1. Nga - Mỹ lùi thời hạn ký Hiệp ước START-2 đến năm 2010

Theo thông cáo ngày 21-12-2009, Bộ Ngoại giao Nga xác nhận, cuộc đàm phán hạt nhân giữa Nga và Mỹ sẽ được nối lại vào tháng 1-2010 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Thông cáo nêu rõ, hiện vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết, và Nga sẽ thực hiện trong thời gian sớm nhất để hai nước có thể đạt được một hiệp ước mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1 (START-1) đã hết hiệu lực. Hai bên đã nỗ lực đàm phán suốt mấy tháng qua nhằm đưa ra hiệp định mới thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1 (START-1) hết hiệu lực từ ngày 5-12. Trước đó, phát biểu ý kiến sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép, bên lề Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Cô-pen-ha-gen (Ðan Mạch), Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma khẳng định rằng, Mỹ và Nga đang tiến rất gần tới việc ký kết một văn bản mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn 1 (START-1); hai bên đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể và ông tin tưởng rằng, bản hiệp ước mới thay thế START-1 sẽ được ký "đúng hạn định và kịp thời". Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép bày tỏ hy vọng văn bản này sẽ sớm được hoàn thiện.

2. Xuất khẩu vũ khí của Nga đạt gần 9 tỉ USD

Ngày 22-12-2009, Giám đốc Cơ quan Liên bang Nga về hợp tác quân sự - kỹ thuật (FS VTS), ông Mi-kha-in Đmi-tơ-ri (Mikhail Dmitriev), cho biết, trong năm 2009, FS VTS đã xuất khẩu khối lượng sản phẩm quốc phòng trị giá hơn 8,5 tỉ USD. Đây là năm thứ 10 liên tiếp xuất khẩu sản phẩm quốc phòng của Nga năm sau cao hơn năm trước. Đồng thời, FS VTS đã nhận được số đơn đặt hàng cho những năm tới trị giá hơn 40 tỉ USD. Ông M. Đmi-tơ-ri khẳng định, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đã không tác động tiêu cực đến thành tích của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Liên bang Nga và Nga tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong số các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

3. Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC)

Ngày 22-12-2009, tại Thủ đô Lu-an-đa (Ăng-gô-la) đã diễn ra Hội nghị cấp cao Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để thảo luận nhu cầu tiêu thụ và giá cả loại nhiên liệu này trên thị trường thế giới. Một số bộ trưởng dự Hội nghị cho biết, với giá dầu mỏ ở mức hiện nay, OPEC sẽ không tăng sản lượng dầu khai thác. Trong phiên giao dịch ngày 22-12 tại thị trường Niu Oóc và Xin-ga-po, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 1-2010 vẫn ổn định ở mức 73,25 USD/thùng. Giá dầu Biển Bắc tại Luân Ðôn giao cùng kỳ ở mức 73,95 USD/thùng. Theo các nguồn tin nước ngoài, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới trong ba trước đó đã có chiều hướng tăng lên mỗi ngày. Giá dầu thô ngọt nhẹ tăng cao hơn giá dầu Biển Bắc. Giới phân tích thị trường năng lượng cho rằng, việc giá dầu mỏ tăng lần này là do có thông tin về dự trữ dầu thô của Mỹ giảm ngoài dự kiến và đồng USD mất giá so với các đồng tiền mạnh khác.

4. Dư luận quốc tế phản đối EU gia hạn áp thuế giày da của Việt Nam

Ngày 22-12-2009, Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu chính thức thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) kéo dài thêm 15 tháng thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc. Đây là quyết định cuối cùng và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2010. Việc áp thuế lần này chủ yếu nhằm vào các sản phẩm chủ lực trong chiến lược phát triển của ngành giày da Việt Nam (giày da trung, cao cấp) để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước khác. Quyết định kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá của EU đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp giày da Việt Nam, đặc biệt là tác động đến đời sống của hơn 650.000 lao động trong ngành này, trong đó có 85% xuất thân từ nông thôn. Quyết định này cũng sẽ làm nhiều nhà máy giảm sản xuất hoặc đóng cửa, kéo theo hàng chục nghìn lao động có nguy cơ mất việc làm. Dư luận quốc tế đã phản đối mạnh mẽ quyết định này của EU. Nhóm nước phản đối do Anh đứng đầu,mô tả quyết định này là một biện pháp bảo hộ mậu dịch. Nhóm các nhà phân phối lớn ở châu Âu cho rằng, hành động này của EU không chỉ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất, nhập khẩu và bán lẻ ở châu Âu, mà còn làm giảm sức mua của người tiêu dùng, kéo theo làm chậm quá trình phục hồi kinh tế của châu Âu.

5. Thế giới đã có hơn 11.500 ca tử vong do nhiễm cúm A/H1N1

Ngày 23-12-2009, theo công bố mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch cúm A/H1N1 vẫn tiếp tục lan rộng, song xét về tổng thể, hoạt động của loại vi-rút này đã đến hoặc qua thời kỳ cao điểm. Tính đến nay, dịch cúm A/H1N1 trên toàn cầu đã làm ít nhất 11.516 người tử vong. Chỉ trong tuần qua (từ ngày 14 đến ngày 20-12-2009), đã có thêm 934 ca tử vong do dịch bệnh này. Tình hình dịch bệnh ở khu vực Bắc Mỹ có xu hướng giảm. Ở khu vực Đông Á, hoạt động của vi-rút cũng bắt đầu suy yếu; các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ… đã qua thời kỳ cao điểm của dịch cúm A/H1N1. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo, do bị ảnh hưởng muộn hơn so với khu vực Bắc Mỹ, hoạt động của vi-rút A/H1N1 ở các khu vực Trung Âu, Đông Âu, Tây Á, Trung Á và Nam Á vẫn sẽ tiếp tục tăng cường. WHO kêu gọi các nước kiên trì thúc đẩy công tác tiêm vắc-xin phòng cúm A/H1N1 do đây vẫn là biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất hiện nay

6. Không khí đón Giáng sinh trên thế giới

Ngày 24-12-2009, không khí Giáng sinh rộn ràng khắp thế giới qua ánh đèn nhấp nháy, cây thông Nô-en và bản nhạc Jingle Bell. Ở châu Âu, thời tiết giá rét và tuyết rơi dày cũng không cản được dòng người đổ xô ra đường mua sắm. Còn tại khu vực châu Á và Trung Đông, không khí Giáng sinh cũng không kém phần nhộn nhịp. Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, năm nay đón một Giáng sinh "trắng" khi tuyết rơi dày ở nhiều địa phương và nhiệt độ giảm xuống mức âm hàng chục độ C. Đợt rét đột ngột khiến nhiệt độ xuống thấp và tuyết rơi dày ở khu vực Tân Cương đang lan xuống miền Bắc và miền Trung Trung Quốc. Mặc dù vậy, không khí đón Nô-en vẫn tưng bừng và rộn ràng tại tất cả các thành phố lớn của nước này. Với nhiều người Trung Quốc, tuyết trắng rơi dày càng khiến đêm Giáng sinh tuyệt vời hơn. Tại thành phố Bethlehem thuộc khu Bờ Tây, nơi chúa Jesus giáng sinh, thay vì tung tăng trong các bộ quần áo rực rỡ sắc màu vui đón Nô-en dưới những cây thông phủ đầy ánh sáng màu và rộn ràng tiếng nhạc, hàng trăm trẻ em và học sinh Pa-lét-xtin tổ chức cuộc tuần hành lớn, kêu gọi tạo lập hoà bình và bảo vệ người dân Pa-lét-xtin. Trong khi đó ở Mỹ, ít nhất 23 người thiệt mạng do bão tuyết đổ bộ vào đúng dịp lễ Nô-en.

7. Trung Quốc công bố kết quả tổng điều tra kinh tế lần 2

Ngày 25 tháng 12 năm 2009, Trung Quốc đã công bố kết quả cuộc tổng điều tra kinh tế lần 2. Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục thống kê Nhà nước Trung Quốc Mã Kiến Đường đã đính chính lại giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2008. Theo đó, GDP của Trung Quốc trong năm 2008 đạt 31.404 tỉ nhân dân tệ (tính theo tỷ giá hiện nay, tương đương hơn 4.600 tỉ USD), tăng 9,6% so với năm 2007, cao hơn 0,6 điểm % so với số liệu đã được công bố trước đó. Tính đến cuối năm ngoái, Trung Quốc có xấp xỉ 4 triệu doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp và ngành dịch vụ. Trong đó, có 143.000 doanh nghiệp nhà nước, giảm 20% so với năm 2004, và gần 3.600.000 doanh nghiệp tư nhân, tăng 81,4%. Cuộc tổng điều tra kinh tế lần 2 được Trung Quốc bắt tay triển khai vào năm 2008 trên phạm vi toàn quốc, nhằm tìm hiểu toàn diện quy mô, bố cục phát triển của ngành công nghiệp và ngành dịch vụ Trung Quốc, nắm rõ tình hình cơ bản của các loại hình doanh nghiệp và thực trạng tiêu hao năng lượng của doanh nghiệp, xây dựng một kho dữ liệu điện tử tổng hợp về các ngành nghề kinh tế. Trên cơ sở đó, Trung Quốc sẽ hoàn thiện hơn nữa cơ sở thống kê và chế độ hạch toán kinh tế, từ đó đưa ra những quy hoạch phát triển trung dài hạn mang tính khoa học và hệ thống cao./.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14 đến ngày 20-12-2009)