TCCS - Đến Hà Giang vào mùa nào cũng thú vị, cũng cuốn hút, mê đắm, giàu trải nghiệm. Đó không phải là sự dễ tính của người yêu tỉnh biên giới cực Bắc của Tổ quốc đến điên cuồng, mà là nhận xét của nhiều du khách từng đến Hà Giang ít nhất một lần trong đời. Tôi đến miền biên viễn này cũng nhiều, nhưng lần đầu đến vùng cao nguyên đất, nên thấy thật khác lạ…
1. Cái lạ đầu tiên là lần đầu tiên chúng tôi thấy một Hà Giang cao nguyên đất khi đi về phía các huyện Quang Bình, Hoàng Su Phì. Tỉnh cực Bắc Tổ quốc này đang trong chiến dịch quyết liệt làm đường giao thông, coi đó là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thế nên, vào ngày mưa, những con đường độc đạo, hiểm trở hết sức lầy thụt, bê bết, nhão nhoét bùn đất vô cùng khó đi, chứ không như khi lên với các huyện cao nguyên đá Đồng Văn. Tất nhiên, điểm chung rất Hà Giang thì không thể khác, ấy là sự điệp trùng núi đồi, nhỏ hẹp thung lũng, nhấp nhô bản làng, tầng bậc ruộng bậc thang. Mùa xuân, cữ tháng 1 tới tháng 3 hằng năm, các loại hoa, như đào, mận, cải vàng,… nở khắp cao nguyên, không phân biệt đất hay đá. Mùa xuân, cũng là mùa lễ hội, cũng không phân biệt vùng nào, đều tưng bừng, rực rỡ, đầy sắc màu.
Huyện Quang Bình được thành lập vào năm 2013. Những tòa công sở nằm tách hẳn khu dân cư hãy còn thưa vắng. Huyện mới, khó khăn nhiều hơn cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đó cũng là lợi thế không nhỏ. Ông Nguyễn Công Sự, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quang Bình cho biết, có 4 khó khăn lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đó là nguồn vốn còn hạn hẹp; nhận thức và trình độ của người dân còn nhiều hạn chế; doanh nghiệp đồng hành chưa có; bà con đang làm cảm tính, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường. “Địa hình, vị trí địa lý của Quang Bình tốt hơn so với nhiều huyện khác trong tỉnh, nhưng so với miền xuôi thì kém rất nhiều. Hàng hóa bao giờ cũng phải bán thấp hơn 1 đến 2 giá so với người dân dưới xuôi, bà con thiệt thòi nhiều”, ông Sự nói.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quang Bình bổ sung: “nguồn thu chính của nhiều gia đình từ thảo quả, nhưng rất bấp bênh vì chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Chăn nuôi thì số con nhiều như trâu, bò, lợn, gà…, nhưng sản lượng ít, chủ yếu thả rông”… Trong khi đó, du lịch còn mới mẻ, còn rất nhiều khó khăn trong việc tạo thành hướng đi mới, tạo sinh kế mới cho bà con. Nhưng huyện rất quyết tâm biến du lịch thành một ngành kinh tế chủ lực. Ông Sự cho rằng, thông qua việc xây dựng các làng văn hoá, khơi dậy, khai thác các lễ hội truyền thống, nhất là lễ hội nhảy lửa độc đáo, huyền bí. “Huyện sẽ chú trọng làm trọng điểm để mở rộng khai thác các làng du lịch khác. Khó cũng phải làm. Tập trung tuyên truyền, “cầm tay chỉ việc” để nhân dân dần nhận thức được thu nhập từ du lịch là lớn hơn trồng trọt, chăn nuôi”, ông Sự khẳng định.
Bà Hoàng Thị Thao, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Xuân Giang, huyện Quang Bình cho biết, xã chú trọng triển khai việc tuyên truyền, chọn đơn vị có điều kiện cụ thể hóa ngay, tiến hành làm điểm rồi sơ kết, rút kinh nghiệm mới nhân rộng. Các đoàn thể linh hoạt tùy điều kiện thực tế lựa chọn mô hình mới, sáng tạo, như chăn nuôi, trồng hoa, cải tạo vườn đồi tạp… Cốt sao là thay đổi, nâng cao đời sống người dân. Hay như tại xã Bằng Lang, huyện Quang Bình, có mô hình rất lạ là “Hội nàng dâu tự quản”. Bà Nguyễn Thị Đế, Chi hội trưởng chi hội họ Nguyễn Bảo Quang cho biết, hội nàng dâu tự quản được thành lập từ năm 2013, thường xuyên sinh hoạt nhóm tại gia đình. “Ban đầu hoạt động rất gian nan, nhưng đạt nhiều kết quả. Bác trưởng họ giúp đỡ, chị em ủng hộ, phong trào giúp nhau làm kinh tế đã có những kết quả tích cực”. Giờ, ở Bằng Lang đã có 4 hội nàng dâu tự quản rồi, hoạt động rất nền nếp, hiệu quả, không chỉ giúp phát triển kinh tế mà cuộc sống hằng ngày cũng rất hòa thuận, êm ấm…
2. Vượt qua quãng đường dài dặc, ngoằn ngoèo, hiểm trở từ Quang Bình vào Hoàng Su Phì, thi thoảng, chúng tôi lại phải dừng xe vì công nhân làm đường đang nổ mìn, đang thi công, hoặc xử lý sạt lở đất, đá. Quãng đường vì thế trở nên xa xôi, diệu vợi hơn. Mỗi lần tạm dừng nghỉ như vậy, chúng tôi lại được xuống xe, thênh thang ngắm cảnh núi đồi trập trùng, hùng vĩ với núi cao vời vợi, vực sâu thăm thẳm. Chập choạng tối, chúng tôi cũng tới huyện. Ông Lù Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoàng Su Phì giới thiệu vắn tắt, bắt đầu từ năm 2022, huyện tập trung phát triển kinh tế - xã hội với 4 trọng tâm, trọng điểm là nuôi cá lồng, lợn đen, mận máu, cá chép. “Chúng tôi tiến hành lựa chọn rồi triển khai điểm. Điều thuận lợi là có thực tiễn, định hướng, có sự đồng thuận của người dân, nên cảm thấy tốt hơn”, ông Chung nói, rồi tiếp “điểm khó khăn chung ở các xã trong huyện là tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguồn lực còn hạn chế, cần tuyên truyền sâu sát để người dân nhận thức được. Huyện thường xuyên giao ban với các xã, rất sát người, sát việc, quy trách nhiệm rõ ràng đến từng thành viên, nên công việc triển khai khá suôn sẻ, hiệu quả”.
Xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì đã đạt chuẩn nông thôn mới từ cuối năm 2017. Thu nhập trung bình của người dân là 38 triệu đồng, trước đó là 33 triệu, tăng do bà con chú trọng phát triển thế mạnh là thảo quả, chè, lợn đen, gà… chè hơn 50% trong thu nhập. Chúng tôi đến thăm một số gia đình điển hình trong trồng, sản xuất, phân phối chè shan tuyết ở Nậm Ty. Gia đình nào cũng khẳng định rằng bà con trong xã đều làm chè tự nhiên, bởi chè không được trồng tập trung, mỗi cây một nơi, không thể bón phân hay đưa cơ giới hóa vào được, người dân chỉ phát dọn thực bì thủ công để cây chè khỏi bị cây dại ăn mất chất. Nhìn rộng ra, cả huyện Hoàng Su Phì là nơi có diện tích trồng chè shan tuyết (chè Shan) lớn nhất tỉnh Hà Giang và cả nước. Huyện đã, đang và sẽ tập trung khai thác thế mạnh này, với việc xây dựng kế hoạch “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè shan tuyết và thương hiệu sản phẩm trà Hoàng Su Phì, giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Huyện Hoàng Su Phì hiện có hơn 4.600ha chè shan tuyết, sản lượng chè shan búp tươi đạt 12.880 tấn/năm, giá trị thu nhập hơn 115 tỷ đồng, trong đó diện tích cây chè shan cổ thụ là 2.000ha, sản lượng đạt trên 6.000 tấn/năm. Theo ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì, tuy có thế mạnh chè shan chất lượng cao, diện tích chè lớn, năng suất, sản lượng chè cao nhưng chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm chè chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tỷ lệ sản xuất chè shan theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, hữu cơ) được chứng nhận còn thấp (đạt 44% tổng diện tích).
Huyện đã nhiều lần tổ chức các lớp tập huấn trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế chè shan cho các hộ trồng chè, nâng cao kỹ thuật trong chăm sóc thu hái cho các hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ với trên 2.700 hộ tham gia. Hội Nông dân huyện Hoàng Su Phì đã thành lập và duy trì hoạt động các nhóm sở thích trồng chè shan, sơ chế, chế biến chè tại 4 xã là Nậm Ty (4 nhóm), Túng Sán (4 nhóm), Hồ Thầu (2 nhóm) và Sán Sả Hồ (1 nhóm).
Tất nhiên, không chỉ cây chè shan cổ thụ, “rốn” chè shan của cả nước hy vọng vào những sự tập trung phát triển cây mũi nhọn, các cây con thế mạnh khác rồi cũng được nhìn nhận, “đánh thức” để gia tăng giá trị, góp phần nâng cao đời sống người dân. Rồi đây, khi các tuyến đường giao thông được mở rộng, thông suốt, việc đi lại thuận tiện hơn, vùng cao nguyên đất chắc chắn sẽ có những bước phát triển đáng ghi nhận. Đường đi rồi sẽ thuận hơn. Cảm giác run rẩy, ngán ngẩm, sợ hãi vơi bớt. Sự khác lạ trong mỗi du khách đến với vùng đất này sẽ còn những ngỡ ngàng, thích thú, hứng khởi, tươi mới hơn.
***
Suốt dọc tuyến đường nhiều cảm xúc, thi thoảng lại có tiếng thốt lên: “Ôi trời ơi, đẹp quá!”. Ấy là khi xe đi qua những núi non điệp trùng, thung lũng bằng phẳng, ruộng bậc thang tầng nấc… Những câu cảm thán ấy theo dọc hành trình. Thậm chí, chỉ cần xe ngoặt qua một khúc cua tay áo trên con đường thiên lý kỳ vĩ ở vùng cao nguyên đất, sự cảm thán đã xuất hiện. Đơn giản thôi, bởi núi rừng điệp trùng, hùng vĩ, hiểm trở miền cao nguyên đất dẫu có đi đến trăm lần vẫn luôn thấy sự tươi mới, háo hức, hồi hộp. Chỉ là khi lên đến đỉnh đèo nào đó, dừng xe thảnh thơi ngắm con đường mình đã qua, thấy đủ sự gian nan, hiểm trở, nên thơ, mỗi chúng ta cũng đều có quyền ban cho mình một đặc ân, ấy là sự sung sướng, thỏa mãn khi đã chinh phục được con đèo, dù có nhờ ô tô đi nữa. Rồi đây, khi những con đường được cải tạo, nâng cấp, giao thông thông suốt, dễ đi, miền cao nguyên đất Hà Giang sẽ còn những đổi thay khác lạ nữa./.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)  (25/10/2022)
Hà Giang tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022  (12/10/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay