Một số giải pháp thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Hà Nội
TCCSĐT - Số lượng người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gần đây có xu hướng tăng lên nhưng vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Chính vì vậy để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn Hà Nội cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của về sự cần thiết tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, kết hợp nâng cao nghiệp vụ của cán bộ bảo hiểm xã hội và có chính sách hỗ trợ cho đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
An sinh xã hội được xem là một trong những nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở mọi quốc gia trên thế giới. Chính sách bảo hiểm xã hội là một trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội và được coi là mạng lưới đầu tiên nhằm trợ giúp cho con người - những thành viên của xã hội trong những trường hợp rủi ro. Vì vậy, việc thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm phát huy đầy đủ vai trò trụ cột của bảo hiểm xã hội, góp phần quan trọng không chỉ cho sự phát triển kinh tế mà còn nhằm mục tiêu ổn định xã hội cho mọi người dân. Tại Việt Nam hiện nay bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm xã hội hiện nay có hai loại là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Bảo hiểm xã hội tự nguyện được bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2008, tuy nhiên, sau 9 năm triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nên vẫn chưa thu hút được nhiều người lao động tham gia. Năm 2016, số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 306.690 người chiếm 0,485% số người lao động thuộc diện tham gia.
Thực trạng tham gia bảo hiểm xã hội tại Hà Nội
Thực trạng về số người lao động tham gia và mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Kể từ năm 2008 khi hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện được áp dụng tại Việt Nam, bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội đã nhanh chóng phổ biến triển khai theo quy định nhằm thu hút người lao động tham gia. Theo báo cáo của bảo hiểm xã hội Hà Nội, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội qua các năm đều tăng về số lượng, tuy nhiên, sau 9 năm thực hiện đến năm 2016 cả thành phố chỉ có 22.415 người tham gia, đây là số lượng rất ít so với kỳ vọng đề ra ban đầu.
Giai đoạn từ năm 2012 - 2016, số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngày càng được mở rộng, tốc độ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (2012 - 2016) tính theo năm tăng 158,52%. Tuy nhiên, tốc độ tăng vẫn chưa tương xứng với tổng số đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tính đến 31-12-2016 toàn thành phố mới chỉ có 22.415 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 0,45% dân số trong độ tuổi 15 - 64 của Hà Nội (4.921.137 người năm 2015), rõ ràng đây là số lượng quá ít người lao động tham gia mặc dù Hà Nội là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn, người dân có thu nhập cao hơn so với các địa phương khác. Lý do vì bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách mới và công tác tuyên truyền chưa được chú trọng, ít người biết, bên cạnh đó trong thời gian dài chúng ta chủ yếu tập trung vào bảo hiểm xã hội bắt buộc nên cơ chế quản lý và đội ngũ cán chuyên trách bảo hiểm xã hội tự nguyện còn mỏng về lượng và yếu về kỹ năng.
Về mức thu và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì tổng số tiền đóng từ năm 2012 đến năm 2016 đều tăng, năm 2012 mức thu là 42,138 tỷ đồng đến năm 2016 mức thu đạt 147,133 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 286%). Điều này cho thấy mức tăng trưởng về mặt con số là cao, chính sách bảo hiểm là thiết thực với người dân và người dân cũng có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội để bảo đảm thu nhập cho mình khi về già.
Thực trạng nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của người lao động
Khảo sát trên 112 người lao động là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội kết quả được như sau:
Người lao động Nhu cầu | Nông nghiệp | Phi nông nghiệp | Tổng số | Tỷ lệ % |
Không có nhu cầu | 12 | 17 | 29 | 23,7 |
Có nhu cầu | 36 | 32 | 68 | 55,7 |
Không rõ | 14 | 11 | 25 | 21,6 |
Tổng | 62 | 60 | 122 | 100 |
Trong số người lao động nghiên cứu thì người lao động làm nông nghiệp có nhu cầu tham gia cao hơn so với người lao động phi nông nghiệp, nguyên nhân do thu nhập của họ thấp và không ổn định nên họ có nhu cầu về đảm bảo thu nhập khi về già.
Một số giải pháp thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Xuất phát từ việc phân tích thực trạng về việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên và để thực hiện mục tiêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020: “Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội; 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện” nhóm tác giả đưa ra các giải pháp nhằm thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
Thứ nhất, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng đa dạng hóa các hình thức triển khai và phối hợp sự tham gia của nhiều tổ chức đoàn thể. Thông tin tuyên truyền về các chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những nhân tố tác động mạnh đến việc thu hút đối tượng tham gia. Nhất là ở nước ta, trong một thời gian dài chủ yếu tập trung vào bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi đó các chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện còn mới mẻ, chưa thực sự được nhiều người biết đến, vì vậy người lao động thiếu các thông tin về chính sách. Để đạt được mục tiêu, chúng ta cần triển khai đồng bộ các hoạt động sau đây: (1) Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, bảo đảm tính đồng bộ khi triển khai; (2) phối hợp sự tham gia của nhiều tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, (3) phối hợp chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện với các chương trình mục tiêu khác như chương trình việc làm, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các quận, huyện khác nhau trong thành phố.
Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ một phần phí để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Theo quy định hiện hành, mức phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng hiện nay là 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, mức thu nhập đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất trước năm 2016 là bằng mức lương cơ sở, từ tháng 01-2016 là bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Theo kết quả nghiên cứu thì không ít người được phỏng vấn cho rằng mức phí tối thiểu trong khung phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay là cao so với thu nhập thực tế của họ.Với mức phí khá cao này thì họ không đủ khả năng để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do đó, nhằm gia tăng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo đảm an sinh xã hội và giúp giảm gánh nặng ngân sách, việc ban hành chính sách hỗ trợ một phần phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động có thu nhập thấp, lao động nghèo là cần thiết. Bởi lẽ, hằng năm thành phố tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, tuy nhiên số lao động này chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp, trong khi đó khu vực kinh tế thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện vẫn chưa được được quan tâm nhiều, điều kiện làm việc của người lao động chưa được bảo đảm, thu nhập người lao động thấp, việc làm không ổn định, người lao động hầu như không được tham gia bảo hiểm xã hội...
Trong khi đó, những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được người sử dụng lao động đóng cho 18% , người lao động chỉ đóng 8% so với tiền lương, hơn nữa lực lượng lao động này họ có thu nhập khá cao và ổn định, còn những người lao động thuộc diện bảo hiểm xã hội tự nguyện thì ngược lại họ phải tự trang trải phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đó cũng là lí do khiến số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lần đầu tiên trên cả nước rất ít, chủ yếu là người đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu thời gian công tác để được hưởng chế độ hưu trí và những giáo viên mầm non có thời gian công tác từ trước năm 1995 nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho đến khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hằng tháng theo Quyết định số 45/2011/QĐ-TTg ngày 18-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ”.
Kể từ tháng 01-2018, Chính phủ triển khai hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động, mức hỗ trợ là 30% mức đóng đối với người nghèo, 20% mức đóng với người cận nghèo, 10% mức đóng đối với đối tượng khác. Tuy nhiên, đối với người lao động này thì đa phần thuộc nhóm thứ ba, nhóm được hỗ trợ 10% mức đóng. Mặc dù đây là sự nỗ lực lớn của Nhà nước để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng mức hỗ trợ này vẫn còn thấp, đa phần người lao động được khảo sát trả lời rằng, kể cả có sự hỗ trợ như thế này thì họ cũng không thể tham gia bảo hiểm xã hội. Do đó nên chăng cần có lộ trình ví dụ bên cạnh việc hỗ trợ phân loại các đối tượng theo thu nhập như trên thì hỗ trợ người mới bắt đầu tham gia cao hơn và sau đó sẽ giảm dần, như vậy sẽ khuyến khích và giải quyết khó khăn ban đầu cho người lao động.
Thứ ba, nâng cao nghiệp vụ của cán bộ Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trình độ chuyên môn cũng như thái độ phục vụ của cán bộ bảo hiểm xã hội tự nguyện Hà Nội thời gian qua đã được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, người lao động vẫn gặp những khó khăn khi tiếp cận giải quyết các thủ tục tham gia như thái độ khi giải quyết cán bộ bảo hiểm xã hội còn yếu kém dẫn tới người dân có tâm lý “ngại” tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, các cán bộ bảo hiểm xã hội cấp cơ sở chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm cả bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi đó bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại có cơ chế tham gia khác, đối tượng tham gia cũng có đặc thù khác so với bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó cơ quan bảo hiểm xã hội cần nâng cao chất lượng cán bộ chuyên trách về bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là các cán bộ cấp cơ sở nơi mà trực tiếp tư vấn và giải quyết các thủ tục với người lao động. Phải thay đổi nhận thức của cán bộ ngành bảo hiểm coi bảo hiểm xã hội tự nguyện là một dịch vụ đang cung cấp và người lao động chính là khách hàng./.
--------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
(1) Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Báo cáo giám sát quốc hội các năm 2008 - 2016
(2) PGS,TS. Nguyễn Tiệp (2010): Giáo trình Bảo hiểm xã hội, Nxb. Lao động - Xã hội
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10 đến 16-7-2017)  (18/07/2017)
Kỷ niệm trọng thể 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào  (18/07/2017)
Giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường ở nước ta hiện nay  (18/07/2017)
Quy hoạch Khu Kinh tế Vân Đồn là đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt  (18/07/2017)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 10 đến ngày 16-7-2017)  (17/07/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại tỉnh Sơn La  (17/07/2017)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên