Giáo dục tỉnh Lào Cai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng
TCCSĐT - Chất lượng và hiệu quả của giáo dục luôn là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội trong đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam. Lào Cai đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm học 2013 - 2014, để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, hướng về cơ sở; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1, mức độ 2 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, đặc biệt là chất lượng giáo dục trung học cơ sở vùng cao; nâng cao chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu ở vùng thuận lợi, bảo đảm chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn...
Đồng thời với nâng cao chất lượng dạy và học, Lào Cai quan tâm phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; công tác giáo dục dân tộc. Đây là các hoạt động quan trọng, phù hợp với đặc điểm của một tỉnh miền núi nhằm tạo điều kiện để con em các dân tộc thiểu số trong tỉnh đi học và học lên các bậc học cao hơn. Ngoài ra, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo, với Ủy ban nhân dân, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố và các đơn vị xã “còn yếu” về công tác giáo dục để tìm các giải pháp nâng cao tỷ lệ học sinh trung học cơ sở đi học chuyên cần; huy động các lực lượng xã hội tham gia vận động tối đa học sinh trong độ tuổi ra lớp...
Ngành giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai tiếp tục chủ động đổi mới, trong đó có một số đổi mới quan trọng như: chuyển trọng tâm thanh tra từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, nhất là thanh tra những vấn đề gây bức xúc trong xã hội như dạy thêm, học thêm, thu, chi đầu năm học, chế độ chính sách đối với học sinh bán trú; kiên quyết xử lý các sai phạm của các cơ sở giáo dục; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giáo dục trung học phổ thông. Đổi mới công tác quản lý giáo dục, triệt để thực hiện 03 công khai theo Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT; tích cực thực hiện cải cách hành chính; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008 tại cơ quan sở; nghiêm túc thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đặc biệt trong đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và tổ chức các hoạt động giáo dục; chấn chỉnh, củng cố, tăng cường kỷ cương, nền nếp trường học; xây dựng cảnh quan trường, lớp học...
Với việc thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp nêu trên, kết thúc năm học 2013 - 2014, ngành giáo dục tỉnh Lào Cai đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tại bậc học mầm non, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường trong toàn tỉnh đạt 54,81%, trong đó, trẻ vào mẫu giáo đạt 92,9% (tăng 2,8% so với năm học trước); riêng trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp đạt 99,9%. Các cơ sở đều thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới và học 2 buổi/ngày kể cả các trường vùng cao. Thực hiện tốt chuyên đề "tăng cường tiếng Việt", đặc biệt là cho trẻ em 5 tuổi vùng dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giúp trẻ mạnh dạn, tự tin, ham thích đi học.
Ở bậc giáo dục tiểu học, các giải pháp tập trung vào việc chỉ đạo quản lý, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng; điều chỉnh nội dung dạy học và đánh giá, xếp loại phù hợp đặc điểm tâm lý, sinh lý học sinh; thực hiện mô hình dạy học lớp ghép theo Dự án mô hình trường học mới (VNEN) tại điểm trường lẻ cho học sinh dân tộc thiểu số; giáo dục song ngữ: tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông và nhiều phương pháp ứng dụng khác đã giúp các em học sinh dân tộc thiểu số mạnh dạn, tự tin hơn. Sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng được rút ngắn, nhiều trường vùng cao có tiến bộ vượt bậc về chất lượng học tập của học sinh. Kết quả xếp loại 02 mặt giáo dục của học sinh tiểu học được duy trì ổn định ở những trường vùng thuận lợi và được nâng lên ở các trường vùng khó khăn.
Với bậc trung học cơ sở, tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực công tác chỉ đạo, quản lý giáo dục trung học cơ sở của phòng giáo dục và đào tạo, công tác quản lý chuyên môn của hiệu trưởng trường trung học cơ sở; tiếp tục chỉ đạo, thực hiện chuyên đề “Kiểm soát, bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục trung học cơ sở”; chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, thực hiện giảm tải nội dung dạy học trên cơ sở chuẩn kiến thức, kĩ năng của từng môn học và phù hợp với đối tượng học sinh. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học, bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh yếu, phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi; triển khai Đề án trường chất lượng cao; nâng cao chất lượng của các trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; tích cực triển khai, tổ chức các hoạt động mới, các phương pháp, biện pháp giáo dục tiên tiến như: tổ chức thi khoa học kĩ thuật, thi sử dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn, thi dạy học theo chủ đề tích hợp, áp dụng phương pháp dạy học “bàn tay nặn bột... Tích cực thực hiện và đổi mới các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục tập thể, chú trọng giáo dục kĩ năng sống, thực hiện các biện pháp giáo dục tích cực.
Các hoạt động nêu trên đã góp phần nâng cao chất lượng: Số học sinh có học lực khá giỏi tăng; số học sinh lưu ban, học sinh bỏ học giảm. Năm học 2013 - 2014 học sinh trung học cơ sở giỏi toàn diện đạt tỉ lệ 5,33%, học sinh tiên tiến đạt 33,91%, tăng so với năm học trước.
Ở bậc trung học phổ thông, các giải pháp tập trung thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, giảm tải nội dung dạy học; tiếp tục thực hiện phương châm “Dạy thực, học thực, thi thực, chất lượng thực chất”; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt là củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp; nâng cao chất lượng giờ dạy chính khóa cùng với nâng cao hiệu quả dạy thêm, học thêm theo yêu cầu. Tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản; xây dựng và triển khai dạy học các chủ đề tích hợp liên môn. Tích cực đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá bảo đảm khách quan và nâng cao ý thức học tập của học sinh; chủ động đổi mới việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục tập thể; chú trọng giáo dục kĩ năng sống, thực hiện các biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực; tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh; phòng, chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong trường học.
Kết quả, kỷ cương, nền nếp trong dạy học, giáo dục và tổ chức thi tiếp tục được củng cố; chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì, đánh giá học lực thực chất hơn. Năm học 2013 - 2014, xếp loại học lực giỏi tăng 0,9%; khá tăng 5,94%; trung bình giảm 3,96%; yếu giảm 2,85%. Học sinh giỏi toàn diện đạt tỉ lệ 5,63%; học sinh tiên tiến đạt 45,47%. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 đạt 99,15%, trong đó xếp loại khá, giỏi đạt 21,34%.
Nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên đã thực hiện tốt chức năng đa dạng hóa nội dung, chương trình và các hình thức học tập, gồm bổ túc văn hóa, tin học - ngoại ngữ, tiếng dân tộc, các lớp chuyên đề, liên kết đào tạo từ xa, đặc biệt phát triển dạy bổ túc văn hóa kết hợp dạy nghề. Tỉnh đã mở được 100 lớp bổ túc trung học phổ thông (tăng 7 lớp), với 2.890 học viên cho cán bộ công chức cấp xã, học viên kết hợp học nghề. Hoạt động này góp phần quan trọng trong phát huy kết quả phổ cập trung học cơ sở, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và phân luồng sau trung học cơ sở. Kết quả thi tốt nghiệp năm 2014 đạt 90,69%, trong đó xếp loại khá, giỏi đạt 1,66%.
Duy trì và củng cố các trung tâm học tập cộng đồng ở cấp xã. Đây là loại hình học tập theo hướng cần gì học ấy, thời gian học tập phù hợp theo nội dung, chủ yếu là cung cấp thông tin, kỹ thuật thiết yếu cho nông dân để họ thực hiện được việc truy cập Intenet, nắm được kỹ thuật chăn nuôi động vật hoặc trồng cấy một loại cây trồng nào đó. Các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã trong tỉnh bước đầu nâng cao hiệu quả hoạt động. Công tác phổ cập giáo dục - chống mù chữ được duy trì ổn định ở 100% số xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ. Đối với các huyện vùng cao, biên giới, dân số chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn thì tăng cường mở các lớp chống mù chữ và các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, đây là hoạt động hạn chế tình trạng tái mù chữ trong đồng bào.
Với những giải pháp và hoạt động đồng bộ, quyết liệt nêu trên, chất lượng giáo dục của tỉnh Lào Cai đã chuyển biến tích cực. Năm học 2013 - 2014, toàn tỉnh có trên 5.000 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, thành phố; 1.500 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh; hàng trăm học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc. Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong khu vực miền núi phía Bắc, là tỉnh thứ bảy trong toàn quốc được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; hoàn thành trước 2 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Năm học 2013 - 2014, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai được Bộ Giáo dục và Đào tạo bình xét hoàn thành xuất sắc 16/16 lĩnh vực công tác; trong đó có 11/16 lĩnh vực công tác hoàn thành xuất sắc tiêu biểu và được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là kết quả rất đáng khích lệ đối với giáo dục ở một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, một tỉnh nằm trong số các tỉnh nghèo nhất nước.
Những kết quả đạt được nêu trên khẳng định hiệu quả của việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong giáo dục, đào tạo, đồng thời khẳng định, tỉnh Lào Cai đã từng bước thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng, góp phần nâng cao dân trí, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - nhân tố góp phần quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2014 và nhiệm kỳ 2011 - 2015 mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra./.
Tạp chí Cộng sản: Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XI  (09/04/2015)
Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư  (08/04/2015)
Thanh niên là rường cột của đất nước, là lực lượng kiến tạo tương lai*  (08/04/2015)
Thanh niên - người thừa kế và xây dựng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc*  (08/04/2015)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên