Để Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế trong thời gian tới
TCCS - Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thành phố cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp.
Kinh tế có bước tăng trưởng mạnh mẽ
Với 30 đơn vị hành chính, tổng diện tích gần 3.400km2, Hà Nội đứng thứ 2 về dân số và quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 8 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ 30 về tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022. Hiện nay, Hà Nội đóng góp gần 13% GDP của cả nước; đóng góp 43% GRDP và 43,8% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Hồng.
Tổng sản phẩm GRDP của thành phố quý I-2023 ước tính tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%; khu vực dịch vụ tăng 7,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,05%. Tăng trưởng quý I-2023 tuy thấp hơn mức tăng 5,91% của cùng kỳ năm trước, nhưng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức thấp, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, kết quả trên là rất quan trọng và đáng ghi nhận.
Nhờ sự phục hồi kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào địa bàn, trong quý I-2023, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 7.496 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 73.100 tỷ đồng, tăng 15% về số lượng doanh nghiệp nhưng giảm 27% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 921 doanh nghiệp giải thể, giảm 5%; hơn 10 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22%; 3.457 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 21,5%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.
Tỷ lệ đóng góp của Hà Nội vào tổng sản phẩm trong nước (GDP), thu ngân sách của cả nước có chiều hướng tăng lên. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD. Về vốn thực hiện, các dự án đã triển khai thực hiện được 41,1 tỷ USD, chiếm 66,6% - đây là tỷ lệ khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt 1,71 tỷ USD tăng 260% so với cùng kỳ (1).
Những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; thúc đẩy hội nhập và đối ngoại; phát triển văn hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Hà Nội vẫn gặp một số khó khăn, thách thức. Việc huy động nguồn lực ngoài xã hội theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển và giải ngân đầu tư công và triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn; một số chỉ số cải cách hành chính, như PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS chưa được cải thiện mạnh mẽ; kỷ luật, kỷ cương có lúc còn chưa nghiêm; việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, các quy định phòng cháy, chữa cháy... có lúc, có nơi còn chưa tích cực,...
Để tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế
Ngày 5-5-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết số 15-NQ/TW nhấn mạnh mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000USD... Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới(2).
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, thành phố Hà Nội, một mặt, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã nêu ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW: Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; Hai là, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; Ba là, phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô; Bốn là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; Năm là, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội Thủ đô trong mọi tình huống; Sáu là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Bảy là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.
Mặt khác, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 174/KH-UBND, ngày 27-6-2022, của Ủy ban nhân dân thành phố, về “Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025”.
Kế hoạch số 174/KH-UBND nêu rõ mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể để triển khai thực hiện. Về mục tiêu chung, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững… Về mục tiêu cụ thể, thành phố phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP 7,5 - 8%; cơ cấu ngành kinh tế: Dịch vụ 65 - 65,5%, công nghiệp - xây dựng 22,5 - 23%, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 1,4 - 1,6%; tốc độ tăng năng suất lao động 7 - 7,5%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt khoảng 30%; doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%. Thành phố cũng phấn đấu tỉ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Giảm tối thiểu 20% đầu mối tổ chức bên trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng dưới 3%. Số lượng hợp tác được thành lập và hoạt động khoảng 2.500 hợp tác xã(3).
Theo đó, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra trong Kế hoạch số 174/KH-UBND: Thành phố Hà Nội tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực. Trong đó, chú trọng phát triển mạnh thị trường dịch vụ. Phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa. Ưu tiên phát triển du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đối với những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, như Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phú Xuyên,… Thúc đẩy triển khai các công trình, dự án hạ tầng phát triển du lịch; hình thành một số cụm du lịch trọng điểm, giữ vững vai trò là một trong những trung tâm du lịch, nguồn phân phối du khách lớn của khu vực phía Bắc. Phát triển nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị; hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, áp dụng các giải pháp công nghệ số… Trong phát triển thị trường khoa học - công nghệ, thành phố thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết cả đôi với một số lĩnh vực công nghiệp/ngành hàng xuất khẩu chủ lực…
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cần chú trọng phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong đó, tập trung phát triển lực lượng doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, thúc dẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thành phố cần tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.
Hơn nữa, thành phố Hà Nội cần tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ; nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thành phố; phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065. Tổ chức triển khai quy hoạch đô thị thật tốt, vừa hiện đại và bản sắc, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về miễn, giảm, thuế, phí lệ, phí, tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, giãn, hoãn nợ… theo thẩm quyền và quy định.
Trong bối cảnh lạm phát trên cả nước được kiểm soát và giảm dần theo các tháng, Hà Nội cần ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), tăng cả cung và cầu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; giảm thủ tục, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Chú trọng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết ngay những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội với các mô hình lãnh đạo công - quản trị tư (như Nhà nước xây dựng chính sách, đấu nối hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng bên trong khu công nghiệp và kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp), đầu tư công - quản lý tư (ví dụ Nhà nước xây dựng công viên, giao tư nhân quản lý và khai thác); đầu tư tư - sử dụng công (ví dụ tư nhân xây dựng trụ sở, cơ quan nhà nước sử dụng). Đổi mới, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành từ thủ công truyền thống sang môi trường điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia…/.
--------------------
(1) Nguyên Phương: Hà Nội đổi mới mô hình tăng trưởng, thu hút đầu tư, Thời báo Tài chính Việt Nam, ngày 26-5-2023, https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-thu-hut-dau-tu-128696.html
(2) Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-15-nqtw-ngay-0552022-cua-bo-chinh-tri-ve-phuong-huong-nhiem-vu-phat-trien-thu-do-ha-noi-den-nam-2030-tam-8495
(3) Kế hoạch số 174/KH-UBND, ngày 27-6-2022, của Ủy ban nhân dân thành phố, về “Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Ke-hoach-174-KH-UBND-2022-Ke-hoach-co-cau-lai-nen-kinh-te-Ha-Noi-2021-2025-519706.aspx
Tăng khả năng chống chịu nền kinh tế Thủ đô trước các tác động tiêu cực, hướng đến tăng trưởng, phát triển bền vững  (02/01/2024)
Hà Nội đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng  (23/12/2023)
Kinh nghiệm của Nhật Bản trong thu hút lao động chất lượng cao: Hàm ý cho Thủ đô trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng  (27/11/2023)
Hà Nội: Tâm thế mới, vóc dáng mới trong điều kiện mới  (26/11/2023)
Hà Nội: Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, hội nhập  (25/11/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu
- Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay