Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Chính phủ cần quyết liệt hơn với tình trạng nợ bảo hiểm xã hội
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 21-10, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.
Các vấn đề về giải quyết chính sách cho người có công, nợ đọng bảo hiểm xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy, cai nghiện tại cộng đồng, xây dựng nông thôn mới… là những nội dung được nhiều đại biểu đề cập. Đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, trong điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn nhưng vẫn bố trí tăng nguồn lực từ ngân sách nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển văn hóa, xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 1,5 triệu người và hoàn thành việc xây mới, sửa chữa khoảng 48 nghìn căn nhà cho người có công, trong đó có 13.500 căn nhà từ nguồn xã hội hóa.
Đại biểu Lê Trọng Sang (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng an sinh xã hội, nhất là chính sách pháp luật ưu đãi người có công được hoàn thiện và triển khai kịp thời là một điểm sáng, đã đáp ứng được mong mỏi của các đối tượng thụ hưởng. Tuy nhiên, đại biểu không khỏi băn khoăn về thời gian chuyển tiếp giữa chính sách cũ và chính sách mới như chính sách đối với mẹ Việt Nam anh hùng, chính sách cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có nhiều thay đổi so với trước đây với sự chênh lệch khá cao đã tạo tâm lý bất an cho người thụ hưởng.
Quan tâm đến vấn đề nợ và chậm đóng bảo hiểm xã hội, các đại biểu nhận định đây là vấn đề đang có xu hướng gia tăng và việc này không thể đổ lỗi cho những khó khăn trong phát triển sản xuất - kinh doanh dẫn đến nợ, chây ỳ bảo hiểm xã hội. Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ sử dụng lao động, khi cân đối hoạt động sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động, đã có phát sinh lao động là phải đóng bảo hiểm xã hội.
Theo con số thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 8-2014, khoản nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp đã lên đến trên 12 nghìn tỷ đồng và có đến trên 38.900 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên, ảnh hưởng đến trên 600.000 lao động. Tuy vấn đề này đã đến mức nóng bỏng nhưng đến nay mới chỉ có một văn bản chỉ đạo duy nhất của Hội đồng quản lý quỹ và công văn của bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đại biểu Lê Trọng Sang đề nghị Chính phủ nên ban hành Chỉ thị để thể hiện sự kiên quyết hơn, quyết liệt hơn đối với tình trạng nợ, chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật. Cũng theo đại biểu, Chính phủ cần có những giải pháp tức thời để buộc các doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho người lao động, những trường hợp chậm nộp, nợ, cần có mức phạt thích đáng, đủ sức răn đe, không chờ đến khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực mới thực hiện, bởi từ nay đến ngày 01-7-2015 là khoảng thời gian rất dài, càng chậm thực hiện, người lao động sẽ càng chịu thiệt.
Thống nhất với báo cáo đánh giá của Chính phủ về những kết quả đạt được, đại biểu Lê Đông Phong (Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận với những chuyển biến về tình hình kinh tế - xã hội đã kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, điều này thể hiện nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự xung kích của lực lượng công an - lực lượng chủ công trong phòng, chống tội phạm. Song, đại biểu cho rằng Báo cáo chưa có sự phân tích sâu, gắn kết giữa nguyên nhân về kinh tế - xã hội với xu hướng tội phạm, cơ cấu tội phạm nói chung và mối quan hệ trực tiếp với những nhóm tội phạm trong cơ cấu tội phạm đang có xu hướng phức tạp, gia tăng. Tình hình kinh tế, xã hội mỗi thời điểm khác nhau, đó là nguyên nhân sâu xa tác động đến thái độ, xử sự hành vi của con người. Đại biểu đề nghị có sự phân tích sâu để thấy rõ nguyên nhân và tìm ra giải pháp thiết thực giải quyết căn cơ.
Cũng theo đại biểu Lê Đông Phong, Báo cáo của Chính phủ có nêu thành tích đổi mới công tác cai nghiện, thực hiện thí điểm điều trị và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng, tuy nhiên, diễn biến tình hình cai nghiện tại cộng đồng là vấn đề cần xem xét kỹ, cần đánh giá sát thực hơn. Báo cáo chính thức của Bộ Công an cho thấy, một trong những nguyên nhân của tội phạm là do công tác cai nghiện ở một số địa phương hiệu quả thấp, người nghiện ma túy và tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng. Hiện, cả nước có 204.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, đối tượng chủ yếu là thanh, thiếu niên. Mối liên quan giữa nghiện ma túy với phát sinh tội trộm cắp, cướp giật là rất nhiều.
Từ những phân tích trên, đại biểu cho rằng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy sau khi ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính là chưa hiệu quả. Đại biểu đề xuất Chính phủ cần quan tâm xem xét, điều chỉnh các quy định về thủ tục để bảo đảm cho tòa án giải quyết, xử lý những người nghiện được nhanh chóng… Đại biểu Lê Đông Phong đề nghị có nghiên cứu thực tế hơn về các thủ tục trong quy trình để cho tòa án quyết định đưa người nghiện đi cai. Đưa ra con số mỗi năm tăng 4% người nghiện ma túy tổng hợp, đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng dù giao cho tổ chức xã hội quản lý nhưng Chính phủ cần phải chuẩn bị nguồn lực, ngân sách, con người để thực hiện.
Liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các đại biểu cho rằng nhờ Chương trình này, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi đã dần được đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân khá hơn. Song, đại biểu cũng cho rằng số xã được thụ hưởng Chương trình này quá ít và báo cáo của Chính phủ cũng chưa nêu cụ thể khu vực nào thực sự được hưởng lợi nhiều từ Chương trình mục tiêu này. Đến thời điểm này hầu hết các xã vùng cao của Yên Bái và Lào Cai chỉ đạt 2/19 tiêu chí, như vậy, còn đến 17 tiêu chí và không biết thời điểm nào sẽ hoàn thành. Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ tiến hành sơ kết chương trình ở cấp quốc gia, rà soát lại các tiêu chí, từ đó đưa ra những tiêu chí phù hợp cho từng vùng, miền, có chính sách thu hút các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước tham gia phát triển hạ tầng khu vực miền núi. Đại biểu Trần Văn Lan (Tiền Giang) cho rằng, cùng với việc xây dựng nông thôn mới, cần bảo đảm chế độ tiền lương cho cán bộ xã, phường hoạt động.
Băn khoăn về việc vay và sử dụng nguồn vốn ODA, các đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) không khỏi lo ngại khi việc trả nợ là rất khó khăn. Vốn ODA sử dụng không thể như tiền ngân sách nhà nước, nên chi tiêu phải cân nhắc. Một số nước rất hạn chế vay ODA, đặc biệt vay vốn ODA để chi thường xuyên và chi tiêu dùng - đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nêu. Theo đại biểu, Quốc hội đang muốn thu hẹp các chương trình mục tiêu quốc gia, đây là việc làm cần thiết, nhưng nên ưu tiên các mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, y tế./.
Việt Nam đã có đủ khả năng xét nghiệm xác định vi rút Ebola  (21/10/2014)
Hội thảo thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Ấn Độ - Việt Nam  (21/10/2014)
Thế giới vừa trải qua tháng Chín nóng nhất trong lịch sử  (21/10/2014)
Ưu tiên chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ  (21/10/2014)
Ngày ngôn ngữ châu Âu lần thứ 4 tại Hà Nội  (21/10/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên