“Làng thông minh”: Giải pháp phát triển nông thôn châu Âu
TCCS - Xây dựng “Làng thông minh” (Smart Village) đang được xem là một giải pháp hữu hiệu góp phần hiện đại hóa khu vực nông thôn châu Âu, cải thiện đời sống của người dân nơi đây. Trong bối cảnh nhiều vùng nông thôn đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng cao bởi sự già hóa dân số, mức độ cô lập với các khu vực thành thị, khả năng tiếp cận dịch vụ công, tình trạng di cư…, các giải pháp về phát triển nền tảng kỹ thuật số, ứng dụng đổi mới sáng tạo… là những hành động cụ thể mà chương trình “Làng thông minh” ở châu Âu hướng tới.
Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 28% dân số, 76,1% diện tích khu vực Liên minh châu Âu (năm 2020), đóng góp 15,3% giá trị gia tăng của khu vực(1), song cải thiện cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn luôn được xem là một trong những trọng tâm ưu tiên trong các chính sách của EU. Trong “Tầm nhìn cho khu vực nông thôn đến năm 2040”, Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh, khu vực nông thôn là cấu trúc của xã hội, là một phần cốt lõi trong bản sắc và tiềm năng kinh tế. Do đó, EU sẽ có các chương trình đầu tư cho tương lai đối với khu vực này (2).
Hình mẫu phát triển “Làng thông minh”
Trên thực tế, khu vực nông thôn EU thời gian qua đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức ngày càng lớn, đó là: Sự suy giảm dân số vùng nông thôn ngày càng tăng (giai đoạn 2013 - 2017 đã có 500.000 người dân rời bỏ khu vực nông thôn), xu hướng già hóa dân số với tỷ lệ người già ngày càng cao. Bên cạnh đó, chênh lệch về thu nhập giữa người dân nông thôn và thành thị tăng (GDP bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tương ứng với 66% mức trung bình của EU-28, so với 118% ở thành thị); tỷ lệ dân số có nguy cơ đói nghèo và những rủi ro về gắn kết xã hội ở nông thôn cao hơn ở thị trấn và thành phố với mức 22,4% dân số so với 21,3% khu vực thành thị…
Ngoài ra, tại nhiều vùng nông thôn hẻo lánh, biệt lập, khả năng tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc sức khỏe y tế… còn thấp bởi sự thiếu hụt, khó khăn trong kết nối kết cấu hạ tầng (“hạ tầng cứng” gồm giao thông, thủy lợi…; “hạ tầng mềm” gồm dịch vụ thông tin, khả năng truy cập internet tốc độ cao…) (3). Trong lĩnh vực việc làm, mặc dù tỷ lệ việc làm ở khu vực nông thôn cao hơn ở thành phố, đặc biệt đối với những người trong độ tuổi 20 - 64, tương ứng với mức tăng 68% - 73% (giai đoạn 2012 - 2019). Tuy nhiên, số lượng lao động có việc làm không tăng. Điều này cho thấy tỷ lệ việc làm tăng không phải do tác động của chính sách mà thực tế là do dân số khu vực nông thôn giảm. Bên cạnh đó, vấn đề về chênh lệch giới trong lao động, việc làm cũng gia tăng đáng kể.
Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo và kỹ năng, tỷ lệ dân số ở độ tuổi 25 - 64 ở nông thôn có trình độ đại học đã tăng lên (từ 18% năm 2012 lên 22% năm 2019), song tỷ lệ này ở thành phố lại tăng cao hơn. Một vấn đề mà EC nhận thấy cần hành động ngay chính là khả năng tiếp cận các dịch vụ internet băng thông rộng, kỹ năng ứng dụng các giải pháp về kỹ thuật số đối với hầu hết người dân ở khu vực nông thôn còn quá yếu.
Nhằm ứng phó với những thách thức trên, EC triển khai các chương trình hành động cụ thể, trong đó có chương trình “Làng thông minh”. Là một khái niệm tương đối mới, còn gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học, song với việc triển khai thí điểm khá thành công ở một số quốc gia thành viên EU với nhiều bài học được rút ra, “Làng thông minh” được xem là cơ sở để EU tiếp tục thực hiện “Tầm nhìn cho khu vực nông thôn đến năm 2040”. Theo đó, việc ban hành thể chế, chính sách, quy định làm cơ sở để triển khai chương trình “Làng thông minh” tại các nước thành viên EU chính thức được EC đưa ra trong Tuyên bố Cork 2.0 (Cork, Ireland) với tên gọi “Một cuộc sống tốt đẹp hơn ở các khu vực nông thôn” (“A better life in rural areas”)(4). Trong tuyên bố, EU khẳng định các chương trình ở cấp độ khu vực và cấp quốc gia cần giải quyết những thách thức đang nổi lên ở khu vực nông thôn với những chính sách cụ thể. Đồng thời nhấn mạnh, việc đầu tư vào khu vực nông thôn là cần thiết nhằm khuyến khích, công nhận những tiềm năng của khu vực đối với sự tăng trưởng kinh tế. Tuyên bố cũng đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục khoảng cách kỹ thuật số giữa nông thôn và thành thị, phát triển tiềm năng số hóa ở khu vực nông thôn (5).
Cụ thể hóa chính sách trong Tuyên bố Cork 2.0, tháng 10-2017, EC chính thức đưa ra chương trình hành động với tên gọi “Châu Âu hành động vì làng thông minh” (“EU action for Smart Villages”) nhằm thúc đẩy, khởi xướng những ý tưởng, phát huy sáng kiến về "Làng thông minh" trong tương lai. Chương trình đưa ra các hành động cụ thể, như: tổ chức hội thảo, hội nghị, xây dựng nhóm chuyên đề, xây dựng nền tảng số hóa, phát triển hệ thống băng thông rộng, các giải pháp kết nối kỹ thuật số...
Cùng với việc thể chế hóa chính sách thành các chương trình hành động được triển khai trong giai đoạn thí điểm 2017 - 2021, EC cũng mở ra các diễn đàn tham vấn, trong đó tập trung vào nhóm người hưởng lợi là những cộng đồng cư dân nông thôn, những nhà hoạch định chính sách, các nhóm phản biện xã hội bao gồm các chuyên gia nông nghiệp, đổi mới sáng tạo, các nhóm tư vấn, nghiên cứu, các viện, trường đại học… để làm rõ hơn khái niệm “Làng thông minh”. Theo đó, thống nhất khái niệm “thông minh” (smart) là việc cộng đồng nông thôn sử dụng công nghệ kỹ thuật số ứng dụng trong triển khai các dự án khu vực nông thôn. Các sáng kiến về phát triển không chỉ thực hiện ở cấp làng mà còn mở rộng đến nhiều khu vực nông thôn, cũng như thúc đẩy tính liên kết giữa khu vực nông thôn với đô thị. Bên cạnh đó, “thông minh” cũng được hiểu là hình thức mới trong việc xây dựng các cơ chế hợp tác và kết nối giữa nông dân và các tác nhân khác trong khu vực theo các hình thức từ dưới lên hoặc từ trên xuống. Vì vậy, khái niệm “thông minh” không phải là một mô hình hay giải pháp tiêu chuẩn cụ thể nào mà có thể linh hoạt đối với từng khu vực thông qua những kiến thức, kinh nghiệm nhằm chủ động trong việc áp dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả cao nhất (6).
Từ việc định hình các chương trình hành động như vậy, mô hình “Làng thông minh” được EC hướng tới là những khu vực và cộng đồng nông thôn dựa trên thế mạnh và tiềm năng hiện có của mình cũng như các cơ hội mới để tăng thêm giá trị gia tăng và là nơi các mạng truyền thông mới được cải thiện nhờ công nghệ truyền thông kỹ thuật số, đổi mới và ứng dụng tốt hơn vì lợi ích của cư dân(7). Do vậy, việc triển khai mô hình “Làng thông minh” gắn với tầm nhìn trong chiến lược phát triển khu vực nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn với mục tiêu cải thiện đời sống vùng nông thôn thông qua việc triển khai các chính sách, hoạt động đa dạng hóa kinh tế nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, gắn kết sản xuất với các vấn đề về an ninh lương thực, nâng cao chất lượng nguồn lực lao động nông thôn.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai chương trình, tháng 4-2018, EC đưa ra Tuyên bố Bled (Slovenia) khẳng định tầm quan trọng của việc triển khai các sáng kiến "Làng thông minh". Theo đó, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số theo hướng tích hợp, đổi mới và sáng tạo sẽ là công cụ đưa “Làng thông minh” trở thành một nơi đáng sống. Việc phát triển các mô hình kinh doanh và các nền tảng công nghệ kỹ thuật số trong nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ được EU khuyến khích đối với các giải pháp phát triển “Làng thông minh”(8). Trong tuyên bố này, EU một lần nữa nhấn mạnh khu vực nông thôn sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp bởi việc áp dụng các thành tựu công nghệ (nền tảng kỹ thuật số, y tế điện tử, quản trị điện tử…, các ứng dụng trong nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế dựa trên sinh học, du lịch nông thôn, đổi mới xã hội). Các mô hình “Làng thông minh” tiêu biểu sẽ trở thành hình mẫu cho những dự án phát triển sau này. Đẩy mạnh việc thiết lập mạng lưới “Làng thông minh” với mục tiêu kết nối các làng và hiệp hội trên khắp châu Âu cho phép trao đổi thông tin và kinh nghiệm, từ đó tạo ra sức mạnh của các cộng đồng “Làng thông minh”.
Để đạt được các mục tiêu trên, một số chính sách liên quan đến chương trình “Làng thông minh” đã được EC phê chuẩn với việc sử dụng các cơ chế hỗ trợ tài chính được thực hiện thông qua các kênh, như Quỹ bảo đảm nông nghiệp châu Âu (EAGF), Quỹ phát triển nông thôn (EAFRD), Quỹ phát triển khu vực (ERDF), Quỹ phát triển xã hội (ESF)... Các nguồn lực tài chính hiện tập trung vào đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở khu vực nông thôn, triển khai các chương trình hành động cụ thể gắn với “Làng thông minh”. Trên cơ sở đó, các quốc gia thành viên EU sẽ đệ trình các chương trình hành động đối với “Làng thông minh” cho từng giai đoạn cụ thể.
Trong giai đoạn thí điểm chương trình “Làng thông minh”, những kết quả ban đầu được ghi nhận ở một số vùng nông thôn châu Âu. Có thể kể đến như chính sách hướng tới vùng nông thôn kỹ thuật số được áp dụng ở Cornwall (Anh). Đây là khu vực hẻo lánh, nhiều ngôi làng bị cô lập về kinh tế, địa lý và xã hội, đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số (9). Với việc thực hiện chương trình “Làng thông minh”, Cornwall được đánh giá đạt được nhiều kết quả trong chiến lược tích hợp số hóa khu vực nông thôn, nhiều kinh nghiệm được đúc rút cho việc hoạch định chính sách ở cả cấp quốc gia và khu vực. Những sáng kiến được chính quyền khu vực triển khai, bao gồm chương trình đào tạo gắn kết số hóa, chương trình phát triển các trung tâm số trong cộng đồng, đổi mới hệ thống y tế gắn với điện tử hóa... Trong đó, chương trình số hóa ở Cornwall với việc tiếp cận internet băng thông rộng được coi là xóa bỏ những rào cản về khoảng cách thông qua kết nối kỹ thuật số. Chương trình “Làng thông minh” đã triển khai kết nối băng thông rộng cáp quang đến 95% hộ gia đình và doanh nghiệp ở Cornwall. Số lượng người dân ở đây truy cập internet tăng từ 20% lên 50%. Nhiều sáng kiến được chính quyền khu vực đưa ra thu hút được người dân thông qua các mạng lưới truyền thông kết nối, các trung tâm truy cập số nhanh tại những khu vực sinh hoạt cộng đồng.
Một số khó khăn và giải pháp
Ngay sau khi EC đưa ra chương trình với tên gọi “Châu Âu hành động vì làng thông minh”, Nghị viện châu Âu (EP) đã phê duyệt gói ngân sách thực hiện thí điểm các dự án trong chương trình “Làng thông minh” tại các nước thành viên EU với ngân sách phân bổ là 3,3 triệu euro cho giai đoạn 2018 - 2019(10). Mục tiêu của chương trình nhằm thực hiện thí điểm các “Làng thông minh” theo hướng phát huy, áp dụng các sáng kiến của cộng đồng địa phương nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức còn hiện hữu, tiến tới cải thiện tốt hơn cuộc sống ở khu vực nông thôn. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp mang tính chiến lược sẽ được áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2027, tầm nhìn đến năm 2040.
Những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình thực hiện các dự án trong chương trình “Làng thông minh” được xác định đó là:
Thứ nhất, sự suy giảm dân số và những thay đổi về nhân khẩu học ở khu vực nông thôn.
Mặc dù việc suy giảm dân số được coi là một hiện tượng chung, nhưng đây là một trong những yếu tố thúc đẩy chương trình nghị sự về “Làng thông minh”. Khu vực nông thôn chiếm khoảng 28% dân số EU, trong khi 31,6% sống ở các thị trấn và vùng ngoại ô (các khu vực trung gian) và 40,4% sống ở các thành phố. Xu hướng đô thị hóa với việc thu hẹp dần khu vực nông thôn được đánh giá sẽ ảnh hưởng tới số lượng dân cư trong những năm tới, do đó, dân số EU sống ở các thành phố dự kiến sẽ tăng 24,1 triệu người, trong khi dân số chủ yếu ở nông thôn sẽ giảm 7,9 triệu người. Tuy nhiên, xu hướng này cũng sẽ có sự khác biệt đối với từng khu vực cụ thể, đặc thù của mỗi quốc gia thành viên EU. Nhìn chung, gần 2/3 dân số ở khu vực nông thôn trong EU-13 (tức là những nước gia nhập EU từ năm 2004) đang giảm, trong khi ở EU-15 (những nước đã gia nhập trước năm 2004) thì ngược lại, với 2/3 vùng nông thôn vẫn duy trì được số lượng dân số, thậm chí tăng lên.
Thứ hai, sự cắt giảm các dịch vụ công.
Việc suy giảm dân số ở khu vực nông thôn khiến chi phí vận hành các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, thương mại và giao thông công cộng… tăng cao, dẫn đến việc hạn chế cung cấp dịch vụ công của nhiều cơ quan chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nền kinh tế EU chưa thực sự phục hồi mạnh mẽ, do vậy, các nước này buộc phải giảm chi tiêu cho các hoạt động xã hội, cắt giảm ngân sách công, giảm mức độ cung cấp dịch vụ công, thay vào đó khuyến khích hình thức tư nhân hóa. Hệ quả của tình trạng này đã làm trầm trọng thêm thực trạng bất bình đẳng giữa khu vực nông thôn và thành thị. Con số minh họa cho thấy, chỉ hơn 1/4 dân số EU sống ở khu vực nông thôn có trình độ đại học; tỷ lệ học sinh bỏ học sớm và thanh niên không có việc làm hoặc không được đào tạo nghề ngày càng cao; nhu cầu chăm sóc sức khỏe chưa được đáp ứng; tỷ lệ những người có nguy cơ nghèo đói ở các vùng nông thôn cao hơn nhiều so với thành phố.
Thứ ba, mối liên kết giữa khu vực nông thôn và thành thị còn yếu.
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), những khu vực nông thôn có khoảng cách địa lý gần hoặc có thể tiếp cận các thành phố lớn là những khu vực phát triển nhanh nhất về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và năng suất tạo ra sản phẩm. Việc kết nối sẽ tạo ra khả năng phục hồi nhanh hơn trong khủng hoảng, điển hình như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các thành phố sẽ đóng góp rất lớn đến sự tăng trưởng của khu vực nông thôn, vì vậy, lợi ích sẽ không thể có được nếu không có sự tiếp cận, gắn kết giữa hai khu vực (13).
Thứ tư, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của khu vực nông thôn còn nhiều điểm hạn chế.
Thúc đẩy số hóa khu vực nông thôn không chỉ nhằm bắt kịp khu vực thành thị, thu hẹp khoảng cách, mà còn thông qua việc triển khai “Làng thông minh” sẽ tăng sức hấp dẫn của các khu vực nông thôn và phát triển vai trò mới trong quá trình chuyển đổi của châu Âu sang nền kinh tế kỹ thuật số. Tuy nhiên, số lượng các hộ dân ở khu vực nông thôn truy cập được các dịch vụ băng thông rộng còn quá thấp, mới chỉ đạt 25% so với mức 68% cư dân khu vực thành thị (14). Nguyên nhân chính là do mật độ dân số khu vực nông thôn thấp, địa hình nhiều khu vực còn khó khăn, nhu cầu của người dân chưa cao… dẫn đến khó thu hút được các nhà đầu tư. Để giải quyết vấn đề này, trong chương trình phát triển nông thôn giai đoạn 2014 - 2020, EU đã phê duyệt gói ngân sách trị giá 21,4 tỷ euro được thực hiện thông qua Quỹ đầu tư và 6,4 tỷ euro qua Quỹ phát triển khu vực (15). Nhiều giải pháp ở cấp khu vực và quốc gia đã được đưa ra, như tập huấn, nâng cao năng lực, kiến thức cho người dân, ban hành các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn…, song hiệu quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách. Chính vì vậy, việc triển khai chương trình “Làng thông minh” với những mục tiêu cụ thể hơn được kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán này. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực dịch vụ công (các dự án bị thu hẹp, giải thể, đóng cửa như trường học, cửa hàng hoặc dịch vụ xe buýt ở địa phương… bởi ngân sách công bị cắt giảm, quá trình vận hành còn nhiều phức tạp, hiệu quả thấp) sẽ được tập trung phát triển, thông qua việc xây dựng và phát triển nhiều hình thức doanh nghiệp xã hội do cộng đồng làm chủ (16).
Như vậy, để triển khai thành công chương trình “Làng thông minh”, cần thực hiện một số giải pháp chung, đó là: 1- Xây dựng cấu trúc quản trị và năng lực quản lý tốt, đây là bước đầu tiên trong việc xây dựng chiến lược. Chương trình “Làng thông minh” cần có sự tham gia của nhiều tác nhân ở cả cấp trung ương và địa phương, cũng như các nhân tố trung gian, độc lập để phản biện chính sách (các tổ chức phi chính phủ, các nhà nghiên cứu, các viện/trường đại học). Chính quyền địa phương cần đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nhân tố này. 2- Chủ động trong việc gắn kết nhóm cộng đồng địa phương. Trên nền tảng phát huy những sáng kiến và các tài sản trí tuệ địa phương kết hợp với những giải pháp về công nghệ số nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực, việc gắn kết nhóm cộng đồng địa phương sẽ bảo đảm các chương trình, dự án đề xuất đạt được hiệu quả cao hơn. 3- Chương trình “Làng thông minh” cần bám sát thực tiễn. Các mục tiêu đặt ra đối với việc thực hiện dự án cần cụ thể hơn để thấy được những kết quả cụ thể, mang lại những tác động trực tiếp đến cộng đồng địa phương. 4- Thủ tục hành chính cần đơn giản. Việc tiếp cận các nguồn lực để thực hiện các dự án cần đơn giản hóa, tránh các thủ tục gây khó khăn cho công tác triển khai cụ thể ở cấp địa phương. 5- Mạng lưới các chuyên gia về chính sách sẽ giúp giải quyết những khó khăn đối với những khu vực không có nhiều lợi thế. Các dự án trong chương trình “Làng thông minh” tập trung nhiều vào các giải pháp công nghệ, tiết kiệm năng lượng, các dịch vụ thông minh… Chính vì vậy, với nguồn lực còn có hạn, cần xây dựng mạng lưới các chuyên gia, tạo điều kiện cho việc chia sẻ kinh nghiệm tốt.
Bên cạnh đó, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể để giải quyết những khó khăn, thách thức:
Một là, đối với vấn đề suy giảm dân số ở khu vực nông thôn, cần hướng đến phát triển các trung tâm dịch vụ cho người cao tuổi (dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe), cũng như cải thiện hơn hệ thống chính sách về phúc lợi xã hội, chính sách cho người lao động cao tuổi. Ngoài ra, việc xây dựng các trung tâm dịch vụ cũng cần hướng đến đối tượng lao động trẻ (như kinh nghiệm phát triển công nghệ số của vùng Cornwall, Anh), nhằm hạn chế sự di cư số lượng lao động này ra khu vực đô thị, tạo sự cân bằng hơn về cấu trúc nhân khẩu học trong khu vực nông thôn. Các chính sách phát triển khu vực nông thôn cần được lồng ghép vào chính sách phát triển khu vực, tạo ra sự điều phối, giám sát hiệu quả hơn.
Hai là, vấn đề cắt giảm các dịch vụ công. Ngân sách dành cho các chương trình “Làng thông minh” cần được tăng cường, tạo độ bao phủ rộng hơn. Ngày 27-2-2019, EP phê duyệt dành tối thiểu 5% ngân sách của Quỹ Phát triển khu vực châu Âu (ERDF) tập trung cho các hoạt động đầu tư hơn là các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực, 17,5% ngân sách dành cho các khu vực triển khai chương trình “Làng thông minh”. Đạo luật này cũng hướng tập trung vào phát triển hệ thống số, tiết kiệm năng lượng, phát triển các dịch vụ y tế và xã hội, làm việc từ xa…(17).
Ba là, liên kết khu vực nông thôn với thành thị. Cần hướng các chương trình phát triển công nghệ, áp dụng phổ biến hơn các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số để cải thiện khả năng liên kết giữa nông thôn và thành thị. Tập trung phát triển thị trường hàng nông sản thông qua việc áp dụng công nghệ số gắn với thị trường, như xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn nông sản thực phẩm (short food supply chains)…
Như vậy, nhằm giải quyết những thách thức đang nổi lên ở khu vực nông thôn trong thời gian qua, EU đã và đang triển khai đồng loạt các giải pháp, chương trình hành động và một trong số đó là chương trình “Làng thông minh”. Trên cơ sở áp dụng một cách linh hoạt, chương trình hành động không áp đặt một khuôn mẫu cứng nhắc, thay vào đó, các quốc gia thành viên chủ động trong việc khai thác và phát huy những sáng kiến địa phương, thúc đẩy số hóa, thương mại điện tử, các giải pháp kết nối về mặt công nghệ để giải quyết các bài toán về tình trạng cô lập của khu vực nông thôn, tăng khả năng kết nối dịch vụ công, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cân bằng sự chênh lệch giữa khu vực nông thôn và thành thị…
Mặc dù còn nhiều thách thức đặt ra, song với việc tiếp cận từ việc triển khai thí điểm, tham vấn cộng đồng, các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ…, chương trình “Làng thông minh” của EU được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả và cũng sẽ là kinh nghiệm quý cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam./.
-------------------------
(1) “EC Statistic Facsheet”, https://ec.europa.eu/info/sites/default/files/ food-farming-fisheries/farming/documents/agri-statistical-factsheet-eu_en.pdf
(2) European Commistion: “A long vision for the EU’s rural areas - Building for the future of rural areas toghether”, https://ec.europa.eu/info/ strategy/priorities-2019-2024/new-push-european-democracy/long-term-vision-rural-areas_en#the-rural-pact-strengthened-governance-for-eu-rural-areas
(3) European Commission: “EU rural area in numbers”, https://ec.europa.eu/ info/strategy/priorities-2019-2024/new-push-european-democracy/long-term-vision-rural-areas/eu-rural-areas-numbers_en
(4) Cork 2.0 Declaration 2016: “A better life in rural areas”, https://ec.europa.eu/agriculture/ sites/agriculture/files/events/2016/rural-development/cork-declaration-2-0_en.pdf
(5) Veronika Zavratnik et all: “Smart Villages: Comprehensive review of initiatives and practices”, Sustainability 2018, 10, 2559, doi:10.3390/su10072559
(6), (7), (12) European network for rural development: “Smart villages revitalising rural services”, EU Rural Review, No. 26, 2018
(8) “Smart villages, Bled Declaration for smarter future of the rural areas in EU, having regard to the conclusions of the meeting at Bled, Slovenia on 13 April 2018, and previous declarations, such as the Cork 2.0 declaration”, https://pametne-vasi.info/wp-content/uploads/2018/04/Bled-declaration-for-a-Smarter-Future-of-the-Rural-Areas-in-EU.pdf
(9) Department for Environment: “Farming and rural affairs (DEFRA)”, Statistical digest of rural england, https://enrd.ec.europa.eu/sites/default/ files/enrd_publications/digital-strategies_case-study_uk_0.pdf
(10), (17) European Commission: “Pilot Project: Smart eco - social villages”, https://op.europa.eu/en/publication-detail/-/publication/9ff90911-a0c9-11ea-9d2d-01aa75ed71a1/language-en
(11) Eurostat: “Statistics on rural areas in the EU”, https://enrd.ec.europa.eu/ sites/default/files/enrd_publications/publi-enrd-rr-26-2018-en.pdf
(13) OECD Regional Outlook 2016: “Productive regions for inclusive societies”, https://regions20.org/wp-content/uploads/2016/08/OECD-Regional-Outlook-2016.pdf
(14), (15) European Commission: “EU rural review”, https://enrd.ec.europa.eu/sites/default/files/publi-enrd-rr-21-2016-en.pdf
(16) Bill Slee: “Revitalising rural services through social innovation”, SIMRA project, https://enrd.ec.europa.eu/sites/enrd/files/tg2_smart-villages_social-innovation_slee.pdf; “For a definition of a social enterprise”, https://enrd.ec.europa.eu/sites/enrd/files/s4_rural-businesses-factsheet-social-innovation.pdf
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay