TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của Chính phủ để hỗ trợ một số địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở.

Đây là nội dung được đưa ra tại Thông báo số 185/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nơi sinh sống của trên 20 triệu người dân. Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển xảy ra ở hầu hết địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là năm 2017 và đầu năm 2018, đe doạ trực tiếp đến an toàn của nhiều khu dân cư, công trình hạ tầng ven sông, ven biển, nhất là tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu. Toàn vùng hiện có 562 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 148km cần sớm được xử lý và tập trung xử lý để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự cố gắng của các địa phương, sự quan tâm của các Bộ. Triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ năm 2017, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã bố trí kinh phí để xử lý, khắc phục 17 trong 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Đối với các điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm còn lại cần được bổ sung ngân sách để hỗ trợ các địa phương vùng xử lý, khắc phục kịp thời theo cơ chế phòng chống thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cùng với triển khai xây dựng công trình kè và đê mềm chống sạt lở tại các khu vực sạt lở xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng, các địa phương và các ngành cần tập trung một số điểm sau: Rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý việc khai thác cát trên sông, ven biển, kiên quyết không để tình trạng khai thác cát sỏi không quy hoạch, cấp phép quá mức, không để tàu thuyền vận hành với tốc độ cao gây sóng lớn dọc các sông, kênh rạch.

Bên cạnh đó, tập trung trồng cây, trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển để giữ đất, bảo vệ đê điều; nghiên cứu xây dựng các công trình phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển, kết hợp với việc lấn biển, phòng chống sạt lở, phát triển điện gió nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương ven biển. Rà soát quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch đô thị, khu dân cư nông thôn, không để xây dựng nhà cửa, công trình tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chủ động bố trí lại dân cư, tái định cư, quy hoạch lại sản xuất.

Chủ động hợp tác chặt chẽ với các nước thượng nguồn sông Mê Công, đặc biệt với Trung Quốc, Lào để điều tiết dòng chảy, nhất là trong mùa khô; Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ động để xử lý kịp thời hơn. Tập trung xử lý, không để tiếp tục xảy ra sạt lở ở những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, trước hết là tại 25 khu vực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã tổng hợp.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long để xử lý các khu vực sạt lở cấp bách ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổng hợp, đề xuất danh mục dự án cần xử lý cấp bách, mức hỗ trợ cụ thể cho từng địa phương, gửi các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong tháng 5-2018. Các địa phương chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đồng thời bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý sạt lở bảo đảm an toàn, hiệu quả đầu tư; chỉ đạo triển khai thực hiện đúng quy trình thủ tục, quy định của pháp luật theo cơ chế dự án phòng chống thiên tai, đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của Chính phủ để hỗ trợ một số địa phương trong vùng tập trung khắc phục sạt lở. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, dự kiến đề xuất phân bổ phù hợp, chính xác, bảo đảm hiệu quả đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định. Đồng ý về chủ trương bổ sung 36 triệu USD vốn ODA từ dự án WB9 và dự án GMS1 để lập Quỹ chống biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cần tiếp tục tìm các nguồn lực khác để bổ sung vào Quỹ để giải quyết kịp thời hơn những vấn đề bức xúc, cấp thiết do tác động của biến đổi khí hậu.

Bổ sung quy định bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm trong sản xuất trước khi đưa ra thị trường. Theo đó, người sản xuất phải thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm theo quy định tại Điều 28 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường, đồng thời có trách nhiệm: a- Bảo đảm sản phẩm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; b- Tự xác định và thể hiện thông tin để cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm; c- Trường hợp sử dụng mã số, mã vạch trên sản phẩm, hàng hóa hoặc bao bì sản phẩm, hàng hóa thì người sản xuất phải tuân thủ theo đúng quy định về sử dụng mã số, mã vạch.

Nghị định 74/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hoá nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường. Theo đó, đối với sản phẩm, hàng hoá thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hoá nhóm 2) nhập khẩu, việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa được thực hiện thông qua việc xem xét hoạt động công bố hợp quy của người nhập khẩu. Việc công bố hợp quy được quy định chi tiết tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo một trong các biện pháp sau: a) Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân; b) Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật; c) Kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật.

Trường hợp, người nhập khẩu thực hiện đăng ký kiểm tra chất lượng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thì thực hiện đăng ký kiểm tra và trả kết quả kiểm tra chất lượng thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Nghị định 74/2018/NĐ-CP cũng quy định cụ thể các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được miễn kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu gồm: 1- Hành lý của người nhập cảnh, tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân trong định mức miễn thuế (không bao gồm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe đạp điện); 2- Hàng hóa của các tổ chức, cá nhân ngoại giao, tổ chức quốc tế trong định mức miễn thuế (không bao gồm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe đạp điện); 3- Mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng; hàng mẫu để nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phục vụ sản xuất; mẫu hàng để thử nghiệm phục vụ giám định, chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thử nghiệm liên phòng; 4- Hàng hóa tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu tại hội chợ triển lãm thương mại (không bao gồm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe đạp điện); 5- Quà biếu, tặng trong định mức thuế (không bao gồm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe đạp điện); 6- Hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới trong định mức thuế; 7- Hàng hóa, vật tư, thiết bị, máy móc tạm nhập - tái xuất không tiêu thụ và sử dụng tại Việt Nam (không bao gồm xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe đạp điện); 8- Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển; 9- Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan (không áp dụng đối với hàng hóa từ kho ngoại quan đưa vào nội địa tiêu thụ); 10- Nguyên liệu, vật tư, hàng mẫu để gia công cho thương nhân nước ngoài, để sản xuất hàng xuất khẩu; 11- Hàng hóa kinh doanh bán miễn thuế cho khách xuất cảnh (quản lý theo chế độ tạm nhập - tái xuất); 12- Hàng hóa tái nhập khẩu để sửa chữa, tái chế theo yêu cầu của đối tác nước ngoài; 13- Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 14- Hàng hóa nhập khẩu chuyên dụng phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; 15- Các loại hàng hóa khác không nhằm mục đích kinh doanh (loại hình phi mậu dịch) theo quy định pháp luật.

Nghị định cũng bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường. Theo đó, sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường phải bảo đảm không gây mất an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường. Khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường không phù hợp yêu cầu về an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc có khả năng gây mất an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xử lý, thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó và thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Xem xét, giải quyết kiến nghị của 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang


Về một số kiến nghị của tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang tại Văn bản số 60-TB/VPTW và 61-TB/VPTW ngày 20-4-2018 của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo kết quả chuyến thăm và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hai tỉnh, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và quy định pháp luật xem xét, giải quyết, trả lời các địa phương; hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, xử lý các kiến nghị: Phê duyệt nội dung "Tầm nhìn chiến lược Đề án liên kết phát triển tiểu vùng tứ giác Long Xuyên" do An Giang được phân công chủ trì phối hợp xây dựng; về chính sách ưu đãi tốt hơn đối với doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương xa trung tâm, hạ tầng kinh tế - xã hội còn khó khăn như An Giang; về xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hội nhập quốc tế; về việc triển khai nhanh hơn xây dựng đường ra biên giới gắn với phát triển kinh tế - xã hội của vùng biên.

Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý kiến nghị về chủ trương phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng Sông Cửu Long kết nối các tỉnh trong khu vực với Thành phố Hồ Chí Minh và nước bạn Cam-pu-chia, phát huy cả giao thông đường bộ và đường thuỷ, tháo gỡ nút thắt quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm này; trong đó có việc đầu tư tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc (An Giang) và đầu tư tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý kiến nghị về chủ trương đầu tư đối với dự án kết nối đoạn Cao Lãnh - Mỹ An đấu nối vào tuyến N2 để phát huy hiệu quả của Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Công, bảo đảm kết nối thông suốt tuyến N2 từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ; dự án đường cấp cao An Hữu - Cao Lãnh song hành với Quốc lộ 30 nhằm tạo tuyến đường ngang kết nối tuyến đường N2 và đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai và dự án Quốc lộ N1 (đoạn qua tỉnh Đồng Tháp).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, xử lý các kiến nghị: Hỗ trợ tỉnh An Giang nguồn lực để triển khai các dự án ứng phó với tình hình sạt lở bờ sông, đặc biệt là nguồn vốn xây dựng các cụm, tuyến dân cư, từng bước bố trí tái định cư cho trên 20 nghìn hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao; quan tâm lãnh đạo và đầu tư đúng mức cho Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ; kịp thời ban hành chính sách mạnh mẽ để chuyển đổi cơ cấu, phát triển nhanh ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, giá trị gia tăng cao và có chính sách tốt hơn về tiếp cận đất đai, tín dụng, thị trường đủ sức thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Bố trí kinh phí giúp tỉnh An Giang sớm triển khai Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng đồng bằng Sông Cửu Long và hỗ trợ tỉnh An Giang xây dựng Đề án thương hiệu lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu của 2 ngành hàng chủ lực của An Giang và một số tỉnh trong vùng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý các kiến nghị: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, làm cơ sở cho các tỉnh trong vùng đề ra các giải pháp tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh hiện nay; cho phép tỉnh An Giang thực hiện thí điểm Đề án "Tạo quỹ đất thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao", trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân trong việc vận động dân cho thuê đất, thoả thuận điều kiện có lợi cho 2 phía và tính nguồn vốn phù hợp để hỗ trợ nhà đầu tư trong việc trả trước tiền thuê đất của nông dân.

Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện cơ chế chính sách đất đai để các địa phương mạnh dạn triển khai thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như hiện nay. Đồng thời sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho người nông dân; có những hiệp ước, thoả thuận hiệu quả về sử dụng nguồn nước sông Mê Kông./.