Thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan và Luật Công an
Thảo luận quy định các chức vụ có trần quân hàm cấp Tướng
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam lần này đã tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất hợp lý của luật hiện hành, tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Thảo luận về quy định số lượng cấp phó có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp Tướng tại dự thảo Luật; ý kiến khác đề nghị cân nhắc không quy định cụ thể mà để văn bản pháp luật khác quy định.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc quy định số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp Tướng không mâu thuẫn với thẩm quyền quy định biên chế của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cùng với việc quy định các chức vụ có trần quân hàm cấp Tướng thì cần quy định số lượng có trần quân hàm cấp Tướng là cấp phó để bảo đảm ổn định số lượng cấp Tướng trong quân đội là cần thiết.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định chính sách về nhà ở đối với sĩ quan để bảo đảm tính khả thi.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị điều chỉnh quy định này như sau: sĩ quan quân đội được luân chuyển được điều động đến công tác những địa bàn khó khăn, địa bàn chiến lược quan trọng, tham gia chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo theo yêu cầu nhiệm vụ thì bản thân gia đình được xét phụ cấp hỗ trợ về nhà ở. Theo đại biểu quy định như thế này để ưu tiên cho những đối tượng thực sự khó khăn, thực sự theo yêu cầu công việc.
Về quy định trần quân hàm Trung tướng đối với hệ thống các nhà trường của quân đội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ việc quy định trần quân hàm của Giám đốc, Hiệu trưởng, Chính ủy học viện, trường sĩ quan cần căn cứ vào vị trí, vai trò, quy mô, trình độ, đối tượng đào tạo và tương quan với Học viện Quốc phòng.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ trần quân hàm Trung tướng đối với Giám đốc, Chính ủy: Học viện Lục quân, Học viện Chính trị, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Hậu cần, Học viện Quân y; Hiệu trưởng, Chính ủy các trường: sĩ quan Lục quân I, sĩ quan Lục quân II, sĩ quan Chính trị, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho quân đội nhân dân Việt Nam.
Vấn đề này đại biểu Ngô Ngọc Bình (Cà Mau) đồng tình với quy định trần quân hàm Trung tướng đối với Giám đốc, Chính ủy: Học viện Lục quân và Học viện Chính trị là hai đơn vị đào tạo cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp trung đoàn, sư đoàn trở lên, là cơ sở nghiên cứu khoa học quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự quan trọng của Bộ Quốc phòng.
Đại biểu đề nghị các Học viện, trường sĩ quan còn lại cần phải cân nhắc thêm. Theo đại biểu trần quân hàm Thiếu tướng là phù hợp vì đối tượng đào tạo, trình độ đào tạo thấp hơn so với Học viện Lục quân và Học viện Chính trị.
Thảo luận về cấp bậc hàm cao nhất của Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Trung tướng và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh có trần quân hàm cao nhất là Trung tướng, Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác là Đại tá để thống nhất với quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an cấp tỉnh.
Qua thảo luận, đại biểu Ngô Ngọc Bình, Trương Minh Hoàng (Cà Mau) vẫn còn băn khoăn về quy định này. Theo đại biểu Ngô Ngọc Bình, quy định trần quân hàm là Thiếu tướng mới hợp lý, tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, chỉ huy, các mối quan hệ cấp trên, cấp dưới, thực hiện nguyên tắc cấp bậc quân hàm của cấp trưởng cấp trên phải cao hơn cấp trưởng cấp dưới…
Ghi rõ nội dung phải tôn trọng, phục vụ nhân dân trong Luật Công an
Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Qua thảo luận, về cơ bản, các ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết và quan điểm xây dựng dự án Luật nhằm bảo đảm hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, thể chế hóa các quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện các nội dung sửa đổi quan trọng của dự thảo. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu phạm vi sửa đổi của dự luật cần quán triệt, phù hợp với các nội dung Hiến pháp mới, các kết luận chỉ đạo liên quan đến thẩm quyền, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, phong, thăng, giáng chức quân hàm trong lực lượng Công an nhân dân hiện nay. Có ý kiến đề nghị quy định rõ trong dự thảo nội dung Công an nhân dân phải tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân bởi đây là vấn đề mang tính cốt lõi, chi phối toàn bộ hoạt động của Công an nhân dân.
Các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị, bên cạnh việc quy định phong, thăng quân hàm, chức vụ Công an nhân dân thì cũng cần đưa vào dự thảo quy định về quy trình, thủ tục giáng chức, sĩ quan, chiến sĩ nếu vi phạm kỷ luật.
Các ý kiến tập trung thảo luận tính hợp lý về quân hàm tướng, trần cấp tướng; quy định hàm cấp giữa cấp phó và thủ trưởng đơn vị.
Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phong thăng bậc hàm cấp tướng trong Công an nhân dân cần bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát.
Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo quy định chặt chẽ việc xác định vị trí có nhu cầu cấp hàm tướng Công an nhân dân; thống nhất cấp bậc hàm tương đương giữa Công an, Quân đội tại bảy tỉnh, thành phố đặc thù trực thuộc trung ương.
Đối với đề xuất trong dự thảo về trần quân hàm Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là Thiếu tướng, trong khi nhiều Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố chỉ là Đại tá, có đại biểu cho rằng quy định như vậy là không hợp lý. Bởi Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy là công việc chuyên môn còn Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm bảo đảm toàn bộ trật tự, an ninh trên địa bàn.
Về tổ chức của Công an nhân dân, buổi thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị nâng cao vai trò, địa vị pháp lý và cơ cấu tổ chức của lực lượng Công an xã bởi kết quả hoạt động tích cực của lực lượng này trong việc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thời gian qua. Theo đó, các ý kiến tán thành việc quy định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách ở cấp cơ sở, chịu sự chỉ đạo của Công an cấp trên; bổ sung Công an xã thuộc tổ chức của Công an nhân dân.
Về vấn đề hoạt động nghĩa vụ Công an nhân dân, một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo làm rõ địa vị pháp lý công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân, phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự. Việc tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân, cần thông qua Hội đồng tuyển chọn của địa phương.
Liên quan đến đề xuất thành lập các đồn, trạm Công an tại các địa bàn biên giới đường bộ, đường biển, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, tại những khu vực này hiện nay đều do lực lượng Bộ đội Biên phòng quản lý cả về an ninh, quốc phòng, xuất nhập cảnh, an ninh trật tự và đạt kết quả tốt thời gian qua.
Trường hợp thành lập mới các đồn, trạm Công an như vậy sẽ gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách, đồng thời dễ dẫn đến việc chồng chéo giữa hoạt động của lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng./.
Việt Nam khẳng định mạnh mẽ chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa  (06/11/2014)
Sóc Trăng: Khởi công xây dựng Bệnh viện đa khoa huyện Trần Đề  (06/11/2014)
Nga, Trung Quốc nhất trí nhiều dự án hợp tác quân sự quan trọng  (06/11/2014)
UAE luôn coi trọng và thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với Việt Nam  (06/11/2014)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao thành tựu phát triển của Việt Nam  (06/11/2014)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên