TCCSĐT - Cả Mỹ và châu Âu đều đã hy vọng sẽ duy trì được quan điểm chung về cuộc khủng hoảng U-crai-na. Tuy nhiên, sự hợp tác này có thể sớm sụp đổ bởi sự rạn nứt ngoại giao mới xuất hiện giữa hai bên.

Tại Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Brúc-xen (Bỉ), Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken ca ngợi sự hợp tác giữa các nước thành viên G7 trong việc phản ứng với cuộc khủng hoảng U-crai-na. Nhưng sự hợp tác này có thể sớm sụp đổ bởi giữa châu Âu và Mỹ đã xuất hiện một sự rạn nứt ngoại giao. Trong chuyến công du tới Ba Lan ngày 04-6 vừa qua, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma cam kết sẽ đứng về phía các nước này bằng việc chi 1 tỷ USD đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Âu và sẵn sàng đáp trả các hành động của Nga ở U-crai-na.

Nhiều người Đông Âu vẫn lấy làm hoài nghi các láng giềng Tây Âu đang dành cho Nga những ưu đãi về kinh doanh. Trong khi người Mỹ gửi quân đội tới Đông Âu thì người Pháp lại lên kế hoạch bán tàu chiến cho Nga; trong khi Oa-sinh-tơn đang ra sức kêu gọi các nước phương Tây đưa ra những hình phạt nghiêm khắc hơn với Nga thì một cựu Thủ tướng Đức lại tổ chức sinh nhật với ông V. Pu-tin.

Người dân ở các nước Ba Lan, Ê-xtô-ni-a và Lát-vi-a băn khoăn không biết ai là người họ có thể dựa vào nếu quan hệ Đông Âu - Nga ngày một căng thẳng vì họ cho rằng lý do ông V. Pu-tin đưa ra khi đưa quân đến Crưm là nhằm giúp đỡ các công dân nói tiếng Nga rất có thể cũng sẽ được áp dụng cho khu vực Ban-tích. Và Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện nay cũng không hề cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào sẵn sàng ngăn chặn sự xâm lấn của Nga (nếu có) đối với một nước như Ê-xtô-ni-a.

Khoảng cách giữa Mỹ và châu Âu càng trở nên xa vời khi bàn về các hình phạt dành cho Nga. Các biện pháp trừng phạt mạnh cấp độ ba - có thể tác động đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế - vẫn chưa được thực thi. Và nếu quyết định phụ thuộc vào Thủ tướng Đức A. Méc-ken, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Hô-lan-đơ và Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-run thì những biện pháp mạnh tay như vậy chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra.

Trong khi các lãnh đạo châu Âu có quan điểm tương đối mềm mỏng thì ông B. Ô-ba-ma lại thể hiện lập trường hoàn toàn trái ngược. Dĩ nhiên, điều này cũng có nguyên nhân của nó. Nếu như phần khí đốt của Nga trên thị trường EU đã tăng tới khoảng 30% (từ mức 20% trong năm 2010) và nhập khẩu dầu mỏ của Nga chiếm khoảng 35% nhu cầu sử dụng của EU thì Mỹ lại hoàn toàn không phụ thuộc vào thị trường năng lượng của Nga.

Theo một thông cáo chính thức của G7, điều kiện để áp đặt thêm các lệnh trừng phạt là khi Nga tiếp tục gây mất ổn định ở Đông U-crai-na. Nhưng khi đó, sự can thiệp cũng có năm, bảy cách mà theo như bà A. Méc-ken thì không nên áp đặt các lệnh trừng phạt một cách máy móc, các thành viên G7 cần đạt được một thỏa thuận trước khi thực thi những biện pháp mạnh tay. Chính quan điểm này của bà A. Méc-ken đã để ngỏ vài cánh cửa hậu cho vấn đề thanh trừng Nga.

Còn theo ý kiến của ông B. Ô-ba-ma thì sự sáp nhập Crưm đã đủ là lý do chính đáng để đưa ra những biện pháp mạnh tay với Nga. Trong bài phát biểu tại Vác-sa-va (Ba Lan), ông B. Ô-ba-ma khẳng định Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận những hành động của Nga hiện nay. Các đối tác châu Âu đã im lặng về vấn đề này nhưng ông B. Ô-ba-ma biết chắc rằng ông V. Pu-tin sẽ không bao giờ từ bỏ Crưm và Tổng thống Nga cũng chẳng lấy làm sợ hãi trước những lệnh trừng phạt gia tăng.

Một câu hỏi nữa được đưa ra trong Hội nghị G7 là những điều kiện nào cho phép G7 trở lại thành G8 - Nhóm tám nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới. Tại thời điểm này thật khó mà tưởng tượng được bằng cách nào Nga có thể tái gia nhập G8 kể từ khi các nước phương Tây loại Nga khỏi cuộc chơi vì không tuân thủ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng không phải là tái lập G8 mà là sự ổn định của U-crai-na và chấm dứt xung đột tại đây. Có một vài lý do để tin tưởng rằng các biện pháp trừng phạt hiện nay đang đủ ảnh hưởng để ngăn chặn Nga có những hành động đi xa hơn và sự loại khỏi “câu lạc bộ của những anh tài” cũng là một nỗi đau của nước này.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc làm đầu tiên và trước hết mà chính phủ các nước phương Tây cần làm là đánh giá những hành động của ông V. Pu-tin và cách ông đối xử với U-crai-na. Mặt khác, ông B. Ô-ba-ma có thể thấy quan điểm của các thành viên G7 quá mềm mỏng nhưng cũng không nên tạo thêm căng thẳng cho sự đoàn kết của phương Tây./.