TCCSĐT - Hội nghị cấp cao Á – Âu lần thứ 9 (ASEM 9) diễn ra trong hai ngày 5 và 6-11-2012 tại thủ đô Viên Chăn (Lào), đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ đối tác Á - Âu, tạo động lực cho việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở hai châu lục.

Diễn ra hai năm một lần luân phiên tại mỗi châu lục, trong bối cảnh tình hình thế giới và hai châu lục có nhiều biến đổi nhanh chóng và phức tạp, đặc biệt kinh tế một số nước thành viên châu Âu đang gặp nhiều khó khăn, nhưng ASEM 9 vẫn thu hút sự tham dự của đông đủ các nguyên thủ và các nhà lãnh đạo Chính phủ thành viên ASEM. Sau 16 năm được chính thức thành lập tại Hội nghị cấp cao lần thứ nhất ở Băng-cốc, thủ đô Thái Lan vào tháng 3-1996, đến nay ASEM đã trở thành một diễn đàn cấp cao quan trọng để lãnh đạo các nước thành viên thường xuyên trao đổi những vấn đề cấp thiết quan trọng trong đời sống chính tri, an ninh, đặc biệt là kinh tế của hai châu lục.

Cùng với đó, tầm vóc sức mạnh của ASEM tiếp tục được tăng cường, khi ASEM 9 đã đánh dấu đợt mở rộng thành viên lần thứ 4, với việc chính thức kết nạp thêm Băng-la-đét, Na Uy và Thụy Sĩ nâng tổng số thành viên của ASEM từ 26 thành viên sáng lập tăng lên 51 thành viên, trong đó có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 12 thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), đại diện cho gần 60% dân số thế giới, đóng góp gần 60% thương mại và khoảng 50% GDP toàn cầu. Với kết quả nổi bật này, ASEM đã ngày càng trở thành một thực thể lớn mạnh và là một cơ chế hợp tác liên khu vực bền vững và lớn nhất thế giới.

ASEM 9 đã có một chương trình làm việc hết sức khẩn trương, bận rộn, với bốn phiên họp chung, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng cấp thiết của hai châu lục và toàn cầu. Các nhà lãnh đạo ASEM đánh giá cao việc nước chủ nhà Lào lựa chọn chủ đề của Hội nghị năm nay là: “Bạn bè vì hòa bình, đối tác vì thịnh vượng” bởi sẽ không thể có thịnh vượng, phát triển nếu không có hòa bình, ổn định và an ninh. Bởi vậy, ASEM 9 đã nhanh chóng nhất trí thông qua “Tuyên bố Viên Chăn về tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển” và “Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEM 9” cùng 11 sáng kiến mới. Những văn kiện này, là thông điệp của các nhà Lãnh đạo ASEM, khẳng định quyết tâm vượt qua sự suy giảm kinh tế, đẩy mạnh hợp tác tài chính, kết nối, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tạo việc làm, chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững, nhằm góp phần tạo động lực cho phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tại ASEM 9, lãnh đạo hai châu lục Á - Âu cũng đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng về phương hướng tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, cả truyền thống và phi truyền thống, nhất trí coi trọng đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề phát triển, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác về bảo vệ nguồn nước và phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai… Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh, cần tiếp tục cải cách các định chế quản trị toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phát huy vai trò của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển. Đặc biệt, các nhà Lãnh đạo nhất trí cần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, gia tăng đối thoại, hợp tác và liên kết, nhằm vượt qua những khó khăn kinh tế và các thách thức toàn cầu hiện nay. ASEM 9 cũng đã đạt được sự nhất trí chung trong việc coi trọng vai trò trung tâm và các cơ chế hợp tác của ASEAN, trong việc giải quyết các khác biệt, tranh chấp khu vực thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Khi tại hai khu vực và thế giới đang có những diễn biến phức tạp và căng thẳng về các vấn đề chính trị, an ninh, đây là điều có ý nghĩa rất quan trọng.

Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của Hội nghị. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong những lãnh đạo cấp cao được mời đại diện cho các thành viên châu Á phát biểu đề dẫn tại Phiên thảo luận về “Các vấn đề toàn cầu”. Tại ASEM 9, Việt Nam cũng đã đưa ra 2 sáng kiến về tổ chức “Hội nghị cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” và “Hội thảo ASEM về quản lý nước và lưu vực sông - Cách tiếp cận theo hướng tăng trưởng xanh”, được Hội nghị hoan nghênh và ủng hộ.

Đây là lần đầu tiên ASEM thông qua sáng kiến về ứng phó với thiên tai và nhiều thành viên tham gia đồng sáng kiến. Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều đề xuất thiết thực nhằm hài hòa lợi ích và gia tăng điểm đồng trong nhiều lĩnh vực hợp tác, như đẩy mạnh trụ cột hợp tác kinh tế, hỗ trợ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế xanh, tăng cường kết nối khu vực và liên khu vực, kết nối Tiểu vùng Mê Công…. Những đóng góp đó và những hoạt động tích cực của Việt Nam đối với tiến trình phát triển của ASEM ngay từ ngày thành lập đã khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên sáng lập, tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại Diễn đàn quan trọng này. Hiện nay, tất cả các đối tác chiến lược, các đối tác toàn diện, và hầu hết các đối tác thương mại tự do (FTA) hàng đầu của Việt Nam đều là thành viên ASEM. Sự phát triển của ASEM, vì thế, cũng luôn gắn liền với lợi ích của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Lần đầu tiên đăng cai và tổ chức ASEM 9, nước bạn Lào đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò nước chủ nhà của Hội nghi, góp phần khẳng định vai trò ngày càng tích cực và chủ chốt của ASEAN tại các cơ chế hợp tác khu vực và liên khu vực. Những dấu ấn nổi bật đó kết hợp với tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận cao từ các nước thành viên đã góp phần vào thành công của ASEM 9. Kết quả tốt đẹp này sẽ tạo niềm tin, động lực để hai châu lục Á - Âu nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức hiện nay, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở hai châu lục quan trọng này của thế giới./.