Quảng Nam phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
TCCSĐT - Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Quảng Nam là một trong bốn tỉnh sớm chủ động, chớp lấy thời cơ, tiến hành khởi nghĩa thành công ở tỉnh lỵ và các phủ, huyện trên địa bàn. Truyền thống tiến công cách mạng đó, không chỉ được tỉnh kế thừa trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn phát huy có hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Lịch sử cách mạng hào hùng
Theo lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng (giai đoạn 1930-1975), trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, Quảng Nam là một trong bốn tỉnh (Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh) khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước, góp phần kịp thời bẻ gãy âm mưu của bù nhìn Trần Trọng Kim bắt tay quân Đồng Minh phá kế hoạch Tổng khởi nghĩa của Việt Minh. Ngay trong ngày 18-8-1945, toàn bộ các phủ, huyện trong tỉnh đều giành được chính quyền về tay nhân dân. Đây được xem như là một minh chứng về sự chớp lấy thời cơ, quyết định khởi nghĩa kịp thời, giành thắng lợi hoàn toàn trong phạm vi toàn tỉnh.
Tinh thần tiến công trong Cách mạng tháng Tám được Đảng bộ và Nhân dân Quảng Nam tiếp tục phát huy trong kháng chiến giải phóng dân tộc. Đặc biệt trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, với quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, chỉ gần 3 tháng sau khi quân viễn chinh Mỹ đặt chân trên địa bàn, lực lượng vũ trang tỉnh đã tiêu diệt 1 đại đội Mỹ tại Núi Thành vào đêm 25 rạng sáng 26-5-1965. Với chiến thắng này cùng với những “vành đai diệt Mỹ” ở các địa phương trong tỉnh và nhiều cách đánh sáng tạo, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, Quảng Nam vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu: “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, chiến thắng Tiên Phước của quân và dân Quảng Nam diễn ra cùng thời với chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk vào ngày 10-3-1975, dẫn tới giải phóng Tỉnh lỵ Tam Kỳ vào ngày 24-3-1975, cắt đứt đường bộ phía sau lưng căn cứ quân sự Đà Nẵng, tạo điều kiện giải phóng thành phố Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975, góp phần quan trọng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...
Phát huy hiệu quả truyền thống cách mạng
Lúc còn là tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũng như sau khi chia tách, trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Quảng Nam vẫn là tỉnh thuần nông, hạ tầng kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, với truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, từ sau ngày giải phóng, nhất là từ năm 1997 đến nay, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn chủ động tìm hướng đi mới, thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ đột phá, đưa địa phương từ một trong các tỉnh nghèo nhất nước đứng vào tốp các tỉnh phát triển khá của cả nước.
Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, tỉnh tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển giao thông, lồng ghép các chương trình bê tông hóa; đầu tư hạ tầng các khu vực miền núi, nông thôn; đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; làm mới và cải tạo đường dây trung, hạ thế; đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông lớn, hệ thống đường tỉnh lộ, huyện lộ, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt từ trung tâm tỉnh lỵ đến tất cả các huyện, thành phố và trung tâm các xã. Bên cạnh đó, Quảng Nam còn kịp thời rà soát quy hoạch hệ thống thủy điện để bảo đảm an toàn và sử dụng hợp lý tài nguyên nước, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân; đầu tư mới và nâng cấp mạng lưới điện cao thế, hạ thế bảo đảm cung cấp điện phục vụ sản xuất của các khu, cụm công nghiệp và sinh hoạt cho các vùng dân cư; đầu tư hệ thống điện chiếu sáng trên quốc lộ 1A, khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Giao Thủy; dự án cấp điện lưới quốc gia đảo Cù Lao Chàm; duy trì, phát triển hệ thống bưu chính, viễn thông. Đến nay, toàn tỉnh có trên 73.698 ha lúa, 13.760 ha màu và 194 ha nuôi trồng thủy sản chủ động được nước tưới; 100% số xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm; 98,4% có điện lưới; 100% có trạm y tế; 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh và huyện có mạng nội bộ LAN kết nối Internet; 100% xã được phủ sóng thông tin di động, 96% trung tâm xã có tín hiệu Internet cáp quang; cả tỉnh có thêm 5 bệnh viện đa khoa tư nhân, góp phần nâng số giường bệnh lên 31,7/vạn dân. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhiều công trình có ý nghĩa về văn hóa - xã hội, như: Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Quảng trường 24/3, hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử, bệnh viện, trạm y tế xã, đầu tư các trang thiết bị dạy học, cơ bản bảo đảm yêu cầu của hệ thống trường lớp các cấp học phổ thông và thực hiện tốt chương trình phổ cập giáo dục, xóa mù chữ…
Về nhiệm vụ đột phá phát triển nguồn nhân lực, tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với chăm lo phát triển giáo dục - đào tạo. Những năm qua, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn được quy hoạch, sắp xếp phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân và tình hình thực tế của địa phương, quy mô các ngành học, cấp học tiếp tục được mở rộng; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Mạng lưới trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề phát triển nhanh về số lượng cũng như ngành đào tạo. Từng bước nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình đào tạo, góp phần thiết thực trong việc đáp ứng nguồn nhân lực của tỉnh, nhất là đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu lao động cho các doanh nghiệp, làng nghề, các khu, cụm công nghiệp, lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ. Đến nay toàn tỉnh có hơn 780 trường học từ mần non đến trung học phổ thông, 02 trường đại học, 07 trường cao đẳng, 45 cơ sở dạy nghề. Điểm nổi bật, là tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2020 và nhiều đề án, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, tỉnh tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung nguồn nhân lực cho cấp xã (đề án 500, 600), đào tạo nghề nông thôn, nhất là đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đổi mới công tác dạy nghề gắn với thị trường lao động. Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt khoảng 40%, giải quyết việc làm mới cho hơn 197 nghìn lao động. Năm 2016, cả tỉnh tăng thêm 15 nghìn lao động có việc làm mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 45,5% trong tổng số lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn lên 50,06%.
Về cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh tập trung tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng chỉ số năng lực cạnh tranh và một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; giải quyết nhanh các thủ tục để cấp giấy chứng nhận đầu tư; đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai theo quy định; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn, thành lập trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh, ban hành quy chế theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả và công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Kết quả thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 76.700 tỷ đồng, gấp gần hai lần so với giai đoạn 2006-2010 tăng bình quân 10,2%/năm, trong đó đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hơn 5.100 tỷ đồng. Những năm gần đây, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được duy trì ở nhóm tốt so với các tỉnh, thành phố khác; …
Nhờ tích cực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chủ yếu là thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đột phá, kinh tế Quảng Nam phát triển toàn diện với nhịp độ tăng trưởng nhanh. Năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 14,73% so với năm 2015; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1997-2016 đạt 10,9%/năm; quy mô nền kinh tế đạt gần 69 nghìn tỷ đồng, gấp 27 lần năm 1997; dẫn đầu trong 5 tỉnh trọng điểm miền Trung, đứng thứ 3 so với 14 tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và nằm trong tốp 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực, từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ, tạo tiền đề cơ bản để phát triển thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp trong GRDP tăng từ 50% năm 1997 lên 88,1% năm 2016; khu vực nông nghiệp giảm xuống còn 11,9%. Ngành du lịch của tỉnh phát triển mạnh và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Năm 2016 tổng thu từ du lịch dịch vụ chiếm hơn 38% GRDP, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và nâng cao chất lượng phục vụ du khách với các Lễ hội văn hóa du lịch Di sản, du lịch sinh thái làng nghề, phát huy du lịch di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm,... Tổng lượt khách tham quan, lưu trú năm 2016 đạt trên 4.400 nghìn lượt gấp 46 lần năm 1997, trong đó khách lưu trú đạt trên 2.500 nghìn lượt gấp 35 lần; doanh thu du lịch năm 2016 đạt hơn 2.400 tỷ đồng gấp 161 lần so với năm 1997. Riêng 7 tháng của năm 2017, có hơn 3.160 nghìn lượt khách tham quan và lưu trú trên địa bàn, tăng 27% so cùng kỳ. Doanh thu hoạt động khách sạn, nhà hàng đạt hơn 5.650 tỷ đồng tăng hơn 13% so cùng kỳ năm 2016.
Cùng với kinh tế, lĩnh vực dân số, lao động, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa xã hội, an sinh xã hội, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường; bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc đạt được những kết quả tích cực.
Tiếp tục xứng danh vùng đất anh hùng
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thời gian tới Quảng Nam xác định sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 3 nhiệm vụ đột phá gắn với cơ cấu lại và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tiếp tục tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông nhằm tạo ra mạng lưới liên kết và bảo đảm hài hòa giữa vùng Đông và vùng Tây, giữa khu vực phía Bắc và phía Nam, giữa đô thị và nông thôn. Tập trung đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, chiến lược làm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện mạng lưới điện, phấn đấu cung cấp điện đến 100% địa bàn dân cư vào cuối năm 2018. Nâng cấp và tăng cường năng lực truyền dẫn của hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc, phấn đấu đến giữa nhiệm kỳ, phủ mạng internet đến 100% trụ sở làm việc của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể tại khu vực biên giới, miền núi, hải đảo. Rà soát quy hoạch phát triển, nhất là phát triển vùng Đông và Tây của tỉnh để có kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng và kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng nông thôn, miền núi và đô thị cùng với quá trình hình thành các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ.
Về phát triển nguồn nhân lực, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thêm việc làm mới, chuyển dịch cơ cấu lao động. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên 3 lĩnh vực: cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức và công nhân, lao động đáp ứng yêu cầu của hội nhập và phát triển. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng và sử dụng nhân tài, nhất là ở các ngành nghề mà tỉnh đang thiếu. Nâng cao chất lượng dạy nghề, liên kết có hiệu quả giữa các cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo nghề. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xem đây là động lực nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề; xây dựng cơ chế hỗ trợ thu hút học sinh tốt nghiệp phổ thông vào học tại các cơ sở dạy nghề.
Về cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đơn giản, minh bạch hoá thủ tục hành chính và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư. Đa dạng hóa hình thức quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn để tạo động lực phát triển. Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những vướng mắc; tạo mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp. Kiên quyết thu hồi giấy phép các dự án đầu tư không triển khai đúng theo cam kết; thực hiện công tác định giá đất phù hợp và có tính ổn định lâu dài gắn với bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ đột phá sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần đưa Quảng Nam sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp tục xứng danh vùng đất anh hùng./.
Tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, qua đảng viên - đột phá trực tiếp và trước hết từ người đứng đầu cấp ủy  (08/09/2017)
Thực hiện quản lý phát triển xã hội gắn với tiến bộ, công bằng xã hội theo quan điểm Đại hội XII của Đảng  (08/09/2017)
Một số hoạt động nổi bật trong tháng 8-2017  (08/09/2017)
Kết quả sản xuất kinh doanh 8 tháng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2017  (08/09/2017)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 28-8 đến ngày 03-9-2017)  (07/09/2017)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên