Bình Thuận: Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
TCCS - Xác định hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, Bình Thuận đã đề ra chủ trương và triển khai nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai thi công được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo tích cực, vững chắc cho giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh các tuyến đường bộ cao tốc đường bộ qua địa bàn tỉnh, Bình Thuận còn có hệ thống giao thông đối ngoại chủ yếu dựa trên 4 tuyến quốc lộ, gồm: quốc lộ 1, 55, 28, 28B với tổng chiều dài 512,37km, đường trục ven biển từ La Gi kéo dài đến Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong). Các tuyến giao thông đường bộ này kết hợp với hệ thống đường nội tỉnh đã mang lại hiệu quả giao thông rất rõ rệt. Thời gian đi lại được rút ngắn, khả năng lưu thông hàng hóa tăng lên, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng, đảm bảo an toàn giao thông, tạo cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đưa vào khai thác, cùng với tiềm năng thế mạnh du lịch biển, Bình Thuận từng bước trở thành tâm điểm trong "tứ giác vàng" về du lịch của phía Nam. Năm 2023, tỉnh Bình Thuận đón gần 8,5 triệu lượt khách, với tổng doanh thu du lịch đạt trên 23.000 tỷ đồng; góp mặt vào danh sách 10 tỉnh, thành phố trên cả nước có doanh thu du lịch trên 10.000 tỷ đồng.
Các tuyến giao thông nội tỉnh thời gian qua được chú trọng đầu tư và nâng cấp. Đến nay đã đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường ven biển Hòa Thắng - Mũi Né và đoạn Mũi Né - Phú Hài. Tiếp tục sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đường thuộc các tuyến đường ven biển và các trục đường giao thông chính kết nối với các khu du lịch của tỉnh. Tỉnh còn chỉ đạo rà soát, đầu tư một số đường nhánh xuống biển để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách. Hiện nay, tỉnh tiếp tục nâng cấp, mở rộng các đoạn đường thuộc tuyến ven biển từ Phan Thiết đi Mũi Né, đường ĐT.719 từ Kê Gà (Hàm Thuận Nam) đến thị xã La Gi. Ngoài ra, có 3 tuyến đường tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư để phát triển trọng điểm và cấp bách, đó là: đường ĐT.719B Phan Thiết - Kê Gà, thiết kế dài 25,4 km, rộng 16m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; đường ĐT.719 Kê Gà - Tân Thiện, thiết kế dài 32,4km, rộng 8m, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; đường ĐT.711 có điểm đầu giao quốc lộ 28 (Hàm Thuận Bắc) cắt ngang quốc lộ 1A, điểm cuối giao trục ven biển ĐT.706B, dài 41km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng. Trong những năm tới, tỉnh Bình Thuận tiếp tục đầu tư mạnh để phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng. Trong đó, có tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay Phan Thiết, đường sắt, cảng biển… Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là đòn bẩy để Bình Thuận vươn mình phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trong những năm tới, về phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến kết nối ngang, đầu tư mở mới một số tuyến phục vụ khai phá tiềm năng của tỉnh và kết nối phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch, khu vực dân cư, đô thị. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới đường sắt, đường biển và hàng không đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách.
Đối với hệ thống giao thông đường bộ: Đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường ven biển quốc gia theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn; nâng cấp mở rộng hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối Vĩnh Hảo (tỉnh Bình Thuận) - Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) theo quy định hiện hành để tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh giao thương, phát triển dịch vụ, du lịch giữa các địa phương thuộc tiểu vùng nam Tây Nguyên và tiểu vùng duyên hải Trung Bộ.
Nâng cấp, cải tạo, mở mới một số tuyến đường tỉnh có tính chất quan trọng đạt từ cấp II - III, các tuyến còn lại tối thiểu đạt cấp IV. Xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trục giao thông kết nối với mạng lưới giao thông quan trọng quốc gia (đường quốc lộ 1A, đường bộ cao tốc, đường ven biển quốc gia, đường sắt, cảng hàng không Phan Thiết, bến cảng Vĩnh Tân, bến cảng Sơn Mỹ) đến các khu đô thị, du lịch (nhất là Khu du lịch ven biển quốc gia Mũi Né), các khu, cụm công nghiệp và các khu vực tiềm năng phát triển của tỉnh, bao gồm: (i) Đầu tư 9 tuyến giao thông kết nối liên thông với đường bộ cao tốc đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng, quy mô tối thiểu 2 làn xe; 6 tuyến giao thông chính kết nối đến Cảng hàng không Phan Thiết, Khu du lịch quốc gia Mũi Né; phát triển 5 tuyến giao thông phục vụ phát triển dịch vụ logistics tại khu vực bến cảng Vĩnh Tân. (ii) Đầu tư tuyến đường ven biển nối trung tâm Phan Thiết với khu vực phía Nam và phía Bắc Phan Thiết. Bảo đảm các chỉ tiêu kỹ thuật theo quy mô, tính chất đô thị. Dành quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình ngầm và trồng cây xanh.
Đối với hệ thống giao thông đường sắt: Nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp II, nghiên cứu xây dựng các tuyến đường nhánh kết nối đến bến cảng Vĩnh Tân phục vụ vận tải hàng hóa cho khu vực logistics Vĩnh Tân. Cải tạo tuyến nhánh từ ga Bình Thuận đến ga Phan Thiết phục vụ vận tải hành khách chất lượng cao; xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo quy hoạch được phê duyệt; xây dựng hệ thống các ga đường sắt và hạ tầng kết nối với hệ thống giao thông đối ngoại.
Đối với hạ tầng cảng biển: Hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp các bến cảng trên địa bàn tỉnh, trong đó bến cảng Vĩnh Tân, bến cảng Sơn Mỹ phục vụ phát triển công nghiệp, năng lượng; bến cảng Kê Gà phục vụ nhà máy điện khí LNG Kê Gà. Bến cảng Phú Quý, bến cảng Phan Thiết phục vụ cho vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phát triển du lịch. Nghiên cứu xây dựng các bến cảng du lịch và bến cảng chuyên dùng phục vụ công nghiệp khai thác, chế biến sâu titan gắn với xuất khẩu sản phẩm, phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với hạ tầng cảng hàng không: Xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng Cảng hàng không Phan Thiết đạt cấp 4E, công suất đạt 3 triệu hành khách/năm theo đúng tiến độ; thực hiện duy tu, bảo dưỡng và nghiên cứu cải tạo, nâng cấp, mở rộng năng lực khi cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay chuyên dùng tại huyện đảo Phú Quý theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.
Huyện Hàm Tân: nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế  (06/11/2024)
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm