Vai trò của di sản văn hóa đối với quá trình phát triển bền vững đất nước

TS Chu Thái Thành
Nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Tạp chí Cộng sản
22:17, ngày 05-12-2024

Trong xu thế toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, nền kinh tế thị trường thâm nhập ngày càng sâu rộng vào các ngõ ngách của các quốc gia. Cùng với đó, nhân loại phải chứng kiến những nghịch lý, những hậu quả không thể coi thường. Ở nhiều nơi, đời sống vật chất nâng cao nhưng đời sống tinh thần xuống cấp, con người ngày càng cảm thấy bất an do sự đe dọa của bệnh tật, thiên tai, bất bình đẳng và các tệ nạn xã hội. Do đó, việc quan tâm đến sự phát triển bền vững đang là khẩu hiệu hành động của mọi quốc gia, trong đó có nước ta. Nói phát triển bền vững không thể không nói đến văn hóa, đến con người. Văn hóa, con người phải là động lực và mục tiêu của sự phát triển bền vững.

Mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội đã được đề cập đến từ nhiều năm. Tuy vậy, tác động của văn hóa đối với sự phát triển diễn ra như thế nào? Thế nào là phát triển bền vững ít được quan tâm, đặc biệt là những người trực tiếp quản lý sự phát triển kinh tế.

Kinh nghiệm chỉ ra rằng, hiện nay, những nước đã có trình độ phát triển kinh tế cao, thu nhập quốc dân tính theo đầu người cao, thường là những nước sớm phát hiện ra nghịch lý giữa tăng trưởng kinh tế với hạnh phúc của con người.

Việc khám phá sự giàu có và hạnh phúc không có mối tương quan đang là điều đáng ngạc nhiên trong lịch sử kinh tế học.

Nhiều nhà nghiên cứu ở Mỹ đã phát hiện ra rằng, người Mỹ hiện nay có thu nhập rất cao. Nếu trước đây, năm 1950, thu nhập của người Mỹ chỉ khoảng 10 nghìn USD/năm, thì đến nay, số người Mỹ có thu nhập 100 nghìn USD/năm khá đông.

Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới đòi hỏi phải nắm bắt thời cơ, tăng trưởng kinh tế để không bị tụt hậu. Mặt khác, tâm lý tiêu dùng vật chất đang ngày càng phổ biến, tạo ra áp lực đối với người lãnh đạo quản lý kinh tế của đất nước. Hậu quả dẫn tới là đời sống kinh tế - xã hội có phát triển, nhưng nhiều khó khăn và yếu kém không những không giảm bớt mà có phần gia tăng. Sự ô nhiễm của các dòng sông, kênh rạch, ao hồ, khu dân cư đều có nguyên nhân từ các nhà máy, các khu công nghiệp. Rừng bị khai thác bừa bãi vừa làm hao mòn tài nguyên của đất nước, làm giảm độ che phủ cho đất, gây ra những cơn lũ lụt đe dọa đời sống của nhân dân. Mức độ ô nhiễm không khí và tiếng động ở các thành phố, đô thị cũng quá mức cho phép. Cùng với sự ô nhiễm môi trường sinh thái là sự xuống cấp môi trường xã hội, sự xuống cấp về văn hóa và con người.

GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, ở Việt Nam, từ năm 1943 khi nói về văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên quan điểm cho rằng “vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.

Văn hóa là tạo nên ứng xử cộng đồng, phản ứng cộng hưởng tập thể trước một hiện tượng hoặc sự việc nào đó. Văn hóa chứa đựng cả những sở trường và sở đoản của một cộng đồng nên khó có thể đạt được kỳ vọng là phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực… mà phải theo một triết lý phù hợp với thực tiễn khai thác tất cả những gì mình có để phục vụ phát triển.

Có thể coi văn hóa là “căn cước” của một cộng đồng, nhưng bao giờ cũng có hai hợp phần nội sinh và ngoại sinh (tiếp thu được từ bên ngoài, biến thành cái của mình, trong văn hóa học thường gọi là quá trình tiếp biến). Phần nội sinh của văn hóa Việt Nam thực chất là những sáng tạo của con người trong quá trình tương tác với điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, môi trường xã hội và hoàn cảnh lịch sử.

Theo GS.TSKH. Vũ Minh Giang, một trong đặc điểm nổi bật của Việt Nam là nằm ở vị trí giao tiếp có tầm chiến lược cực kì quan trọng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của những tác tác động bởi những toan tính từ bên ngoài. Chính vì vậy, tính cách dễ thích ứng và nhạy cảm phần nhiều được hình thành do tác động của yếu tố này. Điều này cũng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đảng ta khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm quán triệt tư tưởng đó của Đảng và góp phần giải quyết những vấn đề nóng bỏng mà cuộc sống đang đặt ra, việc tìm hiểu vai trò của các hệ giá trị văn hóa đối với quá trình phát triển bền vững đất nước là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hiện nay.

Về giá trị văn hóa, nói đến giá trị là nói những chuẩn mực, những tiêu chí có ích và cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của một sự vật, hiện tượng. Đối với văn hóa, giá trị là những chuẩn mực, tiêu chí cần thiết, có ích cho sự tồn tại và phát triển của con người, của xã hội. Vậy, các tiêu chí, chuẩn mực đó hình thành từ đâu? Nhu cầu của con người không chỉ dừng lại ở bản năng và có tính vật chất mà còn xuất hiện các nhu cầu tinh thần, góp phần làm thăng hoa những nhu cầu vật chất ở con người. 

Ở các xã hội phát triển, con người ăn không chỉ để no, con người còn đòi hỏi ăn phải ngon, hợp khẩu vị, món ăn phải sạch, đẹp nữa; bữa ăn phải được diễn ra trong không khí vui tươi. Như vậy, sự phát triển và hoàn thiện một con người hoặc toàn xã hội, đều bắt nguồn từ sự phát huy và phát triển của giá trị văn hóa, tức những nhu cầu và năng lực tinh thần bẩm sinh vốn có ở con người. Trong số các nhu cầu và năng lực cơ bản đó, có nhu cầu và năng lực hiểu biết, khám phá, sáng tạo; nhu cầu và năng lực hướng thiện, nhu cầu năng lực hướng tới cái đẹp. Chúng ta thường quen gọi là nhu cầu năng lực hướng tới cái chân, thiện và mỹ. Tuy vậy, sự thể hiện của chân - thiện - mỹ ở các thời kỳ lịch sử và ở các dân tộc thường không giống nhau. Ví dụ, gu thời trang ở các thời kỳ lịch sử và ở các dân tộc, các phong tục tập quán v.v.. thường là khác nhau. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tuy phong tục tập quán, mỗi dân tộc mỗi khác, nhưng dân tộc nào cũng ưa sự lành, ghét sự dữ”(1). Điều đó có nghĩa là, tuy hình thức biểu hiện khác nhau, nhưng về bản chất, các dân tộc đều có sự thống nhất: ưa cái lành, ghét cái dữ. Sự giống nhau đó chính là thể hiện cái tính người phổ biến. Cái tính người phổ biến đó tạo nên những nhu cầu và năng lực hướng tới cái chân - thiện - mỹ. Có nghĩa là: sự hoàn thiện, phát triển con người phải là kết quả của sự bồi dưỡng, phát huy những nhu cầu về năng lực hướng tới chân - thiện - mỹ. Khi các nhu cầu và năng lực chân - thiện - mỹ trở thành máu thịt của con người, các hoạt động của con người, dù hoạt động có tính cá nhân hay xã hội, vật chất hay tinh thần, đều mang tới những hiệu quả xã hội tốt. Cái mà C.Mác gọi là “hoàn cảnh có tính người” chính là ở đó. Hoàn cảnh có tính người không cho phép xuất hiện những hành vi gian dối, lừa lọc, vô lương tâm. Hoàn cảnh có tính người đòi hỏi những quan hệ xã hội mang tính cộng đồng, lối sống tình nghĩa, biết yêu thương và chia sẻ. Đó phải là xã hội “thương người như thể thương thân”, “con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, trái hẳn với cái xã hội “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Những nhân tố đẹp đẽ đó không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Cách chúng ta hơn 600 năm, Trần Cảnh - vị vua đầu tiên của nhà Trần, lúc mới 12 tuổi, đặt ra cho quan thái sư, người thầy giáo của mình, một câu hỏi: “Ta chưa nghe ông nói: “phải lo cho dân cái gì, mà chỉ thấy ông nói: phải trị dân như thế nào”. Tư tưởng đó của vị vua đầu tiên trong chế độ phong kiến thời Trần giống với việc vua Hùng, ngay từ thời dựng nước, đã dạy cho dân cách trồng lúa, cách vẽ mình để tránh bị thuồng luồng bắt lúc xuống nước bắt cá. Tư tưởng đó cũng không xa lạ với tư tưởng của Hồ Chí Minh, khi Người yêu cầu “cán bộ phải là đầy tớ của dân”. Lê Thánh Tông lên ngôi chưa đầy 20 tuổi, không tơ hào chuyện hưởng thụ, chỉ chăm lo cho việc nước, việc dân. Trước triều đình, vua ra chỉ dụ: phải tập trung lo cho 2 việc: việc nông tang và việc lễ nghĩa. Việc nông tang để chăm lo đời sống vật chất cho dân và việc lễ nghĩa để chăm lo đời sống tinh thần cho dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã kết tinh được các giá trị cao đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc, từ thời Hùng Vương dựng nước. Người đã từng dạy cán bộ, đảng viên và nhân dân: “Dân ta phải biết sử ta”. Biết sử ta chính là biết được các giá trị tốt đẹp mà cha ông đã sáng tạo ra và đang truyền dạy chúng ta. Người từng nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước./Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Giữ lấy nước, không chỉ có ý nghĩa giữ lấy giang sơn, bờ cõi đất nước, mà còn là giữ lấy đạo lý làm người của dân tộc, hồn thiêng sông núi. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt tấm gương sáng của Người là ngọn đuốc soi đường, là sức mạnh nội sinh tạo nên những thành tích rực rỡ của cách mạng nước ta, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhưng “cách mạng thường không thẳng tắp như đại lộ Nepski” (Lênin). Trong quá trình đó, bên cạnh những tấm gương tốt, cũng đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực. Thực trạng tha hóa bởi quyền lực cũng là hiện tượng thường xuyên của lịch sử, của bất cứ quốc gia nào. Trong Di chúc trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo điều đó. Và bài báo cuối cùng, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người đã tập trung phê phán hiện tượng này.

Vậy thế nào là phát triển bền vững. Nói phát triển bền vững là nói đến hàng loạt những chỉ dấu quan trọng:

- Sự tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội.

- Rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống, chất lượng sống giữa các vùng miền, ngành nghề.

- Sự phát triển kinh tế không tạo nên sự xuống cấp về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, không tạo nên sự cạn kiệt tài nguyên của đất nước.

Nói tổng quát, sự phát triển bền vững là tiền đề để thực hiện mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như  các nghị quyết gần đây của Đảng đã đề ra.

Bức tranh chung của thế giới hiện nay là hầu hết các quốc gia chưa tạo được sự phát triển bền vững. Có những quốc gia, thu nhập quốc dân tính theo đầu người rất cao nhưng mỗi người đều cảm thấy bất an, thiên tai, bệnh tật thường xuyên đe dọa. Người ta tính ra rằng tổng tài sản của 26 tỷ phú trên thế giới có trên 1 ngàn tỷ USD, nghĩa là bằng tổng tài sản của hơn 3 tỷ người nghèo nhất trên thế giới. Đấy là sự bất công ghê gớm, đe dọa sự ổn định toàn cầu.

Ở nước ta, mấy chục năm qua, tuy công tác xóa đói, giảm nghèo được thực hiện tương đối tốt, nhưng cho đến nay, vẫn còn sự chênh lệch khá lớn về thu nhập giữa các vùng, miền. Một bộ phận cư dân ở vùng sâu, vùng cao vẫn chưa có điều kiện hưởng thụ những thành quả của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Từ rất lâu trước đây, C.Mác đã từng cảnh báo thái độ thờ ơ và tàn nhẫn đối với thiên nhiên: “Khi đốt rừng trên các triền núi và lấy số phân tro đủ để bón cho một đời cây cà phê đem lại một số thu hoạch rất lớn, thì những người chủ đồn điền Tây Ban Nha ở Cu Ba có cần gì phải nghĩ rằng sau này những trận mưa rào ở vùng nhiệt đới sẽ cuốn sạch lớp đất bên trên không có gì che chở và chỉ để lại những lớp đá trơ trụi”(2). Lời cảnh báo đó cách đây vài trăm năm hình như ít được quan tâm tới. Rừng bị tàn phá có nghĩa là khí hậu sẽ thay đổi, lũ lụt sẽ nặng nề hơn, sức tàn phá của thiên nhiên đối với con người sẽ dữ dội hơn. Rừng bị tàn phá cũng có nghĩa các tài nguyên (kể cả tài nguyên trên mặt đất và dưới lòng đất) đều bị khai thác đến mức hủy hoại. Đó là điều trực tiếp làm giảm thiểu điều kiện sống của con người hiện tại và cả các thế hệ mai sau.

Kinh nghiệm nhiều nước nói với chúng ta rằng, phát triển là làm biến đổi con người chứ không phải chỉ làm biến đổi kinh tế. Nguyên Tổng thư ký UNESCO Federico Mayor khẳng định: “Nếu không có văn hóa làm nền tảng và mục tiêu thì sự phát triển nhất định phải đi theo số phận phù du của những thành phố ma, sẽ bị bỏ hoang khi kết thúc cuộc đổ xô đi tìm vàng”(3).

Tất cả những vấn đề nêu trên đều nhằm khẳng định một nguyên tắc: Sự phát triển đất nước phải lấy văn hóa làm nền tảng, làm mục tiêu. Có nghĩa là sự phát triển chỉ có thể trở nên bền vững nếu được chỉ đạo bởi những giá trị văn hóa, trước hết là những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và cả những giá trị mà nhân loại tiến bộ đã đúc kết được. Xét đến cùng, phát triển phải nhằm hướng tới con người, xây dựng và phát triển con người. Đây cũng là mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội./.

---------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 4, tr. 350

(2) C. Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t. 20, tr. 658

(3) Người đưa tin UNESCO, số 10 - 1994