Khu 5: Khu du lịch phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn
17:53, ngày 04-03-2012
Trong cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc năm 1788 – 1789, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn giữ vai trò chiến lược quan trọng trong giai đoạn rút lui chiến lược cũng như giai đoạn phản công chiến lược. Đó là giới hạn rút lui cuối cùng của quân Tây Sơn ở Bắc Hà. Đó cũng là địa điểm tập kết của đại quân Tây Sơn do Quang Trung thống lĩnh từ phú Xuân kéo ra. Và đó cũng là bàn đạp của cuộc phản công chiến lược, là căn cứ xuất phát của các đạo thuỷ bộ hùng binh Tây Sơn tiến ra đại phá quân giặc.
Thế nhưng, sử sách xưa ghi chép sơ lược đến mức hầu như không thể hình dung được cách tổ chức phòng tuyến, thậm trí vị trí đèo Tam điệp ở đâu cũng không xác định được. Điều may mắn là tuy 187 năm đã trôi qua (1789 – 1976), nhưng phòng tuyến Tam Điệp lịch sử đó còn để lại một số di tích và dấu ấn đậm đà trong ký ức của nhân dân qua nhiều truyền thuyết dân gian phong phú. Gần đây, những người làm công tác sử học đã phát hiện và khảo sát những di tích đó.
Núi Tam Điệp, xét về mặt địa lý, là dải cuối cùng của vòng cung đá vôi Hoà Bình ăn ra gần sát biển. Đó là một dải núi đá vôi xen lẫn một số đồi đất ở vào vùng giáp giới hai tỉnh Hà Nam Ninh và Thanh Hoá. Núi Tam Điệp tự nó đã có giá trị như một bức tường thành thiên nhiên lợi hại ngăn cách hai vùng Ninh Bình – Thanh Hoá và án ngữ các đường thuỷ bộ từ Thăng Long vào Thanh Hoá. Đấy là đường Thiên lý qua đèo Tam Điệp; đường núi (hay thượng đạo) qua Phố Cát và đường thuỷ qua cửa Thần Phù.
Bộ binh Tây Sơn lui về giữ Tam Điệp là chiếm lĩnh một tuyến địa hình lợi hại, giành nơi dừng chân vững chắc trong phòng ngự cũng như tiến công. Quân Tây Sơn tổ chức phòng ngự nhằm ngăn chặn các đường giao thông qua Tam Điệp, chủ yếu là đường Thiên lý.
Đường Thiên lý qua ải Tam Điệp rồi men theo các vách núi đá vôi dựng đứng, băng qua một số thung lũng và trườn qua đèo Tam Điệp gồm ba đỉnh đèo, rồi vào đồng bằng Thanh Hoá. Di tích của con đường giao thông cổ đó đến nay vẫn còn từng đoạn và có nơi cách quốc lộ 1 đến 4 km về phía đông. Trên đỉnh đèo cao nhất với độ cao 110m còn tấm bia đá khắc bài thơ “qua núi Tam Điệp” ( quá Tam Điệp Sơn) của thiệu trị khi tuần du qua đây năm 1842. Đỉnh đèo phía Bắc cao 68m, phía Nam cao 80m. Qua đèo Tam Điệp ( hay đèo Ba Dội) mới hiểu được những lời thơ mô tả hết sức hiện thực và sinh động của “bà chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương.
Một đèo, một đèo lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Trước ải Tam Điệp còn di tích thành luỹ của quân Tây Sơn. Luỹ dài 135m, chân rộng 15m, có chỗ cao 1,8m, nối liền hai mạch núi đá vôi nhằm chặn một lối đi qua đấy. Thành rộng gần một mẫu Bắc bộ, hình gần vuông, chân rộng 7m, có chỗ cao hơn 2m. Phía ngoài thành đều có hào, di tích còn lại có chỗ rộng 4m, sâu 0,5m. Thành nằm gần đường Thiên lý và giữ như một tiền đồn phía bắc cửa ải. Những luỹ này được xây dựng từ trước và quân Tây Sơn đã tu bổ, xây dựng khi lập phòng tuyến Tam Điệp. Vì vậy nhân dân địa phương thường gọi “đồn lính trú cổ triều” hay là “luỹ Quang Trung”, “đồn Tây Sơn” Biện Sơn là một hòn đảo ở phía nam Thanh Hoá, nay thuộc xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia. Đảo rộng gần 4km vuông, dài hơn 4km, chiều ngang chỗ rộng nhất hơn 1km, cách gần 1km. Phía ngoài Biện Sơn còn một loạt đảo lớn nhỏ như đảo hòn Bung, đảo hòn Sò, hòn Sập … lớn nhất là đảo hòn Me.
Thuỷ quân Tây Sơn rút về giữ Biện Sơn là kiểm soát con đường thuỷ ven biển từ Bắc vào Nam và chuẩn bị sẵn một căn cứ tập kết và xuất phát cho các đạo thuỷ binh.
Phía Bắc đảo Biện Sơn có vũng Biện Sơn ăn lõm vào, ba bề núi bao bọc. Hàng trăm chiến thuyền có thể đậu an toàn trong vũng sóng yên biển lặng ấy. Trên đảo còn di tích ba thành nhỏ, xây theo lối ghép đó.
Thành Đồn ở phía đông Bắc, hình tròn, đường kính phía trong là 72m. Thành dày 10m, có chỗ cao đến 3,5m, phía trên thành đắp thêm tường phụ cao 1m, dầy 1,2m.
Thành Hươu ở phía đông nam, cũng hình tròn, đường kính phía trong 13m. Thành dày 1,3m, chỗ cao 1,7m. Nhân dân gọi là “thành Hươu” vì gần đó có ghềnh đá hình con hươu.
Thành Ngọc ở nam tây đảo, phía trên vũng Ngọc ( vì vậy gọi là thành Ngọc), thành hình bán nguyệt, đường kính phía trong 22m và đã bị phá huỷ nhiều chỗ.
Những thành trên đảo Biện Sơn đã có từ đời Lê và quân Tây Sơn sử dụng trong thời gian đóng quân ở đây. Sau đó, nhà Nguyễn sửa chữa lại, lập thành đồn Biện Sơn (thành Đồn) và pháo đài Tĩnh Hải (thành Hươu). Di tích cả hai thành này đã qua sự tu tạo của nhà Nguyễn.
Những di tích trên là những tư liệu lịch sử rất quí, cho phép bổ sung những thiếu sót của sử sách, khôi phục một cách đầy đủ hơn phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn của quân đội Tây Sơn.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, trên phòng tuyến Tam Điệp – Biên Sơn không sẩy ra một trận đánh nào. Nhưng chính bằng chiến tuyến đó, một binh lực nhỏ của quân Tây Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bí mật cho đại quân Tây Sơn do Quang Trung trực tiếp chỉ huy tiến ra tổ chức cuộc phản công chiến lược và cũng chính từ chiến lược này, 5 đạo quân Tây Sơn xuất trận, hình thành thế trận tiến công bất ngờ, thần tốc, giáng những đòn sấm sét nghiền nát hàng chục vạn quân xâm lược, lập nên chiến công kỳ diệu của màu xuân Kỷ Dậu năm 1789, giành lại độc lập, thực hiện thống nhất nước nhà.
Đèo Tam Điệp
Đèo Tam Điệp là một tuyến phòng ngự rất lợi hại, mang vị trí chiến lược quan trọng trong quân sự cũng như bức tường thành thiên nhiên án ngữ cong đường thiên lý ra Bắc vào Nam.
Đèo thuộc thị xã Tam Điệp, cách phía Nam thị xã Ninh Bình khoảng 18 km. Nơi đây có 3 dẫy núi chạy suốt từ Hoà Bình về. Chỗ đá hạ thấp xuống gọi là đèo. Từ bắc vào đến địa phận này có ba đèo liền nhau nên gọi là Tam Điệp. Đèo thứ nhất cao 68m, đèo ở giữa cao 110m, đèo thứ ba cao 80m (so với mặt nước biển).
Đèo Tam Điệp còn gắn liền với một sự kiện lịch sử. Tháng Chạp năm Mậu Thân, tại nơi đây vua Quang Trung đã mở tiệc khao quân ở đèo Tam Điệp trước khi ra bắc lần thứ hai.
Đèo Tam Điệp không chỉ là một thắng cảnh đẹp mà còn là một di tích lịch sử nổi tiếng đã đi vào thơ văn của các thi sĩ xưa và nay.
Động Tam Giao
Từ thành phố Ninh Bình theo quốc lộ 1A đi Thanh Hoá, qua đền Dâu (ở thị xã Tam Điệp), rẽ tay trái đi khoảng 3km nữa là đến động Tam Giao.
Động nằm trong một dẫy núi đá vôi bắt nguồn từ Hoà Bình đổ về, chạy dài, là ranh giới giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hoá.
Nước mưa chảy nhiều, ngấm vào núi đá theo đường kẽ nứt trong đá vôi, đục rỗng núi từ bên trong đã làm thành động. Động có từ lâu, che kín sau những lùm cây um tùm, rậm rạp. người dân ở đây đi chặt củi mới tìm ra động vào tháng 3 năm 1986.Động ở lưng chừng núi, có ba cửa vào ra và ba buồng giao nhau nên gọi là Tam Giao.Du khách thăm động phải đi theo sườn núi phía Tây hoặc phía Bắc, vào cửa Bắc, trên độ cao so với chân núi khoảng 150 mét. Cửa Bắc hướng về thị xã Tam Điệp. Cửa Nam động thấp hơn, hướng về phía động Từ Thức (Nga Sơn Thanh Hoá). Cửa tây động hướng về đèo Tam Điệp (Đèo Ba Dội ).
Vào qua cửa tây, bước vào động là buồng thứ nhất, được gọi là "Cung Bái Yết", rộng khoảng 80m2. Từ nền động lên đến trần động cao khoảng 30 mét. ở gần cửa Tây, có khối nhũ đá tròn, chảy dài từ trần động xuống nền động, trông giống như 3 cột hiên nhà. Trong động có nhiều nhũ đá có hình thù voi chầu, hổ phục, sư tử múa, đại bàng bay, Phật Bà Quan Âm, ông Tiên, cô Tiên và những đám nhũ đá chảy dài như những thác nước...
Từ bên tay trái buồng thứ nhất, du khách bước sâu xuống gần 10 mét nữa là đến buồng thứ hai, được gọi là " Cung Đàn Thần ", hay " Động Âm Nhạc ". Trong động toàn nhũ đá chảy dài từ trên cao xuống nền động thẳng tắp như những dây đàn. Du khách chỉ cần cầm một hòn đá nhỏ, gõ vào " những dây đàn" đó là có thể nghe được những âm thanh phát ra đủ bảy nốt nhạc. Nếu du khách gõ liền một mạch, nhịp tay nặng nhẹ, sẽ được nghe một bản nhạc độc đáo của cây đàn đá vang vọng, như không bao giờ dứt.
Muốn vào buồng ba, phải bước xuống một cái hang rồi bước sâu khoảng gần 20 mét nữa mới tới nơi. Buồng ba được gọi là "Cung Kim Cương" còn gọi là "Kho Kim Cương". Đây là buồng dài, rộng nhất, cao sâu thăm thẳm, cũng có rất nhiều nhũ đá có hình dáng chim muông, hoa quả như: Chim Bói Cá, cây Vạn Tuế, dàn Bí Xanh, quả Phật Thủ, quả Khế.... vừa như hữu hình vừa như vô hình. Trong động cũng có các nhũ đá gõ vào sẽ phát ra những âm thanh trầm bổngnhư từ chốn xa xôi nào vọng xuống động.
Mùa đông vào đây du khách sẽ cảm thấy ấm áp, còn mùa hè thì mát lạnh. Khoảng giữa vách"Cung Kim Cương" có dòng nước chảy ngầm từ trên cao xuống, tạo thành một dòng nước nhỏ dài vài mét, nước không bao giờ cạn, trong vắt, được gọi là " Suối Giải Oan ".
Men theo "Suối Giải Oan", chui sâu xuống một cửa hang nhỏ hẹp ở bên phải mới đến được "Kho Kim Cương". "Kho Kim Cương" như một ngôi nhà hình tháp, cao khoảng trên 20 mét. Điều kỳ lạ là,khi có ánh đèn pin hoặc có ánh sáng chiếu vào, du khách sẽ nhìn thấy một vách động ánh sáng như nhảy múa trong màn đêm, nhũ đá phát ra sắc mầu lấp lánh sáng long lanh như được khảm bạc, dát vàng, như kim cương. Nền" kho Kim Cương" rất phẳng, rộng khoảng 20m2.
Từ "Kho Kim Cương", du khách ra theo đường đã vào, bước lên nèn buồng ba, đi thẳng xuống bên phải là một khang sâu thăm thẳm. Hang này có "lối lên trời", tức là có đường leo lên đêns tận đỉnh núi nhìn thấy trời xanh và có "lối xuống âm phủ" là đường xuống hang sâu, càng xuống miệng hang càng nhỏ dần, trần hang càng cao, với nhiều ngóc nghách, sâu đến vài chục mét. có lẽ, chưa ai dám đi hết "lối âm phủ này".
Núi Quan, Hang Phật, Quèn Ma
Từ thành phố Ninh Bình, du khách đi theo Quốc lộ 1 về phía Nam, sẽ gặp Thị xã Tam Điệp. Nơi đây trước năm 1945 vốn là khu rừng núi hoang vu thuộc huyện Yên Mô. Con đường quốc lộ 1 ( trước kia là đường thiên lý từ Bắc vào Nam) chạy ngang qua thị xã xưa kia hoang vắng, nay đã trở nên sầm uất.
Thị xã Tam Điệp có ba phường và bốn xã. phía Bắc làng Quang Hiền, xã Quang Sơn, có một rặng núi chạy dài. Phía Đông đầu rặng núi ấy, tục gọi là núi Ông hay núi Quan, có một hang nhỏ. Cửa hang ẩn khuất dưới những tán lá cây cối um tùm, đứng dưới chân núi không trông thấy được. Trong hang có một pho tượng Phật khắc nổi trên vách đá. Người dân nơi đây thường gọi là Hang Phật.
Đường lên Hang Phật không khó. Cửa hang chính nằm ở độ cao cách chân núi gần 40m, khuất sau những tảng đá và cây cối. Cửa này không rộng mà cũng không cao lắm, người lớn phải cúi lưng mới vào được, bề rộng chừng 1,2m, cao hơn 1m. qua cửa phải đi theo một giải hẹp cheo leo gần chục mét, ta bước vào cửa hang có tượng phật, cửa hang này cũng hẹp như cửa vào chính, nhưng khi bước qua ta thấy vòm hang cao và rộng hơn, có chỗ cao hơn 3m âm u và tĩnh mịch, nơi này lại có một cửa hang thông ra hướng chính nam cao và rộng hơn hai cửa kia.
Pho tượng Phật được tạc nổi trên vách đá, cao 0,75m, nhìn ra cửa chính nam, không biết được khắc từ bao giờ, nhưng chắc chắn vào những thế kỷ trước khi con đường thiên lý ( quốc lộ 1 ngày nay ) ở đoạn cửa ngõ Bắc- Nam này có nhiều hoạt động quân sự cũng như dân sự sầm uất, bởi vì gần đó người ta còn phát hiện tấm bia khắc đá vào giữa thế kỷ 16 vào thời kỳ đầu nhà Lê Trung Hưng. Tấm bia khắc trên vách đá nói về việc mở đường núi Quan, dựng cầu qua sông và lập chợ ở khu vực làng Quang Liệt này.
Tượng Phật ngồi xếp chân kiểu kiết giá ( bắt chéo chân), theo cách ngồi của nhà sư thiền định, bàn tay để ngửa chồng lên nhau đặt trong lòng. Đầu đội mũ có chỏm nhọn, trước mũ có vòng tròn nhỏ, tai đeo vòng, sống mũi thẳng, đôi mắt lim dim trầm tư suy nghĩ và đôi lông mày cong nhẹ. Đường nét điêu khắc tinh xảo có thể cho ta thấy rõ tấm áo như dán vào thân và hằn lên những đường gờ cong tuyệt tác. Tượng ngồi trên một toà sen cao khoảng 0,20m, đang trong tư thế tĩnh toạ nhập thiền trong hang lạnh âm u và huyền bí.
Gần nơi hang Phật này, cũng thuộc dãy núi Ông (còn gọi là núi Quan) ở phía Bắc làng Quang Hiển, phía dưới chân núi có một bãi cỏ rộng ngăn cách với làng bởi một con sông nhỏ. Người ta bảo núi này có Quèn Ma. Tương truyền, tại nơi bãi cỏ ở chân núi này có Ma họp chợ ( chợ Ma). Người đướng từ xa nhìn nơi đây thấy quang cảnh như một phiên chợ họp đông vui náo nhiệt mua bán sầm uất, thậm chí còn có thể nghe thấy cả những âm thanh của một phiên chợ chiều. Nhưng khi đến gần thì không thấy gì, không một bóng người, không một tiếng động ngoài tiếng chim chóc trên cây bên sườn núi và tiếng gió thổi qua cành lá.
Huyền thoại nói rằng ở đó có Ma họp chợ, vì thế mới có câu:
Nước độc lang ca,
Ma thiêng Quang Hiển.
Dân làng Quang Hiển vẫn lưu truyền cho nhau nhiều mẩu chuyện quái dị về chợ Ma không biết có từ bao giờ, nhưng truyền qua người này đến người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã ăn sâu vào tâm trí người dân làng xưa kia, đến nỗi người nhát gan khi đi qua khu vực bãi trống dưới chân núi này, nơi" Ma" họp chợ, đều cảm thấy sợ hãi. Chỉ một thoáng động nhẹ, một con vật chạy trong bụi rậm hoặc một tiếng chim vỗ cánh bay là đã gây nỗi sợ hãi khiến họ phải hốt hoảng bỏ chạy.
Gần đây người ta còn phát hiện ở gần Quèn ma này một tấm bia khắc chữ Hán trên vách núi. Tấm bia đá có diện tích hơn 1 mét vuông, trên khắc 339 chữ Hán gồm 2 phần: phần văn xuôi và phần lạc khoản, gồm 1 khổ thư có 22 dòng thơ 4 chữ.
Nội dung bài văn bia như sau:
Bia sửa đường núi Quan, dựng cầu gỗ, mở chợ.
Bia dựng để ghi việc Thiếu Bảo Từ Quận Công và Đông Sơn Hầu cho sửa đường núi Quan, dựng cầu gỗ và mở chợ.
Vua Thuận Bình muôn tuổi, năm thứ 7, Ât Mão, tiết thanh minh. Mây lành nở hoa ưu bát (hoa sung), mưa nhuần cây cỏ, bất thần nẩy ý, lại cảm duyên lành.Có quan Đề lĩnh trưởng Thái Bảo Từ Quận công, Đại Sĩ Đông Sơn hầu trên đường hành đạo phát tâm bồ đề thấy xã Quang Liệt, huyện Yên Mô trên có núi Quan gập ghềnh khó đi mới gọi thợ đá sửa thành đường bằng phẳng, dưới có dòng sông sâu nước trong mới gọi người đem gỗ làm cầu để có đường đi qua sông, lại dựng lều quán để người qua đường có chỗ nghỉ ngơi, mở chợ búa để dân trong vùng có nơi mua bán trao đổi. Điều đó chẳng những ngày nay có lợi mà còn mong muốn dấu vết sáng soi muôn thuở. Mới cùng mọi người chốn trần gian mở khai bến mới, lập hội một ngày đêm lên núi báu cùng hưởng tuổi thọ. Nay việc công đức đã vuông tròn bèn chạm khắc vào đá để lưu truyền mãi mãi.
Thập kỷ thứ 2 và thứ 3 của thế kỷ 16, triều đình nhà Lê suy yếu. Từ năm 1522, thế lực các vua Lê ngày càng tàn tạ. Dựa vào công lao của mình trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông đân và các thế lực chống đối, lại được sự ủng hộ của một số quần thần, Thái Phó Nhân Quốc công Mạc Đăng Dung phế bỏ vua Lê Chiêu Tông, lập Lê Xuân lên làm vua tức vua Lê Cung Hoàng, sau đó đến năm 1527 nhận thấy sự bất lực của nhà Lê và thần dân trong nước đã theo mình, Mạc Đăng Dung bức vua Lê phải nhường ngôi và lập ra nhà Mạc.
Trong những năm trước đó, do đại hạn năm 1512 dân trong nước đói lớn và năm 1517 nạn đói lại hoành hành, nhân dân trong vùng chết đói nằm gối lên nhau. Các cuộc khởi nghĩa của nông dân bùng lên khắp nơi như Kinh Bắc, Sơn Tây, Hưng Hoá, Thanh Hoá, Nghệ An ...
Quan quân triều đình phải đi đánh dẹp nhiều. Tiếp theo đó là sự tiếm ngôi của Mạc Đăng Dung mở đầu một thời kỳ mà sử học goi là Nam - Bắc triều ( 1533-1592). Một triều đình mới của nhà Lê hình thành ở Thanh Hoá, sử gọi là Nam triều và nhà Mạc ở phía Bắc gọi là Bắc triều. Các cuộc chinh chiến cứ xảy ra liên miên giữa Nam và Bắc triều trong nhiều thập kỷ, kéo dài đến tận cuối thế kỷ thứ 16, năm 1592 mới kết thúc nhà Mạc.
Trong tấm bia khắc trên vách núi làng Quang Liệt có nói đến hai nhân vật là Thái Bảo Từ quận công và Đại Sĩ Đông Sơn hầu là hai nhân vật của thời kỳ đó.Từ Quận công có thể là Võ Hộ (hay vũ Hộ). Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Vũ Hộ người Thù Du, huyện Nghi Dương( Hải Phòng), năm 1520, Quang Thuận thứ 5 khi ông mới có tước hiệu là quỳnh Khê hầu được Lê Chiêu Tông sai đi đánh Vũ Nghiêm Uy làm loạn ở Tuyên Quang. Ông là em rể của Mạc Đăng Dung đang có thế lực chuyên quyền.
Cũng theo Khâm định Việt sử thông giám cương định, năm 1523 Mạc Đăng Dung tiếm quyền lập Lê Xuân lên làm vua, nhưng hai thế lực một bên là Mạc Đăng Dung và bên kia là Lê Cung Hoàng (Lê Xuân) cùng với quần thần trung thành với nhà Lê tìm cách diệt nhau, các trận đánh xẩy ra ở nhiều nơi.
Năm đó (1523) Mạc Quyết, Vũ Hộ, Vũ Như Quế kéo quân đánh Trịnh Tùng ở Thanh Hoá. Đường đi chiến dịch phải qua đèo Tam Điệp thuộc huyện Yên Mô và qua làng Quang Hiển ( tên cũ là Quang Liệt), nên có thể sau khi thắng trận Vũ Hộ (khi đó là Quỳnh Khê hầu) cùng với Mạc Quyết ( khi đó là Đông Sơn hầu) ban ân cho dân làng được sửa đường, bắc cầu gỗ qua sông Quang Hiển và dựng chợ để dân có chỗ trao đổi mua bán.
Tấm bia khắc năm 1555, khi đó Vũ Hộ đã là Từ Quận công, còn Đông Sơn Hầu Mạc Quyết là em trai Mạc Đăng Dung đã được phong tước vương là Tín Vương từ năm 1527. Vậy thì có thể người soạn bia gần 40 năm sau là Vũ Tuyên Khanh đã lầm chăng?
Nhưng có một điều rất rõ mà trong tấm bia đá nói, đó là vào thời điểm Từ Quận công và Đông Sơn hầu cho sửa đường núi Quan, dựng cầu và lập chợ thì làng Quang Liệt khi đó đã là nơi cư dân đông đúc, bán buôn sầm uất và cũng là nơi có nhiều doanh trại quân đội đóng. Có thể pho tượng Phật trong hang Phật ở núi Ông cũng được tạc trong thời kỳ này. Ngày nay, dưới chân núi Quan có nhiều di tích như có vài nơi nền đất chắc và cao hơn mặt ruộng, phải chăng đó là nền của các đình, chùa, dinh thự,doanh trại còn sót lại đến ngày nay. Dù sao, hang Phật, Quèn Ma và tấm bia trên vách núi Ông (núi Quan) làng Quang Hiển, thị xã Tam Điệp là di tích và những thắng cảnh của đất Yên Mô, Tam Điệp. Đó là những tư liệu quý để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử xã hội vùng Tam Điệp, Yên Mô, Ninh Bình vào giai đoạn Nam - Bắc triều trong thế kỷ thứ 16./.
Khu 3: Vườn quốc gia Cúc Phương, Kỳ Phú, hồ Đồng Chương  (04/03/2012)
Khu 2: Khu du lịch Trung tâm Thành phố Ninh Bình  (04/03/2012)
Khu 1: Tam Cốc Bích Động - Cố đô Hoa Lư – Hang động Tràng An  (04/03/2012)
Lễ hội truyền thống  (04/03/2012)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên