TCCS - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Ninh và các tổ chức thành viên nỗ lực tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo và các tầng lớp nhân dân nắm bắt và hưởng ứng thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nỗ lực đó đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực của tỉnh; qua đó, cũng rút ra được những kinh nghiệm để thời gian tới nâng cao hiệu quả của công tác này, không chỉ riêng với tỉnh Quảng Ninh.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng

Trong những năm qua, việc đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đã tìm tòi, sáng tạo được nhiều phương pháp, hình thức mới, phù hợp với đặc điểm đối tượng, nhiệm vụ và nội dung tuyên truyền, vận động. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã mạnh dạn cải tiến, hoàn thiện các phương pháp, hình thức truyền thống cho phù hợp với điều kiện mới. Việc sáng tạo những phương pháp, hình thức mới và đa dạng hóa chúng đang trở thành một xu thế mới trong tuyên truyền, vận động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Những kết quả đó đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin và sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân là công việc đầu tiên và thường xuyên của MTTQ các cấp trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác thông tin, tuyên truyền luôn được đổi mới theo hướng thiết thực, cụ thể và tăng cường sự phối hợp giữa ủy ban MTTQ với các lực lượng làm công tác thông tin, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước và các tổ chức thành viên. Công tác tuyên truyền của MTTQ kết hợp với các cơ quan truyền thông của Đảng và Nhà nước để kịp thời cung cấp thông tin, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, những nội dung liên quan đến việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đến các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền của MTTQ tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác tuyên truyền, vận động trong tình hình mới, một mặt, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước; mặt khác, phù hợp với từng đối tượng, tác động đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng để xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, để công tác tuyên truyền có chất lượng và hiệu quả, MTTQ đã có sự chú trọng hơn nữa việc chăm lo và phát huy vai trò của người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo, trí thức và người Việt Nam ở nước ngoài.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng

Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã phát huy tốt vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ký Quy chế phối hợp số 194/QCPH, ngày 30-11-2022 với Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có các nội dung triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tuyên truyền, giám sát, phát hiện, nắm bắt tình hình nhân dân, phát huy Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, các địa phương tạo điều kiện để ủy ban MTTQ các cấp làm tốt vai trò đại diện cho nhân dân, bảo đảm phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; nâng cao vai trò của nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Trong năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh hoàn thành việc tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ chủ chốt MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tại 7 địa phương, với hơn 950 đại biểu tham dự. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng các hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến cho hơn 11.000 đại biểu đại diện cấp ủy, đại diện ban chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở, cán bộ MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp tham dự.

Ủy ban MTTQ các cấp của tỉnh đã phối hợp với cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; về quyền làm chủ của nhân dân, nhất là những quyền dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; tổ chức để nhân dân sử dụng đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng 12 chương trình, kế hoạch triển khai chỉ đạo, hướng dẫn đến MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao tính hiệu quả, thiết thực trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tích cực, chủ động chỉ đạo lãnh đạo ủy ban MTTQ các cấp trong việc phối hợp tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và nhân dân những chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh như: Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26-10-2022, của Ban Bí thư, “Về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”; kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023, của Tỉnh ủy “về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”; các định hướng trọng tâm lớn của tỉnh, của từng địa phương.

Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị thống nhất kết quả giám sát các ban thuộc hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn và một số cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Triển khai kế hoạch tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2024, trong quý II/2024 tổ chức 3 hội nghị hướng dẫn, trao đổi các nội dung: Triển khai Thông tri số 40/TTr-MTTW-BTT, ngày 26-3-2024, của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn thực hiện các quy định về tổ chức, hoạt động của ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và ban giám sát đầu tư của cộng đồng; công tác hòa giải ở cơ sở; các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và công tác giám sát cán bộ, đảng viên nơi làm việc và nơi cư trú...

Tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông qua hệ thống tổ chức mặt trận tại địa phương, cơ sở; thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh và tăng cường tuyên truyền trên các trang cộng đồng (fanpage Facebook) của MTTQ các cấp trong tỉnh, các nhóm Zalo, mạng xã hội. 6 tháng đầu năm 2024, MTTQ tỉnh đã đăng tải 715 tin, bài trên các phương tiện truyền thông và trang cộng đồng MTTQ tỉnh; phối hợp xây dựng 6 chuyên mục “Đại đoàn kết” số hằng tháng phát trên sóng truyền hình tỉnh.

Không chỉ vậy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, chủ động xây dựng tỉnh Quảng Ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh; chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống…; nhờ đó, đã góp phần giúp tình hình nội bộ nhân dân được ổn định, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ.

Với những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của MTTQ các cấp trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng bộ, chính quyền tỉnh.

Tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Kinh nghiệm từ thực tiễn tỉnh Quảng Ninh

Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động. Thực tế hiện nay, MTTQ và các tổ chức thành viên đều tích cực đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động nhưng quá trình này diễn ra còn tản mạn, thiếu sự thống nhất, do vậy, không quy tụ được sức mạnh của các tổ chức thành viên. Công tác chỉ đạo đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động chưa đồng bộ, chưa tạo được các phong trào rộng khắp. Ở nhiều nơi, việc theo dõi, chỉ đạo, định hướng chưa kịp thời, chưa thường xuyên, dẫn đến việc thiếu chủ động phối hợp hành động khi xảy ra những vụ việc nổi cộm, bức xúc, những điểm nóng về chính trị - xã hội, tạo cớ cho thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch có cơ hội xâm nhập, lan truyền.

Chính vì vậy, đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động cần có sự chỉ đạo thống nhất để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong cả nước. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay đã tác động nhanh chóng, sâu sắc đến tất cả đối tượng trong xã hội, dẫn đến việc tuyên truyền, vận động của các tổ chức chính trị - xã hội đều phải cải tiến, đổi mới cho phù hợp. Do đó, cần có quyết tâm chính trị của các tổ chức và sự liên kết, phối hợp chặt chẽ thành một phong trào hành động cách mạng mạnh mẽ, đồng bộ, rộng khắp và hiệu quả ở tất cả các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ hai, đầu tư nguồn lực tương xứng với yêu cầu đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động. Trên thực tế, nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động không mang lại hiệu quả trực tiếp, mà mang lại hiệu quả lâu dài và phải đặt trong tình huống cụ thể mới có thể nhận thấy được. Do đó, trong các nghị quyết, chỉ thị, Đảng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, vận động, nhưng trên thực tế sự đầu tư chưa tương xứng với vị trí, vai trò của nó. Mặt khác, hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội ra sức xuyên tạc, chống phá nhằm loại bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi đời sống tinh thần xã hội. Chúng sử dụng những phương pháp, thủ đoạn thâm độc, với lực lượng, phương tiện hiện đại để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến cam go này, chúng ta cũng phải huy động sức người, sức của một cách tương xứng. Trong đấu tranh tư tưởng, trước hết cần đội ngũ chuyên gia có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh nhuệ về chính trị, tinh thông về kỹ năng tác chiến trên không gian mạng.

Bên cạnh nguồn lực con người, cần trang bị máy móc, phương tiện hiện đại. Trong cuộc đấu tranh này, sức mạnh tư tưởng, tinh thần giữ vai trò quyết định, nhưng công nghệ, kỹ thuật cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, cần huy động cả nhân lực, tài lực, vật lực, thời lực, tinh lực thì mới có thể tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo kẻ thù, giành chiến thắng. Cần đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang bị, phương tiện hiện đại, bảo đảm tài liệu, kinh phí, xây dựng các chế độ đãi ngộ đối với cán bộ tuyên truyền, vận động…

Là một nhiệm vụ rất quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ, nên công tác tuyên truyền, vận động phải thực chất, không tiến hành theo phong trào, chạy theo thành tích, để đối phó. Và, quan trọng hơn nữa là niềm tin của hội viên, đoàn viên được nâng lên sau mỗi hoạt động tuyên truyền, vận động.

Thứ ba, có cơ chế khuyến khích cán bộ làm công tác tuyên truyền tích cực đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần triệt để sử dụng các hình thức sinh hoạt của tổ chức mình để khuyến khích cán bộ tuyên truyền tìm tòi, thử nghiệm phương pháp, hình thức mới; động viên cán bộ lâu năm, lớn tuổi vượt qua tâm lý ngại thay đổi, mặc cảm, xa lánh cái mới. Các tổ chức phải xác định đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động là một tiêu chí trong đánh giá chất lượng công việc để tạo ra sự thi đua về sử dụng phương thức mới. Thường xuyên tổ chức trao đổi kinh nghiệm, kịp thời nêu gương các điển hình tiên tiến, khen thưởng kịp thời các sáng kiến hay, cách làm tốt.

Tuyên truyền, vận động luôn gắn với phong trào thi đua. Chính vì vậy, cùng với thi đua, công tác khen thưởng phải bảo đảm nguyên tắc chính xác, công khai, dân chủ, công bằng, kịp thời trong việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng. Điều này để những tập thể, cá nhân có nhiều sáng tạo trong đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động được khen thưởng cảm thấy phấn khởi, tự hào, từ đó tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuyên truyền, vận động trong tình hình mới đòi hỏi cán bộ tuyên truyền, vận động không chỉ có nhận thức đúng mà cần phải có kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Đó là kỹ năng nắm bắt tư tưởng, nhu cầu, thị hiếu của đối tượng, cách sáng tạo thông điệp truyền thông, cách sử dụng các phương tiện nghệ thuật để chuyển tải nội dung: âm thanh, hình ảnh, màu sắc, hình khối. Đó là cách xử lý khủng hoảng truyền thông, các kỹ năng phản bác các quan điểm sai trái, thù địch… Những kỹ năng này không tự nhiên mà có, mà cần phải được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện một cách thường xuyên.

Để tiếp tục tập hợp, đoàn kết nhân dân, tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh và các tổ chức thành viên tiếp tục đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, doanh nhân, trí thức và các thành phần xã hội, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tập trung tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, người tiêu biểu trong các dân tộc, tôn giáo và các tầng lớp nhân dân nắm bắt và hưởng ứng thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương; từ đó, góp phần chung tay xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển./.