TCCSĐT - Cuộc thi “Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 năm 2017” khu vực miền núi phía Bắc; Dự án cô đỡ thôn bản do Bộ Y tế triển khai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; áp dụng Kỹ thuật tán sỏi niệu quản theo phương pháp nội soi ngược dòng bằng tia laser tại Bệnh viện đa khoa Mộc Châu, tỉnh Sơn La;… là các hoạt động do ngành y tế phối hợp với các địa phương tổ chức nhằm phát triển y tế cơ sở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cuộc thi y tế thôn bản giỏi khu vực miền núi phía Bắc

Ngày 28-10, tại Trung tâm văn hóa tỉnh Thái Nguyên, Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên tổ chức cuộc thi “Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 năm 2017” khu vực miền núi phía Bắc. Tham dự cuộc thi là các y bác sỹ, nhân viên y tế thôn bản 6 tỉnh, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn và Thái Nguyên.

Tại cuộc thi, 6 đội thi sẽ trải qua 3 phần thi, gồm: Màn chào hỏi, thi kiến thức, thi năng khiếu. Nội dung thi gồm những câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận về các quy định pháp luật, chính sách, các văn bản chính sách về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân xoay quanh các lĩnh vực gồm: Truyền thông, giáo giục sức khỏe; Phòng chống dịch bệnh; Vận động trẻ em tiêm chủng; Chăm sóc bà mẹ mang thai và kế hoạch hóa gia đình; Nhiệm vụ của cô đỡ thôn bản và công tác y tế thôn bản.

Ngoài ra, các phần thi của mỗi đội thể hiện kiến thức, kỹ năng thực hành trong công tác tư vấn và chăm sóc sức khỏe nhân dân được sân khấu hóa thông qua các tiểu phẩm, thuyết trình, hùng biện, thơ ca, hò vè, hát múa... được các đội thể hiện sinh động, truyền tải rõ ràng đầy đủ các thông điệp của cuộc thi.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cuộc thi “Y tế thôn bản giỏi” đã trở thành ngày hội của các cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt là nhân viên y tế thôn bản. Đây cũng là dịp các đội thi giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thông qua đó, tôn vinh vẻ đẹp tri thức, y đức và phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế…Từ đó nhân rộng những tấm gương y tế thôn bản giỏi, tiêu biểu luôn cố gắng khắc phục thiếu thốn về vật chất, điều kiện khám chữa bệnh để hàng ngày chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng khó khăn.

Người dân vùng núi được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao

Kỹ thuật tán sỏi niệu quản theo phương pháp nội soi ngược dòng bằng tia laser được Bệnh viện đa khoa Mộc Châu (tỉnh Sơn La) áp dụng từ tháng 01-2017. Đến nay, đội ngũ y bác sỹ của đơn vị đã làm chủ được kỹ thuật, điều trị tán sỏi thành công cho 40 bệnh nhân trên địa bàn huyện.

Với kỹ thuật này, sau khi bệnh nhân được gây tê tủy sống, các bác sỹ dùng ống nội soi niệu quản qua đường niệu đạo lên niệu quản đến vị trí sỏi nằm, sau đó luồn dây dẫn tia laser phá vỡ sỏi thành từng mảnh nhỏ để đưa ra ngoài. Đây là kỹ thuật có nhiều tính năng ưu việt bởi có thể tán được tất cả các loại sỏi với tỷ lệ thành công cao, ít đau, không mất máu, không để lại sẹo sau mổ nên tính thẩm mỹ cao, thời gian phục hồi nhanh hơn so với kỹ thuật mổ mở truyền thống.

Theo Quyết định số 2572/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016 - 2020, Bệnh viện đa khoa Mộc Châu là 1 trong 5 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện đại học Y Hà Nội. Theo đó, Bệnh viện đại học Y Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn diện cho Bệnh viện đa khoa Mộc Châu ở các lĩnh vực: Tim mạch, ngoại-chấn thương, ung bướu, nội tiết-thần kinh, hồi sức tích cực - chống độc, huyết học. Qua đó, người bệnh trên địa bàn huyện Mộc Châu nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung có cơ hội được điều trị bằng các kỹ thuật cao, giảm chi phí và thời gian đi lại, đồng thời góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Cô đỡ thôn bản giúp đổi thay nhận thức của phụ nữ dân tộc thiểu số

Dự án cô đỡ thôn bản do Bộ Y tế triển khai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đem đến nhiều thay đổi về nhận thức cũng như hiểu biết người dân ở các xã đặc biệt khó khăn, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Mặc dù dự án đã kết thúc, nhưng vẫn còn những cô đỡ thôn bản tiếp tục thầm lặng làm công việc của mình.

Trước khi có dự án cô đỡ thôn bản người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng sâu, vùng núi cao của tỉnh Lạng Sơn thường tự đỡ đẻ cho nhau bằng kinh nghiệm dân gian truyền lại. Những người phụ nữ lớn tuổi được cho là có nhiều kinh nghiệm sẽ phụ trách việc đỡ đẻ cho người dân cùng thôn. Bà Hoàng Thị Vạnh, Thôn Song Sài, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn là một trong những bà đỡ dân gian còn hành nghề đến trước khi có dự án cô đỡ thôn bản. Bà Vạnh nhớ lại: Ngày xưa cắt rốn cho trẻ con thì buộc hai đầu vào, lấy cật tre vào luộc nước sôi rồi cắt. Người dân trong thôn tự đỡ đẻ cho nhau, nhiều ca đẻ khó không có hiểu biết hay thuốc men nên chết cả mẹ và con.

Những câu chuyện về dùng cật tre để cắt dây rốn trước đây có lẽ đối với người dân, đặc biệt là phụ nữ trong thôn Song Sài chỉ còn trong ký ức. Nhận thức của chính những bà đỡ dân gian như bà Vạnh cũng đã dần thay đổi. Thôn Song Sài, giờ không còn tình trạng đẻ tại nhà. Phụ nữ có thai đã chủ động đến trạm xá khám thai và sinh đẻ.

Sự chuyển biến trong nhận thức của phụ nữ trong thôn Song Sài cũng như của nhân dân trên địa bàn xã Đông Quan, huyện Lộc Bình cũng là nhờ những cô đỡ thôn bản như chị Lộc Thị Hằng ở thôn Song Sài, xã Đông Quan. Chị Hằng cho biết: Song Sài là thôn vùng 3 đường đi lại rất khó khăn. Nên khi các chị em đến gần ngày sinh, chị thường phải đến tận nhà để làm công tác tuyên truyền vận động chị em đến bệnh viện chờ đẻ. Trong thời gian quản lý thai nghén, nếu phát hiện chị em nào có thai thì chị vận động họ đi khám thai 3 tháng/1 lần.

Theo báo cáo của Trung tâm y tế huyện Lộc Bình, hiện nay trên địa bàn huyện tỷ lệ phụ nữ khám thai 3 lần/3 kỳ đạt trên 78%; tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt đạt 99,6%; số phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt gần 99%.

Bác sĩ Trần Hồng Duyên, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ năm 2010 dự án lớp “cô đỡ thôn bản”được triển khai, thì các cán bộ y tế đã nâng cao kiến thức, nhất là tình trạng đỡ đẻ tại nhà, đẻ rơi rất ít. Hiện nay, hiện nay các cô đỡ thôn bản trở thành “chân rết” cho các cán bộ y tế xã tư vấn cho phụ nữ mang thai, quá trình chăm sóc trong và sau đẻ tại nhà, được trang bị rất tốt. Vì vậy hiện nay trên địa bàn huyện không có tình trạng uốn ván rốn, nhiễm trùng rốn, tai biến sản khoa.

Hiện xã Đông Quan chỉ còn hai cô đỡ thôn bản tại hai thôn đặc biệt khó khăn là thôn Song Sài và thôn Nà Lâu. Không quản ngại khó khăn, các chị thường xuyên đến tư vấn, tuyên truyền những kiến thức cần thiết để chuẩn bị làm mẹ đồng thời khám thai định kỳ cho phụ nữ mang thai. Với sự kiên trì vận động của các chị, 100% phụ nữ mang thai hai thôn Song Sài và Nà Lầu đều đến trạm y tế xã khám thai định kỳ và đẻ tại trạm, những ca đẻ khó đều được chuyển tuyến kịp thời. Đặc biệt những trường hợp sản phụ không thể đến được trạm y tế, các chị đã có thể đỡ đẻ tại nhà theo cách an toàn và sạch… Nhờ đó, đã góp phần hiệu quả vào chương trình làm mẹ an toàn nhằm giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh trên địa bàn xã.

Năm 2015, dự án kết thúc, các cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp 50.000 đồng/tháng. Mặc dù vậy, những cô đỡ thôn bản vẫn phát huy vai trò tích cực, là cầu nối giữa y tế địa phương và nhân dân. Thiết nghĩ các cấp, các ngành cần tiếp tục có sự đầu tư hỗ trợ để các cô đỡ thôn bản phát huy hơn nữa vai trò của mình, từ đó đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, kế hoạch hóa gia đình./.