TCCSĐT - TP. Hồ Chí Minh đa dạng hóa sản phẩm du lịch để giữ chân du khách, đưa "không gian văn hóa đá" ở Phú Yên vào khai thác du lịch và Công bố Quy hoạch điểm du lịch quốc gia huyện vùng cao Mai Châu, Hòa Bình là những nỗ lực của các địa phương trong phát triển du lịch bền vững, hiệu quả.

TP. Hồ Chí Minh đa dạng hóa sản phẩm du lịch

 
 Khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Là thành phố hiện đại, có tốc độ phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt cũng như là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của khu vực và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là điểm đến được rất nhiều du khách quốc tế lựa chọn khi đến Việt Nam.

Nhưng để giữ chân du khách lưu trú dài ngày, “đắm mình” tìm hiểu và khám phá bản sắc đặc trưng riêng của người dân địa phương một cách bài bản, sâu sắc nhất thì ngành du lịch Thành phố vẫn còn nhiều việc cần làm.

Tương tự, qua tìm hiểu các tour giới thiệu tham quan quanh Thành phố Hồ Chí Minh của các công ty du lịch, lữ hành, ai cũng dễ nhận thấy những điểm đến quen thuộc như Chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, Bưu điện Thành phố, Địa đạo Củ Chi.... Khách nước ngoài đến Thành phố Hồ Chí Minh lưu trú, chỉ cần 1-2 ngày là đã có thể khám phá hết những điểm tham quan tại Thành phố. Thời gian còn lại, hầu hết dành để mua sắm, trung chuyển và lưu trú đến những tỉnh, thành phố khác.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thái Dương chia sẻ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là điểm tham quan hàng đầu của du khách nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân chính là do sự tò mò, hiếu kỳ. Nhưng để tìm một nơi để trải nghiệm nền văn hóa, nghệ thuật cực kỳ đa dạng, phong phú của dân tộc Việt Nam tại Thành phố, vẫn rất khó có thể tìm ra nơi nào để du khách quốc tế được cảm nhận văn hóa mà trầm trồ, thán phục. Đây chính là khoảng trống mà du lịch thành phố vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng.

Những nhà quản lý ngành du lịch thành phố cũng thừa nhận Thành phố vẫn chưa có điểm biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn, cố định (trong khi hầu hết các nước trong khu vực ASEAN đều có trung tâm biểu diễn quy mô trên 1.000 khách), cũng như chưa có các chương trình nghệ thuật chất lượng cao nhằm phục vụ nhu cầu giải trí cho du khách trong thời gian lưu lại Thành phố.

Hoạt động giải trí hiện nay không hấp dẫn, chủ yếu phân tán hay nặng về khai thác, thương mại qua các hình thức bar, beer club, karaoke... và đôi lúc có biến tướng; chưa có sản phẩm giải trí phù hợp với một thành phố hiện đại, năng động, mang tầm quốc tế.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, đa số du khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh đều mong muốn có thêm những trải nghiệm văn hóa đặc sắc. Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm đưa nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc Việt Nam đến khán giả trong và ngoài nước, ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ mỗi tháng, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng phục vụ bình quân khoảng 12.000 du khách hay Nhà hát Nón Lá chuyên về biểu diễn nghệ thuật dân tộc được rất nhiều người nước ngoài ghé thăm rất thích thú, ít nhiều đã cho thấy hướng đi đúng.

Mới đây, ông Huỳnh Anh Tuấn đã kết hợp với Khách sạn REX tiêu chuẩn 5 sao xây dựng Nhà hát REX Sen Vàng ngay giữa lòng khách sạn với sức chứa 150 chỗ ngồi, phục vụ du khách hàng đêm. Đây được xem là sân khấu múa rối nước ngoài trời đầu tiên trong lòng khách sạn 5 sao, biểu diễn thường xuyên các tiết mục dân gian Việt Nam, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, khách sạn REX là điểm lưu trú thường xuyên được lãnh đạo Thành phố lựa chọn để tiếp lãnh đạo các nước đến thăm. Vì vậy, việc đặt nhà hát ngay tại khách sạn REX sẽ góp phần giới thiệu nghệ thuật đặc sắc của dân tộc đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu văn hóa thông qua nghệ thuật ngay tại nơi khách lưu trú.

Những năm gần đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Du lịch Thành phố đã đẩy mạnh giới thiệu những sản phẩm du lịch mới đến du khách; đồng thời chú trọng đến khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố, trong năm 2016, Sở đã làm việc với Ủy ban nhân dân quận 5 về phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng như “Phố lồng đèn,” "Tuần lễ Đông Y” nhằm định hướng phát triển du lịch cho quận 5.

Thời gian tới, Sở Du lịch đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố giải pháp đầu tư xây dựng các điểm biểu diễn nghệ thuật, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, ngang tầm vị trí hàng đầu của cả nước; tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy các chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch; đồng thời rà soát tiềm năng du lịch của các công trình di sản kiến trúc văn hóa để xây dựng kế hoạch và giải pháp phát triển du lịch di sản trên địa bàn thành phố.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, ngành du lịch vừa là hoạt động nghệ thuật, đồng thời cũng là hoạt động kinh doanh nên rất cần sự sáng tạo. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, “thực đơn” du lịch phục vụ cho du khách quốc tế cần phong phú, đa dạng hơn nữa. Xu hướng phát triển du lịch toàn cầu là theo hướng bền vững có trách nhiệm, cần thiết gắn với trách nhiệm bảo tồn di tích văn hóa của thế hệ đi trước và hướng đến lợi ích cộng đồng, của người dân.

Nhận thấy rõ vẫn còn nhiều tiềm năng du lịch mà Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa khai thác hết, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng, ngành du lịch tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch văn hóa kết hợp thể thao, các nhóm biểu diễn nghệ thuật, ảo thuật đường phố biểu diễn cho du khách trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, du lịch nông thôn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có sản phẩm phù hợp.

Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh tất cả các sản phẩm du lịch mới cần mang tính đặc trưng địa phương, phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện nhằm mục đích tạo ra những sản phẩm hiệu quả, thu hút được du khách trong và ngoài nước, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và cộng đồng theo hướng phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm của thế giới.

Nét đẹp của "không gian văn hóa đá" ở Phú Yên

Phú Yên được biết đến với biển đẹp, nước trong xanh cùng các địa danh nổi tiếng như gành Đá Đĩa, mũi Điện, bãi Xép, vịnh Xuân Đài …. Không chỉ có vậy, nơi đây còn lưu giữ nét đẹp của "không gian văn hóa đá" gắn với nhữmg sinh hoạt đời thường của người dân. Không gian văn hóa đá thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Dọc đường đi, du khách dễ dàng bắt gặp được những ngôi nhà bằng đá và nhiều công trình khác được tạo nên từ đá. Nơi đây còn có di tích danh thắng cảnh quốc gia gành Đá Đĩa độc đáo bậc nhất thế giới với hàng nghìn phiến đá hình lăng trụ xếp nối tiếp nhau như một tổ ong khổng lồ vươn ra biển. Tại làng Phú Hội và khu lân cận, thói quen xếp đá thành các công trình kiến trúc phục vụ đời sống sinh hoạt có từ rất lâu đời. Trong làng đi đâu cũng bắt gặp đá, đặc biệt nhất là khi làm vườn, xới đất lên là thấy đá, nhỏ, to đều có. Mặc dù đá cũng khiến cho bà con gặp những khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt nhưng lại là vật liệu chính, dồi dào cho các công trình xây dựng. Với bàn tay khéo léo của người dân, đá được xếp làm nhà hay làm các công trình kiến trúc khác đều tuân theo lối kỹ thuật nhất định. Những hòn đá to, bằng phẳng được xếp ở dưới, đá nhỏ ở bên trên, càng lên cao mặt đá càng bằng phẳng. Đặc biệt là không cần đến một chất kết dính nào nhưng nắng vẫn không thể xuyên qua tường, mưa không thể tạt vào bên trong. Người dân ở đây cũng không cần dùng thêm cột để chống vì khi đá được xếp xong, chỉ cần một thao tác lợp mái (mái thường bằng tranh) là căn nhà được hoàn thành. Ngày nay, với sự hiện đại hóa đô thị, nhiều ngôi nhà bằng đá không còn chức năng để ở, sinh hoạt như trước nữa mà thay vào đó là để chăn nuôi gia súc.

Cụ Võ Liên, người đã sống ở làng Phú Hội hơn 80 năm chia sẻ: Ngày trước, vùng đất ở đây vẫn còn nhiều căn nhà đá, gần mươi năm trở lại đây, các căn nhà bằng đá mất dần đi thay vào đó bằng những nhà kiên cố. Khách du lịch đến đây, chúng tôi lại có dịp được kể cho họ nghe về đá, về cuộc sống sinh hoạt ngày trước trong những căn nhà đá. Một công trình khác cũng làm bằng đá, gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân là giếng nước. Điểm đặc biệt của giếng nước chính là: Bất kể mùa nắng hay mưa, nước trong giếng vẫn luôn có để dùng . Một số người hiện nay vẫn còn đến lấy nước mặc dù đã có nước sạch được Nhà nước đầu tư xây dựng. Từ ngoài thôn để đến với giếng nước là một con đường đá, đá đuợc trải hai bên bờ, đá lót mặt đường , đá xếp chồng thành từng bậc . Tất cả tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú. Sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ có nhiều phân cảnh đẹp đuợc thực hiện quay tại chính nơi đây gắn với con đường đá, giếng nước cổ, nhà đá... Một bạn trẻ đến từ thành phố Huế cho biết: Chuyến tham quan trải nghiệm đến gành Đá Đĩa đã mang đến cho em những cảm xúc mới lạ . Em còn được thăm và tìm hiểu về văn hóa đá mà con người nơi đây gìn giữ.

Vẻ đẹp của “không gian văn hoá đá” đang thu hút, hấp dẫn khách du lịch khi đến với Phú Yên. Ông Hồ Văn Tiến - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên cho biết: Sở sẽ nghiên cứu thêm một số loại hình du lịch văn hóa. Sở đang kêu gọi các nhà đầu tư vào “Khu du lịch văn hóa đá”. Trong tương lai, “ không gian văn hóa đá” này sẽ trở thành một địa danh nổi tiếng, góp phần đưa du lịch Phú Yên phát triển hơn.

Hòa Bình: Công bố Quy hoạch điểm du lịch quốc gia huyện vùng cao Mai Châu

Ngày 08-10, tại huyện vùng cao Mai Châu (Hoà Bình), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình phối hợp với UBND huyện Mai Châu tổ chức lễ công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu đến năm 2030.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết: Quy hoạch phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030 có diện tích hơn 700ha với 16 dự án kêu gọi đầu tư các khu du lịch, 12 dự án hỗ trợ phát triển du lịch. Đây là cơ sở pháp lý tạo điều kiện kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến nghiên cứu, tìm hiểu, hợp tác đầu tư, khai thác tài nguyên phát triển điểm du lịch quốc gia Mai Châu, góp phần phát triển du lịch tỉnh Hoà Bình và du lịch khu vực Tây Bắc.

Trong Quy hoạch phát triển du lịch Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Mai Châu đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch chung của tỉnh. Dự kiến đến năm 2020, huyện Mai Châu đón khoảng 530 nghìn lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 163 nghìn lượt. Năm 2030, đón khoảng 1,1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 400 nghìn lượt, tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2020-2030 đạt khoảng 8%/năm; tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động vào năm 2020 và 4.800 lao động vào năm 2025, trong đó 1.600 lao động trực tiếp. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 220 tỷ đồng; năm 2030 đạt 1.340 tỷ đồng.

Huyện Mai Châu có diện tích gần 60.000 ha với trên 54.000 người, 7 dân tộc chính gồm Thái, Tày, Mông, Kinh, Dao, Mường và Hoa. Mai Châu có cảnh quan thiên hùng vĩ, nhiều danh thắng và còn lưu giữ khá nguyên vẹn truyền thống văn hóa các dân tộc. Theo số liệu thống kê năm 2015, huyện Mai Châu có gần 100 nhà nghỉ cộng đồng, tổng số khách đến Mai Châu đạt trên 300.000 lượt (khách quốc tế đạt gần 80.000 lượt), tổng thu từ du lịch đạt 90,5 tỷ đồng.

Tại lễ công bố Quy hoạch điểm du lịch quốc gia Mai Châu còn diễn ra các hoạt động như: phiên chợ vùng cao Mai Châu với hơn 30 gian hàng của các xã và thị trấn; doanh nghiệp trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc sản, nông- lâm - thuỷ sản; giới thiệu văn hoá ẩm thực các dân tộc, giới thiệu về tiềm năng phát triển du lịch của điểm du lịch quốc gia Mai Châu; trưng bày ảnh đẹp du lịch Mai Châu và lắp biển đồng giải thưởng ASEAN cho các hộ du lịch cộng đồng bản Lác, xã Chiềng Châu./.