Tương lai nào cho Tây Ban Nha sau bầu cử chính phủ?

Trần Thu Hoàn Ban Đối ngoại Trung ương
22:50, ngày 29-08-2018

TCCSĐT - Tháng 6-2018, chính trường Tây Ban Nha chứng kiến sự “đổi ngôi” bất ngờ với việc ông Pedro Sanchez, lãnh đạo Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa (PSOE) chính thức trở thành Thủ tướng thứ 7 của nước này kể từ năm 1977, thay thế ông Mariano Rajoy bị Nghị viện Tây Ban Nha bỏ phiếu bất tín nhiệm (ngày 01-6-2018) sau khi Đảng Nhân dân (PP) cầm quyền bị tuyên phạt do hưởng lợi từ đường dây tham nhũng vụ “Gurtel”.

Tây Ban Nha trước khi có tân thủ tướng

Năm 2017, dù chịu tác động không nhỏ của tình hình bất ổn về chính trị, song kinh tế Tây Ban Nha vẫn tiếp tục đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng 3,1%. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mariano Rajoy (cầm quyền từ năm 2011) và PP, từ một nước đã phải nhận hỗ trợ tài chính trị giá 100 tỷ euro (năm 2012) của Quỹ bình ổn tài chính khu vực châu Âu (EFSF) và Cơ chế ổn định châu Âu (ESM), đồng thời áp dụng các biện pháp tài chính khắc khổ, kinh tế Tây Ban Nha đã dần thoát khỏi khủng hoảng và phục hồi. Mặc dù thâm hụt ngân sách vẫn còn khá lớn, nợ công và thất nghiệp vẫn còn cao nhưng nền kinh tế Tây Ban Nha đã tăng trưởng khoảng 3% từ năm 2015.

Tình hình chính trị Tây Ban Nha thay đổi mạnh mẽ kể từ khi hai đảng lớn của nước này là PP và PSOE mất vị thế độc tôn trong cuộc bầu cử vào cuối năm 2015 và gặp phải những khó khăn lớn trong nội bộ. PP liên tục vướng vào những vấn đề liên quan đến tham nhũng với nhiều thành viên bị cáo buộc dính líu đến các hoạt động làm giàu phi pháp, còn PSOE gặp khủng hoảng nội bộ về đường lối phát triển khá nghiêm trọng. Trong khi đó, các đảng chính trị mới nổi, gồm Đảng Cực tả Podemos và Đảng Trung hữu Ciudadanos ngày càng phát huy ảnh hưởng cũng như giành được sự quan tâm của các nhóm cử tri khác nhau. Ngoài ra, những sự kiện diễn ra tại vùng Catalunya từ tháng 10-2017 có tác động mạnh mẽ tới dư luận cũng như chính trường Tây Ban Nha; tư tưởng ly khai trở thành trào lưu và là vấn đề nhức nhối gây chia rẽ, đặc biệt với việc ông Quim Torra - nhân vật ủng hộ độc lập cho vùng Catalunya được chính thức bầu là Thủ hiến vào tháng 5-2018.

Ở cấp độ châu Âu, sau sự kiện “Brexit” diễn ra tại Anh, Tây Ban Nha đang vươn lên giữ vị trí và đóng vai trò quan trọng hơn, có mặt trong nhóm các nước thuộc tốp đầu của Liên minh châu Âu (EU), nhất là trong lĩnh vực kinh tế, an ninh - quốc phòng và đứng trước nhiều cơ hội lớn.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong nền dân chủ Tây Ban Nha, người đứng đầu chính phủ bị lật đổ thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Điều đó lý giải phần nào vì sao ngay bản thân PSOE khởi xướng tiến trình này cũng hết sức ngạc nhiên trước kết quả đạt được.

Nhìn lại quá khứ, việc ông Pedro Sanchez thay thế ông Mariano Rajoy trở thành Thủ tướng Tây Ban Nha lần này và ông José Luis Zapatero được bầu là người đứng đầu Chính phủ Tây Ban Nha sau thắng lợi của PSOE tại cuộc tổng tuyển cử năm 2004 đều gắn với những vụ việc dẫn tới thất bại của PP. Đơn cử như, vụ tấn công khủng bố làm rung chuyển toàn bộ Thủ đô Madrid và vùng lân cận của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda, làm 191 người chết, hàng nghìn người khác bị thương (ngày 11-3-2004) mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc chính quyền Tây Ban Nnha vào tháng 3-2003 đã quyết định cử quân đội đến Iraq chiến đấu cùng Anh và Mỹ. 14 năm sau, dưới sự lãnh đạo của ông Mariano Rajoy, PP đã liên tục dính líu vào các vụ bê bối tham nhũng và cuối cùng bị “hạ gục” bởi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau khi Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha buộc PP phải nộp phạt 250.000 euro vì được hưởng lợi từ mạng lưới rộng lớn trong khuôn khổ vụ “Gurtel”. Quy mô đại án tham nhũng “Gurtel” có thể được hình dung thông qua 29 án phạt dành cho 37 bị cáo đã bị xét xử, với tổng cộng 351 năm tù được tuyên án; mạng lưới phạm tội về tài chính của PP liên đới tới nhiều cựu lãnh đạo và các chủ doanh nghiệp kéo dài trong suốt giai đoạn từ năm 1999 - 2005… Trong bối cảnh đó, Thủ lĩnh PSOE Pedro Sanchez nói riêng và PSOE nói chung đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ để tập hợp nhóm các đảng đối lập gồm 180 nghị sỹ Quốc hội Tây Ban Nha đồng ý bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy (so với mức 176/350 cần thiết).

Tương lai khó đoán định đối với chính phủ mới của Tây Ban Nha

Ngày 06-6-2018, 05 ngày sau tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã thông báo thành lập chính phủ với 11 nữ, 06 nam, phần nhiều là đảng viên PSOE và đều là những nhân vật có tiếng cùng chuyên môn cao trong lĩnh vực được giao phụ trách. Chính phủ mới được chính Thủ tướng Pedro Sanchez đánh giá là “bình đẳng giới, đa thế hệ, cởi mở với thế giới”. Ngoài việc là chính phủ chiếm thiểu số nhất từ trước đến nay tại Tây Ban Nha, đây là chính phủ có đông nữ nhất từng được biết đến, làm nên điểm đặc biệt của chính phủ do PSOE lãnh đạo và tiếp nối đà thúc đẩy nữ quyền được khởi xướng từ thời Thủ tướng Tây Ban Nha José Luis Zapatero. Song, dù được đánh giá là “một hình ảnh tích cực” đại diện cho sự bình đẳng giới, chính phủ mới của Thủ tướng Pedro Sanchez được cho là sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, trong đó có không ít thử thách tồn tại qua nhiều đời nội các Tây Ban Nha mà chưa được giải quyết.

Thứ nhất, ông Pedro Sanchez là một chính trị gia trẻ tuổi (46 tuổi). Sau cuộc bầu cử Quốc hội (tháng 11-2015), ông Pedro Sanchez được lựa chọn là ứng cử viên Thủ tướng Tây Ban Nha của liên minh giữa PSOE (90 ghế) với Đảng Trung hữu Ciudadanos (40 ghế, hơn PP 123 ghế) nhưng đã không được Hạ viện và Thượng viện nước này bỏ phiếu tín nhiệm để thành lập chính phủ, dẫn đến việc Tây Ban Nha phải tiến hành bầu cử lại vào tháng 6-2016. Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nền dân chủ Tây Ban Nha kể từ năm 1977, một ứng viên thủ tướng không được cả Quốc hội và Thượng viện bỏ phiếu chấp thuận nhậm chức. Bên cạnh đó, những chia rẽ nhất định trong nội bộ PSOE cùng kinh nghiệm lãnh đạo đảng chưa dày dặn của tân Thủ tướng Pedro Sanchez cũng khiến ông gặp khó khăn không nhỏ trong vai trò lãnh đạo.

Thứ hai, việc chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez phải điều hành đất nước trong khi chưa có cơ sở chính trị vững chắc và được bảo đảm ở Quốc hội Tây Ban Nha, bởi PSOE hiện chỉ có 84/350 ghế, còn việc liên minh với các đảng dựa trên nền tảng thiếu chắc chắn và không thực sự bền vững. Bản thân PSOE cũng đã mất đi vị trí và vai trò lớn từng có trước kia khi cùng PP với sự xuất hiện của các đảng mới tham gia chính trường. Điều này có thể khiến tân Thủ tướng Pedro Sanchez gặp khó khăn khi phải thuyết phục thêm các nghị sĩ thuộc những đảng khác tại Quốc hội ủng hộ các quyết sách điều hành đất nước trong thời gian tới. Trong khi đó, các đảng được cho là cùng một “chiến tuyến” với POSE cũng có nhiều vấn đề không đồng thuận với chính sách mà ông Pedro Sanchez theo đuổi.

Thứ ba, dư luận Tây Ban Nha phản ứng đối với việc thay đổi chính phủ nước này khá phân hóa. Đa số người dân đều tán thành việc lật đổ cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nhưng một bộ phận không nhỏ yêu cầu phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử sớm trước thời hạn ngay lập tức.

Thứ tư, những dư địa để chính phủ của đương kim Thủ tướng Pedro Sanchez hành động gần như là rất ít để có thể chuyển đổi một đất nước Tây Ban Nha đang “dễ bị tổn thương” về mặt xã hội và kinh tế bởi các “vết sẹo” từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế để lại, cùng với sự chia rẽ trong vấn đề vùng Catalunya cũng như sức mạnh của dân chúng, công luận thông qua các cuộc biểu tình mà gần đây là phản đối việc thả nhóm cực hữu “La Meute”. Thậm chí, PSOE có thể sẽ gặp khó khăn để thông qua ngân sách riêng cho mình. Vì lý do đó, ông Pedro Sanchez tuyên bố sẽ không thay đổi phương án hoạt động ngân sách mà chính phủ tiền nhiệm đã rất khó khăn để bảo vệ và được thông qua. Tuy nhiên, điều này sẽ đặt ông Pedro Sanchez vào thế “đối đầu” với Đảng Podemos - một đồng minh của POSE, vốn theo chủ trương chống chính sách tài khóa “thắt lưng buộc bụng”.

Thứ năm, chính quyền mới của vùng Catalunya đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 02-6-2018, được coi là động thái mở đường để chính quyền trung ương chấm dứt sự lãnh đạo trực tiếp đối với khu vực tự trị này, qua đó có thể tránh một cuộc trưng cầu dân ý tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để xóa bỏ hoàn toàn những chia rẽ giữa người dân vùng Catalunya với Chính phủ Tây Ban Nha là không đơn giản, bởi những bất đồng gây ra cuộc khủng hoảng cuối năm 2017 đã tồn tại từ khá lâu. Việc thay thế toàn bộ chính quyền mới tại Catalunya chỉ được coi là giải pháp tình thế, bởi hy vọng được tách ra khỏi “xứ sở bò tót” vẫn là mong muốn của rất nhiều người dân vùng này.

Vì vậy, việc xây dựng niềm tin để giải quyết tận gốc vấn đề vùng Catalunya sẽ có tác động rất lớn tới uy tín của tân Thủ tướng, do đó, đây chắc chắn sẽ là mối quan tâm lớn của ông Pedro Sanchez. Trước đây, trong một thời gian dài ông Pedro Sanchez đã bảo vệ quan điểm “Tây Ban Nha là một nhà nước của nhiều dân tộc”. Tuy nhiên, ông đã từ bỏ ý tưởng này trong cuộc khủng hoảng tại Catalunya và tỏ ra là một người ủng hộ nhiệt thành Hiến pháp, cũng như sự thống nhất của Tây Ban Nha. Ông cũng phản đối việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết của vùng Catalunya. Tuy nhiên, hiện nay, ông Pedro Sanchez dường như có vẻ thiên về phương án đối thoại hơn. Ông cam kết sẽ “xây dựng lại những cây cầu đã bị phá hủy” với vùng Catalunha và nối lại đối thoại với Chủ tịch Nghị viện vùng này. Ông cũng cho biết sẽ thuận theo việc cải thiện quy chế tự trị cho vùng Catalunya. Những tín hiệu đưa ra cho thấy, tân Thủ tướng Pedro Sanchez đang nỗ lực mở các kênh đối thoại để tái lập lại quan hệ với chính quyền mới - ủng hộ tư tưởng ly khai của Catalunya.

Có thể nói, từ nay cho tới lúc cuộc tổng tuyển cử diễn ra (vào mùa thu hoặc mùa xuân năm 2019, hoặc cho đến hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2020), ông Pedro Sanchez chắc chắn sẽ phải “tận dụng” thời gian để nâng cao uy tín, khẳng định vị thế của mình. Để chứng minh rằng PSOE lên cầm quyền không phải là ngẫu nhiên, ông Pedro Sanchez sẽ phải thể hiện một ý chí và khả năng đưa ra một dự án có tính dài hạn cho Tây Ban Nha vốn vẫn đang tiềm ẩn những diễn biến phức tạp cùng những thách thức của tư tưởng ly khai luôn hiện hữu, có thể bùng nổ bất cứ khi nào./.