TCCSĐT - Ngày 18-6-2014, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (CAF/VASS) công bố Báo cáo “Tăng trưởng xanh và Chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam - Các kiến nghị về lộ trình cải cách chính sách”.

Báo cáo dựa trên các kết quả nghiên cứu của nhiều đối tác trong nước và các chuyên gia quốc tế, cũng như thông qua đối thoại rộng khắp với các bên liên quan chính, bao gồm các hộ, doanh nghiệp, các đối tác phát triển và các nhà hoạch định chính sách. Báo cáo khuyến nghị Việt Nam nên dần dần xóa bỏ trợ cấp năng lượng và đưa ra các kiến nghị về lộ trình cải cách chính sách tài khóa trong lĩnh vực này.

Trình bày những điểm chính của Báo cáo, bà Mi-cha-e-la Prô-cốp (Michaela Prokop), cố vấn chính sách về kinh tế của UNDP ghi nhận cam kết của Chính phủ Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó có việc tái cấu trúc ngành năng lượng.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, ở Việt Nam, việc trợ cấp nhiên liệu hóa thạch như cho than và các loại nhiên liệu khác vẫn còn lớn và chủ yếu dưới hình thức gián tiếp. Cải cách chính sách đối với nhiên liệu hóa thạch mang lại những lợi ích đáng kể, bao gồm nâng cao hiệu suất năng lượng, tăng nguồn cung năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm gánh nặng tài khóa, đạt tăng trưởng GDP cao hơn trong trung và dài hạn, cũng như đem lại tác động tích cực đối với môi trường.

Hiện nay, giá năng lượng ở Việt Nam đang thấp so với giá thế giới, chủ yếu do việc kiểm soát giá và đánh thuế môi trường thấp. Điều này tạo điều kiện cho việc tiếp cận năng lượng một cách rộng khắp, song cũng là lực cản đối với mục tiêu về hiệu quả năng lượng và đầu tư cho sản xuất năng lượng xanh.

Tại buổi công bố báo cáo, các chuyên gia trong nước và quốc tế phân tích sâu về các tác động của trợ giá nhiên liệu hóa thạch lên nền kinh tế, môi trường và sức khỏe của người dân. “Trợ giá dẫn tới nguồn thu của nhà nước bị mất đi và mức nợ của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng tăng lên, và người dân sẽ phải “gánh nợ”. Các chuyên gia nhấn mạnh, trợ giá mang lại nhiều lợi ích cho người giàu hơn người nghèo và kết luận, người dân Việt Nam phải trả một giá rất đắt cho trợ giá năng lượng. Tiến sĩ P. Mê-ta (Pratibha Mehta), Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh các nỗ lực cải cách năng lượng nếu Việt Nam muốn phát triển theo hướng tăng trưởng bền vững.

Các chuyên gia cho rằng, tự do hóa giá năng lượng trong điều kiện độc quyền và thiếu những quy định pháp lý mạnh và độc lập làm gia tăng tình trạng hiệu suất năng lượng thấp và vẫn không tháo gỡ được những rào cản chính đối với việc thu hút thêm đầu tư nước ngoài và từ khu vực tư nhân trong nước vào ngành năng lượng. Tiến sĩ P. Mê-ta cho rằng: “Cần có các biện pháp để bảo vệ người nghèo và dễ bị tổn thương cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất từ những tác động ngắn hạn của việc tăng giá năng lượng”. Gần đây, Chính phủ đổi mới hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người nghèo nhưng cần tăng cường hơn nữa và đưa vào khuôn khổ bảo trợ xã hội rộng lớn hơn. Tương tự như vậy, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần được hỗ trợ để chuyển đổi sang sản xuất năng lượng hiệu suất cao hơn và các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay cần được đẩy mạnh vì mục đích này.

Cải cách chính sách tài khóa về nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam sẽ giúp: thứ nhất tăng cường an ninh năng lượng quốc gia, bởi tiêu dùng than, khí và xăng dầu đang gia tăng, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu thuần về nhiên liệu hóa thạch trong tương lai gần; giá nhiên liệu hóa thạch thế giới tăng đòi hỏi phải chuyển dịch tài khóa ngày càng nhiều cho các doanh nghiệp nhà nước hoặc cho người tiêu dùng nếu giá nội địa vẫn thấp; giảm sự phụ thuộc vào thị trường năng lượng thế giới.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Cường suất sử dụng năng lượng hiện nay ở Việt Nam rất cao. Trợ giá dẫn tới sự thiếu hiệu quả và đưa lại rất ít động lực để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.

Thứ ba, cải thiện mức độ tin cậy của nguồn cung năng lượng. Nhu cầu năng lượng gia tăng vượt quá mức độ trong điều kiện nguồn cung hạn chế dẫn tới tình trạng cắt điện thường xuyên. Mức giá hiện nay và cấu trúc độc quyền của ngành năng lượng tạo ra rất ít động lực cho việc đầu tư vào ngành.

Thứ tư, tạo thuận lợi cho đầu tư vào năng lượng tái tạo phi thủy điện.

Thứ năm, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả tăng trưởng GDP.

Thứ sáu, thực hiện công bằng trong sử dụng năng lượng và mức độ bao trùm. Trợ cấp năng lượng hiện nay có lợi cho người sử dụng nhiều năng lượng/người giàu nhiều hơn các đối tượng khác. Dỡ bỏ trợ cấp sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho các lĩnh vực đầu tư ưu tiên cũng như các biện pháp giảm thiểu tác động cho hộ nghèo và doanh nghiệp dễ tổn thương.

Thứ bảy, giảm ô nhiễm môi trường,…/.