Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều Tiên: Cơ hội cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều Tiên
Hai miền Triều Tiên đang tích cực chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 trong lịch sử tại làng đình chiến Panmunjom vào ngày 27-4. Trước đó, hai bên đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh vào năm 2000 và 2007, cả hai sự kiện này đều được tổ chức tại Bình Nhưỡng và có sự tham dự của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un. Năm 2000, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung đã tới Bình Nhưỡng bằng máy bay, còn năm 2007, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun đi bộ qua giới tuyến sau khi dừng xe ở khu vực phía Nam.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kwun Hyuk-ki cho biết các quan chức của nước này và Triều Tiên ngày 05-4 đã tiến hành các cuộc thảo luận “nghiêm túc và kỹ lưỡng” tại phần lãnh thổ của Hàn Quốc nằm trong làng đình chiến Panmunjom để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh liền Triều dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này.
Phát biểu với báo giới, ông Kwun nhấn mạnh: “Hai bên đã tiến hành thảo luận nghiêm túc và kỹ lưỡng nhằm tổ chức thành công cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều vào ngày 27-4 tới". Ông Kwun cũng cho biết trong cuộc gặp kéo dài 4 giờ, hai bên đã thảo luận các biện pháp an ninh, thủ tục lễ tân và hoạt động của báo chí tại cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, đồng thời cho biết hai bên đã nhất trí tổ chức thêm ít nhất 1 vòng thảo luận cấp chuyên viên nữa để bàn về những chủ đề này nhưng chưa ấn định thời gian cụ thể.
Ông Kwun là quan chức phụ trách trung tâm báo chí của Phủ Tổng thống Hàn Quốc và cũng là một thành viên trong phái đoàn gồm 5 người của nước này tham gia cuộc họp cấp chuyên viên nói trên. Các nhóm chuyên viên riêng rẽ của Hàn Quốc và Triều Tiên tiến hành các cuộc gặp vào ngày 07-4 để thảo luận việc thiết lập đường dây nóng giữa hai nhà lãnh đạo hai nước mà hai bên đã nhất trí trước đó.
Ngày 09-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Động thái này diễn ra sau khi có thông tin Bình Nhưỡng sẵn sàng thảo luận về việc giải trừ hạt nhân tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên.
Phát biểu với các phóng viên trước khi diễn ra một cuộc họp nội các, Tổng thống Trump nêu rõ, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sẽ được tổ chức vào khoảng thời gian "trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6". Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng khẳng định Washington và Bình Nhưỡng có thể xây dựng một thỏa thuận về việc giải trừ hạt nhân trong cuộc gặp sắp tới.
Trước đó, trong thông tin được đưa ra vào ngày 08-4, Nhà Trắng xác nhận rằng Triều Tiên sẵn sàng đàm phán về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trong cuộc gặp thượng đỉnh song phương. Theo một người phát ngôn giấu tên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, giới chức hai nước cũng đang tiến hành các cuộc làm việc kín nhằm chuẩn bị cho sự kiện lịch sử này.
Theo thông tin từ hãng truyền thông CNN ngày 07-4, Mỹ và Triều Tiên đang tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp và bí mật trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước. CNN cho biết, Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) - người được đề cử vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo, cùng đội ngũ phụ tá đang làm việc với phía Triều Tiên thông qua các kênh tình báo để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh.
Hàn Quốc kêu gọi nỗ lực vì thành công của hội nghị thượng đỉnh liên Triều
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 11-4 đã kêu gọi nỗ lực đảm bảo thành công cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới, đồng thời khẳng định hội nghị lần này đánh dấu bước đầu tiên trong hành trình lâu dài hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu trong buổi gặp mặt Ủy ban tổ chức hội nghị tại Nhà Xanh, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định đây là vạch xuất phát trong hành trình dài phía trước, hướng tới hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên, một sự chuyển dịch lớn vì mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, thiết lập nền hòa bình lâu dài và phát triển bền vững trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
"Ông chủ" Nhà Xanh cũng nhấn mạnh hội nghị là cơ hội mang tính bước ngoặt đang ở ngay trước mắt, Hàn Quốc cần phải kiên định với mục tiêu hiện thực hóa cơ hội này nhưng cũng cần kiềm chế trong những kỳ vọng về kết quả hội nghị. Ông cho rằng việc có thể tổ chức hội nghị lần này là điều mà lâu nay người dân hai miền vẫn luôn mơ ước nhưng chưa thành hiện thực, vì vậy cần phải kiên định và tự tin để vượt qua sự chia cắt và những thách thức để viết nên trang sử mới cho hai miền Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc cũng tìm kiếm sự ủng hộ của đảng đối lập chính đối với hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Ngày 13-4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có cuộc gặp hiếm hoi với ông Hong Joon-pyo, Chủ tịch đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) - đảng đối lập chính ở nước này - thảo luận các cách thức để tiến hành thành công cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa hai miền Triều Tiên. Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận thẳng thắn về các vấn đề đối ngoại và an ninh trước khi tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Theo quan chức này, Tổng thống nhận thấy sự cần thiết của việc tiến hành thảo luận để nhận được sự ủng hộ của phe đối lập trước cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Hong Joon-pyo cho biết đảng LKP không phản đối việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên, song nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc không được lặp lại sai lầm trong quá khứ. Quan chức Phủ Tổng thống không nói rõ về phát biểu trên của lãnh đạo đảng đối lập, song LKP cho biết lãnh đạo đảng này đã khẳng định lại lập trường của đảng là phản đối cách tiếp cận "từng bước" trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, cho rằng phương pháp này chỉ khiến Bình Nhưỡng có thêm thời gian thúc đẩy chương trình hạt nhân. Theo đó, ông Hong Joon-pyo đề nghị cách tiếp cận "kiểu Libya", trong đó ấn định phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong 6 tháng đến 1 năm trước khi Bình Nhưỡng nhận được bất kỳ sự nhượng bộ nào. Washington được cho là cũng ủng hộ cách tiếp cận này.
Bên cạnh đó, ông Hong Joon-pyo cũng bày tỏ quan ngại về những nguy cơ rạn nứt trong liên minh với Mỹ, cho rằng Tổng thống Moon Jae-in nên nỗ lực hơn nữa nhằm tăng cường mối liên minh này.
Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản chuẩn bị cho các cuộc đối thoại sắp tới với Triều Tiên
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ đang phối hợp chặt chẽ thông qua nhiều kênh khác nhau để đảm bảo thành công của các hội nghị thượng đỉnh dự kiến với Triều Tiên.
Theo hãng tin Yonhap, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 12-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk thông báo Chính phủ nước này đang nỗ lực hết sức để đạt được những kết quả mong muốn trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới về phi hạt nhân hóa cũng như các vấn đề khác. Ông Noh nhấn mạnh: "Với tinh thần trên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đang tập trung rất nhiều nỗ lực để duy trì liên lạc chặt chẽ và tăng cường hợp tác với Mỹ thông qua các kênh ngoại giao ở nhiều cấp khác nhau, trong đó có Đại sứ quán Hàn Quốc tại Mỹ, trước thềm hai hội nghị thượng đỉnh riêng rẽ với Triều Tiên".
Trước đó, trong tuần này, các quan chức Hàn Quốc xác nhận Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Cho Yoon-je và quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Susan Thornton gần đây đã thiết lập một kênh liên lạc thường xuyên trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh liên Triều dự kiến diễn ra vào ngày 27-4 tới và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.
Tân Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 12-4 đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong, người đang thực hiện chuyến thăm bất ngờ tới Washington, nhằm chuẩn bị cho các cuộc gặp thượng đỉnh với Triều Tiên.
Phát biểu với báo giới, ông Chung Eui-yong cho biết hai bên đã thảo luận nhiều nội dung. Quan chức Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh liên Triều cũng như hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Mỹ, do vậy hai bên đã có cuộc trao đổi rộng mở về các cách thức để tổ chức 2 sự kiện này, qua đó hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình.
Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia thuộc Nhà Trắng cho hay tại cuộc gặp, hai quan chức đã cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ. Phía Nhà Trắng cũng cho biết ông Bolton đã có cuộc gặp riêng rẽ với người đồng cấp Nhật Bản Shotaro Yachi. Cả ông Chung Eui-yong và ông Yachi đều là những cố vấn an ninh quốc gia nước ngoài đầu tiên gặp ông Bolton kể từ khi ông này đảm nhận vai trò mới hôm 09-4.
Tháng trước, ông Chung Eui-yong cũng tới Washington ngay sau khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng. Ông đã truyền đạt mong muốn của nhà lãnh đạo Triều Tiên tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay khi có thể, cùng với cam kết của Bình Nhưỡng về việc phi hạt nhân hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Cho tới nay, phía Hàn Quốc luôn kêu gọi một thỏa thuận "toàn diện và theo từng giai đoạn" về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trong khi tân Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, một chính trị gia có đường lối cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên và Iran, lại yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.
Truyền thông Triều Tiên lần đầu đề cập đến các cuộc gặp thượng đỉnh
Truyền thông Triều Tiên ngày 10-4 đưa tin nhà lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un đã chủ trì một cuộc họp đảng Lao động Triều Tiên trong ngày 09-4. Tại đây, ông đã phân tích về kết quả cuộc đối thoại sắp tới với Mỹ và diễn biến trong quan hệ liên Triều trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc vào ngày 27-4 tới.
Trong bình luận đầu tiên của truyền thông Triều Tiên về cuộc đối thoại chính thức với Mỹ và cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên cũng cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đưa ra một loạt "những vấn đề chiến lược và chiến thuật" cần được các đảng viên đảng Lao động Triều Tiên thảo luận và tán thành, gồm chính sách về các quan hệ quốc tế tương lai cũng như phương hướng hành động tương ứng.
Thông tin được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có kế hoạch gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. Ông cũng bày tỏ hi vọng các cuộc thảo luận sẽ giúp các bên có thể đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân Triều Tiên.
Trong một thông báo riêng rẽ khác, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho hay một phái đoàn nước này do Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho dẫn đầu hiện ở thăm Nga sau chuyến thăm Turkmenistan. Hãng tin TASS đưa tin Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đã có cuộc gặp với ông Ri Yong Ho về những lựa chọn đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Seoul. Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho cũng có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong ngày 10-4.
Theo nhật báo Tokyo Shimbun của Nhật Bản ngày 13-4, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nếu Mỹ thể hiện rõ sự chân thành của mình, Triều Tiên có thể đưa ra lộ trình để phi hạt nhân hoá trước hoặc sau khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh giữa Bình Nhưỡng-Washington. Nhật báo Tokyo Shimbun dẫn một nguồn thạo tin về vấn đề Trung Quốc - Triều Tiên, cho biết ông Kim Jong-un đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh cuối tháng 3 vừa qua.
Theo nguồn tin trên, ông Kim Jong-un nói rằng Bình Nhưỡng có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Washington đảm bảo duy trì hệ thống chính trị của Triều Tiên và đền bù đầy đủ cho việc phi hạt nhân hóa. Nhà lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh, không có lý do gì để Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân nếu Mỹ chấm dứt chính sách thù địch đối với Triều Tiên. Nguồn tin cũng cho hay, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng ông sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân.
Các bên thận trọng về kết quả của các hội nghị
Hiện nay, nhiều chuyên gia phân tích vẫn hoài nghi việc Triều Tiên sẽ không bao giờ phi hạt nhân hóa. Một số ý kiến cho rằng Bình Nhưỡng có thể yêu cầu Washington nhượng bộ trong một số vấn đề như Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. Một số chuyên gia khác lại chỉ ra rằng các thỏa thuận phi hạt nhân hóa nhằm đổi lấy viện trợ rốt cuộc đều đổ vỡ.
Ngoại trưởng được đề cử của Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ lập trường khá thận trọng về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới khi cho rằng hội nghị thượng đỉnh này có thể đưa ra các điều kiện cho một thỏa thuận phi hạt nhân hóa toàn diện hơn là đạt được một hiệp định như vậy.
Trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 12-4, ông Pompeo cho rằng "không nên ảo tưởng" hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Những nhận xét của ông Pompeo gợi ý rằng Mỹ sẽ nỗ lực đạt được một thỏa thuận khung về phi hạt nhân hóa, song không vội vàng đàm phán chi tiết về việc thực hiện tiến trình này.
Còn Tổng thống Hàn Quốc thì lưu ý, hội nghị là cơ hội để đặt một nền tảng vững chắc cho quá trình hòa giải hai miền và đảm bảo hòa bình thịnh vượng cho bán đảo Triều Tiên chứ không phải để hóa giải mọi vấn đề ngay từ đây. Và tầm quan trọng của hội nghị lần này sẽ ảnh hưởng tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Vì vậy, ông hy vọng Hàn Quốc làm tốt vai trò dẫn dắt để hội nghị thượng đỉnh liên Triều kết thúc tốt đẹp, mở đường cho hội nghị Mỹ - Triều diễn ra thuận lợi. Tổng thống Hàn Quốc cho biết thêm Mỹ và Triều Tiên đều đã tham gia những cuộc thảo luận để ấn định thời gian, địa điểm và các chủ đề cho hội nghị có vai trò đặc biệt quan trọng này./.
Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria: Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc  (14/04/2018)
Lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long vui đón Tết Chol Chnam Thmay cùng đồng bào dân tộc Khmer  (14/04/2018)
Đồng bào Khmer phấn khởi đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay  (14/04/2018)
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Pakistan chủ trì tham khảo chính trị  (14/04/2018)
Thủ tướng chủ trì họp về hợp tác thương mại Việt Nam - EU  (14/04/2018)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại tỉnh Đồng Tháp  (14/04/2018)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên