Gắn kết phát triển di sản với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa địa phương và bản sắc văn hóa cộng đồng - nhìn từ thực tiễn Quảng Ninh
1- Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, di sản văn hóa dùng để “chỉ chung tài sản văn hóa, như văn hóa dân gian, các công trình kiến trúc, các tác phẩm điêu khắc, các tác phẩm văn học… mà thế hệ trước để lại cho thế hệ sau”. Trong công trình Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng văn hóa ở nước ta hiện nay (Nxb. Văn hóa Thông tin, 1999), tác giả Hoàng Vinh cho rằng di sản văn hóa là tổng thể những tài nguyên văn hóa truyền thống trong hệ thống giá trị của nó, được chủ thể nhận biết và đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng những nhu cầu và đòi hỏi của hiện tại. Đóng vai trò then chốt ở đây là khái niệm nhận biết và sử dụng, bên ngoài mối quan hệ với chủ thể, không tồn tại khái niệm di sản văn hóa theo nghĩa đen của nó.
Như vậy, có thể thấy, di sản văn hóa là sản phẩm, tài nguyên văn hóa có giá trị (vật thể hoặc phi vật thể) của thời đại trước, thế hệ trước sáng tạo ra để lại cho thời đại sau, thế hệ sau (cái có sẵn, hiện hữu, đương nhiên tồn tại); được thời đại sau, thế hệ sau nhận biết và sử dụng. Trong cái được gọi là di sản văn hóa có hai phương diện khách quan và chủ quan: Khách quan là cái do thời đại trước, thế hệ trước sáng tạo ra và để lại cho thời đại sau, thế hệ sau, không phụ thuộc vào thế hệ sau (tồn tại tự nó, với thuộc tính của nó). Chủ quan là cái được thế hệ sau nhận biết và sử dụng. Nội hàm nhận biết và sử dụng có thể diễn giải cụ thể hơn như sau:
+ Nhận biết là biết đến (phát hiện ra và nhận ra sự tồn tại của cái gọi là các di tích, di vật; tri nhận giá trị (hay không) giá trị của chúng.
+ Sử dụng là đem vào thực hành văn hóa: bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị của chúng trong đời sống.
Quan niệm về di sản văn hóa trên của lý luận văn hóa hay văn hóa học nhấn mạnh vai trò của cả hai yếu tố khách quan và chủ quan. Vai trò của cái khách quan và cái chủ quan đều rất quan trọng và quan trọng ngang nhau. Nếu không có phẩm chất vốn có của sự vật (cái khách quan) thì không có cái để đánh giá, ngược lại phẩm chất của sự vậy được xem là giá trị hay không giá trị lại tùy thuộc vào thái độ, nhu cầu, trình độ của chủ thể đánh giá (cái chủ quan). Do đó khái niệm di sản văn hóa gắn với giá trị, nói đến di sản là nói đến cái giá trị, song cái được cho là có giá trị lại mang tính chủ quan, dễ gây nên sự khác biệt trong đánh giá. Cho nên, trong thực tiễn kế thừa di sản văn hóa như (V.I. Lê-nin) nói: “chúng ta kế thừa di sản nào?” là như vậy.
Quan niệm về di sản văn hóa của lý luận văn hóa, văn hóa học là quan điểm nhận thức luận, quy chuẩn luận chỉ ra bản chất của sự vật gọi là di sản văn hóa, là mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể, giữa quá khứ và hiện tại. Ngoài ra lý thuyết này còn nói đến cách thức bảo tồn di sản văn hóa (ba cách: bảo tồn nguyên trạng, bảo tồn kế thừa và bảo tồn phát triển). Tuy nhiên, lý thuyết di sản văn hóa này mới dừng ở phương diện nhận thức luận về di sản văn hóa, chưa bàn đến vấn đề thao tác luận: làm thế nào để tổng thể các tài nguyên văn hóa truyền thống trở thành di sản văn hóa. Mối quan hệ giữa quá khứ - hiện đại - tương lai trong sự tồn tại của di sản như thế nào cũng chưa được đề cập.
Luật Di sản văn hóa của nước ta (năm 2001) quan niệm: “Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 1, chương 1). Quan niệm về di sản văn hóa xác định trong Luật Di sản văn hóa có mấy điều cần lưu ý:
Một là, quan niệm đã chỉ ra đối tượng mà Luật Di sản văn hóa điều chỉnh bao gồm: sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Đây là quan niệm mang tính giới thuyết phạm vi điều chỉnh của Luật chứ không phải là một định nghĩa khoa học về di sản văn hóa.
Hai là, quan niệm của Luật Di sản văn hóa nước ta chỉ mang tính thống kê, mô tả khái quát: Di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, sau đó cụ thể hóa bằng một thống kê các sự vật, hiện tượng thuộc về di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể (xem Chương I). Trong Luật Di sản văn hóa có đề cập đến “di tích”, “di vật”, nhưng chưa chỉ rõ mối quan hệ giữa di tích, di vật với di sản là thế nào, nên dễ dẫn đến cách hiểu giản đơn: Cứ là di tích, di vật có giá trị thì đương nhiên gọi là di sản văn hóa.
Ba là, quan niệm của Luật Di sản văn hóa mới nhấn mạnh đến cái đã là/đã được công nhận là di sản văn hóa (quyết định, ghi danh), còn cái chưa trở thành di sản thì chưa được đề cập đến. Song quá trình thao tác biến các di tích, di vật (vật chất, tinh thần) của quá khứ có giá trị thành di sản văn hóa là hoạt động thực hành văn hóa rất quan trọng, thường nhật của các cộng đồng xã hội thì Luật Di sản văn hóa nước ta còn chưa quan tâm đầy đủ và chuyên ngành quản lý văn hóa ở nước ta chưa nghiên cứu thấu đáo.
Năm 1989, Robert Hewinson (nhà nghiên cứu người Anh) trong cuốn sách Di sản văn hóa - một diễn giải đã giải thích khái niệm di sản văn hóa, không chỉ là cái còn lại của quá khứ mà nó là một quá trình lựa chọn quá khứ, trao lại cho thế hệ sau; đó là quá trình di sản hóa.
Điểm mới của lý thuyết di sản hóa là: xem di sản văn hóa là “quá trình lựa chọn quá khứ” để “trao lại cho tương lai”. Như vậy, di sản văn hóa là kết quả quá trình hoạt động của cộng đồng trước những tài nguyên văn hóa của quá khứ, tìm tòi cái có giá trị bảo tồn, trao truyền lại cho tương lai. Và vì vậy di sản văn hóa được coi là “thực hành văn hóa” trong đời sống xã hội (toàn bộ hoạt động của con người, cộng đồng xung quanh di sản).
Sau này, quan niệm về di sản hóa được nhiều nhà nghiên cứu bàn luận và phát triển thêm. Tunbridge và Ashworth (năm 1996) giải thích rõ hơn và đưa ra định nghĩa di sản hóa: Di sản hóa là quá trình lựa chọn một di sản của quá khứ để sử dụng trong hiện tại và quyết định xem cái gì nên được giữ lại cho tương lai.
Từ quan niệm về di sản văn hóa của Robert Hewinson đến quan điểm về Ddi sản hóa của Tunbridge và Ashworth là một sự phát triển về lý luận (chính xác hơn). Nó có thêm nội dung mới, cụ thể hơn, sâu sắc hơn: i) “Lựa chọn và sử dụng trong hiện tại” (tính mục đích); ii) “Quyết định xem cái gì nên được giữ lại cho tương lai” (quá trình nghị sự xã hội) bàn luận để khẳng định hay phủ định.
Harrison sau đó (năm 2013) đưa ra một quan niệm tường minh hơn nhấn mạnh tính thao tác trong di sản hóa: Di sản hóa là quá trình - mà theo đó các yếu tố của một nền văn hóa (tòa nhà, di tích, di chỉ, vườn cây, phong cảnh, những thực hành, nghi lễ và truyền thống)… được biến đổi trở thành di sản văn hóa”. Cái mới của quan điểm này là nhấn mạnh hoạt động thực hành văn hóa “được biến đổi trở thành di sản văn hóa” tức là phải trải qua quá trình tác động của xã hội, quá trình thao tác qua nhiều khâu của cộng đồng chủ thể thì các yếu tố đó mới trở thành di sản văn hóa - (không chỉ đặt cho nó cái “tên” hay gắn cho nó một cái “biển” di sản).
Người đầu tiên đưa ra khái niệm di sản hóa (Heritagization) cũng là Robert Hewinson (năm 1987) trong cuốn sách Công nghiệp di sản - vương quốc Anh đi xuống, cho rằng: Trong bối cảnh hiện đại, có quá trình di sản hóa ở một địa điểm nhất định bằng hình thức sản xuất lại quá khứ đó là tiền đề cho ngành công nghiệp di sản (hay kinh tế di sản).
Khái niệm kinh tế di sản chỉ nền kinh tế (hay lĩnh vực kinh tế) dựa trên di sản văn hóa (tài nguyên văn hóa) để tiến hành “sản xuất lại quá khứ” tạo ra giá trị kinh tế và làm tăng thêm giá trị cho di sản văn hóa.
Khái niệm bản sắc văn hóa: Trước hết khi nói đến bản sắc văn hóa người ta thường nhấn mạnh bản sắc văn hóa dân tộc (hoặc bản sắc văn hóa tộc người). Từ đó có thể mở rộng khái niệm bản sắc văn hóa theo các nghĩa bản sắc văn hóa vùng miền, bản sắc văn hóa địa phương hay nhóm xã hội khác nhau. Có nhiều quan niệm khác nhau về bản sắc văn hóa dân tộc, theo nhà sử học Hà Văn Tấn, bản sắc văn hóa là những nét văn hóa riêng làm thành hệ giá trị được một dân tộc chấp nhận, được xem là phù hợp, thích hợp, được đem vào vận hành nhằm thỏa mãn nhu cầu sống và phát triển của dân tộc mình trong nền cảnh lịch sử tương ứng.
Như vậy có thể hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là hệ thống những yếu tố độc đáo, đặc sắc của nền văn hóa dân tộc, biểu hiện “đặc tính dân tộc”, “cốt cách dân tộc”, cái thần thái của một dân tộc. Chúng tạo nên sức mạnh cố kết, duy trì và phát triển cộng đồng với tư cách một dân tộc (chúng là bộ gen của dân tộc) trong một môi trường đia văn hóa nhất định.
Theo quan niệm trên, bản sắc văn hóa dân tộc có thể vận dụng vào cách hiểu bản sắc văn hóa tộc người một cách dễ dàng, như các nhà dân tộc học trên thế giới quan niệm, nói đến bản sắc văn hóa là nói đến bản sắc văn hóa tộc người. Bản sắc văn hóa tộc người mới là cái độc đáo, riêng biệt sâu hơn bản sắc văn hóa cộng đồng quốc gia được gọi là dân tộc.
Cũng theo quan niệm trên, bản sắc văn hóa dân tộc có thể vận dụng vào cách hiểu bản sắc văn hóa địa phương và bản sắc văn hóa cộng đồng (với tư cách cộng đồng trong một địa phương) là “những nét văn hóa riêng, độc đáo, đặc sắc của một địa phương hay một cộng đồng làm thành hệ thống giá trị được địa phương, cộng đồng nhất định chấp nhận, được xem là phù hợp, thích hợp, được đem vào vận hành nhằm thỏa mãn nhu cầu sống và phát triển của người dân địa phương hay cộng đồng trong bối cảnh lịch sử tương ứng.
2- Nhìn từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh về sự gắn kết phát triển kinh tế di sản với việc bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người và bản sắc văn hóa địa phương (cộng đồng địa phương), cần chú ý các nội dung sau:
Khái quát về tỉnh Quảng Ninh: Quảng Ninh là tỉnh có địa hình đồi núi xen thung lũng, đồng bằng ven biển (nhỏ hẹp) thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam; vùng biển dài và rộng bao gồm 3.000 đảo lớn nhỏ, có hai vịnh (Hạ Long, Bái Tử Long) nổi tiếng; các sông chính chảy qua là sông Bạch Đằng, Cà Long, Tiên Yên, Ba Chẽ, Diễn Vọng; có đường biên giới với Trung Quốc và giáp các tỉnh, thành Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn; có đường bộ, đường sắt, đường biển (và đường không gần đây) nối liền với các địa phương nước ta và ra nước ngoài. Có các ngành kinh tế khai thác tiềm năng của tỉnh: khai thác than, nông - lâm - ngư nghiệp, vận tải và du lịch.
Tỉnh Quảng Ninh có 618 di sản lịch sử văn hóa nói chung, trong đó có hơn 300 di sản văn hóa phi vật thể, một di tích thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, 12 di tích cấp quốc gia; có 66 nghệ nhân văn hóa dân gian (một trong số đó được công nhận nghệ nhân nhân dân). Những di tích văn hóa nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả thế giới, như Vịnh Hạ Long, danh thắng Phật giáo Yên Tử, Đền Cửa Ông, di tích lịch sử Bạch Đằng và lăng mộ nhà Trần tại thị xã Đông Triều… cùng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể với nhiều lễ hội gắn với các di tích lịch sử trên hoặc các lễ hội nổi tiếng, như lễ hội cấp sắc của người Dao, lễ hội trình diễn dân ca soóng cọ của người Sán Chỉ, hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long của người Việt…
Tóm lại, có thể đưa ra hai nhận xét cơ bản sau: 1- Không gian địa văn hóa của tỉnh Quảng Ninh là không gian Việt Nam thu nhỏ, phong phú và đa dạng có núi, rừng, có đồng bằng, có biển, đảo; có văn hóa nhiều tộc người (phía Bắc), có sự giao lưu, tiếp biến với các nước xung quanh và có bề dày lịch sử từ thời tiền sử - sơ sử (văn hóa khảo cổ Hạ Long) đến văn hóa hiện đại. 2- Theo nghĩa rộng của khái niệm di sản văn hóa, tỉnh Quảng Ninh là một bảo tàng đầy ắp các loại hình di sản, di sản văn hóa cổ trung đại và di sản văn hóa cận hiện đại, di sản văn hóa trong hoạt động mưu sinh, di sản văn hóa trong lĩnh vực tổ chức bảo vệ cộng đồng, di sản văn hóa trong lĩnh vực sinh hoạt tinh thần…
Phát triển kinh tế di sản với bảo tồn các hình thái bản sắc văn hóa ở tỉnh Quảng Ninh:
Kinh tế di sản là lĩnh vực kinh tế dựa trên di sản văn hóa (tài nguyên văn hóa) để “sản xuất lại quá khứ” tạo ra giá trị kinh tế và làm tăng thêm giá trị cho di sản văn hóa. Với quan niệm như vậy về kinh tế di sản, trên lý thuyết đã bao hàm việc gắn kết phát triển kinh tế (lấy di sản văn hóa làm nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất và tạo nên sản phẩm), đầu ra cũng vẫn là di sản văn hóa “tái tạo lại quá khứ”. Song vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc của địa phương, cộng đồng ở một trình độ cao hơn “tăng thêm giá trị cho di sản văn hóa”. Phát triển kinh tế không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn làm “tăng thêm giá trị cho di sản” tức là bảo tồn và phát huy giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc.
Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế di sản nói riêng của tỉnh Quảng Ninh những năm qua cho thấy:
Thứ nhất, phát triển kinh tế di sản (nền công nghiệp di sản) có người quan niệm đó là lĩnh vực kinh tế du lịch hoặc nền kinh tế sáng tạo - văn hóa (nền công nghiệp văn hóa), không chỉ đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tạo ra việc làm, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế có liên quan…), mà còn khơi dậy lòng tự hào, tinh thần vượt qua khó khăn, ý thức đoàn kết cộng đồng… của người dân địa phương, tạo nên “hào khí Hạ Long” một tinh thần quyết tâm đổi mới và sáng tạo đột phá, dẫn đầu cả nước về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, với các thành tựu rất đáng tự hào.
Thứ hai, phát triển kinh tế di sản đã khơi dậy nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng và phong phú cùng lợi thế của một địa phương đặc thù - một Việt Nam thu nhỏ và có những di sản văn hóa ưu trội của cả nước. Đó là những di sản văn hóa đa dạng của vùng núi, vùng đồng bằng, vùng biển và hải đảo; đó là các tri thức truyền thống trong sản xuất lâm nghiệp, sản xuất nông nghiệp, sản xuất ngư nghiệp (đánh bắt nuôi trồng, chế biến hải sản), khai thác than, khoáng sản, đóng tài thuyền đi biển, sản xuất gốm sứ, gạch ngói;… khai thác các hết thảy vốn văn hóa nghệ thuật, các lễ hội dân gian của các tộc người trong tỉnh phục vụ nền kinh tế di sản.
Thứ ba, thành tựu của phát triển kinh tế nói chung, trong đó có kinh tế di sản đã tạo nên nguồn tài chính to lớn góp phần tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử, văn hóa (di sản văn hóa): Khu di tích Yên Tử, chùa Ba Vàng, Học viện Trúc Lâm, Đền Cửa Ông, Di tích Bạch Đằng… là minh chứng cho sự gắn kết phát triển kinh tế di sản với việc bảo tồn bản sắc văn hóa. Ngoài ra nguồn tài chính góp phần xây dựng nên hệ thống thiết chế xã hội, tổ chức hoạt động, bảo tồn và truyền bá, lan tỏa các giá trị của di sản trong cộng đồng cũng góp phần vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa của các tộc người, của địa phương và cộng đồng. Việc quảng bá các điểm đến du lịch Quảng Ninh, mở ra các tuyến, các tour du lịch trong tỉnh hay với các tỉnh, thành phố trong nước và với các nước trên thế giới là một cách làm năng động để tăng thêm giá trị kinh tế và quảng bá giá trị bản sắc văn hóa địa phương.
Thứ tư, thực hành sử dụng các di sản văn hóa của các tộc người, của địa phương và của cộng đồng làm nền tảng, làm cơ sở cho sự sáng tạo các sản phẩm, các giá trị văn hóa mới hiện đại. Các điệu múa, điệu nhảy truyền thống (dân vũ), các làn điệu dân ca của các tộc người trên đất Quảng Ninh đã được sử dụng như chất liệu truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa địa phương của các tác phẩm văn hóa của thời hiện đại. Một nét họa tiết hoa văn trên vải thổ cẩm của dân tộc thiểu số, một bài thuốc lá chữa bệnh mang tính kinh nghiệm truyền thống dân gian, một cách chế biến, bảo quản thức ăn đều là những gợi ý cho sự sáng tạo mới về các sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống hiện đại. Tinh thần tôn trọng sự đa dạng văn hóa, cởi mở đón nhận các nền văn hóa, các yếu tố văn hóa của người Quảng Ninh cũng trở thành yếu tố quan trọng cho sự tiếp thu, tiếp biến văn hóa từ bên ngoài vào làm phong phú đời sống văn hóa của địa phương (chẳng hạn, các lễ hội Carnaval Hạ Long, các cuộc thi thể thao quốc tế diễn ra tại Quảng Ninh vừa qua).
Thứ năm, tất cả các biểu hiện trên khẳng định rằng sự “gắn kết phát triển kinh tế di sản với bảo tồn bản sắc văn hóa tộc người, bản sắc văn hóa địa phương và bản sắc văn hóa cộng đồng” đã diễn ra trên mảnh đất Quảng Ninh, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, tạo ra giá trị kinh tế của di sản văn hóa và nâng cao giá trị cho di sản văn hóa của địa phương, khẳng định mối quan hệ gắn kết phát triển kinh tế với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc như là một động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của mỗi địa phương./.
Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hà Long theo quan điểm phát triển bền vững của UNESCO  (06/12/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm