TCCSĐT - Nhìn chung, công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018 trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Để công tác quản lý lễ hội tiếp tục đi vào nề nếp, chấn chỉnh những hạn chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương thực hiện quản lý nhà nước về lễ hội theo đúng quy định pháp luật và phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống.

Những vấn đề đặt ra về quản lý lễ hội

Với gần 8.000 lễ hội, phân bổ ở khắp các vùng, miền, diễn ra quanh năm, lễ hội là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc Việt Nam. Mùa xuân, sau Tết nguyên đán là mùa cao điểm của lễ hội. Rất nhiều lễ hội, trong đó có những lễ hội nổi tiếng, kéo dài, khai trương trong dịp này.

 
 Mỗi lễ hội thường bao gồm phần lễ trang nghiêm...

Lễ hội là nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, có hàng ngàn năm lịch sử. Lễ hội thể hiện sự tri ân của nhân dân với truyền thống, lịch sử của dân tộc và ghi nhận công lao của các thế hệ trước trong dựng nước và giữ nước, bảo vệ nền độc lập.

Bên cạnh tính giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục lòng yêu nước, yêu quê hương, tự hào dân tộc, xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, lễ hội còn phản ánh những nét đẹp văn hoá truyền thống của mỗi dân tộc, tôn giáo, tính nhân văn của mỗi dân tộc, tôn giáo, vùng miền. Lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đạo đức lối sống của mỗi người.

Ở nước ta, lễ hội rất đa dạng và phong phú, mỗi nơi có cách tổ chức lễ hội khác nhau, nhưng nhìn chung bao giờ cũng có hai phần: phần lễ và phần hội. Nhiều nơi gắn tế với lễ bằng những hình thức khác nhau như dâng hương, dâng lễ vật, đồ thờ phụng, vàng, mã. Phần hội bo gồm những trò chơi dân gian, đặc trưng của dân tộc, vùng miền, địa phương, những hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, truyền thống của địa phương.

 
 ... và phần hội là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao,...

Công tác quản lý lễ hội luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng và chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm cho người dân tham gia lễ hội thực sự văn minh, an toàn, tiết kiệm. Ngay từ đầu năm 2015, Ban bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị 41/CT-TW và Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện 229/CĐ-TTg về tăng cường công tác tổ chức quản lý lễ hội. Bộ Văn hoá thể thao và du lịch cũng có hướng dẫn các địa phương về tổ chức lễ hội, đã đưa hoạt động các lễ hội vào nền nếp, thu hút tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Có nhiều địa phương quản lý tổ chức tốt. Qua lễ hội đã khơi dậy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giáo dục được tinh thần đoàn kết, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm an toàn, tiết kiệm.

Tuy nhiên, do số lượng lễ hội quá lớn (hiện nay cả nước có gần 8.000 lễ hội/ năm, trung bình có 21 lễ hội/ ngày), phạm vi rộng, thời gian nhiều lễ hội kéo dài nên công tác quản lý có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện tượng đốt vàng mã, sắm lễ tràn lan gây lãng phí, tiền giọt dầu vứt la liệt gây phản cảm. Những hình ảnh bất cập và phản cảm trong một số lễ hội đã làm méo mó, xấu đi nét văn hoá truyền thống dân tộc. Những hiện tượng mê tín, dị đoan, đồng bóng, bói toán, xin quẻ, tử vi, lá số diễn ra ở nhiều nơi. Công tác quản lý nhà nước đối với các lễ hội chưa được quan tâm đúng mức. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền về lễ hội một số nơi chưa chặt chẽ, những vấn đề cần thiết bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong lễ hội, đặc biệt là vai trò quản lý điều hành của ban chỉ đạo lễ hội còn hạn chế, nhiều việc bị buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra kiểm soát nhất là những vấn đề trật tự an ninh, mê tín dị đoan trong lễ hội.

Những bước tiến trong quản lý lễ hội năm 2018

Tại hội nghị tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 18-01-2019, các đại biểu đều thống nhất cho rằng: Mùa lễ hội 2018, việc tổ chức, quản lý lễ hội đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng ở nhiều yếu tố. Cụ thể, có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương để có định hướng quản lý, tổ chức. Các bộ, ban, ngành, địa phương đều vào cuộc quyết liệt, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và đặc biệt làm chấn chỉnh nạn đổi tiền lẻ, đặt tiền giọt dầu, công đức... đúng vị trí quy định, đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội…

Nhìn chung, công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2018 trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, việc quản lý và tổ chức lễ hội vẫn còn xảy ra các hiện tượng phản cảm như tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc; đốt đồ mã, vàng mã nhiều tại một số di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn; khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với các địa phương kịp thời xử lý những vấn đề bất cập ở địa phương. Ý thức của người dân khi tham gia lễ hội đã có nhiều chuyển biến. Những tồn tại, hạn chế của những mùa lễ hội trước đã cơ bản được khắc phục. Những tồn tại, bất cập ở lễ hội là vẫn còn nhưng chỉ ở một số lễ hội chứ không tràn lan, phổ biến như trước… Hoạt động lễ hội năm 2018 diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, xuyên suốt thời gian trước, trong và sau khi lễ hội kết thúc.

Đối với một số lễ hội còn để xảy ra các hiện tượng chen lấn, xô đẩy, vi phạm thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập tục, chủ động làm việc với cơ sở và có những chỉ đạo kịp thời để điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Có được những kết quả nêu trên là do nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc lễ hội để người dân nhận diện đúng giá trị của lễ hội, di tích, tránh tình trạng người dân đi lễ hội theo phong trào mà không hiểu hết các giá trị truyền thống. Các cơ quan quản lý, địa phương, ban tổ chức các lễ hội cũng tăng cường thuyết phục, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh nơi diễn ra lễ hội; bảo tồn có chọn lọc các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với thực tế địa phương…

Đặc biệt, các địa phương hết sức quan tâm chú ý rà soát, nâng cấp cơ sở vật chất nơi diễn ra lễ hội để tạo điều kiện tốt nhất, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân.

Các cơ quan chức năng cũng tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong khâu tổ chức, quản lý lễ hội.

Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019

Để công tác quản lý lễ hội tiếp tục đi vào nề nếp, chấn chỉnh những hạn chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong văn bản số 323/BVHTTDL-VHCS ngày 23-01-2019 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt là Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công điện số 1793/CĐ-TTg ngày 13-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và lễ hội Xuân 2019; Công văn số 5709-CV/BTGTW ngày 25-12-2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc chỉ đạo hoạt động văn hóa - văn nghệ Xuân Kỷ Hợi 2019 và Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Các địa phương thực hiện quản lý nhà nước về lễ hội theo đúng quy định tại Điều 20 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ và phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống.

Các địa phương cần lưu ý không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.

Thực hiện kiểm kê, phân loại lễ hội, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa lễ hội; xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; rà soát, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các di tích, cơ sở thờ tự, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi thực hành tín ngưỡng và tham gia lễ hội.

Các cơ quan chức năng và địa phương cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác; thực hiện yêu cầu về việc tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện, đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, văn minh…/.