Hà Nội: Cải thiện môi trường đầu tư tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển
TCCS - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI xác định “Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô” là một điểm trong khâu đột phá thứ hai của thành phố. Theo đó, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Một số kết quả quan trọng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay
Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 03/CTr-UBND, ngày 28-6-2016, của Thành ủy, về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016 - 2020”; Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 6 kế hoạch 5 năm và hằng năm về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố; một chỉ thị về nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với tinh thần: Quyết tâm xây dựng chính quyền phục vụ, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm; đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thành phố Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI.
Về thành lập doanh nghiệp, từ cuối năm 2017, Hà Nội đã đạt và hiện nay đang duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Triển khai mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”; triển khai tích hợp 4 dịch vụ tiện ích hỗ trợ doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh để giảm thời gian khởi sự kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thành phố đã ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Năm 2018, thành phố ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp. Năm 2019, ban hành Đề án Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2019 - 2025; khai trương và vận hành Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp (startupcity.vn).
Các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, điện năng đều được chú trọng để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, như cấp mã số doanh nghiệp tự động cho doanh nghiệp thành lập mới không quá 30 phút; kê khai thuế qua mạng đạt 98,11%; tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt trên 95%; trao đổi thông tin với doanh nghiệp đạt 100% qua thư điện tử; tỷ lệ đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đạt 97,3% trên tổng số số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc…
Lĩnh vực luôn được coi là khó ở Hà Nội, như tiếp cận đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có nhiều cải cách thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân: thời gian cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày. Trong lĩnh vực tín dụng, Hà Nội thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt kết quả tốt. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với các dịch vụ công, bao gồm: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Thành phố cũng chú trọng đến hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể như: bồi dưỡng kiến thức cho hộ kinh doanh; đào tạo kiến thức khởi sự và quản trị; đào tạo giám đốc điều hành doanh nghiệp; … Cùng với đó, lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, tập huấn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, xúc tiến đầu tư và tôn vinh doanh nghiệp.
Theo công bố của VCCI, ngày 5-5-2020, chỉ số PCI năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (không thay đổi xếp hạng so với năm trước), tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012. Trong 7 năm liên tiếp từ năm 2012, chỉ số PCI của Hà Nội duy trì tăng hạng và tăng điểm (trong đó 6 năm liên tiếp - từ 2012 đến 2018, chỉ số PCI tăng hạng; năm 2019 tăng điểm và giữ nguyên mức xếp hạng). Năm 2019 là năm đầu tiên chỉ số PCI của Hà Nội có tới 9/10 chỉ số thành phần tăng hạng và giữ nguyên mức xếp hạng (trong đó có 8/10 chỉ số thành phần tăng hạng và 1 chỉ số thành phần giữ nguyên mức xếp hạng). Có 4/10 chỉ số thành phần tăng trên 10 bậc (từ 12 bậc đến 19 bậc). Chỉ có 1 chỉ số thành phần giảm hạng (tuy nhiên trong trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước). Với kết quả chỉ số PCI năm 2019, thành phố Hà Nội có 3 chỉ số thành phần trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước (chỉ số “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” và chỉ số “đào tạo lao động” đều xếp thứ 4/63; chỉ số “gia nhập thị trường” xếp thứ 10/63).
Kết quả chỉ số PCI ghi nhận sự nỗ lực của Hà Nội đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khẳng định sự quyết liệt, sáng tạo của Thành phố trong chỉ đạo điều hành với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”.
Niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp với thành phố được khẳng định qua sự đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Từ năm 2016 đến 30-4-2020, Hà Nội có 107.283 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn điều lệ khoảng 1,340 triệu tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23,702 tỷ USD, gấp 3,97 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 (trong 2 năm 2018, 2019, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đây là kết quả lần đầu tiên thành phố đạt được sau gần 35 năm đổi mới). Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm
Hiện nay, tỉnh xếp hạng cao nhất có điểm số là 73,4/100 và Hà Nội có điểm số 68,8/100. Như vậy, có thể thấy rằng, các tỉnh, thành phố đều còn dư địa cho cải cách.
Tại Kế hoạch số 83/KH-UBND, ngày 22-4-2020, thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01-01-2020, của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố đã đặt ra mục tiêu phấn đấu duy trì chỉ số PCI năm 2020 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, thành phố tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, duy trì các chỉ số thành phần có truyền thống xếp hạng tốt của Hà Nội là chỉ số “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” và chỉ số “đào tạo lao động”. Đồng thời, duy trì kết quả của chỉ số “gia nhập thị trường” là chỉ số đã có sự cải thiện đột phá trong thời gian vừa qua (hiện đang trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước).
Hai là, tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số, như thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, tính minh bạch là các chỉ số có xếp hạng trung bình và 1 chỉ số có xếp hạng thấp (môi trường cạnh tranh bình đẳng) để tiếp tục nâng cao thứ hạng.
Ba là, tiếp tục cải cách hành chính sâu rộng theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19.
Bốn là, chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón thời cơ mới, làn sóng chuyển hướng đầu tư ra ngoài Trung Quốc, từ các quốc gia tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).
Năm là, triển khai các chính sách về phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và khai thác, mở rộng thị trường. Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu và thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các doanh nghiệp.
Sáu là, phát huy tốt hơn nữa vai trò “cầu nối” của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để các chính sách của thành phố lan tỏa nhanh chóng đến các doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện để thành phố nhanh chóng nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp, kịp thời có phương hướng giải quyết, tháo gỡ./.
Cải cách thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân: Những điểm sáng từ thực tiễn Hà Nội  (26/09/2020)
Phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại  (24/09/2020)
Thành phố Hà Nội đột phá trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội  (23/09/2020)
Tập thể Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội  (20/09/2020)
Giao thông đô thị Việt Nam - những gam màu sáng - tối  (18/09/2020)
Thi đua yêu nước - Động lực để EVN hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ  (14/09/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển