Thực trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045
TCCS - Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, nhất là trong gần 40 năm đổi mới đất nước, với vai trò, trách nhiệm của một địa phương được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, luôn được Trung ương xác định có vị trí quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Quảng Ninh đã cho thấy sự vận động, phát triển không ngừng của tỉnh. Những thành tựu mà Quảng Ninh đạt được trong thời gian qua có dấu ấn không nhỏ của việc nỗ lực đổi mới tư duy và hành động cũng như liên tục vun đắp, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên của tỉnh.
Mảnh đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
Nằm ở địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, phía Tây tựa lưng vào núi rừng trùng điệp, phía Đông nghiêng xuống nửa phần đầu vịnh Bắc Bộ với bờ biển khúc khuỷu nhiều cửa sông, Quảng Ninh là tỉnh miền núi - duyên hải, có diện tích 6.178km², dân số khoảng 1.415 triệu người, không chỉ hội tụ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mà còn là một tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản (chiếm tới 90% sản lượng than cả nước), nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, cung cấp vật tư, nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh còn có hệ thống cảng biển, cảng nước sâu, hệ thống cửa khẩu giao thương với các thị trường lớn, mà không phải địa phương nào cũng có được. Với hàng loạt di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh mà thiên nhiên đã ưu ái dành cho vùng mỏ, như vịnh Hạ Long, Yên Tử, bãi cọc Bạch Đằng, đền Cửa Ông, đình Quan Lạn, đình Trà Cổ, núi Bài Thơ..., tỉnh Quảng Ninh càng có nhiều cơ hội để phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch văn hóa tâm linh… Đây chính là những yếu tố “thiên tạo” và “nhân tạo” mang tới cho tỉnh Quảng Ninh nhiều tiềm năng, thế mạnh và giá trị riêng biệt. Ngoài ra còn có cả những yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh, nhất là truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” - cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam - là những lợi thế so sánh riêng có mà tư duy lãnh đạo các thế hệ của tỉnh Quảng Ninh đã nhận diện đúng, trúng và có chính sách can thiệp phù hợp để biến tiềm năng thành động năng, chuyển hóa thành nguồn lực và động lực cho phát triển.
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh lần thứ sáu liên tiếp (2017 - 2022) dẫn đầu toàn quốc về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), một lần nữa khẳng định về năng lực lãnh đạo của chính quyền tỉnh cũng như môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn bậc nhất cả nước. Việc giữ vững vị trí “quán quân PCI” chỉ là một trong những yếu tố cho thấy sức hút của tỉnh Quảng Ninh - địa phương có sức phát triển thần tốc trên hầu hết các lĩnh vực trong những năm gần đây. Với thế mạnh về địa hình cùng những kỳ quan tuyệt sắc, phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, việc Quảng Ninh quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng đã giúp tỉnh “chuyển mình” mạnh mẽ, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của vùng.
Những thành tựu ấn tượng
Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của khu vực phía bắc với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022); trong đó, năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28% trong bối cảnh đại dịch COVID-19 (xếp thứ 13/63 toàn quốc và 3/7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, tính đến hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, cao nhất khu vực phía bắc; năng suất lao động tăng trên 13%. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2020 - 2022 đạt trên 156,2 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 117,8 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tổng chi đầu tư phát triển đạt trên 48,3 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch; tỷ trọng chi đầu tư tăng lên, đạt khoảng 57 - 58% tổng ngân sách.
Trong khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỉnh đã có nhiều cách làm hiệu quả để huy động nguồn lực thông qua hợp tác công - tư. Giai đoạn 2020 - 2022, tổng thu hút vốn ngoài ngân sách đạt trên 475,2 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,15 tỷ USD, tăng bình quân 54%/năm; tổng số vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 267 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm; bình quân mỗi năm thành lập mới khoảng 2 nghìn doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7.684 triệu USD, tăng bình quân trên 9%/năm.
Riêng quý I-2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt trên 14.800 tỷ đồng. Cụ thể, GRDP của tỉnh ước tăng 8,04%. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 14.870 tỷ đồng, tăng 9% cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 11.270 tỷ đồng, tăng 8% cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 7% cùng kỳ năm 2022. Nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh trong quý I-2023 cũng tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất (tăng 13,25%, cao hơn 4,42 điểm % so với cùng kỳ năm 2022). Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ước đạt 674 triệu USD, tăng 15,2% cùng kỳ năm 2022. Thuế sản phẩm tăng 9,1%, cao hơn 1,71 điểm % so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, cao hơn 0,24 điểm % so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 14.800 tỷ đồng (bằng 27% so với dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022). Về thu hút FDI, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến ngày 20-3-2023, tỉnh Quảng Ninh thu hút được 341,82 triệu USD, đạt hơn 41,3% kế hoạch thu hút FDI cả năm 2023 và đứng thứ bảy trong cả nước. Tiếp tục đà tăng trưởng của quý I-2023, trong quý II-2023, tỉnh Quảng Ninh đang phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 9,51%; thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 15.000 tỷ đồng, 6 tháng đạt trên 29.800 tỷ đồng.
Lĩnh vực du lịch đang phát triển không ngừng và ngày càng đóng góp đáng kể vào cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, với vai trò như một cầu nối giao lưu văn hóa, hữu nghị giữa tỉnh Quảng Ninh với các địa phương trong cả nước và trên thế giới. Các cơ sở lưu trú du lịch của tỉnh góp phần kéo dài thời gian trải nghiệm, lưu trú của du khách. Cùng với đó, không gian du lịch của tỉnh ngày càng được mở rộng với 4 trung tâm du lịch, 33 tuyến, 91 điểm du lịch, 8 khu du lịch cấp tỉnh, 5 khu du lịch cấp quốc gia; tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chủ lực: du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch thương mại biên giới và du lịch sinh thái cộng đồng. Các sản phẩm du lịch của tỉnh cũng ngày càng có tính cạnh tranh cao, phong phú, đa dạng. Nhiều sản phẩm chất lượng, có tính biểu tượng, khác biệt đã được những tập đoàn lớn đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, trở thành động lực, thu hút lượng lớn du khách, như: Tổ hợp vui chơi giải trí Sunworld Hạ Long Complex, Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng Yoko Onsen Quang Hanh... Nhờ phương thức làm mới mang tính đồng bộ, giải pháp hiệu quả, hoạt động du lịch đã có bước tiến quan trọng, bước đầu xây dựng được thương hiệu hình ảnh du lịch của tỉnh. Đặc biệt, với việc bao phủ vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương trên cả nước có tốc độ phục hồi du lịch nhanh. Theo đó, năm 2022, ngành du lịch Quảng Ninh đón được 11,6 triệu lượt khách du lịch, vượt so với kế hoạch đón 9,5 triệu lượt trong năm 2022. Tổng doanh thu du lịch đạt ước đạt 25.172 tỷ đồng. Từ sự phục hồi khá mạnh đó, năm 2023, ngành du lịch Quảng Ninh đặt mục tiêu đạt 15 triệu lượt khách du lịch, tăng 500.000 lượt khách so với năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19; đạt doanh thu khoảng 32.400 tỷ đồng.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị,... có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại: đi đầu thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế, trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế. Tổng số vốn đầu tư công giai đoạn 2005 - 2020 là 119.082 tỷ đồng, tăng bình quân 20,7%/năm; đến nay, đã đầu tư hoàn thành gần 100km đường cao tốc và khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với tổng chiều dài trên 80km vào ngày 1-9-2022; nâng cấp, cải tạo 130,3 km quốc lộ; làm mới và nâng cấp 65,7 km đường tỉnh; cải tạo, làm mới 743,6km đường huyện, đường đô thị và 2.440,9km2 đường giao thông nông thôn, miền núi. Trong đó kết quả ấn tượng nhất là hoàn chỉnh hệ thống đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai và hàng loạt công trình hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, phối hợp với các tỉnh, thành phố giáp ranh xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông động lực, thúc đẩy liên kết vùng (cầu Triều, cầu Rừng, cầu Lại Xuân, quốc lộ 4B…).
Hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng, kể cả đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; tích cực mở rộng hợp tác với đối tác mới, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối tác; xác định đối tác chiến lược, đối tác tiềm năng để chủ động hợp tác; thống nhất, linh hoạt, toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo thống kê của Sở Ngoại vụ Quảng Ninh, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã thiết lập quan hệ đối ngoại với 15 địa phương nước ngoài; có quan hệ kinh tế, thương mại với trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ và với nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực, quốc tế, như: Diễn đàn hợp tác du lịch Đông Á (EATOF); Hợp tác hai hành lang - một vành đai Việt Nam - Trung Quốc; Câu lạc bộ các vịnh đẹp thế giới; Tam giác Di sản Udonthani (Thái Lan) - Luangprabang (Lào) và Quảng Ninh (Việt Nam)... Công tác đối ngoại hiệu quả cùng với chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế đã tạo nên sự bứt phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của miền Bắc, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân được đặc biệt quan tâm. Đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Khởi công và triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội với tổng số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành trên 20 chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có người dân sinh sống. Bên cạnh đó, mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Lĩnh vực văn hóa được chú trọng; nhiều di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo. Tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại, văn hóa, du lịch, thể thao quy mô quốc tế, khu vực, quốc gia.
Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Có thể thấy, đây là những thành quả hết sức trân trọng và tự hào của tỉnh Quảng Ninh. Điều này không chỉ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng bộ, chính quyền, mà còn tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo ra khí thế mới, động lực mới, sức mạnh mới để tỉnh Quảng Ninh vững bước trong chặng đường tiếp theo.
Một số định hướng phát triển trong thời gian tới
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang hướng tới năm 2030 quyết tâm xây dựng, phát triển tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; GRDP bình quân đầu người đạt hơn 15.000 USD/năm. Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.
Để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ninh xác định:
Một là, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị theo hướng bền vững, xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lợi thế phát triển của từng địa phương trên địa bàn tỉnh; gắn với phát triển kinh tế nhanh, bền vững và phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Hai là, tiếp tục định hướng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, nhất là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư.
Ba là, tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển; đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tận dụng cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bốn là, bảo đảm phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hạn chế tác động xấu về môi trường, đồng thời phải tính đến giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thiên nhiên.
Năm là, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh đề ra một số giải pháp để thực hiện:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện theo quy hoạch; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện quy hoạch; đổi mới phương pháp quy hoạch; kiên quyết hoàn thành đồng bộ các quy hoạch phân khu phù hợp với các quy hoạch chung xây dựng, đồng bộ với các quy hoạch ba loại rừng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả việc sử dụng các nguồn vốn huy động để đầu tư phát triển hạ tầng; kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; kiên quyết không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư; tập trung công tác chuẩn bị đầu tư, quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng không phân biệt nguồn vốn đầu tư, tạo quỹ đất “sạch” cho nhà đầu tư; công bố công khai danh mục các dự án thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.
Thứ ba, chuyển đổi số toàn diện, trọng tâm là phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành, đa lĩnh vực, năng suất, chất lượng và hiệu quả, có sức cạnh tranh cao.
Thứ tư, xây dựng các khu công nghiệp, các khu kinh tế có vị trí phù hợp, có quy mô đủ lớn, đầy đủ điều kiện về hạ tầng, kết nối thuận lợi, nhanh chóng, chi phí thấp và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ có sức cạnh tranh cao để thu hút đầu tư mở rộng, đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh hơn, như: LNG, năng lượng tái tạo, trong đó, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái các ngành kinh tế trọng điểm.
Thứ năm, phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bản sắc và bền vững với quy mô lớn để nâng cấp chất lượng sống của người dân, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng, miền trong tỉnh, thu hút dân cư từ nơi khác đến; phát triển kinh tế đô thị hiệu quả, nhất là đô thị du lịch chất lượng cao; thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp đổi mới sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa, con người và thiên nhiên mang đậm bản sắc Quảng Ninh.
Thứ sáu, tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bao gồm cả hạ tầng số, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng gắn với các hành lang, vành đai phát triển kinh tế, kết nối quốc tế thuận lợi để tỉnh Quảng Ninh trở thành một trung tâm logistics của vùng và cả nước./.
Huyện Vân Đồn đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch văn hóa gắn với du lịch sinh thái biển, đảo  (20/10/2023)
Nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển du lịch ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh  (20/10/2023)
Tăng cường công tác quy hoạch, tạo bước đột phá trong phát triển  (17/10/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp