Đổi mới và tăng cường công tác dân vận - yếu tố quan trọng bảo vệ chủ quyền biên giới
TCCS - Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" và các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về công tác dân vận, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; từ năm 2003, Đảng ủy Quân khu 9 đã ban hành Nghị quyết số 335/NQ-ĐUQK về "Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận của lực lượng vũ trang trong thời kỳ mới". Sau gần 6 năm thực hiện các nghị quyết trên, lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã tạo được một số chuyển biến quan trọng về công tác dân vận.
Thực hiện tốt công tác dân vận vùng biên - nhiệm vụ chính trị của Quân khu 9
Thực hiện sự chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy Quân khu, Cục Chính trị đã hướng dẫn công tác đảng, công tác chính trị cho các huyện biên giới trên cơ sở tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia thông qua sự phối hợp giữa quân đội, công an và biên phòng theo Quyết định số 107 của Thủ tướng Chính phủ về "Công tác quản lý địa bàn cơ sở, an ninh nội địa và an ninh biên giới". Những việc làm thiết thực của các lực lượng vũ trang Quân khu trên địa bàn biên giới là vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo giúp đỡ đồng bào tôn nền vượt lũ ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp; chuyển đổi cơ cấu sản xuất vùng đồi núi tại Kiên Giang, An Giang; bảo vệ, nâng cấp nhiều cửa khẩu quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vùng biên giao lưu, làm ăn với các tỉnh nước bạn... Những hoạt động trên đã góp phần xóa đói, giảm nghèo trong vùng.
Trong xây dựng lực lượng dân quân xã biên giới, các đội công tác dân vận quân khu, liên ngành và lực lượng bộ đội biên phòng đã trực tiếp tham gia làm tham mưu giúp Đảng ủy xã củng cố các tổ chức đoàn thể nhân dân, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động điều hành của chính quyền cơ sở.
Sáu năm qua, bằng nhiều nguồn, nhất là vốn vận động từ các doanh nghiệp, Quân khu đã phát động phong trào và thực hiện tốt chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới". Tại Đồng Tháp, các lực lượng vũ trang biên giới phối hợp với Mặt trận Tổ quốc 8 xã biên giới xây dựng 322 căn nhà tình nghĩa, 20 tổ "Tự quản đường biên cột mốc và an ninh trật tự" xóm ấp khu vực biên giới, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho người nghèo. Ở Kiên Giang, cuộc vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo" đóng góp xây dựng được 106 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình nghĩa và 1 trường học tại ấp Xà Xía, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên giá trị 1,4 tỉ đồng. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang Quân khu, các đội công tác đã thực hiện tốt các chính sách xã hội, phụng dưỡng các đối tượng chính sách, đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó học giỏi, tham gia Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”... Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2009, xây dựng 38 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, vận động 126 học sinh bỏ học trở lại trường, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 14.426 người.
Ngoài hoạt động dân vận chung, các đơn vị chủ lực trên hướng biên giới đã có nhiều hình thức huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, tiêu biểu là: Đoàn B30, Đoàn C, Đoàn B, các đơn vị 502, 512, 207... Đồng thời phát triển các hình thức "Hành quân về nguồn", "Tìm địa chỉ đỏ", "Về lại chiến trường xưa", tổ chức "Tết quân dân" về với đồng bào dân tộc Chăm, Khmer... mỗi năm có hàng chục ngàn cán bộ, chiến sỹ tham gia. Quân khu duy trì 7 đội công tác dân vận tại An Giang, 4 đội tại Kiên Giang và 3 đội ở Đồng Tháp để phối hợp với các lực lượng trong hệ thống chính trị các huyện biên giới xây dựng cơ sở chính trị, nắm tình hình công tác vận động quần chúng. Thông qua các hoạt động thiết thực, hiệu quả đó, xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến từ các đội công tác dân vận.
Các hoạt động phối hợp, liên tịch của các lực lượng Quân khu không ngừng được củng cố, phát triển. Lực lượng vũ trang các cấp đã cử hơn 180 cán bộ tham gia vào đội công tác liên ngành (quân đội - công an - biên phòng - dân vận - mặt trận) để xây dựng cơ sở chính trị tại các địa bàn vùng biên. Tham gia kết nghĩa 96 đầu mối ban ngành, đoàn thể; trực tiếp tham mưu, hướng dẫn giúp địa phương mở nhiều lớp tuyên truyền giáo dục đội ngũ cán bộ cơ sở và nhân dân thực hiện Đề án 212 của Chính phủ "Tuyên truyền phổ biến pháp luật". Những hoạt động trên có tác dụng chuyển biến mạnh mẽ đến ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của người dân, góp phần giảm thiểu đơn khiếu nại, tố cáo, mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nhân dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội ở xã, phường biên giới. Triển khai có hiệu quả cuộc vận động "Xây dựng môi trường văn hóa" trong lực lượng dân quân xã gắn với việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở khu dân cư biên giới, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua quyết thắng. Nhiều hình thức như tổ chức 1.187 buổi họp mặt, hội diễn, hội thao, diễn đàn, giao lưu văn hóa, thể dục thể thao, tìm hiểu truyền thống... nhằm thắt chặt tình đoàn kết quân dân và phổ biến pháp luật, thực hiện hiệp ước biên giới, gắn phong trào "Xây dựng nền nếp chính quy" ở các đồn biên phòng với xây dựng cơ quan quân sự xã vững mạnh toàn diện. Các đơn vị đã kết hợp triển khai thực hiện nội dung đấu tranh phòng chống văn hóa phẩm độc hại và tệ nạn xã hội, chống âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, nâng cao tính chủ động của cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng xã đội, đồn biên phòng trở thành những đơn vị văn hóa.
Công tác dân vận quốc tế của các lực lượng vũ trang Quân khu cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng và thực hiện có hiệu quả, góp phần thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia. Trên địa bàn Đồng Tháp và An Giang, đã cơ bản hoàn thành xây dựng cột mốc biên giới. Riêng Kiên Giang, hoàn thành 13 cột mốc trong tổng số 28 cột. Thông qua công tác hoạt động đối ngoại tốt, phía Nhà nước Cam-pu-chia tạo điều kiện cho bộ đội Quân khu và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp sang nước bạn làm tốt công tác quy tập hài cốt liệt sĩ. Trong 8 năm (2001 - 2009), các tỉnh trên địa bàn Quân khu quy tập được 4.608 hài cốt liệt sĩ đưa về nước. Thực hiện chủ trương đối ngoại đoàn kết thân thiện, lực lượng vũ trang Quân khu phối hợp với các tỉnh trong địa bàn thành lập những đội công tác dân vận quốc tế, tổ chức nhiều lớp tập huấn trồng lúa cao sản cho cán bộ kỹ thuật, lực lượng Hiến binh Hoàng gia Cam-pu-chia và các tỉnh Tà Keo, Kần-Đal, Kông-pông-chnăng. Cùng nước bạn, thực hiện nhiều dự án "Tăng cường phòng chống lũ khẩn cấp"; dẫn nước kênh Vĩnh Tế tưới tiêu cho 31 ha ở tỉnh Tà Keo; hỗ trợ thuốc trừ sâu, phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Các nhân viên y tế, đội công tác quân y, bệnh xá xã, bệnh viện huyện sẵn sàng điều trị và có chính sách giúp đỡ, miễn giảm viện phí, sang vùng biên giới nước bạn chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Phát huy kết quả bước đầu, tiếp tục vượt khó, đổi mới công tác dân vận trong thời kỳ mới
Qua sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 152 của Đảng ủy Quân sự Trung ương "Về đổi mới và tăng cường công tác dân vận của lực lượng vũ trang trong tình hình mới", bên cạnh những thành tích đạt được, Quân khu 9 cũng nghiêm túc nhìn nhận còn một số hạn chế nhất định: nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo nội dung và phương pháp công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu chưa ngang tầm. Một số cấp ủy, cơ quan chính trị còn chưa thấy hết ý nghĩa chiến lược công tác dân vận và xây dựng thế trận lòng dân trên tuyến biên giới. Tại cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ còn thấp, một số nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị triển khai chậm dẫn đến hiệu quả chưa cao, nhất là trong luân chuyển cán bộ, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khiếu kiện...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động công tác dân vận đáp ứng yêu cầu xây dựng bảo vệ biên giới trong tình hình mới, cần phát huy kinh nghiệm và thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới phương pháp dân vận. Đối với lực lượng vũ trang, cần xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ, xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Khi đưa bộ đội và đội công tác đi cơ sở, phải nắm chắc tình hình. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể ở địa phương chỉ đạo tốt các phong trào, làm tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Phát huy vai trò tham mưu, không ngừng hoàn thiện ban chỉ đạo đội công tác thống nhất, kiểm điểm thực hiện các ký kết liên tịch, quy chế phối hợp các lực lượng tham gia, nhất là quân sự, công an, biên phòng, khối dân vận. Tham mưu cho Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ huy động sức mạnh tổng hợp các lực lượng trong hệ thống chính trị của các tỉnh biên giới và toàn vùng tập trung sức giúp vùng biên phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng -an ninh. Mỗi tỉnh, thành phố phía sau có nhiệm vụ đỡ đầu từ 1 đến 2 xã biên giới, tạo chuyển biến mạnh hơn nữa về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa bàn.
Hai là, đổi mới hình thức và nội dung dân vận. Tiếp tục phát huy các hình thức tổ chức huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác vận động quần chúng, hành quân về nguồn, lao động giúp dân... của các đơn vị chủ lực. Tổ chức những đợt hành quân dã ngoại cho các đơn vị dân quân tự vệ, dự bị động viên. Tăng cường đội công tác, nâng cao chất lượng hoạt động kết nghĩa, mở rộng hình thức ký kết liên tịch, cụm liên tịch địa bàn, ngày hội đoàn kết quân dân biên giới... để tuyên truyền vận động nhân dân.
Trong xây dựng lực lượng dân quân xã biên giới, các đội công tác dân vận quân khu, liên ngành và lực lượng Bộ đội Biên phòng đã trực tiếp tham gia làm tham mưu giúp Đảng ủy xã củng cố các tổ chức đoàn thể nhân dân, kiện toàn cơ sở chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động điều hành của chính quyền cơ sở.
Tập trung tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua bảo vệ an ninh tổ quốc, tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới thành nội dung chủ yếu của công tác dân vận. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí. Tham gia phòng, chống buôn lậu và các tiêu cực, tệ nạn xã hội ở hai bên biên giới. Xây dựng chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn biên giới vững mạnh. Chú trọng nội dung huấn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, khả năng lãnh đạo điều hành xử lý tình huống phức tạp đột xuất về dân sinh, dân chủ, về tranh chấp dân sự của nhân dân hai bên biên giới, có kế hoạch cụ thể đến từng xã, ấp xóm.
Ba là, nâng cao hiệu quả phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đội công tác của lực lượng vũ trang với đội công tác liên ngành. Không ngừng đổi mới hoạt động phối hợp liên kết nhằm đạt mục tiêu huy động sức mạnh tổng hợp làm chuyển biến công tác dân vận, bảo đảm sự đồng thuận trong nhân dân đối với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thực hiện nghiêm quy chế biên giới, bảo đảm đời sống kinh tế, văn hóa nhân dân vùng biên giới không ngừng được cải thiện. Các lực lượng liên kết trên địa bàn phải thật sự là chỗ dựa vững chắc cho hệ thống chính trị cơ sở. Xây dựng 100% số cấp ủy, chi bộ xã biên giới trong sạch, vững mạnh, chính quyền vững mạnh toàn diện; đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa tinh thần nhân dân biên giới thật sự được cải thiện.
Quân khu và các tỉnh cần rà soát lại lực lượng, mối liên kết, bổ sung quy chế, tổ chức kiểm điểm kết quả ký kết liên tịch định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm trong công tác dân vận. Các đội công tác phải xây dựng quy chế cụ thể từng việc trong các nhiệm vụ, định kỳ tập huấn bồi dưỡng các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng về dân tộc, tôn giáo, công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt.
Tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, ban ngành và quần chúng nhân dân xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân. Phát huy kết quả đối ngoại quân sự, đối ngoại nhân dân, nắm chắc tình hình hai bên biên giới, chủ động tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt Nghị địnhsố 34/2000/NĐ-CP của Chính phủ về "Quy chế biên giới đất liền"./.
Từ thực tiễn công tác dân vận ở cơ sở tại Nam Bộ  (29/12/2009)
Phương châm công tác dân vận ở đồng Tháp: Lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân được hưởng  (29/12/2009)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 95 (25-12-2009)  (29/12/2009)
Lễ đón nhận huân chương độc lập hạng Nhất và khánh thành nhà máy xi măng Tây Ninh của Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng Số 1  (29/12/2009)
Hội thảo khoa học: “Quan điểm, nguyên tắc và phương hướng, giải pháp đổi mới công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”  (29/12/2009)
Binh chủng Tăng -Thiết giáp “rực rỡ vườn hoa quyết thắng”  (28/12/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên