TCCSĐT - Ngày 20-10, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì Hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch năm 2012 và kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2013.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và khoảng 5.500 đại biểu tham dự tại 63 cầu truyền hình trên cả nước.

Những năm gần đây, tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, nhiều chủng bệnh mới đã xuất hiện và đi kèm những bệnh có khả năng kháng thuốc cao đã gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội, sức khỏe người dân. Các dịch bệnh mới nổi đã vào nước ta trong 5 năm qua nhưng chúng ta chỉ có thể ngăn chặn ở mức độ nhất định đó là cúm A (H5N1), sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy huyết tán do E.coli, viêm đường hô hấp cấp, viêm cầu lợn, amip ăn não người và bệnh dại. Riêng bệnh SARS đã khống chế được hoàn toàn.

Trong khi bệnh đậu mùa, dịch hạch, uốn ván sơ  sinh là những bệnh mà Việt Nam đã được “xóa sổ” ở Việt Nam thì một số bệnh nhiễm trùng nay đã xuất hiện trở lại như tả, sởi, sốt xuất huyết, nhiễm khẩu liên cầu lợn, dại và bệnh tay, chân, miệng. Đặc biệt, tình trạng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện tại 2 địa phương: Bình Phước và Đắc Nông. Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Yế Nguyễn Thanh Long khuyến cáo, bệnh tay chân miệng vẫn là mối nguy cơ lớn ở nước ta, không được chủ quan, lơ là vì những người bị nhiễm tay chân miệng vẫn có thể bị mắc trở lại (không có miễn dịch).

Cũng theo Bộ  Y tế, một trong những nguyên nhân dân dẫn đến việc xuất hiện nhiều loại bệnh dịch là do sự gia tăng giao lưu giữa các khu vực trong nước và quốc tế làm tăng tính cảm nhiễm của người dân đối với bệnh dịch. Bên cạnh đó, thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận lớn dân cư còn rất hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh dịch mới có điều kiện phát sinh.

Tại cuộc họp trực tuyến, nhiều địa phương cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân chính là hiện nay nguồn nhân lực trong hệ thống y tế dự phòng còn thiếu cả về chất lượng và số lượng; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị còn thiếu, đặc biệt là trang thiết bị phục vụ cho xét nghiệm, chẩn đóan…

Từ thực tế đó Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã đưa ra những giải pháp phòng, chống bệnh những tháng cuối năm 2012 và cả năm 2013. Trong đó, trọng tâm là  thành lập Ủy ban Quốc gia phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi; giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để xảy ra dịch lớn. Tập trung vào các dịch bệnh: tay, chân, miệng, sốt xuất huyết, cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), rubella, tả, sốt rét, bệnh dại, các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng và một số bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Ban hành kế hoạch tổng thể và đầu tư tài chính cho công tác phòng chống dịch; song song đó tăng cường trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống dịch.

Để thực hiện các nhóm giải pháp, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ tăng cường giám sát dịch bệnh chủ động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, điều trị kịp thời. Thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của dịch bệnh ở từng địa phương để có biện pháp phòng, chống. Phát huy tối đa các biện pháp phòng bệnh chủ động bằng vắc xin, đặc biệt là các hoạt động của chương trình tiêm chủng quốc gia.

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về biện pháp phòng, chống bệnh cho nhân dân ở những nơi có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người như trường học, khu công nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực phòng và chống dịch bệnh của ngành y tế, đồng thời yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương cần tập trung giải quyết 4 loại bệnh lây nhiễm trọng tâm là: dại, cúm, chân, tay, miệng  và sốt xuất huyết.

Ngành y tế và ngành giáo dục cần có đợt tổng kiểm tra về nguy cơ phòng chống bệnh dịch trên cả nước theo các tiêu chí cụ thể như sau: Rửa tay, ăn chín, uống sôi, ngủ có màn và diệt lăng quăng. Đối với nhà dân cần kiểm tra đánh giá 3 công trình là: nhà tắm, giếng nước và ao hồ. Đối với trẻ em cần kiểm tra, đánh giá việc: ăn sạch, uống sạch, chơi sạch. Phó Thủ tướng giao: Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương tổ chức tổng kết 25 năm tiêm chủng mở rộng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm tới kiểm sóat cúm gia cầm và chó dại đang có nguy cơ bùng phát, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc; Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề cương tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh trong năm 2013.

* Chiều 20-10, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang.

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Bắc Giang báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2012, kết quả thu hút đầu tư và hoạt động của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Bắc Giang, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nông nghiệp là thế mạnh của Bắc Giang nên thời gian qua, địa phương đã bảo đảm được an ninh lương thực, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định. Tuy nhiên, tỉnh cần chỉ đạo xúc tiến việc liên danh, liên kết với doanh nghiệp các địa phương khác nhằm phát huy thương hiệu cũng như giá trị của sản phẩm nông nghiệp như: vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế. Việc phát triển trồng nấm, tỉnh đã có Đề án và triển khai được 40%, còn 60% sẽ cố gắng thúc đẩy các bộ, ngành liên quan triển khai nhanh.

Phó Thủ tướng cho rằng, Bắc Giang cần chú trọng khai thác các tiềm năng, giá trị văn hóa của các dân tộc để phát triển du lịch. Cách Thủ đô Hà Nội không xa, đường sá thuận tiện, lại có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, Bắc Giang phải biết khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng để hu hút khách đến với Bắc Giang ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề; sớm ổn định, nâng cấp các khu công nghiệp để thu hút đầu tư...

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Bắc Giang về cơ chế chính sách và hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội./.