Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương
TCCSĐT - Ngày 23-12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe Báo cáo tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013; Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Dự thảo Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2013; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị |
Dự thảo Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu đề ra là: Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 5,3%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7% - 02%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%;...
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó tập trung thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; phát triển thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu;...
Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Trong đó tập trung tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất; rà soát, sửa đổi bổ sung, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thể chế; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng;...
Thứ tư, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Thứ năm, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ sáu, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ bảy, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Thứ tám, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Thứ chín, tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thế Thảo cho rằng nhiệm vụ hàng đầu vẫn phải là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế |
Tham gia thảo luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhất trí cơ bản với các Dự thảo báo cáo của Chính phủ; đồng thời đề nghị Chính phủ xác định rõ trọng tâm ưu tiên chính sách trước mắt, đâu là nhiệm vụ cần có lộ trình dài hạn để đưa ra được chính sách căn cơ, thiết thực hơn trong năm tới. Đồng chí Nguyễn Thế Thảo cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ hàng đầu vẫn phải là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế; đẩy mạnh cải cách thể chế, làm rõ được vị trí, vai trò của sở hữu chung, nhà nước chịu trách nhiệm và quản lý đến đâu, nhân dân làm chủ đến đâu; trong cải cách hành chính tới đây cần làm rõ trách nhiệm về cơ chế “song trùng thủ tục” và tạo điều kiện cho cấp dưới thực hiện thẩm quyền được giao để có trách nhiệm rõ ràng.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khả năng phục hồi kinh tế của đất nước sang năm 2014 mạnh mẽ hơn, trong bối cảnh đó các giải pháp của Chính phủ nên đi vào những lĩnh vực cụ thể để trợ giúp sản xuất kinh doanh. Đồng chí kiến nghị Nhà nước nên tập trung hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp tái cấu trúc, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước; lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Quan ngại sự quá tải đối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi năm 2013 sân bay này đã đón 20 triệu lượt khách, vượt 7 triệu lượt khách so với dự kiến năm 2015, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu, chỉ đạo và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành trong vòng 02 - 03 năm tới, nếu không sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, gây ách tắc, và ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội.
Báo cáo về công tác bảo đảm an ninh và ổn định chính trị, xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang kiến nghị ủy ban nhân dân các địa phương cần tập trung chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với lực lượng công an giải quyết ổn định tại chỗ, không để phức tạp lan rộng, kéo dài. Hạn chế tối đa khiếu kiện vượt cấp đông người lên trung ương. Tập trung rà soát, thống kê, phân loại, kiểm tra, giải quyết, xác định rõ nguyên nhân khiếu kiện để có biện pháp chỉ đạo dứt điểm. Trong giải quyết đơn thư khiếu nại, các cơ quan chức năng cần trả lời thẳng thắn ngay đúng hay sai trong thẩm quyền.
Trong chương trình làm việc chiều nay, Hội nghị đã được nghe báo cáo của lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Hải Phòng, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Hà Nam, Thanh Hóa và Tây Ninh.
Hội nghị sẽ kéo dài đến hết ngày 24-12-2013./.
Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho chức sắc Cao Đài  (23/12/2013)
Việt Nam tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhà báo Lào  (23/12/2013)
Hoạt động sàng lọc, tái cơ cấu doanh nghiệp diễn ra mạnh  (23/12/2013)
Gặp mặt cựu chiến binh cơ quan Tạp chí Cộng sản  (23/12/2013)
Hội nghị công tác đảng ngoài nước năm 2013  (23/12/2013)
Tập trung sửa đổi các Luật để triển khai thi hành Hiến pháp  (23/12/2013)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên