TCCS - Sức cạnh tranh của một nền kinh tế trong điều kiện toàn cầu hóa phụ thuộc không nhỏ vào mạng lưới thông tin, trong đó có lĩnh vực viễn thông. Hợp tác và cạnh tranh về kinh tế trong lĩnh vực viễn thông, về bản chất là sự cạnh tranh khai thác nhanh và có hiệu quả các ứng dụng và sáng tạo kỹ thuật - công nghệ. Xu thế về việc thành lập xa lộ thông tin ngày càng được mở rộng. Nhiều chương trình hợp tác kinh tế được thực hiện rất hiệu quả và để lại những bài học kinh nghiệm thực tiễn quý giá.

Khi công nghệ thông tin - viễn thông thế giới và trong khu vực phát triển với tốc độ "vũ bão" vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, các chuyên gia về lĩnh vực này đã đưa ra dự báo rằng, thị trường viễn thông Việt Nam vào cuối thế kỷ sẽ hết sức hấp dẫn những nhà đầu tư nước ngoài. Ngành bưu chính viễn thông đã bám sát lộ trình đàm phán và các cam kết của Chính phủ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chủ động hoạch định một chiến lược mở rộng kinh doanh mới từ những dự báo khoa học thực tiễn. Vì vậy, hoạt động của thông tin viễn thông đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước.

1. Mục tiêu đặt ra và những thành tựu đạt được

Khoa học - công nghệ phát triển đã tác động mạnh mẽ, làm cho lĩnh vực viễn thông biến đổi nhanh chóng trên quy mô thế giới và tác động đối với Việt Nam về nhiều mặt. Trước hết, quá trình gia nhập WTO, Chính phủ phải thực hiện các cam kết đa phương theo các quy định nghiêm ngặt của tổ chức này; đồng thời phải thực hiện cam kết song phương với các nước thành viên. Tác động của toàn cầu hóa và sự hội nhập kinh tế quốc tế vừa thuận lợi, vừa là những thách thức gay gắt, nhất là trong hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết giữa các tập đoàn kinh tế. Tất yếu, lĩnh vực viễn thông cũng vừa được hưởng lợi, vừa phải chịu đựng và đối diện với khó khăn do sự cạnh tranh quyết liệt hơn bao giờ hết. Hãy thử hóa giải một ví dụ thực tế: thế giới có khoảng 5,7 tỉ người, hiện đang có bao nhiêu phần trăm dân số sử dụng dịch vụ điện thoại và dịch vụ viễn thông đan chéo nhau. Lợi ích và khó khăn sẽ được phân chia, phân phối và kiểm soát, chia sẻ thông tin như thế nào giữa các tập đoàn viễn thông quốc tế?

Hai là, xu thế quốc tế hóa thông tin ngày càng phát triển. Với việc chia sẻ và cung cấp thông tin qua mạng in-tơ-net và điện thoại kết nối, chỉ trong ít năm qua, con người trên trái đất đã được đáp ứng các yêu cầu cơ bản về liên lạc và sự giao tiếp mọi mặt của đời sống xã hội. Các chức năng, tiện ích của mạng điện thoại di động và thiết bị (nghe, nhìn) cầm tay được cải thiện gấp nhiều lần so với vài năm đầu thế kỷ mà giá cả lại giảm đi quá một nửa. Việc kinh doanh viễn thông và sản xuất các thiết bị cũng phải đối đầu với sự cạnh tranh quyết liệt.

Ba là, thành tựu đạt được trong phát triển nền kinh tế đất nước đã tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình khai thác thông tin viễn thông, ứng dụng nhanh những tiến bộ của khoa học - công nghệ thế giới. Việc hợp tác liên kết không ngừng mở rộng tiếp tục đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng có đủ nguồn lực về con người, tri thức và công nghệ đối ứng. Nếu không tiến kịp, sự tụt hậu và thiệt hại về kinh tế - xã hội mà chúng ta sẽ phải gánh chịu là tất yếu.

Tốc độ tăng trưởng về viễn thông đạt 18,5%/năm. Mật độ điện thoại của Việt Nam đã đạt 35 máy/100 dân vào ngày 17-2-2007. Mạng di động đã phủ sóng tới 100% số huyện trên cả nước với trên 12.000 trạm BTS. Sau 10 năm phát triển (tính đến năm 2007), Việt Nam đã có hơn 5 triệu thuê bao với hơn 18 triệu người sử dụng thường xuyên, chiếm 21,6% số dân, vượt mức trung bình của thế giới và châu Á.

Đến nay, bưu chính viễn thông Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng với hơn 120 đối tác là các tập đoàn đa quốc gia về bưu chính, viễn thông, tin học hàng đầu thế giới trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh, khai thác, sản xuất công nghiệp, tài chính, tư vấn, bảo hiểm, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hướng đến những mục tiêu chủ yếu là: Tiếp tục thúc đẩy mở rộng giao lưu quốc tế, nâng cao năng lực để chủ động hội nhập sâu sắc hơn, trong đó công nghệ thông tin phải được ưu tiên đi trước một bước; tận dụng và tranh thủ kinh nghiệm, sự trợ giúp, giúp đỡ (cả về vốn đầu tư, khoa học, kỹ thuật, bí quyết công nghệ) của các nước có truyền thống và tiềm năng trong lĩnh vực thông tin viễn thông để bổ sung, hoàn thiện sự thiếu hụt này ở Việt Nam.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã dành quyền chủ động cho các đơn vị thành viên trong hợp tác, liên kết với các đối tác nước ngoài. Các chương trình hợp tác giữa các công ty thông tin viễn thông đã đem lại hiệu quả cao, trong đó phải kể đến sự thành công của hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa công ty Thông tin di động VMS Việt Nam và Tập đoàn Comvik (Thụy Điển). Hướng đi và kết quả đạt được giữa hai Công ty này đang tiếp tục phát triển và rút ra được nhiều kinh nghiệm quý đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Với khẩu hiệu "Cuộc sống đích thực" (Real life), VNPT đã tạo ra những bước phát triển ổn định ở các lĩnh vực: dịch vụ viễn thông đường trục; dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin; dịch vụ truyền thông; khảo sát, tư vấn, thiết kế, lắp đặt, bảo dưỡng các công trình viễn thông và công nghệ thông tin; sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, cung ứng vật tư, thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin...

Doanh thu trong 5 năm (2001 - 2005) của VNPT đạt trên 135 nghìn tỉ đồng. Tổng lợi nhuận trong 5 năm đạt trên 48 nghìn tỉ (khoảng 3 tỉ USD).

Hiện, mức đầu tư trực tiếp vào viễn thông đạt khoảng 1,8 tỉ USD, vốn viện trợ phát triển chính thức đạt hơn 500 triệu USD. Riêng sản xuất chíp điện tử, Tập đoàn Intel đã đầu tư trên 1 tỉ USD, chưa kể doanh số sản xuất của Tập đoàn Liên doanh Fujitsu cũng đạt mức 1 tỉ USD/năm. Mới đây, Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương (Indochina Telecom), là nhà khai thác mạng thông tin di động thứ 8, có đề án xin cấp phép triển khai mạng di động tại Việt Nam bên cạnh VinaPhone, MobiFone, Viettel, S-Fone, EVN Telecom và HT Mobile, G.tel. Ngày 19-4-2008, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam mang tên Vinasat I đã được phóng lên quỹ đạo, đánh dấu bước phát triển mới của hạ tầng viễn thông Việt Nam.

Theo cam kết trong đàm phán khi gia nhập WTO về dịch vụ viễn thông, Việt Nam cơ bản sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) hoặc liên doanh (J/V) với vốn nước ngoài không quá 49% đối với doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng (FBO), và không quá 51% (ngay sau khi gia nhập WTO) và 65% (lộ trình sau 3 năm) đối với dịch vụ không có hạ tầng mạng (SBO). Các nhà khoa học và quản lý, đặc biệt là doanh nghiệp đều cho rằng, hình thức đầu tư mới (liên doanh - J/V) sẽ là một cú hích mạnh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực viễn thông. Dự báo, trong thời gian tới, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh sẽ nhanh chóng xin chuyển đổi từ hình thức đầu tư sang liên doanh do hình thức hợp tác kinh doanh như trước đây không còn thực sự phù hợp. Tập đoàn SLD Telecom đã có kiến nghị Bộ Thông tin và truyền thông về dự án cần được chuyển đổi sang hình thức liên doanh. Tập đoàn Viễn thông Comvik là một trong những đối tác đầu tiên tại Việt Nam đã khởi động ý tưởng chuyển đổi sang hình thức liên doanh để tiếp tục ở lại thị trường Việt Nam khi hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Thông tin di động (VMS) kết thúc. Như vậy, họ có thể trực tiếp cung cấp các dịch vụ tiện ích và giá trị gia tăng cho khách hàng, thay vì trước đây Comvik chỉ đầu tư hạ tầng mạng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân viên.

Cam kết của Việt Nam là các công ty nước ngoài không chỉ được phép thực hiện các hợp đồng hợp tác kinh doanh viễn thông dưới dạng cổ phần, mà còn có thể liên doanh với các doanh nghiệp có hạ tầng mạng với mức vốn góp dưới 49%. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ không có hạ tầng mạng, Chính phủ khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia. Vì vậy, các công ty nước ngoài có thể liên doanh với bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào có giấy phép cung cấp các dịch vụ đó, theo lộ trình đóng góp 60% vốn, sau đó mở rộng và không hạn chế vốn góp. Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường cho các công ty viễn thông nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Vấn đề quan trọng hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải có năng lực cạnh tranh, thể hiện ở cả hai mặt chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng, chứ không phải chạy theo số lượng thuê bao. Làm tốt được những điều này chúng ta sẽ biến được khó khăn, thách thức thành cơ hội và triển vọng.

2. Định hướng chiến lược phát triển

Thế kỷ XXI là thế kỷ phát triển mạnh mẽ chưa từng có của khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin. Xu thế phát triển của Việt Nam, tất yếu, không thể nằm ngoài quy luật của thời đại. Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã định hướng : "Đi thẳng vào công nghệ hiện đại đối với các ngành mũi nhọn, đồng thời lựa chọn các công nghệ thích hợp, không gây ô nhiễm và khai thác được lợi thế về lao động. Chú trọng nhập khẩu công nghệ mới, hiện đại"(1) và xác định: phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã quan tâm thực hiện các nguyên tắc: kết hợp hài hòa lợi ích giữa các bên, tranh thủ tận dụng nguồn tài chính và học hỏi các bí quyết công nghệ cao; tham gia vấn đề bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa (một trong những vấn đề mới đối với Việt Nam); bảo đảm thực hiện chặt chẽ các nguyên tắc quản lý nhà nước trong liên doanh, liên kết kinh tế theo định hướng chỉ đạo, lãnh đạo của bộ chủ quản.

Công nghệ thông tin mang lại nhiều tiện ích hữu hiệu cho người dân ở những vùng sâu, vùng xa. Bây giờ, người dân đã có thói quen sử dụng mạng thông tin để giao tiếp, xem tin tức thời sự và tìm kiếm các thông tin về khuyến nông, khuyến lâm, pháp luật, chế độ chính sách... Từ năm 2007, ngành bưu chính viễn thông đã đầu tư trên 2.200 máy tính và nối mạng cho 2.000 điểm bưu điện - văn hóa xã ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cả nước đã có hơn 2 triệu thuê bao in-tơ-nét, đạt tỷ lệ gần 7,67 máy/100 dân.

Với sự chỉ đạo sát hợp, tính toán và dự báo chuẩn xác, lộ trình phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 của Đảng, ngành đã chủ động và sáng tạo trong hợp tác, liên doanh, liên kết tạo ra sản phẩm mới trong lĩnh vực viễn thông, phục vụ kịp thời sự phát triển của nền kinh tế. Thế giới đang đứng trước nhiều vấn đề có tính toàn cầu mà không một quốc gia, một khu vực riêng lẻ nào có thể giải quyết nổi nếu không có sự hợp tác quốc tế. Việc hợp tác, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực viễn thông đã tạo ra những đột phá, mức tăng trưởng luôn ổn định và mang lại nhiều tiện ích cả về kinh tế cũng như các vấn đề an sinh xã hội.

Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào hợp tác kinh doanh, cần tiếp tục tái khẳng định tuân thủ các quy định theo cam kết WTO, Việt Nam sẽ không sử dụng các biện pháp hành chính để hạn chế thị trường nhằm thực hiện nhất quán chính sách và pháp luật của Nhà nước. Phương châm là hết sức coi trọng sự hợp tác với các đối tác vì mục đích kinh tế, vì lợi ích của khách hàng và vì sự phát triển một nền tảng văn hóa trong doanh nghiệp và trong xã hội.

Vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật của Việt Nam về viễn thông trong điều kiện toàn cầu hóa đang là một thách thức. Chúng ta vẫn chưa có nền kinh tế và khoa học - kỹ thuật chuyên ngành viễn thông phát triển cao. Pháp luật về việc liên doanh, liên kết cũng chưa hoàn thiện, thể chế chưa tương thích với quốc tế và khu vực nên vẫn là một rào cản cần tiếp tục hoàn thiện. Với kinh nghiệm của gần 20 năm hợp tác kinh doanh, liên kết, hy vọng rằng chúng ta sẽ tổng kết kinh nghiệm và sẽ tạo lập được một môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch, ổn định nhằm tiếp tục tạo ra bước đột phá mới./.