vẫn còn mang nặng tính chất gia công, chế biến để xuất khẩu. Một phần lớn các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tham gia xuất khẩu đều lựa chọn cách làm đó.

Công nghiệp điện tử và công nghiệp ô-tô với chủ trương nội địa hóa hàng chục năm nay với mục tiêu là 30 - 40%, nhưng mục tiêu là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác. Các chính sách có vẻ như quá tham vọng, chẳng những không tính đến chuyện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, lại muốn làm từ sản xuất linh kiện đến khâu lắp ráp cuối cùng (công nghiệp điện tử) hay sản xuất và nội địa hóa để thay thế nhập khẩu (công nghiệp ô-tô), nên phấn đấu mãi mà nội địa hóa chỉ đạt tỷ lệ thấp, chưa đầy 8% (tính bình quân), đã thế công nghiệp phụ trợ lại ỳ ạch không ngóc đầu lên được. Vấn đề nữa là có quá ít các hàng lắp ráp, lại chia nhỏ cho nhiều thương hiệu khác nhau, nên họ chỉ lo nhập thiết bị lắp ráp và tiêu thụ trong nước. Công nghiệp phụ trợ dù có cũng không thể sống nổi với thị trường tiêu thụ quá nhỏ như hiện nay. Hiện tượng nhiều doanh nghiệp FDI chuyển hướng từ sản xuất sang nhập khẩu và phân phối trên thị trường Việt Nam; hiện tượng chuyển giá ra ngoài cho các công ty mẹ, luôn báo cáo lỗ để trốn thuế… là những cách làm cần được các nhà hoạch định chính sách quan tâm để tìm hướng giải quyết.

Bởi vậy, mô hình tăng trưởng của Việt Nam cũng có thể là căn nguyên đã được tích tụ lâu ngày đẩy tình trạng lạm phát lên cao. Trước khủng hoảng tài chính – kinh tế thế giới năm 2008 chúng ta đã gồng mình lên để chống lạm phát. Bây giờ, căn bệnh đó đã quay trở lại. Mục tiêu tăng trưởng, giảm lạm phát, giảm nhập siêu vẫn đang là bài toán hóc búa trong quản lý vĩ mô nền kinh tế.

Càng tăng trưởng nhanh - nhập khẩu càng lớn

Trong cơ cấu đầu tư, một lượng lớn các nhà máy đều thực hiện gia công, xuất khẩu, do đó muốn sản xuất được phải nhập máy móc, nguyên - nhiên vật liệu, thiết kế mẫu mã, ... kết hợp với một phần nhỏ là lao động giá rẻ và tài nguyên trong nước. Bởi vậy, càng đẩy mạnh sản xuất để tăng trưởng, thậm chí càng đẩy mạnh xuất khẩu thì nhập khẩu lại tăng lên theo. Nhiều ngành, lĩnh vực để tạo ra được 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, có khi nhập khẩu đã chiếm tới 0,7 – 0,9 tỷ USD.

Càng đẩy mạnh gia công xuất khẩu, thì nhập siêu càng lớn, cộng với độ trễ của quy trình sản xuất, các nhà làm chính sách đã sử dụng biện pháp tình thế về tăng tỷ giá (phá giá) đồng tiền Việt Nam, nhưng mỗi khi tăng lên, lợi cho xuất khẩu được 2 - 3 phần thì thiệt cho nhập khẩu gia công, chế biến mất 7 - 8 phần. Điều đó thể hiện biện pháp phá giá đồng tiền Việt Nam không đem lại kết quả cho ổn định vĩ mô như mong đợi.

Cơ cấu đó cũng nói lên việc chỉ số giá tiêu dùng tăng khi tỷ giá đồng Việt Nam tăng. Việc đồng tiền Việt Nam đã giảm giá hơn 10% chỉ trong vòng gần 2 tháng gần đây đã làm giá cả nhiều mặt hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam chịu sức ép tăng tương ứng.

Tìm đúng bệnh mới “kê toa, bốc thuốc”?

Chính sách tiền tệ:

Lạm phát có hai nguyên nhân chính: chính sách tiền tệ nới lỏng của Chính phủ; giá cả thế giới gia tăng. Lạm phát trước hết là vấn đề tiền tệ, nhưng đối với nền kinh tế Việt Nam vấn đề liệu có phải nằm ở chính sách tiền tệ. Chúng ta có thể thắt chặt tiền tệ mà vẫn chưa khắc phục được tận gốc của căn nguyên lạm phát.

Trả lời câu hỏi của các nhà tài trợ tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sáng 7 - 12 -2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, năm nay tăng trưởng tín dụng chỉ vào khoảng 25-27%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 37% của năm ngoái. Tỷ lệ nợ xấu theo NHNN ở mức 2,7%. Vậy cả vấn đề nợ xấu, vấn đề dự trữ ngoại hối của nền kinh tế Việt Nam đều trong tầm kiểm soát và hoàn toàn yên tâm(1).

Giá thế giới là yếu tố bên ngoài, nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng cũng không phải vì thế mà bị động chạy theo sự “nhảy múa” của giá vàng và USD như vừa qua. Nhiều phân tích đã phê phán việc chúng ta quá xem nhẹ phương tiện thanh toán của nền kinh tế gây nhiều nguy hiểm. Nhập vàng lúc sốt giá có tác dụng ổn định giá vàng trong nước, nhưng lại mất một lượng ngoại tệ khá lớn là một trong số phản ứng phụ của các giải pháp đã áp dụng. Hơn nữa, đối với lạm phát có vẻ như đây không hẳn là nguyên nhân chính. Việc tăng, giảm cung tiền hoàn toàn nằm trong tay Nhà nước. Trước ý kiến của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc Việt Nam nên thắt chặt tiền tệ hơn nữa nhằm chống lạm phát, Thống đốc NHNN cho biết, chính sách tiền tệ đã được thắt chặt trong 1 tháng qua, hiện Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi diễn biến lạm phát để có biện pháp điều hành tiền tệ phù hợp. Quan điểm của NHNN trong năm 2011 là chính sách tiền tệ được điều hành nhằm kiểm soát lạm phát song vẫn có nới lỏng nhất định để phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Chính sách cạnh tranh, chống độc quyền:

Vẫn có quan điểm cho rằng giá tăng có yếu tố từ tâm lý. Bởi vậy mà nghĩ ngay đến các giải pháp trấn an dư luận, kiểm soát, thông tin, định hướng thị trường. Nhưng yếu tố tâm lý của lạm phát có thể chỉ là việc “tát nước theo mưa”, hiệu ứng đám đông mà thôi, bởi vì trong cơ chế thị trường không phải cứ muốn là có thể tăng giá bán hàng vô hạn độ được. Bởi vậy, vấn đề là chúng ta đã có Luật Cạnh tranh và Kiểm soát độc quyền, nhưng thực tế chưa kiểm soát được những mối quan hệ móc ngoặc có tính chất độc quyền đẩy giá lên rất tinh vi, nhất là một số mặt hàng thiết yếu, như sữa, thuốc chữa bệnh...

Chính sách tài khóa phải là cái chốt quan trọng:

Với thực tế như hiện nay, dễ nhận ra một cái vòng luẩn quẩn: càng tăng trưởng - càng cần tăng vốn đầu tư - nhập siêu cao - bội chi ngân sách lớn - lạm phát xảy ra - mất cân đối vĩ mô.

Bởi vậy, để phá được cái vòng luẩn quẩn đó, phải thay đổi căn bản tư duy tăng trưởng chỉ dựa vào vốn đầu tư, bán tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ. Chạy đua theo thành tích tăng trưởng nhanh mà không tăng được hiệu quả đầu tư (năng suất các yếu tố tổng hợp) và chất lượng tăng trưởng là một cách làm nguy hiểm cần sớm xem xét lại. Đồng thời có lộ trình điều chỉnh mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn.

Tìm biện pháp tăng hiệu quả vốn đầu tư, từ đó hạn chế dần bội chi ngân sách và kiềm chế cung tiền cho lưu thông. Quyết không bỏ vốn vào những dự án không hiệu quả, cân đối đầu tư ngắn hạn và dài hạn, tập trung hoàn thành những công trình chốt yếu thuộc các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ổn định chính sách vĩ mô, trước hết là ổn định chính sách tiền tệ, chống lạm phát và ổn định tỷ giá để củng cố sự ổn định phương tiện thanh toán trước những biến động, của giới đầu cơ thế giới, nhất là đầu cơ vàng và xăng dầu với những “cơn nhảy múa về giá” khó lường vừa qua.

Khắc phục tình trạng manh mún của thị trường và đầu tư ngành bằng cách xóa bỏ mọi biểu hiện của cơ chế xin - cho dưới mọi hình thức, chú trọng đầu tư theo quy hoạch phát triển chung của cả nước, không chạy theo những lợi ích cục bộ của các ngành và địa phương.

Dùng biện pháp hành chính kiềm chế tăng giá và bình ổn giá có thể thu được hiệu quả tức thì nhưng là cách làm của thời kỳ bao cấp:

Những ngày cuối năm, mọi người, mọi cấp, mọi ngành đang gồng mình lo chống lạm phát, đối phó với giá cả leo thang. Chính phủ đã quyết định áp dụng các biện pháp hành chính khẩn cấp để kiểm soát giá. Biện pháp hành chính mạnh thể hiện rõ là từ đầu tháng 11 - 2010, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng kiên trì giữ tỷ giá; ngành Công thương kiểm soát giá xăng, dầu, giá điện…, cho dù điều đó có thể trái với cam kết với WTO.

Thông tư 122 đang gây nhiều tranh cãi trong số các nhà tài trợ. Ông Tomlinson, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), không chỉ cho rằng các biện pháp kiểm soát giá cả của Việt Nam là "phản tác dụng" trong việc thúc đẩy tăng trưởng, mà còn cho rằng luật này "tập trung chủ yếu vào các công ty nước ngoài".

Hô hào tăng cường sản xuất, cấp vốn cho các doanh nghiệp chuẩn bị hàng Tết Nguyên Đán, kiểm soát việc niêm yết giá, yêu cầu quản lý thị trường tăng cường kiểm soát, kêu gọi các doanh nghiệp đừng tăng giá…, đấy là những việc làm có thể cần thiết, nhưng không căn cơ và ít hiệu quả bằng tạo môi trường đầu tư năng động, nhất là từ lãi suất ngân hàng và khả năng tiếp cận vốn.

Xem xét lại cách bình ổn giá hiện nay vì vẫn mang nặng tính chất của thời bao cấp, vừa tốn kém, vừa không đem lại hiệu quả cao lại dễ gây tiêu cực. Phải coi sự tăng giá hàng hóa là cơ hội cho các nhà sản xuất tăng cung hàng hóa để cân bằng cung - cầu, tiền - hàng.

Tìm cách khắc phục dần những khuyết tật của nền kinh tế mới là căn cơ

Theo một số nhà phân tích kinh tế và chính sách, lạm phát đang có nguyên nhân từ những vấn đề khác. Nguyên nhân trực tiếp của lạm phát là sự chi tiêu quá mức của nền kinh tế trong một thời gian khá dài để đạt tăng trưởng cao. Chi tiêu không hiệu quả, cần chi nhiều hơn để đạt mức tăng trưởng nhất định.

Đấy là nguyên nhân sâu xa của lạm phát. Nhưng lại là nguyên nhân được tích lũy từ lâu của mô hình tăng trưởng. Tiền “thừa” trong lưu thông gây lạm phát là do đầu tư dài hạn quá nhiều so với mức cần được xác lập để duy trì các cân đối lớn, tiền đổ vào các công trình dây dưa không kết thúc đúng hạn, tiền đổ vào các công trình dàn trải, lãng phí, tham nhũng..., nên không có hàng cân đối lại trong lúc các luồng tiền đã tung ra.

Giá cả leo thang, đáng lý ra đây là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tăng cung hàng hóa và dịch vụ, thì kênh này lại đang tắc không những bởi các “thắt cổ chai” về môi trường kinh doanh còn tồn tại bấy lâu, mà còn bị “tắc nghẽn” bởi lãi suất quá cao, không thể tiếp cận được các nguồn vốn.

Đó chủ yếu là do chính sách của Chính phủ. Khi lạm phát đã vượt quá một ngưỡng nhất định, vòng xoáy lạm phát khởi động thì yếu tố tâm lý có vai trò to lớn. Vấn đề là phải tránh để tình trạng đó xảy ra, chứ không phải đến lúc bùng phát mới cấp tập đưa ra các biện pháp hành chính khẩn cấp.

Thực ra, như một số bình luận hiện nay thì đúng lý ra người bị kiểm soát phải là bản thân Chính phủ, kiểm soát việc chi tiêu công, về các chính sách nới lỏng, thắt chặt tiền tệ. Đại thể, điều hành vĩ mô, về thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế… đó chính là công việc mà Chính phủ đang làm hàng ngày. Vậy trước hết Quốc hội phải kiểm soát Chính phủ. Nhưng cũng đừng xem nhẹ vai trò của dư luận báo chí và phản ứng của các tầng lớp nhân dân. Chẳng hạn, chuyện thiếu điện có một phần do chậm tiến độ của nhiều nhà máy theo Sơ đồ cân đối lớn về năng lượng điện, đã gây tổn thất rất lớn cho nền kinh tế, chưa ai đánh giá được. Chuyện xuất khẩu than trong lúc nhiều nhà máy xi măng, nhiệt điện trong nước thiếu than… đó chẳng nhẽ không phải là những cân đối lớn, và Chính phủ phải là người chịu trách nhiệm chính. Rõ ràng, phải kiểm soát các cơ quan gây ra các nguyên nhân chính chứ không chỉ các tổ chức ở phần ngọn. Chữa trị lạm phát cũng phải lần nguyên nhân từ gốc, chứ không phải chỉ chữa trị “phần nổi của tảng băng trôi”.

Cuối cùng có lẽ trong nghiên cứu các nhà kinh tế cũng nên xác định được đối với nền kinh tế đang cần đầu tư lớn (trong đó đầu tư dài hạn chiếm tỷ trọng đáng kể) để tăng trưởng nhanh, thì mức độ lạm phát an toàn hay hợp lý cho chính nền kinh tế Việt Nam thường cũng cao hơn những nước công nghiệp phát triển, chứ không thể giống nhau được. Chẳng hạn, nếu lạm phát ở mức 3% như IMF đã nhiều lần khuyến nghị, thì môi trường đầu tư của Việt Nam không thể năng động được, chưa nói nền kinh tế có thể rơi vào trạng thái thiểu phát, thiếu tiền mặt trong lưu thông. Như Nhật Bản đang phải đối phó hiện nay, thì thiểu phát cũng không kém phần nguy hiểm so với lạm phát. Hay như cách nay trên 10 năm, Nhật Bản đã hạ giá đồng Yên tới mức thấp nhất rồi, nhưng vẫn không kích thích được đầu tư để tăng trưởng kinh tế thoát khỏi suy thoái… Chính vì vậy, đối với kinh tế Việt Nam, chữa trị bằng chính sách tài khóa là căn cơ và lâu dài, bằng chính sách tiền tệ là tình thế, nhưng cần linh hoạt để không gây ra tình trạng thiểu phát cục bộ làm đình đốn sản xuất./.

(1) Thống kê của Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 11 - 2010, nguồn thu ngoại tệ từ kiều hối đã đạt mức 7,6 tỷ USD, vượt con số 7,3 tỷ USD dự báo trước đó tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2 - 12 - 2010. Trong tháng 12 - 2010, ước tính lượng kiều hối sẽ đạt khoảng 770 triệu USD, nâng tổng nguồn thu từ kiều hối của cả năm 2010 lên mức 8 tỷ USD, tăng khoảng 25,6% so với tổng lượng kiều hối của cả năm 2009 (6,4 tỷ USD).