Tập trung sửa đổi các Luật để triển khai thi hành Hiến pháp
Sáng 23-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 23. <
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá kết quả kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, thông qua Pháp lệnh cảnh sát cơ động, Chương trình công tác năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chương trình hợp tác quốc tế của các cơ quan của Quốc hội năm 2014; cho ý kiến về Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp và dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết việc thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận để ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai Hiến pháp, đây là nhiệm vụ rất nặng nề cần phải tập trung trong nửa nhiệm kỳ còn lại, phải lượng hóa được những nội dung quan trọng nhất.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có vai trò yêu cầu các ngành, các cấp ban hành kế hoạch để thực hiện, đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống để Hiến pháp đúng là đạo luật gốc, bảo đảm về thể chế chính trị pháp lý đưa dân tộc ta tiến lên.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong nửa nhiệm kỳ, Quốc hội phải thông qua một số dự luật, do khối lượng công việc lớn, cần xem xét có thể tổ chức một kỳ họp chuyên đề về thông qua pháp luật. Hội đồng biên tập, các Ủy ban cần rà soát lại, điều chỉnh chương trình kỳ họp hợp lý để các cơ quan chủ động chuẩn bị.
Đánh giá về Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng công việc lớn với nhiều nội dung quan trọng.
Quốc hội đã xem xét, thông qua Hiến pháp, Luật đất đai (sửa đổi), quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014, những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, nhiều nội dung khác về công tác lập pháp, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng của đất nước.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đạt kết quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cử tri, thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội.
Lần đầu tiên, Quốc hội dành thời gian xem xét, thảo luận Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.
Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5; tiến hành chất vấn bốn Bộ trưởng và Trưởng ngành.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội; một số Phó Thủ tướng, nhiều Bộ trưởng, Trưởng ngành khác đã tham gia giải trình làm rõ một số vấn đề có liên quan.
Phiên chất vấn diễn ra dân chủ, công khai, có tính tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng. Các đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, thẳng thắn, có trọng tâm. Các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành cơ bản giải đáp được các câu hỏi của đại biểu Quốc hội, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.
Công tác điều hành linh hoạt, dân chủ, định hướng nội dung chất vấn vào những nhóm vấn đề đã đặt ra.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội có kế hoạch triển khai thực hiện những điều đã cam kết để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau.
Với tinh thần làm việc dân chủ, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, sự phối hợp chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định đạt chất lượng tốt, đồng thuận cao, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân và cử tri cả nước.
Kết quả của kỳ họp góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới; tạo dấu ấn tốt đẹp, sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho các kỳ họp sau.
Cho rằng kỳ họp được điều hành tập trung, linh hoạt, đã hoàn thành, làm cơ sở chính trị pháp lý cho phát triển đất nước, song, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng luật.
Hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi) đã thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Chính trị đã cho ý kiến nhiều lần nhưng do việc chuẩn bị chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ nên phải rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Cũng theo Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa, nhiều cử tri phản ánh bố trí chương trình chất vấn và trả lời chất vấn dành cho Thủ tướng Chính phủ quá ngắn nên đại biểu Quốc hội không thể chất vấn được, có những phiên họp, số đại biểu vắng mặt rất nhiều, với lý do chưa thỏa đáng đã ảnh hưởng nhất định đến số đại biểu dự họp và chất lượng thảo luận một số nội dung, đây là những vấn đề cần lưu ý.
Liên quan đến tình trạng đại biểu vắng mặt trong các phiên họp, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, cần tính đến phương án điểm danh đại biểu hàng ngày, xem xét sự nghiêm túc của đại biểu trong kỳ họp.
Cũng theo Phó Chủ tịch, thời gian làm luật phải tính toán đủ độ chín, thảo luận về luật phải tới nơi tới chốn, dành thời gian thỏa đáng hơn cho xem xét sửa đổi Luật.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhìn nhận kỳ họp còn có những mặt hạn chế cần tiếp tục được rút kinh nghiệm như một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu chưa được chuẩn bị kỹ, còn thiếu dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành kèm theo, một số dự án luật quan trọng, còn ý kiến khác nhau chưa bố trí thời gian thỏa đáng để Quốc hội thảo luận.
Việc chuẩn bị, gửi tài liệu của một số nội dung chưa bảo đảm tiến độ, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, tham gia ý kiến của đại biểu Quốc hội và thời gian, chất lượng kỳ họp. Một số báo cáo thẩm tra còn dài, tính phản biện chưa cao.
Việc chuẩn bị báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật chưa đầy đủ. Một số đại biểu đặt câu hỏi chất vấn còn dài, chưa đúng trọng tâm, câu trả lời chưa bám sát chất vấn của đại biểu; chưa có sự trao đổi, tranh luận đến cùng về vấn đề được đưa ra chất vấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng để triển khai Hiến pháp, thời gian tới cần tập trung sửa đổi có một số luật quan trọng có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị trong hai năm 2014, 2015 phải tăng cường thời gian thông qua một số dự luật nhằm đáp ứng được yêu cầu của Hiến pháp (sửa đổi), chương trình đề ra cho năm 2014 chưa đủ, còn nhiều dự án luật phải bổ sung, phải có thời gian trù bị trước hoặc có kỳ họp chuyên đề để thông qua, nếu không sẽ không thể kịp.
Chủ nghiệm Phan Trung Lý cũng đề nghị Hội đồng dân tộc và các Ủy ban rà soát lại lĩnh vực của mình để kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chương trình điều chỉnh.
Đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, triển khai Hiến pháp sửa đổi cần phải sửa ngay Luật Quốc phòng.
Cũng trong buổi sáng, Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh cảnh sát cơ động với năm chương, quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nguyên tắc hoạt động, thẩm quyền, việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của cảnh sát cơ động./.
Trường Sa mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam  (23/12/2013)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chúc mừng đồng bào công giáo nhân Lễ Giáng sinh  (22/12/2013)
SEA Games 27: Đoàn Việt Nam đoạt 73 HCV, hoàn thành mục tiêu tốp 3  (22/12/2013)
Công điện khẩn phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi  (22/12/2013)
Sẵn sàng cho Hội nghị của Chính phủ với các địa phương  (22/12/2013)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên