TCCS - Nằm trong tổng thể bước chuyển đổi về cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu chung của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đất nước, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỉnh An Giang đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt, biến các thách thức thành cơ hội, hướng tới sự phát triển bền vững dựa trên trụ cột nền “kinh tế xanh”.


Động lực phát triển từ “Năm doanh nghiệp An Giang 2017”

Năm 2017, tỉnh An Giang nỗ lực cán đích và vượt 17/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là những tác động tiêu cực, bất thường của biến đổi khí hậu. Năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá so sánh năm 2010) tăng 5,11%, cao hơn mức tăng của các năm 2015 và 2016 (năm 2015 tăng 5,04%, năm 2016 tăng 4,47%); tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt 40.025 tỷ đồng, tăng 1,82% so với năm 2016; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 36.609,5 tỷ đồng, tăng 7,43% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 91.291 tỷ đồng, tăng 12,82% so cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 820 triệu USD; tổng thu ngân sách là 5.780 tỷ đồng, bằng 108% dự toán; GRDP bình quân đầu người đạt 34,33 triệu đồng... Trong thành tựu chung đó có đóng góp to lớn của cộng đồng các doanh nghiệp.

Xác định vai trò quan trọng của cộng đồng các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, An Giang lấy chủ đề năm 2017 là “Năm doanh nghiệp” để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rào cản đối với doanh nghiệp, nhất là cải cách về thể chế để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, qua đó khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng phát triển, kiến tạo và hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, đưa tỉnh An Giang vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt, năng động và sáng tạo, luôn đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp. Trong kế hoạch đồng hành phát triển với doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh An Giang thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chú trọng chất lượng của doanh nghiệp, định hướng doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh vào những ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh, có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, phát triển bền vững. Kết quả, năm 2017, có 800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 30,29%; với tổng số vốn đăng ký là 3.800 tỷ đồng, tăng 35,07% so cùng kỳ năm 2016. Tính đến cuối tháng 11-2017, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn An Giang là 8.498 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 48.988 tỷ đồng.

Cộng đồng doanh nghiệp không chỉ là động lực tăng trưởng, phát triển, mà còn là lực lượng đi đầu, một tác nhân chính từng bước tạo sự chuyển đổi phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, kiến tạo nền “kinh tế xanh” của tỉnh An Giang. Các doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, phân phối chặt chẽ... “Đất lành chim đậu”, các nhà đầu tư trong và ngoài nước hội tụ về An Giang để tìm kiếm cơ hội phát triển ngày càng nhiều. Năm 2017, tỉnh An Giang thu hút được 79 dự án đầu tư (gồm 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, 76 dự án đầu tư trong nước) với tổng số vốn đăng ký là 14.361 tỷ đồng. Riêng với các dự án FDI, hiện nay, toàn tỉnh có 38 dự án, với tổng vốn đăng ký là hơn 264 triệu USD...

Phong trào sáng tạo, khởi nghiệp sôi động, thực chất, coi trọng chất lượng cũng đang thổi một luồng gió mới vào đời sống kinh tế của tỉnh An Giang, làm gia tăng thêm sức mạnh của cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với việc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đi vào cuộc sống, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực ngày 1-1-2018, cùng hệ thống những chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh được kỳ vọng tiếp tục có những bước phát triển mới cả về lượng và chất trong năm 2018, là động lực thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế của An Giang theo hướng bền vững.

Mũi nhọn phát triển

Tỉnh An Giang được xem là một trong những địa phương trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa gạo, góp phần vai trò bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia. Trong nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân An Giang luôn trăn trở, tìm tòi những hướng đi đột phá để nền nông nghiệp phát triển bền vững, chú trọng ứng dụng khoa học để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tập trung vào những phân khúc thế mạnh, những sản phẩm đặc thù của địa phương, từng bước định hình và phát triển các thương hiệu mạnh, trong đó có những thương hiệu nông sản quốc gia.

An Giang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ chú trọng sản xuất theo diện tích, sản lượng sang coi trọng về giá trị và hiệu quả kinh tế đạt được trên đơn vị diện tích đất, gắn với chuỗi giá trị; từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh và công nghệ cao; chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp. Tỉnh ủy An Giang ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh để cấu trúc lại các sản phẩm nông nghiệp theo thị trường và lợi thế so sánh. Đồng thời, phối hợp với các địa phương trong vùng thực hiện có hiệu quả Đề án “Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản và nâng cao năng lực nông dân”. Theo đó, tập trung 4 nhóm sản phẩm chiến lược của tỉnh là: gạo, cá, rau màu và cây dược liệu, chú trọng nâng cao chất lượng các giống lúa và cá để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh triển khai được 2 năm, bắt đầu có hiệu ứng, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng: cây ăn trái (chuối, xoài...) sẽ cho thu hoạch nhiều hơn; thực hiện chăn nuôi heo theo hình thức trang trại, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến cho sản phẩm tăng ổn định; thị trường tiêu thụ các loại nông sản: lúa, nếp, cá tra và các sản phẩm chăn nuôi có tín hiệu khả quan, giá các loại nông sản tăng hợp lý, kích thích các nhà đầu tư mở rộng sản xuất...

Việc khai thác hiệu quả những lợi thế so sánh của tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có tài nguyên nước và đất phong phú, cùng với kinh nghiệm canh tác, khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ, sự nhạy bén với thị trường của nông dân, dựa trên thế mạnh từ hai sản phẩm mang tầm quốc gia là lúa và cá tra, cùng quá trình chuyển đổi sản xuất để thích ứng cao với biến đổi khí hậu, trên cơ sở bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa, là cơ sở để tỉnh An Giang tự tin vươn lên trở thành một trung tâm nông nghiệp xanh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, tại tỉnh An Giang xuất hiện hình thức kinh tế sáng tạo, kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái. Đây là một trong những tìm tòi, thử nghiệm để tỉnh An Giang đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của mình, như du lịch sinh thái kết hợp du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch tham quan di tích văn hóa lịch sử kết hợp du lịch mùa nước nổi, du lịch về nguồn..., đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thứ hai của tỉnh, trên cơ sở khai thác, nuôi dưỡng, phát huy tối đa những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về văn hóa bản địa.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 82 di tích được xếp hạng, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, gồm: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Khu di chỉ văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê; ngoài ra, còn các điểm, khu du lịch nổi tiếng trong vùng, như rừng tràm Trà Sư, Khu du lịch núi Sam, núi Cấm,... Năm 2017, tỉnh An Giang đón 7,3 triệu lượt khách, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số lượng khách thống kê tại các cơ sở kinh doanh du lịch là hơn 600 nghìn lượt, đạt 100% kế hoạch; khách quốc tế là 70 nghìn lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 3.700 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016. Các khu du lịch trọng điểm như núi Sam, núi Cấm, Trà Sư, Cù lao Giêng được đầu tư, quy hoạch phát triển; hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ lao động ngành du lịch dần được chuẩn hóa chuyên môn từ các đơn vị quản lý nhà nước đến doanh nghiệp du lịch, đặc biệt tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về hoạt động du lịch, qua đó, phát triển các hình thức du lịch cộng đồng, lấy chính cộng đồng dân cư các dân tộc, văn hóa truyền thống bản địa giàu bản sắc là nguồn tài sản vô giá để phát triển du lịch bền vững, đưa tỉnh An Giang trở thành trung tâm du lịch xanh.

Triển vọng phát triển năm bản lề 2018

Mặc dù gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong năm 2017, song nhìn tổng thể, nền kinh tế của An Giang vẫn còn không ít những bất cập, là những rào cản, nút thắt trong tăng trưởng, phát triển nói chung thời gian tới, trong đó có việc hướng tới mục tiêu phát triển xanh của nền kinh tế, như trình độ sản xuất còn hạn chế, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật chưa nhiều; đổi mới công nghệ, chuyển đổi mô hình quản lý sản xuất hiện đại còn chậm; sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nhỏ lẻ, tính bền vững chưa cao; chưa phát huy được lợi thế cạnh tranh về điểm và khu du lịch so với các địa phương trong vùng... Công tác xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh đạt hiệu quả chưa cao. Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới chưa nhiều, còn thiếu các doanh nghiệp có tiềm lực, quy mô; chưa có doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ nông nghiệp và thủy sản; các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh chưa tận dụng được tối ưu các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do được ký kết, trong khi đó, theo dự báo, tình hình xuất khẩu các mặt hàng của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp tục chịu sự chi phối của thị trường bên ngoài, chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ khi tham gia vào các cam kết tự do thương mại, sự gia tăng hàng rào kỹ thuật từ các nước nhập khẩu... Nhiều doanh nghiệp thủy sản bị thua lỗ, nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn, từ đó tạo tâm lý e ngại khi đầu tư vốn tín dụng cho ngành hàng thủy sản, ảnh hưởng đến sự hấp thụ vốn tín dụng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cộng đồng có nâng lên nhưng còn chậm, một số địa phương chưa tích cực, chủ động trong kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường. Tình hình khai thác khoáng sản trái phép và ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất nhỏ xen kẽ trong khu dân cư vẫn diễn ra...

Bước vào năm 2018, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhìn lại gần nửa nhiệm kỳ qua, trên đà những kết quả đạt được của năm 2017, tỉnh An Giang xác định tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế ổn định, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh thời gian tới, theo đó, khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng; ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất và chế biến; cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo...

Tỉnh đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai các quy hoạch sản phẩm, quy hoạch vùng sản xuất và các gói hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thị trường cho các sản phẩm (lúa, rau an toàn, bắp lai, nấm ăn, bò thịt, tôm càng xanh, hoa, cây kiểng). Nghiên cứu ứng dụng hiệu quả các giải pháp đột phá về khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông thôn, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Mở rộng và phát triển đa dạng thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản; tăng cường gắn kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ. Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Gia tăng sự gắn kết và nâng cao chất lượng, tính thực chất, hiệu quả các mối liên kết thương mại với các tỉnh, thành trong vùng, nhất là thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Mở rộng hội nghị kết nối giao thương, tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, phiên chợ sản phẩm An Giang, đặc sản vùng, miền,... nhằm đưa hàng hóa của tỉnh An Giang tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng, xâm nhập vào các kênh phân phối lớn. Duy trì thường xuyên các sự kiện xúc tiến thương mại biên giới, tổ chức giao thương doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia, xây dựng kênh đối thoại hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận, mở rộng ra thị trường Cam-pu-chia. Phối hợp với các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài và các thương vụ nước ngoài tại Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của tỉnh. Tăng cường công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường, nắm rõ các rào cản kỹ thuật và chủ động xây dựng các biện pháp để khắc phục.

Tập trung hoàn chỉnh các quy hoạch phát triển du lịch, ban hành chính sách hỗ trợ sau đầu tư trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh, xây dựng sản phẩm du lịch mới, từ đó hình thành các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch. Lựa chọn, tham gia có chọn lọc vào các hoạt động, sự kiện du lịch tại các thị trường có tiềm năng để quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước; tăng cường phối hợp giữa các công ty lữ hành của tỉnh An Giang và các tỉnh ở các vùng, miền đã ký kết hợp tác. Tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018 gắn với kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2018).

Duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành với doanh nghiệp, nhà đầu tư tối thiểu 2 lần/năm để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách và pháp luật hiện hành, bảo đảm các dự án hoạt động hiệu quả, ưu tiên dự án phát triển xanh nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới. Tổ chức mạng lưới tư vấn, hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử, đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hậu kiểm doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.

Kiểm soát khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường và phòng tránh sạt lở, sự cố môi trường; bảo vệ nguồn nước, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát tốt môi trường và bảo vệ khu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan du lịch; xử lý các khu điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Khai thác hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế góp phần đẩy nhanh việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh An Giang tới bạn bè quốc tế...

Với các giải pháp trọng điểm trên, cùng quyết tâm chính trị cao, năm bản lề 2018 kỳ vọng tiếp tục chứng kiến nền kinh tế An Giang có những bước phát triển mạnh mẽ theo hướng tăng trưởng xanh, tạo đà quan trọng cho sự phát triển những năm tiếp theo để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X./.