Phát huy quyền của phụ nữ trong ứng cử, bầu cử
TCCSĐT - Bầu cử là quá trình cử tri cả nước đưa ra quyết định của họ theo các cách thức mà pháp luật quy định để chọn ra các đại biểu đại diện cho mình nắm giữ những chức vụ trong cơ quan dân cử của chính quyền ở Trung ương và địa phương trong phạm vi lãnh thổ của đất nước.
Cùng với nam giới, việc tham gia bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là cơ hội để nữ giới lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, những người đủ tiêu chuẩn, không phân biệt nữ, nam xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Phụ nữ thực hiện quyền bầu cử của mình là trực tiếp phát huy quyền dân chủ trong xây dựng Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ tham gia bầu cử đó vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của chính bản thân phụ nữ.
Phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 03-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: Phải bầu ngay Quốc hội, càng sớm càng tốt. Bên trong thì nhân dân tin tưởng thêm vào chế độ mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được; chỉ có Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân.
Đánh giá về thực hiện quyền của phụ nữ trong Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (ngày 06-01-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, phụ nữ là những người đi bỏ phiếu hăng hái nhất. Người rất chú trọng công tác vận động phụ nữ, khơi dậy tinh thần yêu nước, thương nòi, tổ chức hướng dẫn phụ nữ tham gia vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thời kỳ xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, việc tranh quyền cho phụ nữ còn là quá trình giải phóng sức lao động để tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy khả năng sáng tạo của mình phục vụ Tổ quốc.
Điều 9 Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định: Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện. Đó là quy định lần đầu tiên có ý nghĩa rất lớn đối với phụ nữ trong bối cảnh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới được thành lập. Điều này đã góp phần quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người trong lịch sử lập hiến Việt Nam. Quy định đó thực sự góp phần phá tan xiềng xích tư tưởng “trọng nam kinh nữ” của chế độ phong kiến đã tồn tại hàng nghìn năm trước đó.
Hiến pháp năm 2013 đã hiến định sâu sắc hơn quyền của phụ nữ trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp năm 1992 và các hiến pháp trước đó. Tại Chương II Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các quyền con người nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng. Quyền của phụ nữ được quy định từ điều 14 đến điều 49. Tại Điều 27, Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định. Ngoài các quyền trên, phụ nữ còn có quyền: Được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội (Khoản 2 Điều 26); Được Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Khoản 2 Điều 36); Được Nhà nước, xã hội và gia đình bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (khoản 2 Điều 58).
Xét trong mối tương quan với nam giới, quyền của phụ nữ Việt Nam được quy định trong các bản Hiến pháp nước ta đã thể hiện rõ quan điểm “bình đẳng và ưu tiên”. Có những quyền được pháp luật xây dựng bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ trước pháp luật nhằm xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong công việc, trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và trong đời sống gia đình. Nhưng bên cạnh đó có những quyền ưu tiên (trong việc tuyển dụng, sắp xếp công việc, nghỉ hưu...), tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thể hiện khả năng của mình với việc đóng góp ngày càng nhiều cho gia đình, xã hội, đồng thời tránh rủi ro trong nghề nghiệp, trong cuộc sống gia đình và xã hội.
Cụ thể hóa các quyền trên, tham gia bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, phụ nữ có quyền ghi tên vào danh sách cử tri, được phát thẻ cử tri. Mỗi cử tri nữ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Với những cử tri nữ là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng; là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi tạm trú hoặc đóng quân.
Cử tri nữ còn được quyền khiếu nại về danh sách cử tri: Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, cử tri nữ có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho cử tri nữ biết kết quả. Trường hợp cử tri nữ không đồng ý về kết quả này hoặc hết thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Trong quá trình bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, mỗi cử tri nữ có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Trường hợp cử tri nữ ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị để cử tri nữ nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với phụ nữ là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ mà tại những nơi đó không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến để phụ nữ nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Khi cử tri nữ viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên tổ bầu cử. Nếu viết hỏng thì cử tri nữ có quyền đổi phiếu bầu khác.
Quyền bỏ phiếu ở nơi khác từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nữ nào vì đi nơi khác, không thể bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu cử ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Bên cạnh đó, cử tri nữ còn có quyền được thông báo về thời gian bầu cử và nơi bỏ phiếu trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri nữ biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương.
Để thực sự khẳng định được vai trò của giới mình, ngoài quyền bầu cử, phụ nữ còn có quyền ứng cử theo quy định của Luật. Việc xây dựng vào đào tạo cán bộ nữ, nâng cao tỷ lệ lãnh đạo là nữ hiện nay đang là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Theo quy định, những phụ nữ đáp ứng được các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có quyền được ứng cử làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đồng thời phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử.
Phụ nữ có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử hội viên, phụ nữ có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử; quyền tuyên truyền, vận động bầu cử người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức sau đây: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân trình bày với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Hiện nay, phấn đấu đạt tỷ lệ 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là phụ nữ là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những yêu cầu cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng. Điều 8 và Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân quy định số lượng nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ. Để phát huy quyền của phụ nữ trong bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân chính bản thân phụ nữ cần:
Thứ nhất, tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, tìm đọc tài liệu hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để hiểu đầy đủ về những quy định trong bầu cử.
Thứ hai, tham gia đầy đủ các cuộc họp về bầu cử ở địa phương, đọc thông tin, theo dõi tin tức trên đài phát thanh, truyền hình về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Thứ ba, nghiên cứu kỹ tiểu sử ứng cử viên, lắng nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động. Lựa chọn các ứng cử viên nam, nữ đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài để bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Lựa chọn những người có thể đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng và nói lên được tiếng nói của phụ nữ, nhân dân địa phương.
Thứ tư, trực tiếp và vận động các cử tri khác đi bầu cử. Tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu, không nhờ người khác bầu hộ, bầu thay, bầu bằng cách gửi thư.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ và những nội dung trên cần thiết phải có sự kết hợp đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương, từ chủ trương chính sách đến triển khai thực hiện. Do đó, cần phải có giải pháp để bảo đảm một tỷ lệ nữ nhất định tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, đó là:
Một là, thường trực Hội đồng nhân dân các cấp cần định hướng một tỷ lệ nhất định đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Việc định hướng của Hội đồng nhân dân các cấp là yếu tố rất quan trọng đối với việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong tham gia cơ quan dân cử. Điều đó đánh dấu sự thay đổi vượt bậc tư duy và hành động của các cấp chính quyền địa phương đối với vị trí, vai trò của người phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý. Công tác định hướng thể hiện sự lãnh đạo tập trung cao độ của Đảng, tránh dàn trải, không tập trung và mất dân chủ. Do vậy, thường trực Hội đồng nhân dân các cấp luôn phải giáo dục, tuyên truyền, định hướng, thuyết phục các lực lượng tham gia ứng cử, bầu cử. Trách nhiệm này theo luật bầu cử thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bầu cử đại biểu Quốc hội; Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.
Hai là, đề cao vai trò, trách nhiệm của của các cấp ủy Đảng trong việc quan tâm lựa chọn, giới thiệu nhân sự là phụ nữ.
Công tác quy hoạch, lựa chọn và đào tạo cán bộ nữ là những khâu rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Những mặt hoạt động công tác này phải được diễn ra theo đúng lộ trình, bảo đảm nguyên tắc và dân chủ. Các cấp ủy Đảng có vai trò rất quan trọng trong việc lựa chọn và giới thiệu nhân sự. Thực tế cho thấy, nếu hoạt động quy hoạch, đào tạo, lựa chọn và giới thiệu nhân sự là phụ nữ ở cơ quan, đơn vị hay địa phương nào được tiến hành thường xuyên, bảo đảm dân chủ và có hiệu quả thì tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý, tham gia ứng cử, bầu cử luôn đạt được ở mức cao, theo đúng hướng dẫn và sự lãnh đạo của tổ chức Đảng nơi đó. Cụ thể, cứ trong 10 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thì có 4 người là nữ để qua ba vòng hiệp thương theo luật định thì tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ vẫn còn ít nhất là 35 % trong tổng số người được lập danh sách chính thức những người ứng cử. Do vậy, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng quyết định đến chất lượng công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ nữ của Đảng nói riêng.
Ba là, bản thân những phụ nữ được giới thiệu ra ứng cử (hoặc tự ứng cử) cần có sự chuẩn bị chu đáo trong vận động bầu cử (tranh cử) theo quy định của Luật.
Một trong những hạn chế của đa phần phụ nữ là tính tự ti, chưa dám khẳng định vai trò của giới mình và chính bản thân mình trong xã hội, nhất là những vị trí lãnh đạo, quản lý. Mặc dù có ưu thế “chiếm một nửa xã hội”, có động lực phấn đấu rất lớn, tinh thần cống hiến cho xã hội rất cao, nhưng nhiều chị em phụ nữ chưa vượt qua được chính bản thân mình. Rất nhiều phụ nữ đã bỏ qua và đánh mất cơ hội phấn đấu vươn lên chính đáng cho chính bản thân mình và giới mình.
Do vậy, để cử tri hiểu rõ về mình, ủng hộ mình khi bỏ phiếu bầu cử chị em phụ nữ cần năng nổ, hăng hái hơn nữa, vượt qua mặc cảm, tự khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Bằng những hành động và việc làm cụ thể để chứng minh năng lực, tinh thần trách nhiệm, khả năng cống hiến của mình không kém gì nam giới, hoàn toàn đảm nhiệm được trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Chị em phụ nữ cần tích cực học tập nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người phụ nữ hiện đại, rèn luyện và nâng cao sức khỏe, tích cực thị sát cơ sở, đi sâu đi sát với quần chúng. Bên cạnh đó, với thiên chức làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ cần cố gắng xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Để chuẩn bị thật sự bài bản, chu đáo cho các kỳ bầu cử sau (về lâu dài), các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị phải thực sự quan tâm đến công tác cán bộ nữ, có chiến lược về công tác này. Theo đó, trọng tâm là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ; tạo môi trường thuận lợi để phụ nữ nói chung và đội ngũ cán bộ nữ nói riêng có nhiều cơ hội để cống hiến cho xã hội và đó cũng là nguồn để có thể tham gia ngày càng đông đảo vào cơ quan dân cử./.
Hội nghị hướng dẫn thực hiện hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá  (12/05/2016)
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thăm và làm việc tại Campuchia  (12/05/2016)
Nâng kim ngạch thương mại Việt Nam-UAE lên 10 tỷ USD  (12/05/2016)
WB sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vốn ưu đãi để tái tạo năng lượng  (12/05/2016)
Nhà Trắng ra thông cáo về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama  (12/05/2016)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni
- Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni
- Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón và hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên