Lời Bộ Biên tập: Nhằm giúp bạn đọc có thêm những thông tin về công tác dân vận ở cơ sở, Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở kỳ này xin trao đổi về một số vấn đề chung quanh công tác này.

Hỏi: Xin Tòa soạn cho biết khái quát một số tồn tại, vướng mắc trong công tác dân vận ở cơ sở hiện nay?

Đáp: Công tác dân vận ở mỗi giai đoạn mục tiêu có khác nhau, nhưng nội dung, phương pháp dân vận đều gắn liền với dân, trọng dân, vì dân. Dân vận không chỉ là tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà trước hết, những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật ấy đều phải bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân và nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn; qua thực hiện, khi cần sửa đổi, được đưa ra lấy ý kiến nhân dân để tiếp tục hoàn thiện. Công tác dân vận thực chất là làm khăng khít thêm mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thông qua công tác này, quần chúng đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, công tác dân vận, trách nhiệm và quy trình làm dân vận vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên, trong một số cơ quan đảng, chính quyền các cấp mơ hồ trong nhận thức, hoặc thờ ơ, hoặc làm qua loa, chiếu lệ. Nội dung, phương thức tập hợp, vận động quần chúng vẫn còn có những hạn chế, hình thức và thiếu sức hấp dẫn... Điều đáng nói là, bệnh quan liêu, phô trương hình thức, xa dân. Quy chế Dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chưa được thực hiện tốt tại nhiều xã, phường. Không ít nơi cấp ủy chưa coi trọng công tác dân vận, phó mặc cho cán bộ chuyên trách. Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, chưa sâu sát công tác dân vận, chưa cử những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, trình độ, năng lực làm công tác vận động quần chúng; nói chưa đi đôi với làm, còn biểu hiện xem nhẹ công tác dân vận. Thậm chí, ở một số nơi còn xảy ra tình trạng hách dịch, sách nhiễu, vi phạm quyền làm chủ của dân.

Trình độ và năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ ở vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. ở một số nơi, sự phối hợp giữa đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận và cấp ủy các cấp chưa thực sự đồng bộ. Chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận hiện vẫn còn bất cập, v.v..

Hỏi: Tại sao chính quyền phải làm công tác dân vận? Nội dung chính quyền làm công tác dân vận?

Đáp: * Yếu tố mang tính quyết định thành công trong công tác dân vận, trong sự nghiệp cách mạng là nhân dân. Do đó, chúng ta phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Chính quyền cần phải làm công tác dân vận vì phải khắc phục những yếu kém, còn hạn chế xem nhẹ công tác dân vận, thái độ phục vụ nhân dân còn khiếm khuyết, thể hiện:

- Công tác lập pháp, lập quy không theo kịp với sự phát triển của thực tiễn, có không ít trường hợp luật đã ban hành, song các văn bản hướng dẫn có khi hằng năm sau vẫn chưa ban hành. Công tác tuyên truyền về luật pháp còn yếu kém, nhất là ở vùng sâu, nông thôn.

- Cải cách hành chính tiến triển chậm. Nhiều địa phương, bộ, ngành, đơn vị chưa có ý thức trách nhiệm đầy đủ về vấn đề nên chưa thể hiện quyết tâm và biện pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục. Tiềm năng to lớn trong nhân dân về sức người, trí tuệ chưa được huy động cao độ vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

* Chính quyền làm dân vận bằng việc tổ chức phổ biến, tuyên truyền các chính sách, pháp luật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quân sự và đối ngoại đến mọi người dân để họ nắm được và hiểu đúng. Chính sách, pháp luật đối với các lĩnh vực đó đã được Nhà nước thể chế hóa, luật pháp hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Đó là những quy định rõ ràng, dứt khoát, dễ hiểu đến mức người dân và cán bộ các cấp dễ làm, dễ thực hiện, là cơ sở pháp lý cho nhân dân hành động trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chính quyền làm dân vận bằng tổ chức thực hiện và gương mẫu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với việc phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật, chính quyền cấp trên trực tiếp của cơ sở và cấp cơ sở phải tổ chức và thực hiện tốt các quy định của chính sách, pháp luật. Do đó, các cơ quan chính quyền phải có kế hoạch, chương trình công tác bám sát cơ sở, tìm hiểu, nắm vững tình hình triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở, ở khu dân cư. Đồng thời, nắm tình hình đời sống, nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất của nhân dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều khó khăn, những vấn đề bức xúc, nổi cộm. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình, kế hoạch và tìm giải pháp, giao trách nhiệm cho cán bộ, cho cơ quan chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện đúng đắn, nhanh chóng, dứt điểm từng vấn đề đang đặt ra ở cơ sở, nhất là đơn thư của dân đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng.

Chính quyền làm dân vận bằng việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát động nhân dân khai thác các tiềm năng, nội lực xây dựng đất nước. Việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng phải dựa trên cơ sở chủ trương của Đảng, phù hợp với thực tiễn từng vùng, từng cơ sở và phải bảo đảm lợi ích thiết thực của nhân dân, phù hợp với lòng dân và phải theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Chính quyền làm dân vận bằng sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Các tổ chức đó là đội quân chủ lực của công tác vận động quần chúng, là sợi dây nối liền Đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân, có vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo nên các phong trào hành động cách mạng mạnh mẽ, sôi nổi và có hiệu quả ở cơ sở.

Hỏi: Xin Tòa soạn cho biết cụ thể những nét đổi mới trong công tác dân vận hiện nay?

Đáp: Thời kỳ hội nhập đặt ra trước tổ chức cơ sở đảng những yêu cầu mới, thách thức mới, nhiệm vụ mới, trong bối cảnh đó công tác dân vận cũng không ngừng được đổi mới để đáp ứng thiết thực yêu cầu của thực tiễn:

Về đối tượng và phạm vi dân vận, công tác dân vận được tiến hành không chỉ trong phạm vi tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên ở trong nước mà còn ở ngoài nước.

Về tính chất và quy mô dân vận, các hoạt động dân vận được tiến hành không chỉ ở tầm địa phương, quốc gia mà còn phải vươn ra tầm khu vực và thế giới, làm sao để quy tụ và tập hợp được thành một khối thống nhất không chỉ đội ngũ những cán bộ, đảng viên và người Việt Nam yêu nước ở trong nước hay ở nước ngoài, mà còn cả những người nước ngoài tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, độc lập và tự do, không phân biệt quốc tịch, giới tính, màu da, độ tuổi...

Về hình thức dân vận, bên cạnh các hình thức dân vận truyền thống, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận cần không ngừng chủ động học hỏi, sáng tạo, bổ sung các cách dân vận mới hiệu quả, như dân vận qua mạng internet hoặc qua các nhật ký điện tử (blog), diễn đàn (forum), qua các trang điện tử...

Về chủ thể làm công tác dân vận, ngoài đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận, cần thu hút được đông đảo người dân, những người đã và đang là đối tượng chịu tác động của công tác dân vận, thống nhất họ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc để mỗi người trong số họ tự nguyện thành một tình nguyện viên làm công tác dân vận. Làm được những điều này, một mặt, cũng chính là tăng cường tính dân chủ, sự tương tác hai chiều giữa những người làm công tác dân vận và cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân; mặt khác, để hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ, từ đó giúp tăng cường hiệu quả của hoạt động dân vận, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo và uy tín của Đảng./.