TCCSĐT - Trên cơ sở phân tích thực trạng công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, chỉ ra những mặt mạnh và mặt hạn chế trong công tác này của Hải quan Quảng Ninh thời gian qua, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu qua biên giới trong thời gian tới.

Hải quan Quảng Ninh với nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu

Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh ra đời ngày 8-2-1964 và đã trải qua nhiều sự thay đổi về tổ chức và nhân sự. Đến năm 2002, để triển khai thực hiện Luật Hải quan, một lần nữa bộ máy tổ chức của Hải quan tỉnh Quảng Ninh lại được sắp xếp, thay đổi. Đây chính là lần chuyển đổi lớn nhất, có tính chất bước ngoặt quan trọng trong việc xây dựng lực lượng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách, phát triển và hiện đại hoá hoạt động hải quan trong điều kiện hội nhập kinh tế Quốc tế. Hiện nay, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh có 20 đơn vị; trong đó, có 8 đơn vị cấp phòng, ban; 9 đơn vị chi cục hải quan cửa khẩu và tương đương; 3 đội kiểm soát trực thuộc cục.

Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới, Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã xác định một số mục tiêu quan trọng trong kế hoạch cải cách, phát triển đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, cụ thể như sau:

- Xây dựng lực lượng cán bộ đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu; thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa, thống nhất, đạt chuẩn mực quốc tế dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro; trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và sử dụng công nghệ cao;

- Thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai, Cẩm Phả và Chi cục Hải quan cảng Cái Lân;

- Xây dựng trụ sở làm việc tại các Chi cục và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại tại Cục và các địa bàn trọng điểm;

- Kiểm tra thực tế hàng hoá xuất, nhập khẩu bằng máy soi container tại địa điểm kiểm tra hàng hoá tập trung ở cửa khẩu Móng Cái;

- Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hoạt động ổn định, đồng bộ, bảo đảm an ninh, an toàn, thông tin thông suốt, kịp thời đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ hải quan, hướng tới thực hiện thủ tục hải quan điện tử; phục vụ chỉ đạo, điều hành, trao đổi với các cơ quan trong và ngoài ngành.

Thực trạng công tác phòng, chống buôn lậu

Đứng chân trên một địa bàn trọng yếu, tình hình buôn lậu đang diễn ra hết sức nóng bỏng và phức tạp, Hải quan Quảng Ninh xác định, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng, chống buôn lậu của Hải quan Quảng Ninh gồm: một phòng tham mưu xử lý vi phạm và thu thập thông tin nghiệp vụ thuộc Cục có 14 người; 3 đội kiểm sát trực thuộc Cục là Đội kiểm soát I - đóng tại thành phố Móng Cái với 31 người, Đội kiểm soát II - đóng tại thành phố Hạ Long có 26 người, và Đội kiểm soát phòng, chống ma túy - đóng tại Hạ Long với 9 người. Ngoài ra, còn có 8 tổ kiểm soát trực thuộc các chi cục với số biên chế tùy thuộc, từ 3 đến 8 người. Cùng với lực lượng trực tiếp phòng, chống buôn lậu, các trang thiết bị và phương tiện chuyên dụng chống buôn lậu gồm: 5 tàu tuần tra biển, 4 xuồng máy, 3 xe ô tô, một số vũ khí, công cụ hỗ trợ và thiết bị thông tin liên lạc, phương tiện kỹ thuật chuyên dùng.

Như thế, Quảng Ninh là một địa bàn rộng, địa hình phức tạp, lại có cả biên giới biển và đất liền, trong khi tình hình buôn lậu qua biên giới ngày càng sôi động và diễn biến phức tạp, thì với lực lượng và phương tiện trang bị cho lực lượng hải quan ít ỏi như nêu trên, rõ ràng là công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu của lực lượng hải quan chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn.

Triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu. Để đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trong tình hình mới, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm đấu tranh thành công chống buôn lậu giai đoạn 2001-2006, Hải quan Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai phương án đấu tranh phòng, chống buôn lậu giai đoạn 2007-2010.

Thời gian qua, Hải quan Quảng Ninh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2535/2003/QĐ-UB quy định về phân công trách nhiệm và mối quan hệ công tác giữa các cơ quan đấu tranh chống buôn lậu trên địa bàn. Để triển khai quyết định này, Hải quan Quảng Ninh đã ký kết một số quy chế phối hợp với các cơ quan hữu quan trên địa bàn. Cụ thể, ký kết Kế hoạch phối hợp hoạt động số 01/KH-LN, ngày 28-3-2005, với Bộ đội Biên phòng tỉnh; Quy chế phối hợp số 179/QC-PH, ngày 12-3-2003, với Công an và Bộ đội Biên phòng trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và giữ gìn an ninh khu vực biên giới, biển đảo; Quy chế số 01/QCLN với Công an và Bộ đội Biên phòng về phối hợp đấu tranh chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Ngoài ra, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh thành lập 2 tổ kiểm soát liên ngành tại Móng Cái.

Bên cạnh đó, Hải quan Quảng Ninh còn chủ động ký kết Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT với Mặt trận Tổ quốc tỉnh, ngày 07-05-2004, về việc phối hợp vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Kết quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu. Thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu của Cục Hải quan Quảng Ninh đã đạt được một số kết quả cụ thể sau: chỉ tính từ năm 2002 đến năm 2008, trung bình mỗi năm bắt giữ, xử lý khoảng gần 1.000 vụ buôn lậu qua biên giới (năm 2002 là năm nhiều nhất: 1.414 vụ; năm 2008 là năm ít nhất 469 vụ) với trị giá trung bình khoảng trên 12 tỉ đồng/năm. Đặc biệt, gần đây, đã bắt giữ, xử lý những vụ buôn lậu có quy mô lớn, hàng hóa có trị giá cao. Chẳng hạn, năm 2006 có 8 vụ phải xử lý hình sự : 5 vụ nhập lậu pháo nổ, 2 vụ vận chuyển động vật hoang dã, 1 vụ vận chuyển 6 kg vàng; năm 2007: bắt giữ 6 vụ vận chuyển pháo nổ, thu giữ 430 kg, phối hợp với Bộ đội Biên phòng bắt giữ 20 bánh hê-rô-in (6,9 kg) ; năm 2008: bắt giữ 2 vụ vận chuyển ma túy (thu giữ 2 kg kê-ta-min và 10.762 viên ma túy tổng hợp), 1 vụ vận chuyển 8,8 tấn nhựa cần sa...

Bên cạnh đó, Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã củng cố được mối quan hệ phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn bằng những hiệu quả thực tế. Hai đội kiểm soát liên hợp hải quan - biên phòng được thành lập từ năm 2003, hằng năm đều bắt giữ trên 150 vụ, trị giá trên 2 tỉ đồng. Ngoài ra, rất nhiều vụ việc khi bắt giữ phương tiện chở hàng nhập lậu trên đường, lực lượng kiểm soát hải quan đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực từ cơ quan công an. Những sự hỗ trợ này đã làm tăng thêm sức mạnh trấn áp đối với các đối tượng buôn lậu lưu manh chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và hàng hoá.

Nhờ những nỗ lực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu mà Cục hải quan tỉnh Quảng Ninh ngày càng được Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh tin tưởng. Chính quyền tỉnh thường xuyên quan tâm xem xét hỗ trợ về kinh phí và trang thiết bị cho hoạt động kiểm soát của hải quan; coi trọng những đóng góp, tham mưu, đề xuất của Cục Hải quan tỉnh đối với công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên địa bàn.

Một số hạn chế của công các phòng, chống buôn lậu

Về lực lượng

Lực lượng kiểm soát Hải quan Quang Ninh có hơn 100 người. Hiện tại chỉ có gần một nửa số cán bộ, công chức có chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ kiểm soát, điều tra chống buôn lậu (như được đào tạo các ngành về kiểm soát hải quan, cảnh sát, an ninh, luật). Số còn lại chủ yếu được đào tạo các chuyên ngành khác hoặc về thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, thực hiện quy định về luân chuyển cán bộ, Hải quan Quảng Ninh phải thường xuyên luân chuyển, điều động các vị trí công tác trong toàn đơn vị. Do đó, nhiều người có chuyên môn kiểm soát lại phải sang làm các nghiệp vụ khác. Số cán bộ có chuyên môn không phù hợp được chuyển làm công tác đấu tranh chống buôn lậu thì phải vừa làm, vừa học. Do có quá nhiều cán bộ phải theo học các lớp đào tạo tại chức, nghiệp vụ, dẫn đến số lượng thực tế làm việc liên tục bị thiếu hụt. Còn có một nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do công tác đào tạo nghiệp vụ kiểm soát đấu tranh phòng, chống buôn lậu cho lực lượng hải quan hiện nay chưa được tổ chức chính quy, bài bản.

Tất cả các chi cục hải quan đều có tổ kiểm soát trực thuộc, chịu sự quản lý, điều động trực tiếp của lãnh đạo chi cục. Lực lượng kiểm soát của Hải quan Quảng Ninh, tuy đã được triển khai đến tất cả các địa bàn hoạt động, nhưng cách bố trí như vậy có nhược điểm là rất dàn trải và không linh hoạt. Trong khi Móng Cái, là địa bàn trọng yếu của hoạt động buôn lậu, số lượng cán bộ kiểm soát luôn trong tình trạng rất thiếu, thì tại các nơi khác như Cái Lân, Hòn Gai, Bắc Phong Sinh, hoạt động buôn lậu mấy năm gần đây hầu như không diễn ra. Với cách thức tổ chức như vậy, việc điều động, tăng cường lực lượng kiểm soát cho các địa bàn trọng điểm luôn rất khó khăn, thiếu hẳn sự linh hoạt cần thiết.

Về hoạt động nghiệp vụ

Trong các hoạt động nghiệp vụ kiểm soát, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh có một số hạn chế, tồn tại sau:

Hoạt động kiểm soát chống buôn lậu trên biển những năm gần đây đạt kết quả không cao. Nguyên nhân khách quan là do phương tiện lạc hậu, tàu tuần tra có mã lực thấp, tốc độ chậm, không thể truy đuổi những tàu buôn lậu có mã lực lớn chạy ở luồng ngoài; chi phí xăng dầu cho một chuyến kiểm soát trên biển hoạt động dài ngày rất lớn, trong khi chế độ kinh phí lại rất hạn chế.

Hạn chế của mặt công tác này còn nằm ở những nguyên nhân chủ quan khác, đó là: Công tác nắm tình hình, trinh sát theo dõi các đối tượng buôn lậu trên tuyến biển triển khai không tốt nên hiệu quả kiểm soát không cao; công tác hỗ trợ, phối hợp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hoá xuất nhập khẩu, trao đổi thông tin giữa các đơn vị kiểm soát với các bộ phận nghiệp vụ khác thực hiện chưa tốt; việc triển khai thực hiện nghiệp vụ trinh sát bí mật chưa tốt, chưa tổ chức xây dựng được cơ sở bí mật; hiệu quả phối hợp công tác kiểm soát với các lực lượng chức năng trên địa bàn chưa cao; hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân còn nặng về hình thức...

Về trang thiết bị, phương tiện và chế độ kinh phí kiểm soát hải quan

Nhìn chung, tình trạng trang thiết bị đã quá cũ, chưa được bổ sung và thiếu các thiết bị chuyên dụng cần thiết cũng là một trong các nguyên nhân làm giảm hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm soát Hải quan Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, chế độ kinh phí cho các hoạt động nghiệp vụ còn nhiều bất cập, không bảo đảm cho việc mở rộng các hoạt động tuần tra, kiểm soát trên địa bàn, nhất là đối với tuyến biển. Chế độ phụ cấp, khen thưởng cho lực lượng kiểm soát cũng chưa hợp lý nên không khuyến khích được cán bộ, công chức làm nhiệm vụ này.

Về việc xử lý vi phạm

Qua số liệu bắt giữ và xử lý vi phạm từ năm 2002 đến nay có thể thấy, tuy số vụ vi phạm hằng năm được phát hiện, bắt giữ nhiều, trị giá hàng hoá lớn, nhưng số vụ bị xử lý hình sự lại rất ít. Không phải vì Hải quan Quảng Ninh không cố gắng, mà hạn chế này có nguyên nhân chủ yếu là từ các quy định của pháp luật.

Một hạn chế nữa trong việc xử lý vi phạm là hiệu quả đấu tranh với thủ đoạn quay vòng hoá đơn, chứng từ không cao. Nhiều vụ việc, không đủ cơ sở chứng minh hàng hoá chở trên các phương tiện vận tải là hàng nhập lậu nên phải trả lại cho chủ hàng. Đây là tình trạng chung mà nhiều lực lượng chức năng khác cũng gặp phải. Nguyên nhân chính là do chế độ hoá đơn, chứng từ lưu thông hàng nhập khẩu trong nội địa còn nhiều sơ hở để các đối tượng buôn lậu lợi dụng.

Một số bài học kinh nghiệm

Qua thực tế công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên địa bàn của Hải quan tỉnh Quảng Ninh thời gian gần đây, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, muốn cho công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu có hiệu quả, điều quan trọng nhất là chính quyền tỉnh phải có quyết tâm cao, chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tấn công quyết liệt, bắt giữ và xử lý nghiêm minh các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Thứ hai, phải gắn đấu tranh chống buôn lậu với đấu tranh chống tham nhũng; xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ bao che, tiếp tay cho buôn lậu; đi đôi với việc thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, công chức, nhất là việc nắm vững và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, phải xây dựng và tăng cường được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thứ tư, công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân phải được duy trì thường xuyên; việc vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống buôn lậu và không tiếp tay cho buôn lậu phải đi vào thực chất; cán bộ kiểm soát phải gần dân, gắn bó với nhân dân, nhất là dân cư ở những vùng giáp biên, ven biển, nơi tập trung các hoạt động buôn lậu.

Thứ năm, phải quan tâm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ kiểm soát hải quan. Lựa chọn những cán bộ giỏi làm nòng cốt, chú trọng các hoạt động trinh sát, thu thập thông tin nghiệp vụ và tổ chức đấu tranh chuyên án./.