Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở tỉnh Ninh Bình

Nguyễn Tử Hoài Sơn(*), Phạm Thị Thu Hằng(**) (*) TS, (**) ThS, Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
23:11, ngày 18-07-2018

TCCSĐT - Trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh để tạo một môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp cùng phát triển. Tuy nhiên, để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Trong các năm 2016 - 2017, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó đã nâng cao đáng kể chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhiều chỉ số đã được cải thiện, cụ thể là:

 Chỉ số PCI là một thước đo quan trọng hiện nay để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của các tỉnh, bao gồm 10 chỉ số: gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và tính thiết chế pháp lý. Hằng năm, chỉ số này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố dựa trên kết quả khảo sát của các doanh nghiệp dân doanh.


Tính năng động (đạt 6,36 điểm, tăng 33 bậc). Đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách Trung ương cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

Thiết chế pháp lý (đạt 6,13 điểm, tăng 8 bậc). Đo lường lòng tin của doanh nghiệp tư nhân đối với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh, liệu các thiết chế pháp lý này có được doanh nghiệp xem là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc là nơi doanh nghiệp có thể khiếu nại các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương.

Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước (đạt 7,03 điểm, tăng 03 bậc). Đo lường thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính cũng như mức độ thường xuyên và thời gian doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan nhà nước của địa phương thực hiện việc thanh tra, kiểm tra.

Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (đạt 4,94 điểm, tăng 01 bậc so với năm 2016), đứng thứ 62/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước. Do lường các dịch vụ của tỉnh để phát triển khu vực tư nhân như xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các khu/cụm công nghiệp tại địa phương và cung cấp các dịch vụ công nghệ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chỉ số PCI của tỉnh Ninh Bình vẫn còn nhiều hạn chế: Năm 2017, PCI đạt 61,86 điểm (được xếp trong nhóm trung bình), giảm 17 bậc so với năm 2016, đứng thứ 36/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng thứ 8/11 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng. Các chỉ số cạnh tranh giảm so với 2016 là:

Tính minh bạch: 6,09 điểm, giảm 0,69 điểm và giảm 41 bậc so với năm 2016, đứng thứ 50/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là chỉ số giảm nhiều nhất trong các chỉ số thành phần PCI; đo lường khả năng tiếp cận các kế hoạch của tỉnh và các văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, liệu doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách công bằng các văn bản này, các chính sách và quy định mới có được tham khảo ý kiến của doanh nghiệp và khả năng tiên liệu trong việc triển khai thực hiện các chính sách quy định đó và mức độ tiện dụng của trang web tỉnh đối với doanh nghiệp.

Chi phí gia nhập thị trường: 7,70 điểm, giảm 1,02 điểm và giảm 24 bậc so với năm 2016, đứng thứ 39/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước; đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới thành lập giữa các tỉnh với nhau.

Đào tạo lao động: 7,38 điểm, giảm 02 bậc so với năm 2016, đứng thứ 7/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đo lường các nỗ lực của lãnh đạo tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm.

Chi phí không chính thức: 6,10 điểm, giảm 02 bậc so với năm 2016, đứng thứ 14/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đo lường các khoản chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả và các trở ngại do những chi phí không chính thức này gây ra đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc trả những khoản chi phí không chính thức có đem lại kết quả hay “dịch vụ” như mong đợi và liệu các cán bộ nhà nước có sử dụng các quy định của địa phương để trục lợi hay không.

Tiếp cận đất đai: 6,37 điểm, giảm 01 bậc so với năm 2016, đứng thứ 31/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đo lường về hai khía cạnh của vấn đề đất đai mà doanh nghiệp phải đối mặt; việc tiếp cận đất đai có dễ dàng không, doanh nghiệp có thấy yên tâm và được đảm bảo về sự ổn định khi có được mặt bằng kinh doanh hay không.

Cạnh tranh bình đẳng: 4,25 điểm, giảm 01 bậc so với năm 2016, đứng thứ 56/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đo lường tính bình đẳng của tỉnh, của các cấp có ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn lớn, các nhà đầu tư nước ngoài khi đến đầu tư trên địa bàn tỉnh, làm thiếu đi sự bình đẳng với các doanh nghiệp khác.

Sự suy giảm các chỉ số trên là do những nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, về tính minh bạch: số doanh nghiệp tiếp cận tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý, tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động kinh doanh; vai trò Hiệp hội doanh nghiệp trong việc xây dựng chính sách, quy định của tỉnh; điểm số về độ mở và chất lượng trang web của tỉnh và tỷ lệ doanh nghiệp truy cập vào website của tỉnh; thông tin mời thầu được công khai; số ngày để nhận được thông tin, văn bản sau khi đã đề nghị cung cấp (chỉ tiêu mới), thấp hơn so với năm 2016 và so với cả nước.

Thứ hai, về chi phí gia nhập thị trường: thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; tỷ lệ % số doanh nghiệp phải chờ hơn ba tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động, cao hơn so với năm 2016.

Thứ ba, về đào tạo lao động: tỷ lệ % số doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm thấp hơn so với năm 2016.

Thứ tư, về chi phí không chính thức: tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là phổ biến (tỷ lệ % đồng ý); tỷ lệ % số doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức; tỷ lệ % số doanh nghiệp lo ngại tình trạng “chạy án” là phổ biến cao hơn so với năm 2016 và cao hơn trung bình của cả nước.

Thứ năm, về tiếp cận đất đai: tỷ lệ % số doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; doanh nghiệp có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có do thủ tục hành chính rườm rà, lo ngại cán bộ nhũng nhiễu; số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyến sử dụng đất (chỉ tiêu mới) 30 ngày; việc cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng (chỉ tiêu mới) các chỉ tiêu này so với 2016 đều không được cải thiện.

Thứ sáu, về cạnh tranh bình đẳng vẫn còn phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận đất đai; tiếp cận các khoản tín dụng; cấp phép khai thác khoáng sản, giải quyết thủ tục hành chính; giải quyết các vấn đề, khó khăn, vướng mắc; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp...

 Năm 2017, theo số liệu công bố, kết quả chỉ số PCI của tỉnh Ninh Bình đạt 61,86 điểm (được xếp trong nhóm trung bình), giảm 17 bậc so với năm 2016, đứng thứ 36/63 các tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng thứ 8/11 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng.

Để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Ninh Bình

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao chỉ số PCI, tỉnh Ninh Bình, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, các đơn vị liên quan cần tập trung tuyên truyền, quán triệt về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao PCI của tỉnh Ninh Bình đối với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hai là, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, của Chính phủ, về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh Ninh Bình, giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ba là, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm việc sử dụng đất hiệu quả, tránh tình trạng manh mún. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh qua mạng thông qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính và cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại tất cả các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân các cấp. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định để người dân, doanh nghiệp bức xúc, công khai hòm thư góp ý và đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp một cách thường xuyên. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, chống tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Năm là, phát huy tinh thần trách nhiệm, tính năng động, nhạy bén của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ trực tiếp hướng dẫn, thẩm tra, hoàn thiện các thủ tục cấp phép cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực: cấp quyền sử dụng đất, chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép xây dựng, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh...

Sáu là, tích cực triển khai các đề án đào tạo nâng cao năng lực hiểu biết pháp luật và năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp. Nâng cao năng lực của các tổ chức làm công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Khuyến khích những cá nhân (kể cả cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu) có hiểu biết, có năng lực về pháp luật và quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh tham gia thực hiện việc tư vấn cho doanh nghiệp trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Bảy là, các hiệp hội, hội doanh nghiệp tỉnh cần tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước, tích cực kiến nghị, phản ánh những cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân gây khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời luôn nâng cao trách nhiệm trong việc triển khai và tuyên truyền, hướng dẫn cho hội viên khi tham gia đánh giá chỉ số PCI của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải nắm rõ nội dung, phân công người có trách nhiệm, hiểu biết để trả lời đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan và trung thực./.