TCCSĐT - Ngày 18-10, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ họp báo về kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo (KNTC) tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Tại cuộc họp báo về kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo (KNTC) tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, ngày 18-10, tại Hà Nội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, tính đến ngày 15-12-2011, qua công tác thống kê, nắm tình hình, cả nước còn 528 vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp kéo dài.

Với tinh thần tập trung cao và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, qua hơn bốn tháng triển khai quyết liệt,việc kiểm tra, rà soát và giải quyết 528 vụ việc KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tính đến ngày 15-10-2012, đã kiểm tra, rà soát 486/528 vụ việc (đạt trên 92%). Cụ thể, số vụ thống nhất với địa phương dự kiến chấm dứt khiếu nại hoặc chấm dứt thụ lý, giải quyết là 282 vụ việc, chiếm 58%; số vụ yêu cầu địa phương giải quyết, giải quyết lại hoặc xem xét hỗ trợ cho người dân là 131 vụ việc, chiếm 27%; số vụ việc thống nhất xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là 41 vụ việc, chiếm 8,4%; số vụ việc các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đang phối hợp giải quyết 32 việc, chiếm 6,6%. Theo Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh, các vụ việc tồn đọng tập trung chủ yếu vào đất đai. Trong đó, lớn nhất về khiếu nại bồi thường đền bù thu hồi đất giải phóng mặt bằng các dự án; tranh chấp đất đai và khiếu kiện đòi đất, nhà cũ; thực hiện các chính sách quản lý nhà nước về đất đai...

Về nguyên nhân các vụ khiếu nại tồn đọng kéo dài cho thấy, một số vụ án do tồn đọng phát sinh nhiều năm và pháp luật điều chỉnh vấn đề này đã có nhiều thay đổi, hồ sơ tài liệu bị thất lạc hoặc không đủ để làm căn cứ xem xét; các ngành, các cấp giải quyết đúng thẩm quyền, đúng pháp luật hiện hành nhưng do một số cơ chế, chính sách còn chưa bảo đảm được sự hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế với công bằng và an sinh xã hội nên người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Ngoài ra, tính khả thi của một số quy định còn hạn chế và thiếu cơ chế bảo đảm thực hiện. Đó là chưa kể đến nếu có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi cho người khiếu nại thì cũng cần phải cân nhắc một cách hết sức kỹ lưỡng và thực hiện thận trọng để tránh phát sinh khiếu nại mới theo phản ứng dây chuyền.

Trong khi đó, cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương, bộ, ngành còn thiếu thống nhất, còn có sự lúng túng giữa việc áp dụng các biện pháp vận động, thuyết phục với xử lý nhằm vừa bảo đảm tính công khai, dân chủ với bảo đảm tính kỷ cương pháp luật.

Về giải pháp, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết, lần này, Thanh tra Chính phủ tập trung vào các vụ việc tồn đọng (có vụ từ năm 1977). Theo đó, không thanh tra từng vụ việc mà Tổ Công tác của Trung ương sẽ cùng địa phương rà soát lại trên tinh thần cùng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ để giải quyết việc đó, sẽ không phải có kết luận thanh tra mà là biên bản chung giữa một đồng chí Thứ trưởng và chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh. Đây có thể gọi là “đồng sản phẩm” nhằm tránh ý kiến khác nhau khi cho rằng Trung ương áp đặt và địa phương phải phục tùng dẫn đến khâu thực hiện về sau khó khăn. Như vậy, phương án giải quyết sẽ là phương án chung giữa Trung ương và địa phương; cùng rà soát, thống nhất, cùng tìm biện pháp để dứt điểm, thậm chí là cùng đối thoại với người dân và chu kỳ giải quyết sẽ phải rút ngắn hơn. Mục tiêu chính là giải quyết dứt điểm, thấy sai xác định sửa sai, sau đó giải quyết, giúp người dân ổn định cuộc sống. Trong thực tiễn, phải tính toán phương án giải quyết cuối cùng với xu hướng đáp ứng quyền lợi chính đáng của người dân. Người dân phải đồng thuận mới giải quyết dứt điểm. Cụ thể, cách giải quyết là xem lại cơ sở pháp lý, điều kiện địa phương để xem xét vận dụng giải quyết cho người dân không bị thiệt thòi, bảo đảm quyền lợi chính đáng của họ. Trong trường hợp đặc biệt không giải quyết được với địa phương phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để có cơ chế đặc thù giải quyết.

Phát biểu tại buổi họp báo, đồng chí Huỳnh Phong Tranh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã triển khai rất quyết liệt, tập trung với nỗ lực cao nhất, ưu tiên cho nhiệm vụ chính trị quan trọng này. Xác định đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp vì nằm trong tổng số gần 2.000 vụ tồn đọng, phức tạp từ năm 2009, qua giải quyết còn tồn lại đến năm 2011 với sự chồng chéo về thủ tục, cơ chế, chính sách, thẩm quyền. Đồng chí cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát 42 vụ việc còn lại, phấn đấu hoàn thành quá trình kiểm tra, rà soát và có phương án giải quyết xong toàn bộ 528 vụ việc tồn đọng, kéo dài trước ngày 31-10-2012. Sau khi rà soát, đối với những vụ việc đã giải quyết đúng pháp luật, hoặc người dân tự nguyện chấm dứt khiếu nại, sẽ tiến hành ra các thủ tục chấm dứt như: họp liên ngành tại địa phương làm biên bản thống nhất giải quyết; hoặc tổ chức đối thoại với người dân trên tinh thần công khai, dân chủ, qua đó vận động, thuyết phục người dân thực hiện phương án giải quyết. Đối với các vụ việc yêu cầu địa phương giải quyết lại, hoặc vận dụng chính sách xã hội hỗ trợ người dân, trong phạm vi thẩm quyền chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì triển khai xem xét, giải quyết lại vụ việc hoặc hỗ trợ cho người dân theo đúng quy định của pháp luật… Mục tiêu từ nay đến cuối năm giải quyết dứt điểm 30% - 40% số vụ việc đã rà soát, trong đó ưu tiên những vụ việc khiếu nại về đất đai trọng điểm, được dư luận xã hội quan tâm.

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng đề nghị các ủy ban của  Quốc hội quan tâm, tăng cường giám sát; các bộ, ngành Trung ương, địa phương, nhất là các cơ quan báo chí... cùng đồng thuận nhằm giúp đỡ cơ quan thanh tra làm tốt công tác giải quyết KNTC./.