Nâng cao chất lượng giáo dục dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ba Vì
TCCS - Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Chính vì vậy, giáo dục dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ba Vì đã được nâng cao đáng kể, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Bám trường, bám lớp
Em Phạm Thị Lý học trường Tiểu học Minh Quang B vẫn chưa quên kỷ niệm về mùa hè 2019 đầy ý nghĩa khi em là một trong những học sinh được đón nhận món quà từ chương trình “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”. Em Lý cũng là một trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất của xã Minh Quang, huyện Ba Vì tham gia hội thi “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường” lần thứ 3 vừa được tổ chức tại địa phương. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Quang Phạm Tiểu Long, những thí sinh nhỏ tuổi là con em của đồng bào dân tộc thiểu số trong xã trong tương lai cũng chính là chủ nhân của nền văn hóa Việt - Mường đa dạng, phong phú còn lại. Chính vì thế, việc quan tâm vun đắp cho các em có một tương lai tươi sáng luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng của các cấp lãnh đạo địa phương.
Theo lời giới thiệu của chủ tịch xã Phạm Tiểu Long, chúng tôi có mặt tại nhà em Lý ở thôn Lặt, xã Minh Quang. Đây là căn nhà trù phú trong miền quê yên ả gợi đến cảnh ấm no, hạnh phúc nơi vùng sâu, vùng xa của huyện Ba Vì. Em Lý cũng có người chị vừa lên cấp 2 đang theo học trường THCS Minh Quang và cũng là thí sinh tham gia cuộc thi “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường” vừa được tổ chức tại địa phương. Gia đình em Lý thuộc diện “tứ đại đồng đường” và là tấm gương gia đình văn hóa của địa phương. Ông nội em Lý là bác Phạm Văn Đông vốn là một cựu chiến binh từng kinh qua biết bao trận mạc. Không màng danh lợi, ngay sau khi xuất ngũ bác Đông đã có mong muốn trở về quê hương miền núi Ba Vì sinh sống và lập nghiệp. Với quan điểm tạo mọi điều kiện để con em có được cái chữ, nên dù khó khăn đến mấy bác Đông và gia đình cũng đều lo lắng cho việc học của con em em trong nhà. Chính từ suy nghĩ tích cực đó, sau chiến tranh, mảnh đất Minh Quang, Ba Vì còn nghèo và ít người biết đến do giao thông đi lại khó khăn. Nhưng nhờ những người con trung hiếu với bản làng như bác Đông mà Minh Quang đã khởi sắc khang trang như hôm nay khi điện sáng về từng mái nhà, đường bê tông chạy liên thôn, liên xóm như mắc cửi.
Thầy Nguyễn Hoàng Sâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Thượng, xã Khánh Khượng là một người gắn bó với giáo dục vùng dân tộc thiểu số khá mật thiết. Có điểm trường mới khang trang ngay trung tâm xã vừa khánh thành nhưng thầy không chọn làm nơi làm việc mà vẫn hằng ngày miệt mài bám trụ điểm trường cũ giờ mang tên Tiểu học Khánh Thượng B nằm heo hút trong thôn Gò Đình Muôn. Lý do thầy Sâm đưa ra hết sức giản đơn, vì ở điểm trường cũ giáo viên chủ yếu người dân tộc, con em theo học cũng đa số là con em người Mường, người Dao còn lẫm chẫm chưa quen với con đường rải nhựa mới vừa tròn sinh nhật 10 năm Hà Tây về với Hà Nội. Một lý do nữa mà thầy Sâm thấy không muốn rời xa cơ sở cũ kỹ đã xuống cấp để sang ngôi trường mới cho xứng tầm vị thế một thầy hiệu trưởng cũng bởi còn nhiều giáo viên muốn gắn bó với việc vận động con em bà con dân tộc đến trường. Với thầy Sâm, qua thời gian gần gũi đồng bào Mường, Dao, Tày ở Khánh Thượng càng củng cố quyết tâm để thầy cống hiến gieo con chữ nơi vùng cao. Hằng ngày thầy và các cô trong trường vẫn đến từng nhà bà con còn khó khăn vận động để họ truyền cảm hững cho em được đến trường học tập, rèn luyện.
Vượt qua những khó khăn xa xôi về địa lý, trình độ phát triển chưa đồng đều giáo dục đào tạo tại vùng dân tộc thiểu số huyện Ba Vì đã đạt được những tín hiệu rất tích cực. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, huyện Ba Vì có 113 trường học, trong đó bậc mầm non có 43 trường; tiểu học 35 trường; phổ thông cơ sở có 35 trường... Tổng số có 1.997 nhóm lớp với hơn 64.300 học sinh. Với giáo dục mầm non, 100% nhà trường tổ chức ăn bán trú cho trẻ; tỷ lệ tham gia uống sữa học đường đạt 98%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, nhẹ cân đều giảm, nhà trẻ còn 2,5%, mẫu giáo còn 3,4%. Kết quả đánh giá năm học 2018 - 2019 ở bậc tiểu học cho thấy, số học sinh có phẩm chất tốt và đạt chiếm tỷ lệ 99,8% (tốt chiếm hơn 60%); năng lực học sinh tốt và đạt chiếm hơn 99,5%. Hơn 99% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học.
Các trường trung học cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học; tích hợp giáo dục theo bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh Hà Nội”; tích hợp giảng dạy bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống dành cho học sinh”... Kết quả năm học: Học sinh có hạnh kiểm tốt chiếm 91,28%; học lực giỏi là 22,8%... Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học lớp 10 là 93%, trong đó có 71,7% vào học các trường công lập. Số học sinh dự thi trung học phổ thông lấy kết quả xét, tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chiếm tỷ lệ 61,2 %.
Năm học vừa qua, học sinh lớp 9 của huyện tham gia thi học sinh giỏi cấp thành phố (các môn văn hóa, khoa học - kỹ thuật) đoạt 89 giải, trong đó có 10 giải nhất.100% đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn.
Điểm tựa cho thành công
Ngoài vùng bà con dân tộc Mường, Dao, Tày huyện Ba Vì còn là nơi có Minh Châu là xã đảo duy nhất của Hà Nội. Hiện tại ở Minh Châu khó khăn lớn nhất là chưa có trường cấp 3 nên con em trong đảo vẫn phải đi đò qua sông sang các xã bên cạnh để học. Tuy nhiên, trường trung học cơ sở của xã từ mái trường cấp 4 đơn sơ đã được đầu tư khang trang hiện đại hòa với hệ thống trường đạt tiêu chuẩn quốc gia của thành phố. Có được điều này chính là nhờ sự quan tâm đúng đắn, kịp thời của thành phó đối với giáo dục ở một huyện xa xôi như Ba Vì. Theo thầy Nguyễn Tài Luận, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Minh Châu, 57 năm truyền thống trường Trung học cơ sở Minh Châu đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ người dân xã đảo lên người. Sự kiện ngôi trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2017 như một tín hiệu mừng so với việc xã đảo có điện lưới quốc gia vào năm 2.000 và có sóng điện thoại vào năm 2005.
Theo thầy Luận, học trò Minh Châu tuy nghèo nhưng hiếu học và tình nghĩa. Các anh chị lớp trên biết để dành sách bút lại cho các em lớp dưới để san sẻ gánh nặng cho gia đình. Nhà trường cũng đứng ra tiếp nhận những tình cảm đó tạo thành phong trào “lá lành đùm rách” trong bao lớp học sinh. Điều này cũng được anh Nguyễn Tài Cường - Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Minh Châu cũng là trưởng ban phụ huynh trường THCS Minh Châu khẳng định, người dân Minh Châu còn nghèo, học trò Minh Châu còn thiếu thốn so với chúng bạn Thủ đô nhưng ở nơi đây luôn chan hòa và ấm áp tình nghĩa. Ngày 20-11 cô và trò của nhà trường chỉ có hoa và lời ca tiếng hát đó luôn là những dấu ấn khó mờ phai trong lòng người dân Minh Châu. Cũng như thầy Luận, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và cả Chủ tịch Ủy ban nhân dân ba xã Minh Châu cùng nhiều cán bộ địa phương đều là những người con Minh Châu được nuôi dưỡng và ươm mầm từ những mái trường ân nghĩa như thế để trưởng thành.
Hiện tại, các thầy cô giảng dậy trong xã đảo Minh Châu đang là những tấm gương vượt khó để hàng ngày bám trường, bám lớp gieo con chữ. Có những thầy cô hàng ngày vượt hàng chục cây số đến trường như cô tổng phụ trách Đội Nguyễn Thị Huyền Trang nhà ở Cổ Đông, Sơn Tây cách Minh Châu gần 40 cây số, cô Tạ Thị Bích Loan ở xã Thụy An cách trường 11 cây số, cô Ngô Thị Nga ở xã Phong Vân cách trường gần 20 cây số... Các thầy cô chính là điểm tựa quan trọng làm nên thành công của ngành giáo dục. Điều này cũng được Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng khẳng định thêm, vượt qua những khó khăn, vướng mắc một mình ngành giáo dục - đào tạo không thể tháo gỡ mà các cấp chính quyền, các ngành cần vào cuộc một cách quyết liệt. Trước mắt, huyện Ba Vì kiến nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên của huyện. Đề nghị cấp kinh phí để xóa bỏ phòng học tạm, phòng học cấp 4. Tạo thuận lợi để xã hội hóa cơ sở vật chất trong các trường học... Về phần mình, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các trường học, các thầy cô giáo cần thâm nhập các gia đình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các em học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nhằm hạn chế tối đa các trường hợp bỏ học; tìm cách vận động phân luồng học sinh, phấn đấu có 40% (hiện nay là 18%) các em sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học trường nghề. Huyện Ba Vì đang kêu gọi các doanh nghiệp (cơ khí, dịch vụ...) liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo, tạo “đầu ra” cho các em học sinh... Nếu các bước đi kể trên thành công sẽ tạo thuận lợi cho công tác giáo dục - đào tạo ở huyện Ba Vì sớm khởi sắc.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của nhà nước, cộng đồng và mỗi gia đình. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước. Để thực hiện hiệu quả các chính sách, vận động xã hội, góp phần giúp trẻ em được tăng cường tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ và chăm sóc; bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số... năm 2019, thành phố phát động và kêu gọi mọi người dân Thủ đô nhiệt liệt hưởng ứng chủ đề: “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số” và nhiều chương trình khác nhằm đưa vùng đồng bào dân tộc Thủ đô tiến kịp những khu vực thị thành phát triển.
Tổng kết chương trình “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ban Dân tộc thành phố, Thành đoàn - Hội đồng Đội thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt sâu sắc tới trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ có Ba Vì mà những địa phương khác nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống luôn nhận được sự động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong khuôn khổ chương trình “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số” năm 2019 đã có 4 bộ trang thiết bị vui chơi trị giá 221 triệu đồng đã được trao tặng cho 4 trường mầm non: Cổ Đông (Sơn Tây), Thuần Mỹ (Ba Vì), Đắc Sở (Hoài Đức) và Tân Tiến (Chương Mỹ). Cùng với đó, 31 chiếc xe đạp và 31 phần quà trị giá 68 triệu đồng đã được trao cho 31 em học sinh vượt khó học tốt của huyện Ba Vì...
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Ngô Văn Quý cũng đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố, các quận, huyện, thị xã tập trung làm tốt một số nhiệm vụ: Chăm lo thăm, tặng quà, trao học bổng, hỗ trợ khám, chữa bệnh và có các hình thức hỗ trợ khác hiệu quả cho trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em, chỉ đạo lập danh sách bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương; tổ chức nhiều hình thức hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh phù hợp, an toàn. Đồng thời yêu cầu rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn tại các ao, hồ, công trình đang xây dựng, các địa điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em; chỉ đạo và tiến hành kiểm tra nhằm chấm dứt tình trạng điểm vui chơi bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích...
Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến khẳng định, với nội dung phong phú, hấp dẫn những chương trình hành động hướng tới trẻ em khó khăn và trẻ em vùng dân tộc thiểu số sẽ thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia. Các em được trang bị thêm những kiến thức cùng với đó là những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày nói chung như kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em... Có thể liệt kê những chương trình có nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa, như diễn đàn trẻ em với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”; ngày hội “Khoa học kỹ thuật sáng tạo thiếu nhi Thủ đô” năm 2019; hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em; tập huấn nghiệp vụ công tác Đội và kỹ năng tổ chức các hoạt động; tổ chức các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao gồm: Kéo co, nhảy bao bố, giao hữu bóng đá thiếu nhi, vẽ tranh và thuyết trình với chủ đề: “Hành động của bạn - Tương lai của em”.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt của toàn xã hội, nhất là trẻ em dân tộc thiểu số ở huyện Ba Vì luôn được các cấp, các ngành đoàn thể, các bậc phụ huynh quan tâm. Đó cũng là những mục tiêu quan quan trọng đưa những vùng sâu, vùng xa như huyện Ba Vì tiến kịp sự phát triển của thành thị hôm nay./.
Giáo dục Hà Nội đổi mới và hội nhập  (28/11/2019)
Tạo chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020  (26/10/2019)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay