Đồng bào Khmer phấn khởi đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay
TCCSĐT - Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer năm nay được diễn ra từ ngày 13 và 16-4. Trong những ngày này, đồng bào Khmer ở Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh vui mừng đón Tết cổ truyền với tinh thần phấn khởi, bởi năm nay đời sống ổn định, đồng bào đón Tết trong sự no ấm, hân hoan.
* Là địa phương có đồng bào dân tộc Khmer nhiều nhất tỉnh, chiếm hơn 30% dân số toàn huyện Gò Quao (Kiên Giang), những ngày này, bà con Khmer huyện Gò Quao nhộn nhịp đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2018. Đến các xã có đông đồng bào Khmer trong huyện, nhất là tại các chùa Nam Tông Khmer, mọi người sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh các phật tử tề tựu về chùa quét dọn, sơn sửa để đón Tết cổ truyền. Không khí trở nên rộn ràng, náo nhiệt.
Ông Danh Ngun, người dân ấp Hòa Thiện, xã Định Hòa, huyện Gò Quao không giấu niềm vui mừng, phấn khởi cho biết: Năm nay, đồng bào Khmer trong xã đón Tết lớn hơn mọi năm, vì vụ lúa Đông Xuân vừa rồi trúng mùa và bán được giá cao. Gia đình ông Ngun thu hoạch xong, sau khi trừ chi phí lãi gần 80 triệu đồng cho 2 ha lúa, cao hơn nhiều so với mọi năm. Không chỉ riêng, ông Ngun mà bà con nông dân trong xã năm nay đa số đều trúng mùa nên có điều kiện đón Tết vui hơn mọi năm.
Đối với đồng bào Khmer, chùa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, các hoạt động vui chơi, giải trí mang đậm bản sắc văn hóa. Vì thế, những ngày này, đồng bào Khmer ở huyện vùng sâu Gò Quao tề tựu về các chùa để chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Tại đây, ngoài việc vui chơi, giải trí, bà con còn cùng nhau bàn bạc, trao đổi công việc mùa vụ, sản xuất.
Tại chùa Cà Nhung, xã Định Hòa, đông đảo đồng bào phật tử Khmer có mặt ở chùa rất sớm và rất đông để đón Tết cổ truyền. Tiếng nhạc ngũ âm được vang lên làm không khí thêm vui tươi, náo nhiệt. Ông Danh Phương, Ban Quản trị chùa Cà Nhung cho biết, năm nay, chùa Cà Nhung được đầu tư xây mới ngôi sala tiếp khách nên diện mạo ngôi chùa khang trang hơn. Ngôi sala cũng vừa hoàn thành nên đồng bào phật tử càng thêm phấn khởi.
Đón Tết cổ truyền cũng là dịp để đồng bào Khmer gặp gỡ người thân, họ hàng, bạn bè cùng nhau trò chuyện, nhắc nhở nhau đón Tết lành mạnh, tiết kiệm, giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, cùng nhau đoàn kết thi đua yêu nước và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới.
Trong những ngày này, huyện Gò Quao đã thành lập các đoàn cán bộ đến thăm, chúc Tết các chùa Khmer, các gia đình chính sách tiêu biểu là người Khmer. Đồng thời, huyện còn tổ chức họp mặt cán bộ, chiến sỹ và các sư sãi người dân tộc Khmer trên địa bàn nhằm thăm hỏi, động viên và chúc mừng năm mới trong không khí vui tươi, ấm áp.
Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer có ý nghĩa là Tết mừng năm mới. Trong 3 ngày Tết, nhiều nghi lễ truyền thống mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp đã diễn ra. Trong những ngày Tết, các chùa tổ chức các trò chơi dân gian để bà con vui chơi giải trí, để mùa màng được trúng, giúp người dân luôn được no ấm, hạnh phúc.
** Trong các ngày 13 và 14-4, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức thăm, chúc mừng các chùa và sư sãi, chức sắc tôn giáo, đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh nhân Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương cùng lãnh đạo tỉnh đã đến thăm, chúc mừng tại các chùa trên địa bàn huyện Hồng Dân, huyện Hòa Bình, huyện Vĩnh Lợi, huyện Phước Long, thị xã Gía Rai, thành phố Bạc Liêu.
Tại các điểm đến, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu đã ân cần thăm hỏi và chúc các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Sư sãi, cán bộ và toàn thể đồng bào Khmer đón những ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay vui tươi, ấm áp; khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt, giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế. Lãnh đạo tỉnh mong muốn các vị Hòa thượng, Thượng tọa, cán bộ và đồng bào Khmer giữ vững truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết các dân tộc, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa bàn; tích cực tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, kinh doanh, cố gắng phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, cho quê hương đất nước…
Đại diện trụ trì các chùa đã cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã đến thăm và chúc mừng nhân ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay; bày tỏ niềm tin phấn khởi trước sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Khmer, giúp cho cuộc sống đồng bào ngày càng nâng lên, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt môn quy Phật pháp; dìu dắt đồng bào Phật tử Khmer trong tỉnh chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chăm lo sản xuất, kinh doanh...
*** Những ngày này, về các phum, sóc ở Trà Vinh, đồng bào Khmer đang tất bật thu hoạch lúa, hoa màu để kịp đón Tết cổ truyền. Vụ Đông Xuân năm nay, năng suất lúa ở Trà Vinh đạt cao với mức hơn 6 tấn/ha, tăng khoảng 1 ha so với vụ trước; giá lúa cũng cao hơn từ 800 - 1.000 đồng/kg nên người trồng lúa thu được lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha.
Gia đình anh Thạch Thắng, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần đang khẩn trương thu hoạch 1,1 ha lúa để chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Anh Thắng chia sẻ, năm nay đồng bào Khmer ở đây “ăn” Tết Chôl Chnăm Thmây vui hơn nhờ vụ mùa bội thu. Hầu hết các ruộng lúa trên địa bàn đều đạt năng suất hơn 7 tấn/ha, giá bán được thương lái mua tại ruộng 5.800 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân đạt lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha, tăng khoảng 10 triệu đồng so với vụ trước. Một số hộ năng suất đạt 10 tấn/ha, cho lợi nhuận gần 50 triệu đồng/ha.
Xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần có 2.895 hộ dân, trong đó số hộ Khmer chiếm gần 62%. Đồng bào Khmer ở đây chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào Khmer nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Hầu hết các tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp trên địa bàn đều được nhựa hóa, bê tông hóa phục vụ người dân đi lại, giao thương hàng hóa.
Ông Võ Thanh Xuân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, cho biết nhờ thực hiện đồng bộ nhiều chính sách của Trung ương, của tỉnh và huy động các nguồn lực ở địa phương, năm 2017 toàn xã có thêm 83 hộ thoát nghèo, trong đó có 65 hộ người Khmer. Tết cổ truyền năm nay, nông dân Khmer trên địa bàn rất phấn khởi nhờ sản xuất vụ lúa Đông Xuân thắng lợi. Để tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị sản xuất, cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thời gian qua, địa phương đã tích cực vận động nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, tham gia hợp tác xã để được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước, giảm chi phí sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào Khmer trong xã được cải thiện đáng kể. Năm 2018, địa phương phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 41 triệu đồng/người/năm.
Tỉnh Trà Vinh có gần 320.000 người là đồng bào dân tộc Khmer, chiếm gần 32% dân số toàn tỉnh. Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh luôn ưu tiên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer. Nhờ vậy, đời sống đồng bào Khmer trên địa bàn ngày càng khởi sắc.
Ông Kiên Ninh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, trong năm 2017, Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số. Nhiều nguồn vốn, chương trình của Trung ương và địa phương đã được đầu tư để phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer. Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh đã có bước đổi thay đáng kể, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer xuống 3%.
Năm 2017, tỉnh đã triển khai nguồn vốn hơn 30 tỷ đồng xây dựng, duy tu các công trình hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135. Thực hiện Quyết định 755/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tỉnh giải ngân nguồn vốn hơn 13,7 tỷ đồng để hỗ trợ 10.541 hộ chủ yếu là gia đình Khmer nghèo trong tỉnh sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Tỉnh cũng giải ngân nguồn vốn hơn 36 tỷ đồng hỗ trợ đất ở cho 1.474 hộ dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với sự chăm lo đời sống vật chất cho đồng bào Khmer, tỉnh Trà Vinh cũng quan tâm và tạo điều kiện để đồng bào Khmer bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường, hiện nay các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú và các điểm chùa đều tổ chức dạy Ngữ văn Khmer. Công tác xây dựng hệ thống chính trị trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer được chú trọng. Nhiều cán bộ dân tộc Khmer được đề bạt, bổ nhiệm, phân công giữ chức vụ quan trọng ở các ngành, các cấp…
Hằng năm, vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Dolta, lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh đều tổ chức thăm hỏi các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, chúc mừng chư tăng, phật tử; đồng thời tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho bà con. Nhờ sự tương trợ, tôn trọng, bình đẳng giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tình đoàn kết ngày càng được thắt chặt hơn, qua đó góp phần xây dựng quê hương Trà Vinh ngày càng giàu đẹp./.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Pakistan chủ trì tham khảo chính trị  (14/04/2018)
Thủ tướng chủ trì họp về hợp tác thương mại Việt Nam - EU  (14/04/2018)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại tỉnh Đồng Tháp  (14/04/2018)
Phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội  (13/04/2018)
Triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông  (13/04/2018)
Thủ tướng: Hỗ trợ thanh niên đẩy mạnh khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học  (13/04/2018)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên