Ngoại giao văn hóa của một số quốc gia Đông Bắc Á
TCCS - Trong lịch sử ngoại giao thế giới, ngoại giao văn hóa xuất hiện từ rất sớm với các hình thức biểu hiện khác nhau ở từng quốc gia. Đến nay, ngoại giao văn hóa đã trở thành một trong những chiến lược quan trọng không thể thiếu trong chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc được đánh giá là các quốc gia đã có những phương thức triển khai thành công hình thức ngoại giao tích cực và hiệu quả này.
Ngoại giao văn hóa của Nhật Bản
Trong những quốc gia châu Á, Nhật Bản hiện được đánh giá là nước có những tiềm lực ấn tượng về “sức mạnh mềm”. Có được thành công này là do Nhật Bản triển khai hiệu quả chính sách ngoại giao văn hóa trong suốt nhiều năm qua.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, theo quy định của Điều 9 của Hiến pháp Hòa bình năm 1946, Nhật Bản không được phép phát triển quân sự. Điều đó đồng nghĩa với việc Nhật Bản thiếu hụt về “sức mạnh cứng”. Với mong muốn cải thiện hình ảnh một đất nước quân phiệt thời chiến, Nhật Bản đã đẩy mạnh triển khai chính sách ngoại giao văn hóa nhằm xây dựng hình ảnh một nước Nhật Bản mới yêu chuộng hòa bình trong mắt bạn bè quốc tế. Chính vì vậy, ngay khi tìm lại được “quyền tự chủ” sau Hiệp ước Hòa bình Xan Phran-xi-xcô năm 1951, Nhật Bản bước đầu thực hiện những bước đi đầu của chính sách ngoại giao văn hóa. Quá trình triển khai chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản có thể được chia thành các giai đoạn với những mục tiêu riêng(1).
Giai đoạn thứ nhất (1950 - 1960), mục tiêu là nhằm nâng cao chất lượng (theo tiêu chuẩn quốc tế) các hoạt động văn hóa - nghệ thuật để đạt được sự thừa nhận trong cộng đồng quốc tế trong việc cải thiện hình ảnh từ một nước Nhật Bản quân phiệt thời kỳ trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hướng đến xây dựng một đất nước Nhật Bản mới yêu chuộng hòa bình. Do đó, Nhật Bản đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, mang đậm dấu ấn về một nước Nhật Bản yên ả, thanh bình, như nghi lễ thưởng trà (trà đạo), nghệ thuật cắm hoa... Nhiều cuốn sách của Nhật Bản đề cập đến đất nước Nhật Bản đương đại với những bức tranh hoa anh đào và ngọn núi Phú Sĩ phủ đầy tuyết trắng. Cùng với đó, những giá trị văn hóa, truyền thống của đất nước cũng được Nhật Bản đẩy mạnh quảng bá ra nước ngoài.
Giai đoạn thứ hai (từ những năm 60 đến những năm 70 của thế kỷ XX), chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản được đánh dấu bởi sự kiện Thế vận hội Tô-ky-ô năm 1964. Đây là sự kiện quan trọng giúp Nhật Bản có thể quảng bá mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế hình ảnh một đất nước Nhật Bản với những bước phát triển thần kỳ về kinh tế, cùng một nền khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Để đáp ứng mục tiêu này, năm 1972, Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản được thành lập với nhiệm vụ thúc đẩy giao lưu, trao đổi và quảng bá văn hóa Nhật Bản ra bên ngoài thông qua các hoạt động nghệ thuật, giảng dạy tiếng Nhật hay trao đổi sinh viên với các nước.
Giai đoạn thứ ba (từ những năm 80 đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX), ngoại giao văn hóa của Nhật Bản phát triển lên một tầm cao mới, đánh dấu sự thay đổi trong quan điểm của người Nhật về vai trò của Nhật Bản đối với quốc tế. Theo đó, Nhật Bản mong muốn tham gia có trách nhiệm hơn đối với những vấn đề quốc tế, nhằm nâng cao vị thế của đất nước trên thế giới. Chính vì vậy, ngoại giao văn hóa trở thành một trong ba trụ cột của chính sách đối ngoại Nhật Bản ở giai đoạn này, đồng thời đánh dấu một bước tiến mới trong ngoại giao văn hóa của Nhật Bản với việc nhấn mạnh đến hợp tác văn hóa, mà cụ thể là giúp đỡ các nước đang phát triển một số hoạt động liên quan đến nghệ thuật, như quản trị sân khấu, cung cấp các thiết bị chiếu sáng, âm thanh, trang trí các phòng trưng bày ở viện bảo tàng...
Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa của Nhật Bản thời kỳ này cũng nhấn mạnh đến mong muốn của Nhật Bản trong việc hợp tác kinh tế với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển, như Mỹ, các nước châu Âu. Để phục vụ mục tiêu này, năm 1992, Nhật Bản đã thành lập Trung tâm Hợp tác toàn cầu (CGP) nhằm thúc đẩy các hoạt động văn hóa mới ở Mỹ. Trong giai đoạn này, Nhật Bản còn đẩy mạnh việc triển khai ngoại giao văn hóa đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á nói chung. Điều này được xem như một trong những hành động để triển khai Học thuyết Phư-cư-đa năm 1977(2) của Nhật Bản.
Giai đoạn thứ tư (từ những năm 90 của thế kỷ XX trở đi), đánh dấu một giai đoạn mới trong chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến sự chững lại trong phát triển kinh tế của Nhật Bản khi nền “kinh tế bong bóng” bị sụp đổ vào năm 1990. Nhật Bản đã xem lại và điều chỉnh các chính sách văn hóa cho phù hợp với điều kiện mới. Theo đó, Nhật Bản chủ trương, việc trao đổi văn hóa trên thế giới không nên dẫn đến sự xung đột giữa các nền văn hóa, mà tất cả các nền văn hóa nên được xem như là những tài sản đặc biệt của con người, tất cả những gì thuộc về văn hóa phải cùng nhau bảo vệ. Tuy nhiên, định hướng mới của chính sách ngoại giao văn hóa Nhật Bản vẫn là tiếp tục giải thích những quan điểm của Nhật Bản và loại bỏ những hiểu lầm, tạo lập những “cây cầu” đối thoại văn hóa, làm phong phú văn hóa dân tộc, góp phần làm giàu kho tàng văn hóa nhân loại. Hiện nay, một hình thức trao đổi văn hóa đang nổi lên ở Nhật Bản là khuyến khích các hoạt động chung, mang tính đa dân tộc. Thay vì đưa các nghệ sĩ trong nước ra nước ngoài biểu diễn, những nỗ lực như cùng sản xuất các bộ phim, tổ chức những buổi trình diễn nghệ thuật chung... được coi như một xu hướng mới trong các chính sách trao đổi văn hóa của Nhật Bản với các nước ở giai đoạn hiện tại.
Tóm lại, ngoại giao văn hóa của Nhật Bản thay đổi qua từng thời kỳ để phù hợp với tình hình quốc tế và những mục tiêu của chính sách. Thời kỳ đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mục đích của Nhật Bản là nhằm cải thiện hình ảnh của Nhật Bản trong mắt cộng đồng quốc tế. Về sau, cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa và các vấn đề trong và ngoài nước, ngoại giao văn hóa Nhật Bản hướng tới quảng bá hình ảnh một quốc gia có vai trò lớn trên quốc tế và có nền kinh tế, văn hóa, chính trị, khoa học - kỹ thuật tiên tiến.
Ngoại giao văn hóa của Hàn Quốc
Đối với Hàn Quốc, trào lưu văn hóa của nước này hiện được ví như một “cơn sóng” văn hóa với tên gọi Hallyu (Hàn lưu) đang góp phần tạo ra “sức mạnh mềm” trong việc mang tới một diện mạo mới trẻ trung, năng động đối với đất nước Hàn Quốc.
Theo học giả người Anh R. Uy-li-am (Raymond Williams), Hàn Quốc từng triển khai chính sách đối nội về văn hóa từ những năm 60 của thế kỷ XX nhằm huy động và truyền cảm hứng đến người dân của mình thông qua niềm tự hào về các sản phẩm của Hàn Quốc(3). Tuy nhiên, phải đến những năm 90 thế kỷ XX, Hàn Quốc mới đưa những thành tựu văn hóa quốc gia ra nước ngoài như một hình thức của ngoại giao văn hóa. Còn theo giáo sư Gi. E. Oang (Joanna Elfving - Hwang)(4) của Đại học Ô-xtrây-li-a, quá trình triển khai ngoại giao văn hóa của Hàn Quốc được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất (đầu những năm 90 của thế kỷ XX), mục tiêu chủ yếu là nhằm tăng tính tự tôn và ủng hộ chủ nghĩa quốc gia. Việc chú trọng phát triển thị trường trong nước trước khi xuất khẩu ra bên ngoài giúp ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc có được nền tảng vững chắc, đồng thời tăng sức cạnh tranh đối với sản phẩm của các quốc gia khác. Giai đoạn thứ hai (từ đầu thế kỷ XXI), mục tiêu chủ yếu là nhằm phát triển “sức mạnh mềm”, nâng cao vị thế Hàn Quốc với tư cách một nước phát triển và có vai trò quan trọng trên thế giới. Chính phủ Hàn Quốc thông qua chính sách về văn hóa trong nước và ngoại giao văn hóa mong muốn cải thiện hình ảnh của Hàn Quốc không chỉ là một đối tác đáng tin cậy mà còn là một quốc gia năng động và phát triển trong mắt bạn bè quốc tế.
Trong quá trình triển khai ngoại giao văn hóa, Hàn Quốc luôn chú trọng việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Theo đó, thương hiệu quốc gia được coi là một trong những công cụ quan trọng để xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Để nâng cao và quảng bá thương hiệu quốc gia, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Rô Mu-hiên (2003 - 2008) đã cố gắng đưa Hàn Quốc trở thành một trong năm nước đứng đầu thế giới về công nghiệp văn hóa với việc sử dụng công cụ văn hóa nhằm nâng cao hình ảnh của Hàn Quốc trên trường quốc tế. Nối tiếp ý tưởng đó, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng-pắc đã phát triển ngoại giao văn hóa như một hình thức của “sức mạnh mềm” và việc xây dựng thương hiệu quốc gia là một phần quan trọng. Việc Hàn Quốc thành lập Hội đồng Tổng thống về Thương hiệu quốc gia (PCNB) vào năm 2009 đã thể hiện quyết tâm của nước này trong việc thực hiện xây dựng thương hiệu quốc gia. Các món ăn truyền thống (kim chi, kim bắp, mỳ lạnh...), những sản phẩm nổi tiếng (nhân sâm, mỹ phẩm, thời trang, các sản phẩm công nghệ cao...), hay điện ảnh... đã tạo sự lan tỏa ảnh hưởng văn hóa Hàn Quốc tới nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á. Làn sóng phim Hàn Quốc còn kéo xu thế thời trang Hàn, ẩm thực Hàn, phong cách Hàn, và đó là minh chứng rõ ràng cho sức hấp dẫn của văn hóa, các giá trị mang thương hiệu “Made in Korea”. Bên cạnh đó, các chương trình, khóa học giới thiệu về Hàn Quốc học được xem là việc làm quan trọng nhất trong việc nâng cao hiểu biết về văn hóa nước này.
Theo các chuyên gia, thành công của ngoại giao văn hóa Hàn Quốc là điều không thể bàn cãi. Mức độ phổ biến của văn hóa Hàn Quốc ở khắp nơi trên thế giới là điều khó có thể phủ nhận. Thời trang Hàn Quốc, phong cách Hàn Quốc, món ăn Hàn Quốc, ngôn ngữ Hàn Quốc, âm nhạc Hàn Quốc... đã và đang trở thành xu hướng thời thượng của giới trẻ. Mức độ nổi tiếng của các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc được lan rộng không chỉ ở các nước trong khu vực châu Á mà còn ở các nước châu Âu, châu Mỹ - những nơi cũng có nền công nghiệp giải trí phát triển mạnh. Điều đó cho thấy hướng đi của Chính phủ Hàn Quốc trong việc triển khai ngoại giao văn hóa thông qua xây dựng hình ảnh quốc gia là hoàn toàn hợp lý, mang lại nhiều kết quả quan trọng.
Ngoại giao văn hóa của Trung Quốc
Cũng như hai quốc gia láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc đưa ngoại giao văn hóa vào chương trình nghị sự của nước này. Cùng với sức mạnh tổng hợp của đất nước không ngừng được tăng cường, những năm đầu thế kỷ XXI, ngoại giao văn hóa ngày càng được Chính phủ Trung Quốc coi trọng và được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng làm nên “sức mạnh mềm” của Trung Quốc. Năm 2007, tại Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh đến việc nâng cao sức hút của văn hóa Trung Quốc như là một cách để gia tăng “sức mạnh mềm” của nước này. Tiếp đó, tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11-2012), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh đến việc nỗ lực để thúc đẩy ngoại giao văn hóa: “để xây dựng cường quốc văn hóa xã hội chủ nghĩa, mấu chốt là tăng cường năng lực sáng tạo văn hóa toàn dân tộc,... không ngừng tăng cường sức ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa ra quốc tế”(5). Để thực hiện điều đó, Trung Quốc đã thành lập Hiệp hội Ngoại giao công chúng tại thành phố Bắc Kinh vào năm 2012.
Đặc biệt, trong quá trình nâng cao và mở rộng “sức mạnh mềm” ra toàn thế giới, một yếu tố được Trung Quốc hết sức quan tâm đó là mở rộng ảnh hưởng của “văn hóa Khổng Tử” thông qua việc thành lập Học viện Khổng Tử vào năm 2004 và nhân rộng Học viện Khổng Tử(6) nhằm đào tạo tiếng Hán và đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng Hán cho các quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, để giữ gìn và bảo vệ vị thế quốc tế của tiếng Hán cũng như truyền bá văn hóa Trung Quốc.
Ngoài tăng cường “sức mạnh mềm” thông qua việc thành lập các Học viện Khổng Tử, Trung Quốc còn đẩy mạnh giao lưu và hợp tác văn hóa - giáo dục với các nước trên thế giới. Trong chiến lược tăng cường “sức mạnh mềm văn hóa”, thực hiện giấc mơ “cường quốc văn hóa xã hội chủ nghĩa” trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc đã ký hiệp định văn hóa cấp chính phủ với 145 quốc gia, ký kết 682 kế hoạch giao lưu văn hóa hằng năm; duy trì quan hệ giao lưu văn hoá với hàng nghìn tổ chức văn hóa quốc tế cũng như với các quốc gia khác. Phạm vi giao lưu văn hóa thường đề cập tới các lĩnh vực hội chợ, ca nhạc, điện ảnh, diễn đàn tôn giáo, thể thao - du lịch văn hóa, nghệ thuật... Tổ chức thành công Olympic Bắc Kinh (năm 2008), Hội chợ thế giới Thượng Hải (World EXPO Thượng Hải, năm 2010), Năm văn hóa Trung Hoa, kết hợp đẩy mạnh những hoạt động xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra bên ngoài cũng chứng tỏ sức ảnh hưởng ngày càng lớn của văn hóa Trung Quốc, đồng thời là minh chứng rõ nét cho sự thành công của ngoại giao văn hóa Trung Quốc. Mục tiêu của các hoạt động này nhằm phát huy vai trò của “sức mạnh mềm” để tăng cường sức mạnh quốc gia, nâng cao địa vị quốc tế, cũng như xây dựng hình ảnh về một đất nước Trung Quốc hòa bình.
Tóm lại, ngoại giao văn hóa đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai và hứa hẹn tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng hơn nữa trong tương lai, Qua quá trình triển khai ngoại giao văn hóa, có thể thấy mục tiêu chung mà các quốc gia Đông Bắc Á, trong đó điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc hướng đến là nâng cao hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế. Với sự thành công hiện tại, chắc chắn rằng ngoại giao văn hóa sẽ tiếp tục được nhiều quốc gia triển khai./.
-----------------------------------------------
(1) Xem Kazuo Ogoura: Japan’s Postwar Cultural Diplomacy, Center for Area Studies, 2008, Working Paper, số 1
(2) Trong chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ hai vào năm 1977, được tổ chức tại Thủ đô Ma-ni-la (Phi-líp-pin), chính sách Đông Nam Á mới của Nhật Bản chính thức được Thủ tướng Nhật Bản Ta-kê-ô Phư-cư-đa đưa ra. Trong học thuyết, Thủ tướng Nhật Bản T. Phư-cư-đa nhấn mạnh đến ba trụ cột trên cả hai phương diện kinh tế và chính trị: thứ nhất, Nhật Bản là một quốc gia tôn trọng hòa bình, không chấp nhận vai trò của một cường quốc quân sự và trên cơ sở đó, quyết tâm đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng của Đông Nam Á và thế giới; thứ hai, Nhật Bản là một người bạn thật sự của các nước Đông Nam Á, sẽ làm hết sức mình để củng cố mối quan hệ tin cậy lẫn nhau dựa trên sự hiểu biết và thành thật, trong nhiều lĩnh vực rộng lớn chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; thứ ba, Nhật Bản sẽ là một bạn hàng bình đẳng của ASEAN và các nước thành viên, đồng thời sẽ hợp tác tích cực với ASEAN để tăng cường tình đoàn kết và sức phát triển của ASEAN cùng với các quốc gia khác có suy nghĩ tương tự ở ngoài khu vực, để thúc đẩy mối quan hệ dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau với các nước Đông Dương và do vậy sẽ đóng góp vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên toàn khu vực Đông Nam Á
(3) Raymond Williams: State Culture and Beyond, trong Culture and the State, ed. by L. Apignanesi, Institute of Contemporary, Arts, London, 1984, p. 3-5
(4) Joanna Elfving - Hwang: South Korean Cultural Diplomacy and Brokering “K-Culture” outside Asia, Tạp chí Korean History, 2013, số 4, tháng 1
(5) Dẫn theo: TS. Nguyễn Thị Thu Phương (Chủ biên), Sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc: Tác động tới Việt Nam và một số nước Đông Á, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 95
(6) Xem: Liang Xu: Cultural Diplomacy and Social Capital in China, Hội thảo thường niên về Ngoại giao văn hóa, Viện Ngoại giao văn hóa và Quỹ IMAN tổ chức, Béc-lin (Đức) 2013. Kể từ học viện đầu tiên được thành lập ở Thủ đô Xơ-un (Hàn Quốc, năm 2004), đến nay, đã có 324 Học viện Khổng Tử được thành lập, cao gấp hai lần Viện Goethe (Đức) và Viện Cervantes, Tây Ban Nha
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Từ góc nhìn văn hóa quân sự  (02/05/2019)
Lãnh đạo thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm 115 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú  (01/05/2019)
Việt Nam - Cuba trao đổi kinh nghiệm về soạn thảo chính sách kinh tế  (01/05/2019)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi Thư chúc mừng Nhà vua Nhật Bản Naruhito  (01/05/2019)
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm vụ mở rộng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới  (01/05/2019)
Một số vấn đề cốt yếu về xây dựng thể chế phát triển nhanh - bền vững  (01/05/2019)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay