Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10 đến 16-7-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vtv.vn)
21:52, ngày 18-07-2017

TCCSĐT - Chiều 14-7, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong những tháng cuối năm 2017, ngành công thương sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án, quy hoạch ngành đã được phê duyệt, nhất là các dự án thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu theo Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố.

Xử lý 12 dự án không hiệu quả ngay trong tháng 7

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, các đơn vị chức năng đang chỉ đạo rất quyết liệt để xử lý và giải quyết các tồn tại của 12 dự án không hiệu quả do cơ quan này quản lý.

Trong danh sách 12 dự án kém hiệu quả của Bộ Công Thương quản lý bao gồm 4 nhà máy đạm là đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 1 - Hải Phòng và DAP số 2 - Lào Cai. Ngoài ra còn có 3 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học là Quảng Ngãi, Phú Thọ và Bình Phước.

Trong khi ngành thép cũng có 2 dự án là nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên và 3 nhà máy khác là xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) và Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.

Cũng theo Bộ Công Thương, trong số 12 dự án trên, tới đầu tháng Tư, có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ, gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất và Nhà máy thép Việt Trung. Ngoài ra còn có 3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn là dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.

Trong khi 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn là nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước và Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ - PVTex.

Tính đến hết ngày 31-12-2016, tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất lên tới 16.126,02 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là 3.985,14 tỷ đồng. Hiện tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng và tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngân hàng VDB là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.

Sáng 14-7, tại Hà Nội, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương nêu rõ, sau khi thực hiện nhiều giải pháp, đến thời điểm này một số dự án ban đầu đã có chuyển biến tốt, đặc biệt là nhóm dự án phân bón hiện đã sản xuất trở lại và có hiệu quả. Ngoài ra, với 2 dự án thép là nhà máy Thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang Thép Thái Nguyên, sau một thời gian triển khai cũng đã có những chuyển biến tích cực. Riêng Nhà máy bột giấy Phương Nam, ông Hưng cho hay, các cơ quan chức năng đã lên phương án để tổ chức bán đấu giá tài sản và toàn bộ hàng hóa tồn kho của nhà máy này.

Nhắc lại quan điểm của Bộ Công Thương, lãnh đạo Vụ Kế hoạch chia sẻ thêm, thời gian tới các dự án trên sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng bám sát để chỉ đạo, giải quyết các vướng mắc khó khăn, đảm bảo đúng nguyên tắc và mục tiêu là làm cho các dự án này tốt lên trước khi xem xét có phải thoái vốn, bán vốn hay một giải pháp khác. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng Công ty và Chủ đầu tư, trực tiếp là các Nhà máy trên phải nâng cao hiệu quả thông qua công tác quản trị, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên kích cầu đầu tư 4 ngành công nghiệp trọng yếu

Chiều 14-7, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong những tháng cuối năm 2017, ngành công thương sẽ tập trung các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án, quy hoạch ngành đã được phê duyệt, nhất là các dự án thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu theo Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố.

Cụ thể, Sở Công Thương thành phố đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, hoàn thiện cơ sở dữ liệu công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ, nhằm tạo thông tin kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất với nhau và giữa doanh nghiệp sản xuất với nhà phân phối.

Đặc biệt, đẩy mạnh Chương trình kết nối cung-cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, kết hợp thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhằm khai thác tiềm năng thị trường các địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp thành phố, phát triển điểm kinh doanh và nâng cao thương hiệu của chợ truyền thống...

Cùng với đó, Sở Công Thương thành phố tăng cường xúc tiến thương mại nội địa, nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của các doanh nghiệp thành phố tại tỉnh, thành trong cả nước; đồng thời, đẩy mạnh triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu.

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố đạt 449.914 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ); trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá đạt 291.038 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ.

Còn tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố đạt 2.756 triệu USD, tăng 27,24% so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên, chỉ mới đạt 45,93% so với kế hoạch đặt ra năm 2017. Nguyên nhân là do các đơn hàng đầu năm chưa nhiều và thường tập trung vào 6 tháng cuối năm.

Đánh giá về sức hấp dẫn môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Sở Công Thương, cho rằng vẫn còn một số hạn chế so với các tỉnh lân cận như về giá đất thuê cao do chi phí đầu tư hạ tầng, khó khăn về giải phóng mặt bằng... Điều này, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp không thể thuê diện tích đất cần thiết để đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đối với Chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp của Sở Công Thương, tính đến nay, tổng số tiền cho vay doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đạt 139.000 tỷ đồng cho hơn 4.600 khách hàng vay vốn; trong đó, Hội nghị kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp vừa tổ chức trong tháng 6, có 21 chi nhánh Ngân hàng thương mại đã hỗ trợ cho 612 khách hàng vay, với tổng số vốn đạt 49.035 tỷ đồng.

Nghị quyết xử lý nợ xấu: Điểm tựa mới giúp lực đẩy ""cục máu đông”

Lần đầu tiên có một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chính vì vậy nó đã trở thành tâm điểm của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Các chuyên gia cũng thừa nhận rằng với bối cảnh hiện nay thì một nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu là cần thiết, thậm chí còn... chậm nhưng chậm còn hơn không.

Trong thời gian qua, việc chậm xử lý các khoản nợ và để nợ xấu ngày càng “chồng chất” là do các vướng mắc về các quy định liên quan đến luật làm cho tài sản giảm sút giá trị.

Việc không cho phép bán nợ dưới giá trị sổ sách khiến ai cũng sợ trách nhiệm, rồi tổ chức tín dụng không được quyền thu giữ tài sản đảm bảo… cũng là một trong những nguyên nhân nợ xấu kéo dài.

Đây là điểm nghẽn lâu năm mà chưa có biện pháp giải quyết rốt ráo. Vì thế, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, giới tài chính-ngân hàng có thể “thở phào” vì nhiều vướng mắc sẽ có cơ sở để giải quyết.

Nghị quyết cũng đang được kỳ vọng sẽ là điểm tựa mới giúp đẩy bật ""cục máu đông” đang cản đường đi của dòng vốn từ trước đến nay.

Tây Balkan nhất trí thành lập khu vực kinh tế chung châu Âu

Ngày 12-7, các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) cùng 6 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Tây Balkan đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại Triste của Italy, để trao đổi ý tưởng về cách thức tăng cường hợp tác và gia tăng cơ hội để Tây Balkan gia nhập liên minh này.

Tại hội nghị, lãnh đạo 6 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Tây Balkan gồm Albania, Bosnia-Herzegovina, Kosovo, Macedonia, Montenegro, Serbia đã nhất trí thành lập một vùng hợp tác kinh tế khu vực.

Thỏa thuận này, do EU đề xuất, được nhìn nhận là sự mở rộng của Thỏa thuận Thương mại Tự do Trung Âu (CEFTA) hiện hành và cũng là bước đệm để các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực trở thành thành viên EU trong tương lai.

Kết thúc hội nghị, nước chủ nhà Italy đã ra tuyên bố cuối cùng, nhấn mạnh “tương lai của Tây Balkan nằm ở EU". Tuyên bố cho biết hội nghị đã nhất trí về 7 dự án kết nối mới, với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu euro; trong đó có 194 triệu euro là các khoản cho vay và viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu.

Hội nghị cũng cam kết thêm một khoản viện trợ không hoàn lại của EU trị giá 11,4 triệu euro cho các dự án năng lượng và giao thông vận tải ở khu vực này. Cũng tại hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều ủng hộ việc Tây Balkan xích lại gần hơn với EU; đồng thời nhấn mạnh tới liên kết không thể tách rời liên quan đến sự ổn định chính trị của hai bên.

Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh EU có trách nhiệm đưa khu vực Tây Balkan hướng tới khối này “một cách chậm rãi nhưng chắc chắn.”

Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni, trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị, cũng khẳng định việc mở rộng EU “sẽ không diễn ra sớm,” nhưng phải được để ngỏ như là một khả năng cụ thể.

Trong cuộc gặp trước thềm hội nghị, lãnh đạo ba nước Italy, Đức và Pháp cũng tái khẳng định cam kết xây dựng một châu Âu thống nhất hơn và thảo luận về những biện pháp hỗ trợ Italy trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

EU đề xuất kết thúc các biện pháp áp đặt lên Hy Lạp 8 năm qua


Ngày 12-7, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất kết thúc các biện pháp được áp đặt từ 8 năm qua với Hy Lạp do thời gian qua đất nước Nam Âu này đã thu được những kết quả kinh tế khả quan, dù vẫn tiếp tục cần sự trợ giúp cho đến năm 2018.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis đánh giá quyết định là một tín hiệu tích cực nữa chứng tỏ Hy Lạp đã dần đạt được sự ổn định tài chính và từng bước vực dậy nền kinh tế.

Hy Lạp, vốn ghi nhận tình trạng thâm hụt ngân sách vượt trần quy định 3% GDP của Eurozone trong nhiều năm liền, đã bị đặt dưới sự kiểm soát của EC kể từ năm 2009. Theo số liệu mới nhất của EC, sau nhiều biện pháp cải cách triệt để, năm 2016, Hy Lạp đã đạt được thặng dư ngân sách với tỷ lệ 0,7% GDP.

Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Pierre Moscovici nhấn mạnh đây là thời điểm mang tính biểu tượng cho người Hy Lạp, khi quốc gia này thu được những thành tựu kinh tế đáng ghi nhận sau nhiều năm nỗ lực.

Việc kết thúc các biện pháp áp đặt lên Hy Lạp sẽ được chính thức xác nhận bởi 28 Bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) sau kỳ nghỉ Hè này.

Thông báo của EC được đưa ra gần một tháng sau thỏa thuận đạt được giữa các chủ nợ của Hy Lạp gồm Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để tái khởi động kế hoạch trợ giúp 86 tỷ euro (tương đương 98 tỷ USD) được cam kết rót cho Athens vào tháng 7-2015.

Kế hoạch trợ giúp trên sẽ cho phép Hy Lạp giải quyết được một phần quan trọng của món nợ khổng lồ, vốn đang chiếm tới gần 180% GDP nước này./.